...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Vạt Aó Nàng Tiên

truyện ngắn của Ngô Phan Lưu


Khi đối diện thác Vực Phun, T. hứng khởi nói với bà K. ngồi cạnh:
“Đây là Vực Phun, một thắng cảnh quê tôi. Tôi dân Phú Yên chánh ngạch, thế mà cũng bị nó bỏ bùa. Bị mê hoặc đến nỗi tôi không làm thơ mà cũng thành thi sĩ. Bài thơ của “thi sĩ vườn” như thế này, đọc nghe nhé:
“Sáng nay đi Vực Phun
Đêm qua cứ mong trời sáng
Chân trên giường mà lòng trên núi
Vực Phun tung bọt trắng trời
Sáng nay đi Vực Phun
Năm người xuất hành hăng hái
Gửi xe ven rừng trèo lên dốc đá
Đường quanh co đá núi trùng trùng
Chúng tôi trèo lên cao
Quăng sau lưng đồng bằng phố thị
Miền lo toan lao xao cười nói
Lan rừng thơm thoảng đâu đây
Vẫn chưa tới Vực Phun
Thầy N.  dẫn đường bảo thế
Đường leo trèo còn hơn nửa rựa
Bác A. mệt nghỉ lưng đèo
Chúng tôi qua giếng Tiên
Tảng đá to bằng ngôi nhà cao ngất
Có nhà tu hành ngày xưa ở đấy
Hồn trên trời tiếng chuông mõ vang vang
Tiếng hót chim muông trong veo như ngọc
Bãi đá chạy dài sạch sẽ như lau
Gió mát rượi khí trời tinh khiết quá
Chẳng vẩn vơ một tí bụi trần
Ô kìa Vực Phun trước mặt
Bờ đá cao xé rách vòm trời
Từ thinh không nước ào đổ xuống
Trắng phau… vạt - áo - nàng - Tiên.”


Cả tốp đi chơi vỗ tay lấy lệ, riêng bà K. vỗ tay to và dai nhất. Bà nheo mắt nhìn T. và cười. Sống mũi nhăn nhíu trông ngộ nghĩnh. Lạ thật, bà cười mà cứ như thể “dọa” ai. Nếu xách nụ cười ấy gần trẻ thơ, chắc chúng chết siếng, nhưng người lớn lại vui nhộn.

 
 Minh họa: Thành Chương

Hôm đi Vực Phun, tốp của T. gồm 5 người, trong đó bà K. đang trong tiến trình trở thành “bồ” của T. mà các người kia không biết. Đã có một quá trình chuẩn bị chuyện này, nên  T. giấu nhẹm. Lớn rồi mà “bồ” thì  nó sẽ “bịch” cho xem. Khó coi lắm. Phải cẩn thận. Mà cũng lạ, khi leo núi gian khổ như thế này, người ta lại trẻ ra. Bằng chứng, tuy thở hổn hển, T. vẫn làm được thơ và đọc rất diễn cảm. Bà K. khen:
“Ông T. xuất khẩu thình lình, mà nghe rất thơ. Tôi chịu chết món này.”- Nói xong, bà lại cười (xin lỗi, bà lại “dọa”).

T. thấy bà K. trẻ hẳn. Đôi má hồng hào, nổi lên những vân máu li ti và lốm đốm mồ hôi. Đột ngột anh nhớ một câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Anh vẫn còn thơ về đây giáng bút/ Em còn hoa đủ kết hoa đăng.”  T. thầm nghĩ, anh và bà K. vẫn còn đủ cho một cuộc tình xảy ra. Chẳng dư chút nào. Vừa đủ thôi. Nhưng vài năm nữa sẽ thiếu hẳn.

Lại cũng thật đột ngột, lời của một ông bạn cũ bỗng thều thào trong tai anh: “Khi người ta vào vùng U70, cũng thể như đi lính mà lên cấp Tướng. Chán việc bắn giết địch thủ quá rồi.  Súng ống chỉ ưa lau chùi cất kỹ.” Anh lập tức gạt lời thì thào hắc ám của lão bạn ra khỏi tâm trí. Vứt nó xuống sông. Anh lại nhìn bà K. một chặp. Anh cố gắng cười. Cố gắng cười thật tươi nhưng chẳng biết có tươi hay không? Lâu quá, anh đã không chú ý đến việc cười. Giờ vì bà K. anh phải tập cười.


Lúc này tốp của T. đã ngồi trên bãi đá đối diện thác Vực Phun. Bỗng thầy N. vác rựa đi săn lan rừng. Bác A. lấy giấy bút đi tìm góc ngắm để vẽ tranh. Chú B. đột ngột xách máy ảnh đi lung tung. Có lẽ, họ đã đánh hơi được tình cảm khắng khít giữa anh và bà K. Họ đã lịch sự bỏ đi. Họ cố ý đi xa để anh có chút thời cơ “làm ăn”.

T. tháo giày bata leo núi, thòng hai bàn chân xuống khe nước chảy trong vắt. Nhìn hình ảnh hai bàn chân mình cứ dập dềnh chực trôi ra ngoài bìa đá, anh nói:
“Em gối đầu lên bắp vế anh nằm cho khỏe. (Cái miệng T. tự động đổi cách xưng hô, đã gọi “em” mà không kêu “bà”) - T. lắc cổ kêu rắc rắc, nói tiếp - Em ngả được lưng sẽ khỏe ngay. Em ngủ một chốc lại càng tốt.”

 
 Ảnh: Trung Kiên

T. vừa dứt lời, bà K. liền ngoan ngoãn làm theo lời anh. Mắt vẫn ngắm thác Vực Phun tung bọt trắng xóa, giọng ngọt ngào vang lên:
“Quê hương anh nhiều cảnh đẹp lắm! (Cái miệng bà cũng thế, cũng tự động đổi cách xưng hô êm ái lạ thường). Em nhớ có thắng cảnh cấp quốc gia Gành Đá Dĩa nữa, phải hông anh?”.
“Em nói đúng - T. dòm xuống khuôn mặt bà K. có vẻ đang thở gấp. Anh nói tiếp - Nơi nào núi sông hùng vĩ, chỗ đó dân cư nghèo khổ.”

Nghe thế, bà K. trườn đầu xích vào bụng anh, ngạc nhiên nhìn lên:
“Tại sao vậy?”

T. thò tay vén mái tóc gió thổi tấp lên mặt bà K. rồi đằn tay, không cho gió bay. Anh trả lời chậm rãi:
“Tạo hóa rút ruột nơi đó để tạo danh lam thắng cảnh, còn màu mỡ đâu mà con người phát triển.”

Nghe thế, bà cười thật nhẹ. Lần cười này, sống mũi bà không nhăn nhíu. Trông thật đẹp.

Bà K. người miền Tây, T. quen năm ngoái trong một đám cưới ở An Giang. Lúc đó, bà đi họ phía nhà gái, anh đi họ phía nhà trai. Khốn nỗi, bà lại xem nhiều tranh của anh và thích nó. Có lẽ bà thích tranh rồi thích luôn tác giả. T. đâm ra yêu bà K. ngay từ lúc đó. Anh là đàn ông. Mà đàn ông là đứa trẻ lâu năm thế thôi. Càng lâu năm càng trẻ nhỏ. Ai thương thằng trẻ nhỏ, thằng trẻ nhỏ sẽ thương lại. Lần này, bà K. ra miền Trung vì công chuyện kinh doanh. Bà sắp xếp thời gian dành thăm T. một ngày. Phụ nữ không nhậu nhẹt bia rượu. Nếu trò chuyện cả ngày, T. lấy đâu ra chuyện để nói. Nhà T. đến núi Đá Đen không xa, thế nên mời bà đi chơi thắng cảnh Vực Phun là giải pháp tối ưu. Nhưng mời bà K. lại phải mời những bạn quen. Mời họ đi có bạn, để đối phó với nguy hiểm rừng núi tiềm ẩn.

“Em thấy anh đâu có già. Còn được quá đi chớ.” - Bà K. đột ngột nhận xét.
“Cũng già đấy. Em nhìn hơi lâu nên anh bớt già. Em cũng trẻ chán, lại “mốt” nữa, nên càng...” - T.  bỏ lửng câu nói. Anh im lặng, mắt vẫn ngắm thác Vực Phun tung bọt.
“Nên càng gì?” - Bà K. ngước mắt nhìn T., hỏi dồn.
“Càng ngon.” - Anh đáp chắc nịch.

Bà liền nhằng miệng dữ dằn, véo vào bắp vế non. Anh giật thót. Véo giả vờ. Hung hãn cũng giả vờ. Giật thót cũng làm bộ thế thôi.

T. chợt nhớ tới một ý tưởng hay hay của Umberto Eco mà một bà bạn đã thích và mách cho anh. Đại khái là: “Chàng không thể nói với nàng: “Anh yêu em điên dại”, bởi vì chàng thừa hiểu rằng nàng biết câu ấy đã được Barbara Cartland nói ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn một giải pháp khác. Chàng có thể nói: “Như Barbara đã từng nói, anh yêu em điên dại”. Làm vậy, chàng tránh được sự ngây thơ giả tạo, nhưng lại nói được rành mạch những gì không còn có thể nói một cách ngây thơ.

Chàng lại cũng nói lên được những gì chàng muốn nói với người đàn bà: rằng chàng yêu nàng, nhưng chàng yêu nàng trong một thời đại đã mất hết sự ngây thơ. Nếu người đàn bà hiểu được điều này, nàng cũng đồng thời nhận được một lời tỏ tình trọn vẹn. Cả hai người đều không còn cảm thấy mình ngây thơ nữa. Cả hai đều chấp nhận sự thử thách của quá khứ, của cái điều thiên hạ đã nói rồi, mà điều ấy lại không thể bỏ được. Cả hai sẽ cùng tỉnh táo và khoái trá… Nhưng, nhờ đó cả hai đều thành công trong việc tỏ tình”. T. bật cười với ý tưởng sáng trưng ấy.

“Anh cười gì?” - Bà K. ngồi bật dậy.

 
  Ảnh:Nguyen Van Khanh

T. đáp:
“Gần em, anh tập cười cho quen. Cười không có mục đích.”
“Úi trời! Đáng ghét quá, nên… phải nhéo một cái nữa”.

Vừa nói, bà vừa há cong hai ngón tay chờn vờn trước mặt như gọng kìm:
“Nhéo vào chỗ nào?” - Bà nghiến răng hỏi.

Trước câu hỏi quá đột ngột và hóc búa này, T. đáp bừa:
“Chỗ nào em thấy “ngon” thì cứ việc.”
“Không “ngon” chỗ nào hết.” - Bà K. thu tay lại. Bà lại ngả đầu lên bắp vế T. như có vẻ ngủ. Anh cũng ngã ngửa người, nằm xuống tảng đá cho mát lưng. Hai người nằm thành hình chữ T. tên anh.

Trên cao mặt anh chờn vờn vòm bầu trời sáng đục. Một vòm sáng màu sữa tươi lấp lánh. Màu sữa tươi lấp lánh này anh mới thấy lần đầu. Có lẽ đây chính là màu nắng bị màu xanh lá rừng hắt lên, trộn với màu hơi nước thác Vực Phun tan vào. Một màu sữa lấp lánh rất mỏng, rất gần, rất rộng mà anh có thể cuộn lại và trải ra.

Tai anh âm vang tiếng thác đổ ầm ào liên tục một nhịp điệu vĩnh cửu, làm cho không gian yên tĩnh cực kỳ. Nếu không có tiếng thác đổ, không gian chẳng yên tĩnh đến thế. Trong sự yên tĩnh ầm ào ấy, bắp vế anh cảm nhận được nhịp đập mạch máu thái dương bà K. Giờ này, T. nghĩ mình không nên có tiếng nói. Sự im lặng là lời tỏ tình giá trị trong một thời đại lắm mồm. Một cảm nhận hạnh phúc luân lưu êm ái trong huyết quản. Cái đầu bà K. gối nơi bắp vế anh đang nghĩ gì ngay lúc này? Anh tự hỏi. Rồi anh tự trả lời. Bà ấy có lẽ cũng hạnh phúc như mình. Xong, anh lại tự phản đối. Không. Đó là một câu trả lời sai.

Sự phản đối lập lại lần nữa: đó là câu trả lời sai. Như một phản xạ không cưỡng được, T. vụt bật dậy. Nhìn bà K. vẫn nhắm nghiền mắt, anh khòm lưng xuống và hôn nồng nàn. Hai tay bà bấu chặt vào vai anh. T. rút hai bàn chân ra khỏi rãnh nước, xoạt qua, nằm lên người bà. Một cái hôn của tư thế nằm chồng lên nhau thật tuyệt vời. Bầu trời màu sữa lấp lánh ai đó đã cuộn lại. Tiếng ầm ào thác đổ đã giải tán. Bản thân T. cũng tan loãng. Ở đây, lúc này còn duy nhất bà K., nhưng có lẽ bà ấy cũng thấy mình biến mất.


Bỗng T. nghe có nhiều tiếng kim loại va chạm chát chúa vào đá rất mạnh, anh liếc nhìn sang trái. Lập tức, anh vội lăn người rời bà K. và ngồi dậy. Bà K. vẫn nhắm mắt nằm bình thản. Coi vậy mà phụ nữ gan hơn đàn ông nhiều. T. thấy thầy N. vừa đi tới vừa chém sống rựa xuống bãi đá “choảng choảng” nghe ghê cả răng. Anh lấy làm lạ về hành động này. Cứ thế, cứ “choảng choảng”, thầy N. đi phăng phăng tới.

“Chuyện gì vậy?” - T. hoang mang nhìn khuôn mặt khác thường của thầy N.

Thầy N. không đáp. Thầy căng thẳng nhìn quanh quất, quăng mạnh rựa xuống bãi đá, mở hai bàn tay chụm lại làm loa, kê vào mồm hú to vào bốn hướng để gọi bác A. và chú B. Tiếng hú vang lên nghe rợn người. Anh nghe từ phía sau thác Vực Phun vang lên tiếng hú nhái lại ngân nga. Bà K. đã bật ngồi dậy ngơ ngác…

Chuông điện thoại T. đặt cạnh gối “reng” vang từng hồi. T. vùng dậy. Anh dụi mắt. Trời đã sáng rõ. Anh bốc điện thoại, nhìn vào. Bà K. gọi.

“A-lô, 8 giờ 20 anh đến ga tàu đón em nha. Anh vừa ngủ dậy? Úi trời! Nhớ nghen. Chào gặp sau!”

T. bước xuống giường, vươn vai ngáp một cái lê thê suýt sái quai hàm. Anh nhíu mày, lẩm bẩm: “Lạ thật, giấc mơ đã trình bày một kịch bản tài tình đến từng chi tiết. Ngày mai mình thi hành không?” Đột ngột, anh rớt tõm vào một vùng hoang mang cực độ. Đó là tiếng rựa “choang choang” chém vào đá của thầy N. vang rõ mồm một trong giấc mơ. Anh đã rớt tõm vào vùng chát chúa tiếng rựa.

T. lắc mạnh đầu cho rơi cái vùng ấy ra và bước vào toa-lét. Đột nhiên anh cắn chặt răng, quai hàm bạnh ra. Nhưng lập tức anh cười vui vẻ: “Hủy chương trình Vực Phun. Tùy cơ ứng biến”.

NGÔ PHAN LƯU
(tcvannghequandoi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét