...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Nghệ Thuật Trà Đạo


Trà (chè) là một loại cây sinh trưởng chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tập trung nhiều nhất ở vùng rừng mưa Tây Tạng (Trung Quốc) và vùng rừng mưa nhiệt đới Bắc Việt Nam. Vùng núi Ngụy Sơn (Trung Quốc) có những cây trà cổ trên 1.000 tuổi và từ trên 4.000 năm trước, con người đã biết sử dụng lá chè làm thức uống hàng ngày.

Ngày nay, uống trà trở thành nhu cầu và thói quen của hầu hết các dân tộc trên thế giới. Trung tâm trồng trà và chế biến trà nổi tiếng thế giới hiện nay là các quốc gia châu Á: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Xrilanca... Tùy theo hoàn cảnh địa lý, lịch sử và phong tục tập quán, không ít quốc gia đưa cách thưởng thức trà lên thành trà đạo và gửi gắm vào đó những tư tưởng, triết lý, nhân sinh, đạt tới sự tĩnh lặng trong tâm tưởng, sự hài hòa thiên địa nhân và thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có truyền thống trồng cây trà và sử dụng lá trà làm thức uống sớm nhất trên thế giới. Trong văn tự giáp cốt của Trung Quốc đã nói đến công dụng của cây trà. Theo truyền thuyết Trung Quốc: khi Lão Tử đi đến cửa Hàm Cốc đã được quan lệnh doãn dâng trà tại đây. Sang TK I trước CN, thời Tây Hán, người Trung Quốc đã biết dùng trà để chữa bệnh. Danh y Hoa Đà thời Đông Hán (TK I - II) đã nói đến tác dụng tích cực của trà với sức khỏe và tinh thần của con người: “Trà tuy đắng, nhưng uống từ từ, càng uống càng cảm thấy minh mẫn, sáng suốt”. Đến TK IV - V thời Tấn - Nam Triều, trà trở thành đồ uống thông dụng và ưa thích của cư dân vùng Dương Tử.
Trà được phát hiện đầu tiên ở vùng rừng núi tỉnh Tứ Xuyên. Ban đầu, người Tứ Xuyên dùng lá trà cùng một số loại lá rừng khác để chữa bệnh, sau đó nhờ những công dụng đặc biệt của nó đối với sức khỏe con người mà cây trà đã lan rộng và trở thành cây trồng phổ biến ở các tỉnh Giang Tô, Tứ Xuyên, Giang Tây, Quảng Đông... Trà là một loại cây quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở thời Đường và trở thành một mặt hàng nông sản có thu nhập cao, nên thời Đường đã có chức quan chuyên coi sóc, chỉ đạo việc trồng trà.
Đến triều Thanh (1616 - 1911) đã có nhiều cách chế biến trà khác nhau để thỏa mãn nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội: trà xanh, trà đỏ, trà hoa, trà điểu long, trà bạch, trà đóng bánh… Một số loại trà đặc biệt dành cho tầng lớp vua chúa, quan lại, quý tộc là trà bạch nha, long đoàn thắng lôi, mật vân long.
Để tạo ra các loại trà khác nhau, người Trung Quốc đã áp dụng các phương pháp giã, đập, vò, nghiền, sao, tẩm, ngâm, ủ, phơi sấy lá theo các quy trình khác nhau.
         Cách thưởng thức trà ở Trung Quốc đã được phát triển dần dần từ thấp đến cao. Từ thời Hán, qua thời Tam Quốc, đến thời Tùy (581 – 618), cây trà được lan rộng đến những vùng đồi núi có khí hậu và thổ nhưỡng hợp với đặc điểm sinh trưởng của nó, đó là vùng đất laterit hóa, độ cao từ 400-1.000m so với mực nước biển, độ ẩm trung bình, nhiều sương mù, ít nắng…
Ở thời kỳ này, trà được sử dụng phổ biến làm thuốc chữa bệnh, nước uống hàng ngày hoặc được sử dụng trong cả những bữa yến tiệc cao sang của vua chúa. Sách Tam quốc chí đã viết về hoàng đế Tôn Hạo của nước Ngô, trong bữa tiệc chiêu đãi quần thần đã sử dụng cả rượu và trà làm thức uống. Nhưng ở giai đoạn này chưa có tài liệu nào nói đến nghệ thuật uống trà hay trà đạo của Trung Hoa.
Đến thời Đường, có sách Trà kinh của Lục Vũ. Trong đó, Lục Vũ đã trình bày tỉ mỉ cách trồng, thu hái và đặc biệt là cách chế biến trà qua bảy bước là thu hái, chưng, giã, đập, sấy, xâu, đóng gói để tạo ra các loại trà khác nhau. Trong Trà kinh cũng nói đến những cách thưởng thức trà và những cảm nhận cùng tâm trạng của người thưởng trà được phân tích, bình luận sâu sắc, mở đầu cho nghệ thuật trà đạo của Trung Quốc. Ở thời của Lục Vũ, phong tục uống trà đã trở nên phổ biến và các đô thị đã xuất hiện nhiều quán trà thu hút cư dân thành thị đến thưởng ngoạn. Ở Trung Quốc, người ta coi Lục Vũ là ông tổ của trà đạo vì ông đã phát triển, nâng cao cách uống trà thành một môn nghệ thuật và nhấn mạnh đến thế giới tinh thần của con người, giải phóng trà ra khỏi sự thô sơ và trừu tượng hóa trà đến đỉnh cao tột bậc.
Trà kinh của Lục Vũ gồm có ba quyển và mười chương. Trong chương một, Lục Vũ bàn về môi trường sinh trưởng và những đặc tính tự nhiên của cây trà. Chương hai nói về các dụng cụ thu hái trà và cách thu hái trà, cho rằng khi hái trà phải dùng móng tay để bấm một cách nhẹ nhàng thì thân trà mới không bị dập, gẫy và tinh dầu trong trà không bị thất thoát. Chương ba bàn về việc lựa chọn lá trà. Theo ông, những lá trà có nếp nhăn như đôi giày bằng da của kỵ sĩ Tac ta, xoăn như yếm của một chú bò khỏe mạnh, ẩm ướt và mềm mại như mặt đất sau cơn mưa là những lá trà tốt nhất.
Chương bốn trình bày và mô tả bộ đồ pha trà gồm hai mươi tư trà cụ: bếp lò 3 chân, muỗng xúc trà, muôi múc nước, bát đựng trà… và ngăn tủ bằng tre để chứa dụng cụ pha trà. Lục Vũ đã phát hiện ra mối quan hệ giữa trà đạo với đồ gốm sứ Trung Hoa, khi nâng bát trà xanh trong màu men xanh ngọc bích càng làm cho bát trà thêm sóng sánh.
Trong chương năm, Lục Vũ miêu tả cách pha trà và nhấn mạnh tới việc lựa chọn loại nước và độ sôi của nước. Theo ông, để trà tinh khiết, thơm và ngon, phải sử dụng nước trên khe núi cao vì nguồn nước này hoàn toàn tự nhiên, trong, mát, kết hợp tinh khí của trời đất, không bị pha tạp. Sau đó mới đến nước suối và cuối cùng là nước sông, đó là những nguồn nước được lưu chuyển thường xuyên giữa đất trời.
Nước sôi pha trà có 3 mức độ khác nhau: thứ nhất là được đun từ từ, đến khi đáy ấm xuất hiện những bọt khí nhỏ như mắt cua; thứ hai là những bọt khí to dần đến lúc như những hạt ngọc châu cuộn tròn theo dòng nước; thứ ba là khi bọt nước sôi nở to vỡ òa trên mặt nước. Khi nước sôi lăn tăn mắt cua, người ta bỏ muối vào; khi nước sôi như hạt ngọc bích, người ta thả trà đã nghiền thành bột; ở độ sôi cao nhất, người ta đổ thêm một muôi nước lạnh vào trong ấm để hãm trà và giữ lại nguyên khí của trà. Sau đó mới rót trà ra chén để thưởng thức.
Cách uống trà thời Đường theo xu hướng lý tưởng hóa và linh thiêng hóa. Ở đó ta thấy sự kết hợp giữa đạo với đời, giữa vật chất với tinh thần, giữa con người với vũ trụ và thần linh. Có thể nói rằng nghệ thuật trà đạo thời Đường đã đạt đến đỉnh cao: từ trà nhân đã vươn tới trà tiên, thể hiện sự kết hợp hài hòa của các nhân tố trà - đạo - thiền. Chính vì vậy mà nhà thơ Lô Đồng thời Đường đã viết: chén đầu tiên làm ấm môi và cổ họng, chén thứ hai phá vỡ sự quạnh hiu, chén thứ ba tìm thấy cái mới lạ trong cõi lòng buồn bã, chén thứ tư ngộ ra những lầm lỗi của cuộc đời, chén thứ năm mọi nỗi u sầu được gột sạch, chén thứ sáu đưa ta đến thế giới thần tiên. Còn Tô Đông Pha ngợi ca sự tinh khiết của trà có sức mạnh siêu phàm của bậc chính nhân quân tử.
Sang thời Tống, trà tiếp tục phát triển và người thời Tống đam mê trà vô hạn, đến mức Huy Tôn hoàng đế (1101 - 1124) đã mê mẩn vì trà mà sẵn sàng xa rời ngôi báu.
Sau thời Đường - Tống, cách thưởng thức trà tinh tế đã bị thất truyền do triều đại Nguyên - Mông xâm lược tàn phá. Đến thời Minh - Thanh đã hình thành kiểu uống trà bằng cách pha trà được sấy khô với nước sôi như hiện nay.
Nước Nhật mặc dù không phải là quê hương của cây trà, không phải là đất khởi nguyên của trà đạo, nhưng nghệ thuật trà đạo lại được phát triển hoàn thiện, đạt đến đỉnh cao. Tiếp thu từ nền văn minh Trung Hoa cốt cách của Nho giáo, tính chất huyền bí của Đạo giáo và sự linh thiêng của Thiền tông, người Nhật đã biết hội tụ những tinh hoa đó trong trà đạo Nhật Bản.
Từ năm 729, Thiên hoàng Shonu đã tổ chức đại tiệc trà cùng một trăm tăng lữ tại cung điện của ngài ở Nara. Những lá trà này do các sứ thần mang về và được pha chế theo cách thức phổ biến của thời Đường. Năm 801, nhà sư Saicho đã mang được giống trà về Nhật và trồng tại Eissan. Từ cây trà tổ Eissan này mà sau đó nhiều vườn trà đã được mọc lên trên khắp đất Nhật. Đến TK XII, thiền sư Eisai sang theo học thiền phái Nam tông ở Trung Quốc cũng đã mang về quê hương một số giống trà mới và cả phong cách uống trà thời Tống. Những hạt giống mới này được trồng ở quận Uji gần Kyoto và ngày nay, Uji là vùng nổi tiếng vì có loại trà ngon nhất nhì thế giới. Sang TK XV, trà đạo Nhật Bản được phát triển đến mức hoàn thiện bởi có sự bảo trợ của tướng quân Ashikaga Yoshimasa. Từ đây, uống trà đã được thực hiện một cách bài bản, tuân thủ theo những nghi lễ phức tạp và nâng lên trình độ nghệ thuật hoàn chỉnh - đó chính là trà đạo.
Trong trà đạo Nhật Bản bao gồm những yếu tố chủ yếu sau đây: trà thất, trà cụ, trà nhân.
Trà thất là không gian để thưởng ngoạn hương vị của trà. Không gian đó không nhấn mạnh sự hoành tráng, sang trọng, sa hoa, mà nó phải được thể hiện một cách mộc mạc, chân phương, gần gũi với cuộc sống của con người. Trà thất của Nhật Bản thường được thiết kế thành ba phần: mái nhà (machiai), trà thất (sukiya) và nối liền giữa phần mái nhà với căn phòng ngồi uống trà là một con đường. Mái nhà là một kiến trúc bằng tre hoặc bằng gỗ đơn sơ, nhưng được gia công hết sức tỉ mỉ. Mái nhà là nơi để các bạn trà nghỉ ngơi, chuẩn bị trang phục và tâm thế trước khi bước vào dự tiệc trà. Khu vực chờ đợi các bạn trà và chuẩn bị này được làm giữa vườn cây, gắn với thiên nhiên yên tĩnh. Sau khi chuẩn bị xong, các trà nhân đi vào khu trung tâm của trà thất trên con đường đất đơn sơ có cỏ cây, hoa lá xung quanh. Trên đoạn đường ngắn ngủi đó, nếu ai còn vấn vương điều gì thì tiếp tục gột bỏ để bước vào không gian thưởng thức trà với một tinh thần, trí tuệ thanh tao, thư thái.
Trà thất là một căn nhà gỗ thấp, diện tích rộng bằng khoảng bốn hoặc năm chiếc chiếu, bởi mỗi một tuần trà của người Nhật không bao giờ quá bốn người. Cửa ra vào trà thất được làm nhỏ và hơi thấp để các trà nhân bước qua cửa phải cúi mình. Đó là cách thiết kế độc đáo, có dụng ý để bất kỳ ai bước vào trà thất phải thể hiện đức khiêm nhường, mọi sự giàu sang, phú quý, quyền lực, tài năng phải để lại bên ngoài. Người ta nói rằng trà thất là một không gia: không của cải, không quyền quý, không chức tước, không khổ đau, không buồn rầu, không hãnh tiến, không đẳng cấp. Sự đơn giản bao trùm không gian trà thất. Người ta cảm thấy sự trống không, thiếu vắng, không hoàn thiện, không đối xứng, không có sự lặp lại. Trong sự tĩnh lặng và giản đơn đó, các trà nhân thả sức tưởng tượng, suy tư và sáng tạo. Trong trà thất nhỏ bé chứa đựng một sức sống mãnh liệt, một sắc xuân tràn trề và sự thăng hoa không giới hạn của những tâm hồn nghệ sĩ tài hoa. Trong sự tĩnh lặng cực độ và linh thiêng, trà đạo Nhật Bản đã bao trùm cả vũ trụ và triết lý nhân sinh. Khi đã hòa mình vào không gian văn hóa trà đạo Nhật Bản, người ta mới cảm nhận được sức mạnh siêu phàm qua phong cách ung dung tự tại của các trà nhân được thể hiện qua những cử chỉ tao nhã, thanh khiết. Từ không gian trà đạo, ta có thể nhận ra sự lạnh giá và vắng lặng của cánh đồng tuyết trắng mênh mông, sự hùng vĩ, hoành tráng của đỉnh núi Phú Sĩ cao vời vợi giữa bầu trời xanh ngắt; sự tàn phá ghê gớm của tự nhiên sau mỗi trận động đất, sóng thần ở xứ sở hoa anh đào. Nhưng vượt lên trên hết là sức mạnh niềm tin, ý chí, niềm say mê và khát vọng vươn lên của một dân tộc có cá tính và luôn luôn sáng tạo.
Căn phòng nhỏ bé được làm bằng các loại cây sẵn có trong tự nhiên như gỗ tuyết tùng hoặc tre mộc mạc, được phủ lớp sơn trang trí màu đất, màu gạch hoặc màu da lươn trầm ấm, dân dã thể hiện sự giao hòa của con người với tự nhiên và đất trời. Trong không gian của trà thất đó, ta thấy chỉ có một nhành hoa hoặc một bức tranh khiêm nhường đặt ở vị trí phù hợp, ở đây không thấy sự trang trí lòe loẹt, rực rỡ, rườm rà.
Trà cụ là những dụng cụ để chế biến trà và pha trà theo thị hiếu người sử dụng, bao gồm bếp đun trà, nồi đun nước, ang chứa nước, muôi múc nước, giá đặt muôi, thìa xúc trà, bát đựng trà, chổi tre nhỏ để đánh trà, khăn lụa vuông màu nâu tây (kukusa) dùng để lau các dụng cụ pha trà… và cả tủ bằng tre đựng các dụng cụ pha trà. Trà cụ được làm từ các chất liệu sành, sứ, tre, gỗ dân dã và màu sắc tự nhiên, trầm ấm phù hợp với màu sắc và không gian khiêm nhường của trà thất.
Trà nhân là những người thưởng thức trà. Quan niệm nanporoku của người Nhật Bản bao gồm cách tổ chức uống trà, phòng trà, cách pha trà, cách thưởng trà, ở đó, con người là yếu tố quyết định. Trà nhân là trung tâm của hoạt động văn hóa này. Thưởng thức trà theo kiểu Nhật Bản đã nâng trà và không gian trà thành một tác phẩm nghệ thuật, và cách uống trà đã thể hiện tài hoa và phẩm chất cao quý của con người. Từ cổ xưa đến nay không có một công thức chung cho nghệ thuật trà đạo, mà cái đẹp thực sự luôn luôn được thể hiện ở suy nghĩ, tư tưởng, tinh thần của các trà nhân.
Người Nhật thường uống trà đặc (kotra), hoặc trà loãng (usutra) được chế biến theo ba cách: trà đun (đoàn trà), trà khuấy (mạt trà) và trà pha (yêm trà). Tương đương với ba cách pha chế đó là ba loại trà: trà bánh (đun sôi), trà bột (đánh tan) và trà lá (ngâm, hãm). Từ rất xa xưa, người Nhật đã biết đến công dụng của trà làm giảm mệt nhọc, khoan khoái tinh thần, tăng cường ý chí và người ta cũng đã biết dùng trà như một vị thuốc chữa bệnh hoặc giúp cho tâm trạng thư thái khi pha trà với một số vật liệu khác như chanh, vỏ cam, gừng, đường, muối…
Nhưng từ TK XV, người Nhật đã không chỉ quan tâm đến giá trị vật chất của trà mà còn hết sức chú ý đến giá trị tinh thần của trà đối với cuộc sống. Trà đạo Nhật Bản nhấn mạnh đến tâm trạng, cảm nghĩ của người uống trà, ở đó nó có sự hòa trộn giữa trà đạo với triết lý tư tưởng của các tôn giáo đương thời. Trà đạo là sự kết hợp giữa nhân lễ của Khổng tử với khát vọng thần tiên của Lão tử và sự nhân từ, bao dung của đức phật Thích Ca. Trong không gian yên tĩnh của trà thất, cũng như trong chiều sâu tư tưởng tĩnh lặng của trà nhân luôn luôn có sự đồng điệu giữa trà với sự vĩnh hằng, bất tử, siêu thoát và niết bàn. Mỗi bát trà và mỗi cử chỉ, động tác, suy tưởng của mỗi người đều thể hiện tâm trạng của con người và tinh thần thời đại. Trà đạo có giáo lý nền tảng là sự hội nhập giữa con người với tự nhiên, là sự cân bằng giữa tình cảm, suy tư và trí tuệ. Những triết lý đó được thể hiện trong thế ứng xử giữa chủ và khách để sao cho các bạn trà đạt đến sự tĩnh tâm trong trà đạo. Trà đạo Nhật Bản nhuốm màu thiền. Uống chén trà không phải chỉ thưởng thức hương vị ngọt, chát của trà mà còn có sự suy ngẫm trong sự tĩnh lặng và giác ngộ. Từ sự trầm tư, con người luôn luôn hướng tới niềm tin và sự cao thượng.
Giữa trà và thiền có sự gần gũi đến mức trong nghi lễ thưởng thức trà, chủ nhà phải tiến hành dâng chén trà đầu tiên lên Phật tổ, sau đó mới tiếp trà cho khách và tự tiếp trà cho mình. Tất cả các cử chỉ, động tác cắm hoa, thắp hương, dâng trà phải được làm từ tốn và thực hiện với tấm lòng kính trọng.
Trà đạo là cách thức rèn luyện tâm trí, bản lĩnh của con người để họ có thể vượt qua mọi trở ngại, gian nguy, vươn tới những hành động phi thường. Trong thời kỳ đại chiến, các chiến binh Nhật Bản đã dựa vào văn hóa trà đạo để xây dựng sức mạnh tinh thần. Người lính thường uống trà theo nghi lễ trà đạo rồi thanh thản xông ra chiến trường, chiến đấu một cách dũng cảm, bình tĩnh đối mặt với cái chết một cách nhẹ nhàng thanh thản.
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trà đạo góp phần thể hiện tư tưởng nhân văn, khát vọng hòa bình. Trà đạo vượt qua mọi không gian, thời gian và trở thành cầu nối văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc. Năm 1999, Nhật Bản đã tổ chức chiếu trà ở tòa thành Washington. Đến năm 2007, trà đạo đã được thực hiện ở Thượng nghị viện Mỹ với sự có mặt của trên 50 nghị sĩ Mỹ.
         Trà đạo thể hiện triết lý tư tưởng của phương Đông. Thông qua các dụng cụ pha trà, chúng ta thấy xuất hiện 5 yếu tố ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Sự giao tiếp của con người với tự nhiên và sự giao hòa giữa con người với con người thể hiện rõ sự hài hòa âm dương và tấm lòng ngưỡng vọng, cầu mong sự hài hòa thiên địa nhân, ước mong cho trái đất của chúng ta mãi mãi là hành tinh xanh chan chứa hòa bình và hạnh phúc.


Nguồn: Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012
Tác giả: Phạm Ngọc Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét