...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Mẫu mực gia đình tứ đại đồng đường

 "Là cha mẹ bao giờ cũng phải làm gương trước con cái, phải biết phân biệt đúng sai, phán đoán được tâm lý phát triển của con, cháu để có cách bảo ban riêng". Cụ Dương Viết Kỉnh, 84 tuổi ở xóm Rẫy, xã Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội, người chủ của gia đình tứ đại đồng đường nề nếp, gia phong suốt bao nhiêu năm qua chia sẻ.


Chung một mái nhà


Cụ Kỉnh lấy vợ là bà Dương Thị Thậm 83 tuổi có tất cả 6 người con (5 trai, 1 gái). Hai cụ ở với người con trai cả là anh Dương Viết Vững.


Ông Vững năm nay đã bước sang tuổi 61 kết duyên với bà Đặng Thị Thanh. Ông bà có hai người con trai là Dương Viết Vĩnh và Dương Viết Trí. Anh Vĩnh lập gia đình cùng chị Lê Thị Thơm và sinh hai cháu là Dương Viết Anh, Dương Viết Thùy Dương.


Cả gia đình cụ hiện có cả thảy 9 thành viên sống chung một mái nhà. Trước đây, đời cụ, đời con cụ đều sống bằng nghề làm ruộng. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng ai nấy đều vui vẻ, biết trân trọng những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi công sức của mình. Đến đời cháu Vĩnh, Trí thì có khấm khá hơn một chút. Vĩnh đã có gia đình và luôn hiếu thảo, sống chan hòa với mọi người trong gia đình.



Mặc dù hai cụ tuổi đã cao nhưng được cái trời phú cho sức khoẻ và trí tuệ minh mẫn. Cụ luôn nhắc nhở các con cháu trong mỗi bữa cơm phải làm việc bằng chính sức lao động của mình, không nên dựa dẫm ỷ lại vào người khác. "Các cháu đi làm ăn vất vả, mình cũng không thể ăn không ngồi rồi được. Tiền tiết kiệm, cùng số tiền lương hưu tuổi già vợ chồng tôi dành dụm mua gà vịt, về nuôi. Những lúc ông bà Vững bận đi làm đồng, chúng tôi lại thay con trông chắt nhỏ", cụ Thậm cho biết.


Mỗi bữa cơm của cả đại gia đình do một tay bà Thanh đảm nhận. Bà không chỉ là người con dâu thảo hiền mà còn là một bà nội trợ rất chu toàn. Để có một bữa ăn ngon cho cả nhà, bà thường làm những món ăn dân dã theo nhiều chế độ khác nhau làm sao vừa lòng cả người già và cháu nhỏ.


Bữa cơm sinh hoạt bình thường lúc nào cũng đầm ấm có già, có trẻ rôm rả tiếng nói, tiếng cười, niềm vui. "Tuy cuộc sống gia đình đến nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng mỗi bữa cơm nhìn con cháu sum vầy, vui vẻ, khoẻ mạnh, sống hòa thuận, chịu khó làm ăn, tôi cảm thấy rất mãn nguyện", ông Vững tự hào.


Nếp nhà tứ đại đồng đường trong gia đình cụ Kỉnh.
Nếp nhà tứ đại đồng đường trong gia đình cụ Kỉnh.

Trong ấm ngoài êm


Đến gia đình cụ Kỉnh, chúng tôi cảm nhận được nếp nhà mẫu mực qua cách cư xử, chuyện trò của mỗi thành viên với nhau. Thể hiện rõ nhất là việc cụ bà pha chè, rót nước mời cụ ông hay cách thưa gửi của ông Vững đối với cụ Kỉnh thật từ tốn khiêm nhường biết bao.


9 con người, mỗi người một tính cách nhưng hiếm khi nào gia đình cụ xảy ra những tiếng cãi vã, hay mâu thuẫn với nhau. "Để giữ cân bằng giữa các thành viên trong nhà, là cha mẹ bao giờ cũng phải làm gương trước con cái, phải biết phân biệt đúng sai, phán đoán được tâm lý phát triển của con, cháu để có cách bảo ban riêng", cụ Kỉnh chia sẻ.


Hiện ông Vững là người quyết định mọi việc trong gia đình, nhưng mỗi khi có công to việc lớn trong nhà, ông lại hỏi ý kiến của hai cụ, thông qua các con. Được sự đồng thuận nhất trí của tất cả các thành viên, ông mới yên tâm thực hiện. Đó cũng là những yếu tố giúp cuộc sống gia đình cụ Kỉnh luôn giữ được bầu không khí hạnh phúc, ấm cúng.


"Thế hệ trẻ bây giờ thích cuộc sống tự do hơn, cách suy nghĩ và lối sống khác hơn. Việc ăn chung ở chung với bố mẹ, ông bà cũng chỉ được một thời gian. Nhưng ở gia đình cụ Kỉnh lâu nay vẫn duy trì nếp sống gia đình tứ đại đồng đường, điều mà hiếm gia đình nào có được. Gia đình cụ Kỉnh là một mẫu mực điển hình về một gia đình nhiều thế hệ nhưng vẫn giữ được nề nếp, gia phong quý báu", chị Vũ Thị Hiên, người cùng xóm.
Đỗ Việt


(kienthuc.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét