...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Xuân Về Trên Những Miền Quê Bão Lũ

Tản văn của  Lê Hoài Lương

Mọi thứ bắt đầu từ nắng và gió. Nắng rất vàng rất mới trên lóng lánh chồi non. Gió vẫn còn bấc nhưng cuối chạp đã hây hẩy nồm, “Tháng giêng động dài, tháng hai động tố, tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non”- cái gió nồm miền Trung hào phóng mãi sau này mới rộ nhưng giờ vẫn kịp theo nắng ấm rất chừng mực, đánh thức bướm ong. Ai mà biết được lũ bướm ong trốn tiệt nơi nào suốt mùa đông, lúc này nhất loạt ùa về, và con người chợt nhận ra dưới cánh chúng, nhiều lắm, đủ các loài hoa bừng nở. Cỏ bên đường đã lại non tơ. Mùa xuân đang tràn ngập đất trời.


Mùa xuân vẫn tràn ngập đất trời dù mới vài tháng trước, trên những vùng đỉnh lũ miền Trung này, như mọi năm, những cuộc mưa bão nối nhau ầm ào quăng quật cùng thủy nạn xả lũ, mạng sống người chấp chới. Tất cả ngập tràn, nhà và người và vật trôi băng băng, trôi băng băng như đại hồng thủy áp tận những ngoại vi nhiều thành phố. Trên những thường xuyên các khái niệm rất cũ về đỉnh lũ lịch sử, về trận lụt thế kỷ, phương tiện truyền thông mấy năm qua có những hình ảnh theo kịp với thiên nhiên cuồng nộ. Những cánh tay mọc ra trên mái nhà vẫy vẫy cầu cứu, những bàn tay chìa ra chụp vội gói mì tôm rồi xé nhai ngấu nghiến, hai mẹ con người rục bên món ăn duy nhất nhiều ngày qua là nòng nọc…. Dẫu biết rằng nhiều khi mạng người bé nhỏ, nhưng tới năm nay cuộc điều chỉnh xả lũ có báo trước hai giờ chưa giúp dân thoát khỏi thảm họa, và khá lí bí khi, trừ dân chới với những tín hiệu sinh tử ấy, chưa thấy có kết luận cá nhân, đơn vị nào sai để có hướng sửa hiệu quả hơn. Mà thôi, ngay cả với thiên nhiên, người ta cũng đã tìm được chữ để diễn tả rằng đó là chủ ý, là sự trừng phạt con người gieo mầm họa tàn phá môi trường, thì kiếp nạn này phải gánh chịu là điều khó tránh khỏi. Thật nhẹ nhàng nhiều nỗi chung chung!

Mà thôi, dẫu gì, mùa xuân cũng đang tràn ngập đất trời… Trên ngấn bùn còn chưa phai, bất ngờ màu cỏ mới xanh non đến thơ ngây! Chợt nhớ câu thơ Xuân Quỳnh: “Ngỡ như là lá ngọt/ ngỡ như là lá thơm…”. Nhẩn nha nhấm nháp ngọn cỏ, lá tơ. Ừ nhỉ, cái “ngỡ như” của nữ sĩ đáng yêu quá! Mùi lá ủ trong lùm bụi ven đường, mùi rạ mục vườn nhà ai ngai ngái trong không khí thoảng nhẹ hương cây. Tưởng như nghe được cái cựa mình của chồi non, lộc biếc…

Những con bướm vàng những con bướm trắng hình như cũng bị đánh lừa: chúng thường nhởn nhơ trên các tàng cây, vạt cỏ- không sặc sỡ sắc màu, đôi cánh nhỏ ấm nắng của chúng khi bay có vẻ lững chững, non nớt lắm. Và thật hiền. Chúng quẩn quanh bên hoa rất hồn nhiên. Loài nho dại mọc ở khắp các rào giậu, lá xanh đậm, hoa ngũ sắc sáng lên dưới nắng. Những cuống hoa nhỏ đầy mật lúc nào cũng nhộn nhịp đám bướm to với các loài ong, còn chúng, lũ bướm vàng bướm trắng cứ thoảng qua nhẹ nhàng và có vẻ ham chơi như con trẻ. Chúng bay ra bờ sông.

Dòng sông nước đã bắt đầu xanh. Những vạt cải hai bên bờ, ngồng đã vàng tươi sắc hoa. Những bông hoa nhỏ xíu, giản dị và thanh thoát với cuống hoa thật mảnh làm cho màu nắng thêm tinh tế.

Trước mỗi sân nhà đã đơm đầy hoa vạn thọ đủ màu: vàng trắng, vàng tươi, vàng nghệ, vàng sẫm. Hoa mào gà, hoa đuôi chồn đỏ tía, vàng mơ. Hoa móng tay trắng, hồng, cam, mòng mọng tươi tắn theo nách lá. Bông trang đỏ ấm áp, bông trang trắng đượm hương. Từng chùm bông điệp lặng lẽ trên cây… Những loài hoa cũng mộc mạc chất phác như người trồng. Để cắm bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà. Cái mục đích giản dị như cách người nông thôn chia dúm hạt giống cho hàng xóm. Vãi xuống rẻo đất nào đó là hoa mọc, nhổ trồng như cải. Năm nào sơ ý để chuột gián nhấm mất chùm hoa khô, ra phiên chợ quê mua. Những cây hoa giống được bọc trong lá môn, lá chuối. Là có hoa chơi. Quãng đưa ông táo về trời, người ta chọn cây bông đẹp nhất bứng trồng vào chậu đất, chiều ba mươi lấy giấy sạch bao chậu, bê vào nhà trưng tết. Đến thăm nhau trầm trồ khen đẹp. Mới biết, dù niềm vui, niềm hạnh phúc của từng người từng cảnh có khác nhau nhưng cái thoã mãn của khoảnh khắc ấy không thể bảo là hơn, kém.                        

Lũ bướm vàng bướm trắng đôi khi ngơ ngẩn quanh quất bên nia bánh in, bánh cốm hong nắng. Lũ trẻ ngồi chờ bên cạnh chỗ làm, có cái bánh nào sứt bể bà, mẹ cho ăn. Mấy ngày này, mùi nếp rang, mùi bánh thuẫn mới vớt thơm lừng lối ngõ vừa được dẫy cỏ, quét dọn. Trên bếp lò thường liu riu lửa sên mứt gừng, mứt dừa. Người ta thích bỏ phẩm màu xanh đỏ vào mứt dừa cho tươi tắn ngày xuân. Bánh mứt quê kiểng vậy thôi, cũng làm một chút, không tội lũ nhỏ. Khách thăm xuân có cái để dọn, gọi là.

Hai tám hai chín tết thôn xóm thường vang tiếng heo chọc tiết. Thường là mươi nhà đội tay, quy lúa, xưa tính bằng vuông bằng giạ, nay tính ký đến mùa mới đong. Dẫu bây giờ hàng tết về tận chợ quê nhưng “lúa gạo tháng giêng, đồng tiền tháng chạp” mà! Vài ký thịt cũng là tiền lớn. Thôn xóm vẫn còn một số heo bằng nhiều cách sống sót qua mấy cơn lũ dữ. Người quê vẫn còn trông chờ vào vụ cấy trồng trước mắt để giờ có tết… Cũng là đời quê vá víu, chia sớt.

Thịt đem về lựa miếng ba chỉ làm nhưng bánh tét, phần còn lại kho tàu. Trong nhà vẫn còn vài con vịt xiêm vịt ta. Chuyện thịt thà bánh trái thế cũng là tươm. Phiên chợ quê cuối năm bao giờ cũng đông đúc, náo nhiệt. Người thì sắm cái chiếu, bộ bình ly, người mua thêm con gà, bì kẹo thèo lèo, bó nhang, củ, quả, người bổ sung cho con cái mũ, đôi dép mới… Đường quê nhộn nhịp người đi. Mấy tiệm may trong xóm làm việc suốt đêm. Quanh năm có thể rau mắm, cua đồng cá đìa, mặc sao cũng được nhưng cái tâm lý “có còn cũng ba bữa tết, có hết cũng ba ngày mùa” vẫn tồn tại với lối sống nông thôn.

Những khúc củi gộc, những gốc tre khô đã được chuẩn bị sẵn từ lâu đang cháy đỏ dưới thùng bánh tét. Anh lửa bập bùng trong đêm đen. Về khuya trời nhiều sương, hơi ấm lửa than và mùi khói cứ day dưa giục bước những đứa con xa trên đường về với mái ấm gia đình.

Ngày ba mươi vội vã và gấp gáp hoàn thành những việc cuối năm. Bàn thờ sạch sẽ tinh tươm đông bình tây quả. Đêm chầm chậm và yên ắng khác thường. Có thể nghe được từng bước chân thời gian: trầm lắng và trang nghiêm giờ phút chuyển giao cũ và mới, kết thúc và bắt đầu – công việc muôn thuở của tuần hoàn vũ trụ mà con người bao giờ cũng đối diện bằng những rung cảm bồi hồi. Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những tín hiệu đã ngập tràn, sau khoảnh khắc cúng ông bà giao thừa, lại nghe, trong mênh mông đất trời, trong tĩnh lặng đến lạ lùng, rõ mồn một bóng dáng chúa xuân!

Sáng đầu năm, mặt trời chưa lên, trên những nẻo đường quê đã thấy đầy trẻ nhỏ xúng xính quần áo mới. Chúng chỉ đi lòng vòng. Nhưng nhất thiết phải đi. Cha mẹ dặn với theo: “đừng vào nhà ai!”. Chuyện xông đất đầu năm còn nhiều kiêng cữ. Cũng phải thôi, ai mà giải thích được những rủi may trong đời. Mà bao đời qua, sau luỹ tre làng, người nông dân còn nhọc nhằn lắm! Tuy nhiên, lời căn dặn của cha mẹ là thừa: lũ trẻ chẳng hề có nhu cầu vào nhà ai. Chúng chỉ muốn ra đường vì có quần áo mới. Những bộ đồ in hoa nhiều sắc màu nổi bật trên đường quê. Chúng khác lũ bướm vàng bướm trắng ở chỗ sặc sỡ hơn.

Trên đường dây điện qua những cánh đồng, qua các thôn xóm (nông thôn bây giờ hầu hết sáng điện), những con chim én đậu thành hàng dài. Không biết trước đây chúng ở đâu. Không rõ những sợi dây nhỏ xíu ấy có gì hấp dẫn chúng. Nhưng lạ lắm: hình như chúng có vẻ biếng chao lượn, hình như chúng hiểu rằng bây giờ không có đôi cánh của chúng, mùa xuân cũng về. Đã có hoạ sĩ vẽ tranh nhấn mạnh hoạ tiết này, bức tranh có tên: nông thôn ngày nay. Dẫu sao, cái thực tế bé nhỏ nghìn năm qua vẫn còn đó. Và trăm năm sau, bức tranh quê thêm nhiều đổi khác nhưng chắc còn con én của ngày xưa.

Cũng như em, sáng xuân nay, trong làn mưa bụi, má em có thể hồng lên một chút không phải vì gió rét mà bởi phấn hồng; trên đường làng em mang giày cao gót và, sao lại không, có thể mặc bộ váy trong những lễ hội như bao cô gái phố phường. Em có thể nhìn thẳng vào mắt người bạn trai và yên tâm khi thấy ở đó chứa đầy sự tán thưởng. Có thể em sẽ nhập vai trọn vẹn ở thị thành sau một thời gian ngắn nhưng, em gái ơi, nếu một ngày nào đó em thấy rằng con đường quen thuộc từng đi, ngõ nhỏ từng sống không còn thân quý nữa hoặc em cố tình không hiểu cái hương đồng gió nội đã dệt cho em tấm áo xuân thì, sẽ có nhiều mất mát, không chỉ riêng em! Nhưng giờ là mùa xuân, những ngày đầu xuân. Đàn bướm vàng bướm trắng lất phất lối cỏ em qua. Tâm hồn em sáng trong và quẫy cựa, thầm thì mơ hồ nơi ngực trẻ…

Tiếng trống chầu giục giã. Đêm hát bội sắp mở màn. Các nghệ- sĩ- nông- dân đã vẽ mặt xong và mặc áo thêu rồng phượng. Những ngày trước họ đã ráng quơ xong cỏ lúa cho mấy ngày tết yên tâm lưu diễn qua các xã huyện khác. Tiền bồi dưỡng không nhiều, niềm đam mê được hát, được sắm vai trong tiếng nhạc tuồng đã thành máu thịt, chỉ có thể giải thích bằng chữ nghiệp. Và người xem, dù đã có nhiều ti vi, vidéo với các hình thức giải trí phong phú hấp dẫn, vẫn vội vàng gấp bước theo hồi trống thúc. Họ tìm thấy gì ở Liễu Nguyệt Tiên, Đào Phi Phụng, Kim Lân, Địch Thanh…? Người già gặp lại những ký ức thời trẻ khi xem vở tuồng quen thuộc. Lớp thanh niên gặp nhau. Đêm hát bội đã góp phần nuôi dưỡng hồn làng!

Bây giờ là mùa xuân. Tưởng có thể sờ được làn hương trên lối ngõ. Lúa đã xanh thì con gái. Những người đàn ông đã tiếp tục vãi những hạt giống chắt chiu cứu được hay từ hỗ trợ của chính quyền các cấp, ngay khi mùa lũ đi qua. Họ đã nghìn năm qua kiên trì gieo hạt với hy vọng mùa màng. Gió bấc vẫn còn nhưng nắng đã vàng, đã mới, hoa đã nở và lá đã non tơ. Trong những nếp nhà bình yên, chuyện khổ nghèo chừng vợi đi trước những tính toán và hy vọng.

Bất giác cúi xuống bông dại vàng trên cỏ. Những con bướm nhỏ thật hiền đã lấn quấn bay lên…

L.H.L
Đ.c: Lê Văn Lượng, 210 Huỳnh Thúc Kháng, TPQuy Nhơn, Bình Định
D Đ: 0919226439

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét