...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Trước giờ chết, tử tù bất ngờ xin...ôm quản giáo

Có tử tù trước giờ ra pháp trường, xúc động đề nghị được ôm Ban để cảm ơn và để níu giữ chút tình người ấm áp trước khi từ giã cõi trần. Bởi lẽ, những ngày cuối cùng của cuộc đời, họ được đối đãi bằng tất cả lương tri của con người…
Trước lúc cận kề cái chết, phản ứng của tử tù rất khác nhau - ảnh minh hoạ
Trước lúc cận kề cái chết, phản ứng của tử tù rất khác nhau - ảnh MH

Nơi trại tạm giam của Công an Hải Phòng, các phạm nhân gọi quản giáo Nguyễn Mạnh Hùng là thầy và xưng con. Trò chuyện về vai trò người thầy đặc biệt của mình, quản giáo Hùng tâm sự, anh là một người thầy không muốn có học trò, như vậy xã hội sẽ bình yên, tốt đẹp hơn.

Nhận nhiệm vụ quản giáo buồng giam tử tù, nhiều năm nay anh Hùng đã tiếp xúc với rất nhiều “học trò đặc biệt”. Tính riêng thời điểm này, tại trại tạm giam nơi anh Hùng công tác có 13 tử tù đang chờ thi hành án. Hàng ngày, tiếp xúc, giáo dục những “học trò tử tù”, quản giáo Hùng và đồng nghiệp không ít lần phải đối mặt với sự chống phá quyết liệt của những kẻ phạm trọng tội mới nhập trại, thậm chí là hắt cả bô chất thải vào người. Rồi khi bình tĩnh hơn, tử tù lại ỉ ôi xin lỗi, kể lể sự tình…
“Các tử tù lúc thế này, lúc thế kia, diễn biến tâm lý rất phức tạp, phải nói là thay đổi như thời tiết. Mà cũng đúng thôi bởi con người ta đang trong giai đoạn sống để chờ chết mà, nếu không làm tốt công tác giáo dục về mặt tư tưởng thì các tử tù sẽ tỏ ra bất cần đời, sinh lắm chuyện lắm. Phá phách có, rồi đủ các chiêu trò trên đời.”  - quản giáo Hùng chia sẻ.

Từng tiếp xúc với không ít tử tù, chứng kiến nhiều cảnh tượng cuồng loạn của kẻ rơi vào bước đường cùng, đang từng ngày đối diện với cái chết nên chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi đến trại tạm giam Hải Phòng và tiếp xúc với các tử tù nơi đây. Không còn sự cuồng loạn, bất ổn tâm lý, thay vào đó là sự ăn năn, hối lỗi, day dứt muộn màng. Và chúng tôi hiểu, để giúp các tử tù tìm lại sự cân bằng về tâm lý, sự giáo dục của các cán bộ trại giam là không thể thiếu.


Nói về công việc đặc thù của mình, quản giáo Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự: “Làm quản giáo, nhất là trực tiếp quản lý buồng giam các tử tù, điều cốt yếu trước tiên là phải nắm bắt gần như toàn bộ tâm lý của đối tượng. Căng thẳng thì ai cũng giống ai thôi, cùng là con người cả. Cơ bản nhất, chúng tôi được Ban giám thị trại tạm giam chỉ cho cách thức làm việc. Chúng tôi phải nắm bắt tâm lý của từng đối tượng, từng hoàn cảnh, chứ không phải là tử tù ai cũng giống ai. Khi đã hiểu họ rồi thì mình mới chia sẻ được.”


Lo hậu sự cho tử tù - ảnh TL
Lo hậu sự cho tử tù - ảnh TL
Trong số những tử tù hiện tại quản giáo Hùng đang phụ trách, Hồ Xuân Phú (ở xóm 10, thôn Ao La, xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) là tử tù trẻ nhất (SN 1987) và cũng khiến Trung tá Hùng mất nhiều công sức giáo dục nhất.
“Với trường hợp của Hồ Xuân Phú như nhà báo thấy đấy, tính tình thì người lớn không ra người lớn, trẻ con không ra trẻ con. Nhiều khi đòi hỏi những điều hết sức vô lý. Những lúc như thế, đương nhiên chúng tôi phải nắm bắt mọi vấn đề, kể cả luật pháp, cả tâm lý, tình cảm gia đình để giải thích. Ví dụ như Phú chia sẻ điều bình thường nhất, rằng mỗi lần gặp mẹ chỉ toàn khóc, không nói được gì.
Trước tâm lý ấy của phạm nhân, tôi phải có biện pháp giáo dục. Tôi đã động viên Phú, nếu biết thương mẹ phải cứng rắn lên. Bởi vì nếu như cứng rắn thì sau này mẹ cũng an tâm, không suy nghĩ nhiều. Đôi ba lần như thế, tử tù Phú có hiểu ra và mỗi lần được thăm nuôi không còn khóc nức nở như trẻ con nữa.”
Anh Hùng chia sẻ: “Tôi nghiệm ra rằng giáo dục tử tù cần phải kết hợp giữa nội quy, quy chế và tình người. Ví dụ nhỏ thôi, như trường hợp của tử tù Phú. Thường thì bóng điện trong buồng biệt giam được thắp sáng cả ngày đêm vì còn để theo dõi các hoạt động của tử tù, để canh chừng các vi phạm.
Có một lần, cả trại tạm giam bị mất điện, buồng giam tử tù kín như bưng nên càng tối tăm. Phú sợ lắm, la hét và đòi quản giáo mắc riêng cho mình một bóng điện từ nguồn điện dự trữ, để không bị tối. Tôi đã vừa phải nghiêm khắc giải thích nội quy, vừa phải dùng tình cảm để động viên tinh thần Phú.
Khi được tôi giải thích, đây là hoàn cảnh chung, đã là tử tù, là tội phạm thì bình đẳng như nhau, ai cũng như ai, vi phạm kỷ luật phải nhận mức xử lý, không thể lắp riêng cho anh một bóng điện được, tất nhiên chưa quen thì sau này sẽ quen… Giờ thì Phú đã hiểu ra và biết chấp nhận hoàn cảnh”.

Nói về tinh thần của các tử tù sau khi nhận mức án tử hình, quản giáo Hùng cho biết: “Tôi cảm tưởng rằng, sau khi các phạm nhân, đặc biệt là tử tù đã giết người man rợ thường có tư tưởng bị ám ảnh. Ví dụ, với trường hợp của tử tù Nguyễn Dũng Giang (SN 1980, thường trú tại số 5B 202 khu T3 - Thành Tô - quận Hải An – Hải Phòng), kẻ giết chết chủ cửa hàng quần áo rồi chặt đứt đầu, cánh tay để phi tang thì ngay cả khi nhận án tử hình và vào trại rồi nhưng vẫn tỏ ra oan ức.
Về việc chấp hành nội quy, quy chế thì Giang chấp hành tốt, không chống đối. Nhưng về mặt tư tưởng, y luôn cho rằng y bị oan và nói rằng khi về nhà phát hiện ra xác nạn nhân nên sợ quá đem đi phi tang thôi chứ không giết nạn nhân. Mà thực chất, đó chỉ là biểu hiện của sự phản ứng tự nhiên trước cái chết thôi chứ mọi tang chứng, vật chứng điều tra đều khẳng định Giang là kẻ giết người”.

Trước tội ác của các tử tù, về mặt bản năng, người quản giáo tâm sự, anh cũng chỉ muốn kết thúc cuộc sống của những kẻ đó luôn. Thế nhưng, nếu cứ giữ lối suy nghĩ ấy, không thể làm được công việc này. Hàng ngày, quản giáo Hùng có nhiệm vụ tiếp xúc, giáo dục các tử tù nên phải đối đãi với họ bằng cái tâm của con người.
Họ có tội và tội của họ đã bị Pháp luật trừng trị đích đáng, ở một khía cạnh nào đó, các quản giáo phải gạt bỏ suy nghĩ về tội trạng của tử tù để đối đãi, cảm hóa họ bằng tình người. Những chia sẻ của người quản giáo dạn dày kinh nghiệm khiến tôi cảm nhận được rằng, ở một góc khuất trong cuộc sống này, những tử tù đang phải trả giá cho tội ác của họ vẫn được hưởng chút ấm áp tình người.

Chẳng thế mà các tử tù nơi đây, trước khi đi trả án đều không một lời trách cứ các giám thị, các quản giáo. Thượng tá Phạm Ngọc Tươi - Giám thị trại tạm giam, Công an Hải Phòng – từng chia sẻ: Có tử tù trước giờ ra pháp trường, xúc động đề nghị được ôm Ban (cách gọi của các phạm nhân với Ban giám thị - PV) để cảm ơn và để níu giữ chút tình người ấm áp trước khi từ giã cõi trần.
(kienthuc.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét