...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Nhạc Trịnh Ân Tượng Trong Dòng Chảy Đương Đại

Người ta vẫn dành một góc tâm hồn để hướng về thứ âm nhạc lắng dịu và giàu tính triết lý để suy tư, ngẫm ngợi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất đã 11 năm, nhưng âm nhạc của ông vẫn hòa vào dòng chảy của cuộc sống hiện tại. Bên cạnh những xô bồ, vội vã thường ngày, người ta vẫn dành một góc tâm hồn để hướng về thứ âm nhạc lắng dịu và giàu tính triết lý để suy tư, ngẫm ngợi về nhạc Trịnh.

Rạp Công Nhân (Hà Nội) những ngày cuối tháng 3 chứng kiến nhiều lượt khán giả tìm đến buổi biểu diễn nhạc Trịnh “Cuối cùng cho một tình yêu” của ca sĩ Ánh Tuyết. Có thể nói, trong số những nhạc sĩ trong nước, hiếm thấy ai có ảnh hưởng lớn đến công chúng ở mọi lứa tuổi trong suốt một thời gian dài như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Say mê âm nhạc của ông, chị Vũ Thị Nguyệt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bất cứ khi nào có biểu diễn nhạc Trịnh, chị đều tìm đến: “Tôi rất yêu thích nhạc Trịnh, nó rất sâu lắng nhưng không bi ai. Mình nghe mình cảm nhận được nên rất thích. Tôi nghe nhạc Trịnh từ sau 1975, hồi ấy có băng cối là tôi đã nghe rồi và bây giờ vẫn theo dõi. Riêng nhạc Trịnh, gần như năm nào tôi cũng đi”.
Đã 11 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về cát bụi, khắp các sân khấu lớn nhỏ cả trong và ngoài nước vẫn sáng đèn cho những đêm tưởng niệm ông. Người yêu nhạc lại trầm lắng với những ca từ và giai âm có sức hút lạ kỳ của người nghệ sĩ tài hoa họ Trịnh. Và với họ, con người ấy vẫn hiện hữu như chưa hề bỏ cuộc nhân sinh.
Nói về những ấn tượng với nhạc Trịnh, ông Phạm Thành Trung ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Nhạc Trịnh Công Sơn đối với tôi, nó nằm trong một phần tâm hồn, tình cảm của mình. Mỗi lần được tiếp xúc với nhạc Trịnh, mình như được cởi mở tấm lòng, rất là đồng điệu. Nhạc Trịnh càng nghe càng thấy thấm vào sâu thẳm tâm hồn mình. Tôi nghĩ nhạc Trịnh có một tư tưởng triết học rất hay và những cái đó càng ngẫm thì càng đi vào tâm tưởng người nghe.”
Có thể nói, nhạc Trịnh Công Sơn chất chứa những tâm trạng, nỗi lòng mà mỗi người khi soi vào đều thấy một phần mình ở đó. Thứ âm nhạc vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa mơ hồ vừa hiển hiện, tưởng là riêng nhưng hóa lại chung, có nỗi buồn mà không bi lụy ấy đã chạm đến những ngóc ngách sâu kín nhất trong tâm hồn người nghe; để rồi người ta có thể khóc cười và thấm thía.
Triết lý và cảm quan về tình yêu, con người, thân phận trong những ca từ nhạc Trịnh chỉ nghe thôi đôi khi chưa cảm hết được. Có lẽ phải ngẫm và chiêm nghiệm từ đời sống thực, từ trải nghiệm thực mới có thể rung động và đồng điệu với nghệ sĩ.
Bạn Đinh Thùy Linh, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Em thấy nghe nhạc Trịnh ở em thì chưa thể hiểu hết được. Nhưng càng nghe thì mỗi lúc nó lại thấm 1 chút, thấm 1 chút. Em nghĩ là cũng hiểu được phần nào khi mình lớn dần lên”.
Có người nói rằng, giới trẻ ngày nay chẳng mấy ai quan tâm đến nhạc Trịnh nhưng không phải vậy. Chỉ cần một tối cuối tuần góp mặt tại một quán cà phê nhạc Trịnh, người ta sẽ thấy chật kín những gương mặt trẻ say mê hướng ánh nhìn về sân khấu để lắng nghe và cảm nhận tiếng đàn, tiếng hát của chính những người trẻ tuổi. Họ không phải là ca sĩ nhưng say mê hát vì ai đó nói rằng nhạc Trịnh không đòi hỏi người hát phải sử dụng nhiều đến kỹ thuật, chỉ cần tâm hồn và sự đồng điệu.
Gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn đến hôm nay vẫn luôn được công chúng đón nhận. Ở đâu đó giữa Sài thành ồn ã hay Thủ đô hoa lệ, trong một góc quán nhỏ, tiếng ghi ta bập bùng và những ca từ nhạc Trịnh chất chứa tâm sự vẫn cất lên như một sự hồi tưởng. Và đó là cách mà Trịnh Công Sơn sống sâu trong xúc cảm công chúng nhiều thế hệ./.
(nguồn:tin180.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét