...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Cuộc sống xót xa và bi kịch của những người hai đầu

 Điều gì sẽ xảy ra khi giây phút đầu tiên nhìn thấy ánh sáng cuộc sống cũng là lúc bạn nghe thấy tiếng la thất thanh của nữ y tá và bắt đầu một cuộc sống với hai cái đầu trên cùng một cơ thể.
Không ai mong muốn ngay từ khi sinh ra, mình đã mang số phận éo le với hình hài hai đầu nhưng nhiều người vẫn phải đối diện với sự thật đó…
Một trường hợp sinh đôi hy hữu dính liền thân (hai đầu) vui sống như người bình thường đã trưởng thành tại Mỹ.

Bi kịch đến ngay cả khi đã chết
Không một tài liệu nào ghi lại tên thật của cậu bé này. Thay vì một cái tên đơn giản như bất kỳ đứa trẻ nào khác, cậu bé được biết đến bằng tên hiệu, giống như những nghệ sỹ, là the two -headed boy of Bengal - tạm dịch là "thằng nhóc hai đầu ở Bengal". 
“Thằng nhóc hai đầu ở Bengal” sinh ra ở làng Mundul thuộc Bengal tháng 5/1783 trong một gia đình nghèo. Cậu đã suýt chết ngay sau khi lọt lòng mẹ. Bà đỡ, vì quá kinh hãi trước bào thai dị dạng đang khóc nức nở trên tay mình đã độc ác ném đứa trẻ vào một đống lửa lớn để giết chết nó.
Thế nhưng cuộc sống không vì thế mà khép lại. Như một vận may kỳ diệu, cậu bé đã sống sót mặc dù bị bỏng nặng ở mắt, tai và nửa trên của đầu.
Cuộc sống kỳ lạ
Thuật ngữ hai đầu khiến người ta nghĩ đến cảnh hai cái đầu quay lưng lại với nhau, nói chuyện với nhau hoặc cãi vã nhau. Trường hợp của "thằng nhóc hai đầu ở Bengal" này hơi khác. Cậu bé có một cái đầu chính và một cái đầu phụ. Cái đầu phụ nằm trên cái đầu chính và chổng mông lên trời, chóp sọ tiếp xúc với anh bạn song sinh còn bộ phận trông giống như chỗ tiếp giáp cổ thì xoay ngược lên trên.
Cả hai cái đầu đều có kích thước và sự phát triển giống hệt nhau và không khác so với trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên cái đầu phụ lại có một cuộc sống khác hẳn so với cuộc sống của cái đầu chính. Nó dửng dưng hờ hững hoặc bày tỏ những xúc cảm chẳng liên quan khi đứa trẻ khóc hay cười.
Trong khi nó vẫn có những phản xạ tương xứng với cái đầu thứ nhất trong nhiều trường hợp. Ví dụ khi đứa trẻ được cho ăn, cái đầu thứ hai cũng tiết nước bọt. Thậm chí khi nó được kề miệng vú thì nó cũng đòi bú như bất kỳ đứa trẻ nào khác. Mặc dù đôi mắt và đôi tai không phát triển được, lưỡi thì quá nhỏ và hàm thì biến dạng nhưng tất cả đều có thể hoạt động.
Khi thằng bé ngủ, cái đầu chính nhắm mắt trong khi cái đầu phụ thì mở mắt thao láo, như đang canh gác cho thân chủ của nó hoặc đang suy nghĩ những vấn đề chẳng ai hiểu được. Cả hai bộ não đều được nuôi dưỡng để hoạt động và suy nghĩ với lượng dinh dưỡng được cung cấp đều đặn từ cơ thể. Vì thế cái đầu thứ hai có thể xem là kẻ ký sinh may mắn. Sự san sẻ dưỡng chất một cách hòa bình có lẽ là yếu tố giúp cả hai sống sót qua giai đoạn sơ sinh.
Cha mẹ cậu bé sau khi vượt qua nỗi đau từ đứa con đứt ruột đẻ ra của mình, đã phát hiện ra cơ hội đổi đời từ đứa trẻ này. Họ mang đứa trẻ đi triển lãm và nhờ đó cặp vợ chồng nghèo này kiếm được không ít tiền bạc. Vô số người vây quanh đứa nhỏ để xem thứ kỳ dị nhất trên thế giới này là gì, hoặc để cười thầm trong bụng rằng con cái họ thật đẹp đẽ và may mắn. Tuy nhiên không dễ gì để được trông thấy thằng nhóc hai đầu.
Cha mẹ cậu thường dùng giấy hoặc vải để băng kín cả người lẫn đầu cậu bé hàng tiếng đồng hồ để tránh sự soi mói của những kẻ thích xem miễn phí. Vì thế thằng nhóc hai đầu thường xuyên phải sống trong bóng tối ngột ngạt hàng tiếng đồng hồ.
Sự bao bọc, che giấu của cha mẹ không “gói” nổi danh tiếng của thằng nhóc hai đầu ở Bengal. Cậu bé sau đó đã nhanh chóng nổi tiếng khắp ấn Độ. Nhiều quý tộc, công chức nhà nước, hay quan chức tai to mặt lớn sẵn sàng đặt chỗ để có thể mang cậu bé về nhà, trưng cho gia đình họ tộc xem và những vị khách cũng tai to mặt lớn không kém... thưởng thức.
Thú vui này vừa là giải trí vừa mang lại "danh tiếng, tầm vóc" cho gia chủ. Trong dinh cơ riêng của họ, các vị khách có thể được chạm, sờ, nắn một con người có một không hai thời kỳ bấy giờ - thằng nhóc hai đầu ở Bengal.  
Lúc bấy giờ báo chí chỉ rình rập khai thác những bức ảnh lột tả sự kinh dị của đứa trẻ. Không một tổ chức y tế nào để tâm tới chứng bệnh kỳ quái của cậu bé. Không ai để ý xem liệu số phận ấy tồn tại được bao lâu.
Thằng nhóc hai đầu ở Bengal là một trường hợp cay đắng minh chứng cho sự tắc trách của y học đương thời. Cậu bé này sau đó sống đến 4 tuổi. Cậu chết vì bị rắn cắn. Sau khi cậu bé hai đầu chết dường như những kẻ tò mò đương thời cảm thấy bị cướp đi khỏi thế giới một trò tiêu khiển và một đề tài có thể hái ra tiền. Khi ấy y học mới bắt đầu để ý đến chứng bệnh của cậu bé.
Xác của thằng nhóc hai đầu được chôn bên bờ sông Boopnorain, ngoại ô thành phố Tumloch. Bi kịch số phận của cậu bé hai đầu vẫn tiếp diễn ngay cả khi cậu bé đã chết. Mộ cậu sau đó bị đào lên và cướp bởi một người đàn ông tên Dent, chủ một đại lý muối thuộc công ty East India Company.
Dent đã mổ xẻ cái xác, lấy phần hộp sọ và chuyển cho thuyền trưởng Burchanan cũng thuộc công ty đó. Burchanan mang hộp sọ này tới Anh Quốc rồi cuối cùng chuyển đến cho ông bạn bác sỹ thân thiết của mình, nhà phẫu thuật Everard Home.
Câu chuyện kỳ lạ của một số phận bi kịch
Xung quanh những câu chuyện về cặp song sinh dính liền đầu còn có một câu chuyện bí ẩn về một người hai đầu có tên Edward Mordrake. Không tài liệu nào được chứng thực về ca bệnh này, cũng không có hình ảnh nào thực sự đáng tin cậy để có thể bắt đầu câu chuyện, tất cả được lịch sử ghi lại bằng truyền miệng và chỉ bằng những câu chuyện truyền miệng như thế.
Theo đó, Edward Mordrake sống ở thế kỷ 19 và là người thừa kế của một gia đình cao quý bậc nhất ở Vương quốc Anh. ông được xem là người đàn ông quyến rũ và hấp dẫn, một học giả, một nhạc sỹ và khá đẹp trai nếu nhìn từ phía trước. Nhưng sau gáy ông ta còn có một khuôn mặt khác, xám xịt và nhăn nhó như ác quỷ. Khuôn mặt này có thể cười, có thể khóc nhưng không thể ăn uống hay nói chuyện.
Tuy nhiên nó hành hạ Edward Mordrake hàng đêm bằng thứ ngôn ngữ của quỷ Sa tăng, điều mà bằng lý trí Edward có thể kìm nén và giữ tỉnh táo vào ban ngày.
Một phiên bản khác của câu chuyện lại cho rằng, khuôn mặt kia của Edward là khuôn mặt của một cô gái xinh đẹp, không giống như các cặp song sinh khác thường cùng chung giới tính. Cô gái có bộ não của riêng mình và không mấy thân thiện.
Thông thường cô gái sẽ cười khinh bỉ khi Edward đau khổ và mặc dù không có một thiết bị nào ghi lại giọng nói của khuôn mặt đó, Edward thường xuyên nghe thấy tiếng thầm thì cay độc từ người bạn song sinh của anh ta. Anh đã nhiều lần cầu xin bác sỹ cắt bỏ khuôn mặt ác quỷ đó nhưng rốt cục không ai làm điều đó cả. Không chịu đựng được, Edward đã tự vẫn ở tuổi 23.
Bí ẩn từ hộp sọ của "thằng nhóc hai đầu ở Bengal"
Hộp sọ của "thằng nhóc hai đầu ở Bengal".
Không xét đến tính hợp pháp của việc khai quật cái xác từ ấn Độ, việc hộp sọ được mang tới cho nhà phẫu thuật Everard Home đã khơi mở cho y học thế giới về căn bệnh Craniopagus parasiticus. Khi Dent thực hiện tách  2 cái đầu của thằng bé ra, ông ta đã phát hiện sự thật chúng hoàn toàn riêng biệt và độc lập. Mỗi bộ não được bọc bởi một hộp sọ riêng. Hộp sọ này vẫn được lưu giữ ở bảo tàng Hunterian thuộc Trường Cao đẳng phẫu thuật hoàng gia London.
Craniopagus parasiticus  là tên gọi y học của những cặp song sinh dính liền đầu trong đó chỉ một cơ thể là phát triển bình thường, cơ thể thứ hai gắn liền đầu với cơ thể gốc, phát triển phụ thuộc vào cơ thể gốc và thường không phát triển được, tuy nhiên lại có một cuộc sống riêng biệt và có những trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn khác với cơ thể gốc.
Đa phần các trường hợp Craniopagus parasiticus,  nạn nhân đều tử vong ngay trong giai đoạn sơ sinh. Ví như, tháng 10/2003, một bé gái ở Cộng hòa Dominica tên là Rebeca Martinez bị buộc phải phẫu thuật cắt bỏ cái đầu thứ hai và đã qua đời sau cuộc phẫu thuật dài 11 tiếng. Đến 19/12/2005, Manar Maged, cũng sinh ra với căn bệnh tương tự, trải qua ca phẫu thuật 13 tiếng ở Ai cập thành công nhưng đã qua đời ngày 25/3/2006 do bội nhiễm.
Minh Nguyệt
(nguồn;nguoiduatin.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét