...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Truyền Thuyết Thiêng Về Tình Thày Trò

Đỗ Thị Thủy

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp làm nên văn hiến của dân tộc ta và từng đi vào sử sách, văn học, thơ ca, phong tục dân gian. Bắc Ninh từng nổi tiếng là đất hiếu học khoa bảng và ở thôn Đông Sơn (Việt Đoàn-Tiên Du) có ngôi chùa không những thờ Phật, mà còn thờ Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên là nhà khoa bảng, nhà thơ lớn, người thày đức hạnh với truyền thuyết, giai thoại, cảm động thiêng liêng về tình thầy trò.
Theo sử sách, Vũ Mộng Nguyên (1378-1451), hiệu là Vi Khê (hay Lạn Kha) quê làng Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng là người thông minh hiếu học. Năm 21 tuổi, ông thi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh, năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên I đời Hồ Quý Ly (1400), đỗ cùng khoa thi với các danh nhân như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn… Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như sau: “Mùa thu, tháng tám, Hồ Quý Ly mở khoa thi Thái học sinh, lấy đỗ bọn Lưu Thúc Kiệm, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành đều đỗ khoa này”. Sau khi đỗ đại khoa, Vũ Mộng Nguyên chưa kịp ra làm quan thì nhà Hồ mất trước sự xâm lược của giặc Minh. Với khí phách của một nhà nho yêu nước, ông không chịu ra làm quan cho nhà Minh, mà về quê ở ẩn mở trường dạy học đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Đầu đời Lê sơ, Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên ra làm quan theo chiếu “cầu hiều tài” của vua Lê Thái Tổ, được bổ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, sau được thăng đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám là chức vụ học quan cao nhất. Trên cương vị chức vụ học quan cao nhất, ông đã có nhiều công lao với nhà Lê sơ trong việc chấn hưng, mở mang sự nghiệp giáo dục đào tạo và đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Vũ Mộng Nguyên không những nổi tiếng là một nhà giáo đức hạnh, một vị quan thanh liêm chính trực, mà còn là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông có “Vi Khê thi tập” (tập thơ Vi Khê), còn lại 38 bài thơ chữ Hán chép trong “Việt âm thi tập”, “Tinh tuyển chư gia luật thi” và được chép gộp lại trong “Toàn Việt thi lục”. Sách báo đã đánh giá cao về thơ văn của ông. Sách “Văn học Việt Nam thế kỷ X-nửa đầu thế kỷ XVIII” do Đinh Gia Khánh chủ biên, Nxb Giáo Dục, tái bản 2002, đã viết về ông như sau: “Thơ Vũ Mộng Nguyên thể hiện thái độ ung dung của một con người tin ở phẩm chất trong sạch của mình và đó cũng chính là sự đóng góp to lớn của ông vào sự nghiệp văn thơ, nền văn hiến của nước ta”.
Thời kỳ Vũ Mộng Nguyên ở quê dạy học, học trò theo học ông rất đông, nhiều người đỗ đạt cao, tiêu biểu là Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư quê xã Phù Lương (Quế Võ). Cuộc đời làm thầy của Tiến sỹ Vũ Mộng Nguyên là một tấm gương mẫu mực về tài năng và đạo đức, đã để lại nhiều truyền thuyết, giai thoại nổi tiếng trong dân gian. Tại xã Phù Lương huyện Quế Võ, nhân dân còn giữ được tượng và tục thờ cúng thày trò Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên và Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư, cùng với truyền thuyết thiêng về người thày đức hạnh Vũ Mộng Nguyên như sau: Nguyễn Nghiêu Tư quê ở xã Phù Lương, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên phải tha phương cầu thực lang thang để kiếm sống. Ông làm thuê cho một nhà giàu có ở xã Đông Sơn huyện Tiên Du, nhà này thuê thày đồ Vũ Mộng Nguyên về dạy học. Nhưng vốn thông minh hiếu học, hàng ngày khi làm vườn quanh khu nhà dạy học của thày đồ Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Nghiêu Tư đều tranh thủ đứng ngoài nghe lỏm thày dạy học và nghe đến đâu thì nhập tâm đến đó. Một hôm, thày ra đề bài khó làm đám học trò không một ai trả lời được, đứng bên ngoài Nguyễn Nghiêu Tư đã buột miệng trả lời rất sắc sảo, khiến thày giật mình ngỡ ngàng và mời vào lớp học để hỏi chuyện. Cũng từ đấy, Nguyễn Nghiêu Tư đã được thày Vũ Mộng Nguyên đón về quê ở Đông Sơn nuôi nấng và dạy học. Không phụ công thày, Nguyễn Nghiêu Tư thi đỗ Trạng nguyên, làm quan đến chức Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện và từng đi sứ. Khi ông mất, nhân dân Phú Lương kính phục tài năng đức độ của Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư đã lập đền thờ cả thày và trò. Điều vô cùng quý giá là hiện ở thôn Hiền Lương xã Phù Lương còn bảo lưu được hai pho tượng cổ “thày trò”, cùng những thư tịch và những giai thoại, tục lệ thờ phụng hai nhà khoa bảng nổi tiếng này.
Cuộc đời, sự nghiệp của thày trò Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên và Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư không những được sử sách lưu danh, mà đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian với những truyền thuyết, giai thoại nổi tiếng, tục lệ thờ phụng và đã trở thành di sản văn hóa quý về truyền thống hiếu học khoa bảng của quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh hàng ngàn năm văn hiến.
Bài, ảnh: Đỗ Thị Thủy
(baobacninh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét