...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Đâu Phải Là Ký Ưc (4)

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

gửi Ngàn...


Alberto Buri - Legno

Mùa hè đó có người đến thuê ta đi nói về cách tìm kiếm những lời nói bị thất lạc. Ta nói tìm kiếm những lời nói bị thất lạc đã là khó, nói về cách thức tìm kiếm lại càng khó hơn, sợ không làm nổi.
Chúng tôi sẽ trả công xứng đáng cho anh. Ông chủ hãng thầu chữ nghĩa nói. Ta nói là ta chỉ nhận tiền công khi việc tìm kiếm có kết quả. Và hẹn ngày giờ diễn thuyết. Thời đó, hãng thầu chữ nghĩa có tên theo kiểu nước ngoài dahosupha là hãng thầu tầm cỡ. Tay chủ hãng thầu đến gặp ta là một nhà thông thái cũng tầm cỡ. Lời nói là có quan điểm của nó, hãng thầu chúng tôi chỉ xin lưu ý anh điểm đó. Là câu nói thông thái ông ấy đã gửi cho ta trước lúc ra về. Người ta tổ chức cuộc diễn thuyết ở rừng thông, nơi ta đang ngồi viết. Nói là diễn thuyết cốt để người ta thấy biến cố ấy là vô cùng quan trọng đối với cuộc đời ta và cuộc đời em. Thật ra chỉ là một cuộc chuyện trò. Cuộc chuyện trò giữa người đã có chút kinh nghiệm trong việc tìm kiếm những lời nói bị thất lạc và những người sắp đi làm công việc tìm kiếm ấy. Đội công nhân tìm kiếm, ta muốn gọi thế cho tiện việc thuật chuyện, là những tuổi trẻ của thời đại mới. Thì cũng chỉ là dùng lại chữ của ông chủ hãng thầu khi đến thuê ta đi diễn thuyết. Đấy là những tuổi trẻ của thời đại mới, tuy linh hồn có hơi bị thương tật do thời đại trước gây ra, nhưng cũng chẳng sao. Nguyên lời nói của ông chủ hãng thầu. Mấy ngọn đèn điện người ta kéo tạm đến rừng thông cho cuộc diễn thuyết là không đủ để ta nhìn thấy chỗ thương tật trong linh hồn đám công nhân tuổi trẻ sắp được ta chỉ dẫn cho cách đi tìm kiếm. Chỉ nhìn thấy một cô gái luôn chăm chú nhìn ta. Có phải vậy không, dưới ánh điện hơi hạn chế ấy, là em cứ chăm chú nhìn ta.


Có thể nó, những lời nói bị thất lạc, là lời thở than của một người mẹ mù lòa trong cái đêm nghe  những đứa con  trai thân yêu của mình đã chết cả ngoài trận mạc, và ai đó, có thể là kẻ hàng xóm, hay vị ẩn sĩ ở trong làng, sau khi nghe thấy những lời đau thấu ruột gan của người mẹ đang trở nên đơn độc ở trần gian, bèn chép lên hòn đá chỗ bến nước đầu làng, hay là chép vào trí nhớ, vị ẩn sĩ trong làng đã chép vào trí nhớ, và cuộc đời thì vẫn cứ tiếp tục chất lên cái trí nhớ dày cọm ấy những trang đỏ đen thế sự, vào  cái hôm sắp sửa mãn cuộc trần thế, vị ẩn sĩ muốn nói với đám cháu con mình những lời gan ruột, thì bỗng nhớ đến những lời đau thấu ruột gan của người mẹ chẳng còn ai là ruột thịt, bèn đem bút giấy ra ghi, nỗi buồn đau của người sắp lìa xa cháu con là chồng lên nỗi buồn đau của người chẳng còn  có cháu con, mấy chục năm sau, hay mấy thế kỷ sau, đọc được mảnh bút giấy kia lại là một nhà chép sử, trong dòng sử văn đương đại chợt  nổi lên những vần thơ bi tráng, mấy chục năm sau, hay mấy thế kỷ sau, ai đó, có thể là một khách qua đường, lại nhìn thấy được những giọt nước mắt của thơ, kẻ nhìn thấy  được những giọt nước mắt của thơ thì người thời bấy giờ gọi là kẻ tìm thấy những lời nói bị thất lạc.


Cứ thế. Trong cuộc diễn thuyết, đại khái ta cứ theo cái cách như thế, để nói với đám công nhân tuổi trẻ của thời đại mới về cái cách thức đi tìm những lời nói bị thất lạc.

Và có phải vậy không, là sáng hôm sau em đã đến gặp ta để trả công diễn thuyết của ta bằng thứ ánh mắt trong đêm em đã nhìn ta. Cũng từ đó thì cuộc đời ta và cuộc đời em đã chuyển sang một khúc ngoặc mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét