...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Đâu Phải Là Ký Ưc (6)

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

  ...chỉ có thể biết được nó
bằng cách biến thành nó.
 Upanishads


Mưa.
Em nói với ta là em đi tẩy rửa linh hồn ở một ban hợp xướng. Có phải là ở cái hãng thầu chuyên sản xuất những bài ca của thời đại hay không? Ta hỏi.

Không phải chỉ sản xuất, mà còn làm luôn công việc tiêu thụ. Em nói. Và ta đã nhớ ra. Thật ra là em đã dùng những ngôn ngữ hơi có vẻ kỳ công của văn minh đương đại. Đem hát ra những bài hát đã làm được, thì gọi là tiêu thụ. Cũng như đem phổ biến ra những tư tưởng đã sáng nghĩ được, thì cũng gọi là tiêu thụ. Ôi, thời của văn minh tiêu thụ, có lẽ đến một lúc nào đó thì cái chết xảy ra, cũng gọi là tiêu thụ. Ta buột nghĩ. Và cảm thấy hơi sợ hãi. Từ nơi ngôi nhà có vẻ kín cổng cao tường, chỗ góc phố ấy, đã bắt đầu nghe vọng lại những tiếng hát. Cả bao nhiêu ngày tháng ở đây, không biết bao nhiêu lần qua lại nơi ấy, thứ tiếng hát như đang bị nhốt lại ở chốn ấy là luôn vang ra khỏi những mái ngói có vẻ rêu phong, chẳng hiểu làm sao mà mãi tới hôm ấy ta mới chủ ý đến nó, mãi tới cái hôm em nói là em đi tẩy rửa linh hồn, thì ta mới bắt đầu cảm thấy là thứ tiếng hát ấy có vẻ gì giống như là từ một chốn thâm u bí hiểm nào đó vọng lại. Ngồi viết ở rừng thông, ta cứ cố lắng nghe, thử có bắt được một thứ tín hiệu nào đó em muốn gửi cho ta qua thứ âm thanh kỳ quặc ấy.  

Có một mặt trời luôn đi ngang qua trong trái tim em, ngày ngày là có một mặt trời luôn ngang qua cuộc đời em.

Hoàn toàn không có tín hiệu nào. Chỉ nghe thấy, một cách rành rọt, và dứt khoát, những lời lẽ tân kỳ đó. Có một mặt trời luôn đi ngang qua trong trái tim em…Trời vẫn mưa. Nếu vào những lúc khác, cái cảnh trắng trời mưa rơi là sẽ tạo ra ở trong ta những ấn tượng tốt đẹp về thế giới, trắng trời mưa rơi là biểu tượng thân thiện của thế giới. Nhưng lúc bấy giờ thì không. Thứ tiếng hát kỳ quặc ấy là đang tràn qua sự thân thiện của thế giới, như có năng lực làm thức dậy cả những cỏ cây úa tàn. Và ta thì cứ cảm thấy sợ hãi.

Em hát đến mỏi cả hai bên quai hàm

Phải hát to đến mỏi cả quai hàm thế sao?

Phải hát cho thật to như thế thì mới có thể loại khỏi linh hồn những dơ bẩn.

Người ta có nói chừng nào thì kết thúc không?

Ông chủ hãng thầu nói đến khi nào không còn nghe dơ bẩn mới thôi

Nghe dơ bẩn? Ta chưa bao giờ nghe ai nói thế?

Là ông ấy đã với những người trong ban hợp xướng.

Em ở ban hợp xướng về thì trời vẫn còn mưa. Lạnh. Ta nhớ là em kêu lạnh và mệt. Đi trong mưa, bị nhiễm lạnh, là lẽ đương nhiên. Nhưng đi hợp xướng mà kêu mệt thì khiến ta phải nghĩ ngợi. Ngày ngày là có một mặt trời luôn ngang qua cuộc đời em…Cái bài hát ấy như cũng đã nhập vào đầu óc ta. Có phải cứ hát mãi thế thì linh hồn không còn dơ bẩn? Ta nhớ là giữa lúc ta đương lo cái tiếng hát kỳ quặc kia cứ lẩn quẩn mãi như thế trong đầu óc mình, thì em lại hỏi ta câu ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét