...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Độc đáo giếng cổ Chăm Pa ở đất Gio Linh

Là một phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng tây Gio Linh, Quảng Trị, hệ thống giếng cổ đại diện cho sự trường tồn vĩnh cửu của tinh hoa người xưa với cuộc sống và mảnh đất nơi đây qua thời gian. Tuy nhiên, những khối kiến trúc cổ ấy đang bị tàn phá, mai một bởi tự nhiên và ý thức thiếu bảo vệ của con người.

Khắp vùng phía tây huyện Gio Linh ở các xã Gio Sơn, Gio Hòa, Gio Bình, Hải Thái vẫn còn tồn tại rất nhiều hệ thống giếng nước của người xưa để lại.

Giếng cổ - nét văn hóa đặc trưng của người Chăm cổ

Vùng đất phía tây Gio Linh ngày nay tồn tại như đặc trưng điển hình cho các yếu tố văn hóa cổ xưa. Các nhà khoa học qua quá trình nghiên cứu đã nhận xét giếng cổ hình thành vào thời người Chăm Pa còn sinh sống trên mảnh đất này.
Một góc bờ thành giếng Đa
Một góc bờ thành giếng Đa

Qua lời kể của nhiều cụ ông cao tuổi, cách đây gần một thế kỷ về trước vẫn còn dấu khắc họa tiết trên những tảng đá là các dòng chữ, các hình vẽ hay các mảnh gốm chum, chậu tái hiện cuộc sống, bản sắc văn hóa đặc trưng của người Chăm cổ. Sau chiến tranh, các dấu tích đã bị biến mất phần do sự tàn phá của bom đạn, phần do nhận thức con người khi đó vẫn chưa biết bảo vệ những chứng tích quý giá.

Quay ngược thời gian, toàn bộ vùng miền tây Gio Linh trước đây là một miền đồi núi trung du thuộc Châu Ô cùng với Châu Lý xưa nằm trong vương quốc Chăm Pa. Sau khi công chúa Huyền Trân lấy quốc vương Chăm Pa Chế Mân thì hai châu trên thuộc về nước Việt ta, ngày nay là hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Để sinh sống, người Chăm xưa ngoài tiến hành phát nương làm rẫy phát triển nền nông nghiệp thì nguồn nước được xem như yếu tố sống còn cho cuộc sống mưu sinh nơi miền trung du, đồi núi.

Ban đầu, nước được lấy từ các khe, suối hay các vũng, hồ tự nhiên, kể cả là hứng nước mưa đựng trong các chum, chậu để dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng dần dần, qua thời gian, người dân nhận thấy nguồn nước không được đảm bảo thường xuyên. Vì vậy, việc tìm nguồn nước lâu dài là việc rất hệ trọng.
 
Với địa hình là đồi núi, nguồn nước chủ yếu xuất phát từ các mạch ngầm chảy từ trong các khe núi, khe đồi tạo thành những dòng suối nhỏ tuôn ra ngoài. Lợi dụng địa thế con người đã chất đá từng lớp chồng lên nhau tạo thành giếng, dùng để bao bọc và giữ cho mạch nước luôn đầy. Cũng chính từ đây, các giếng nước đã được hình thành mang trong mình sứ mạng bảo đảm nguồn nước lâu dài cho con người sinh sống và làm nông nghiệp.

Sau khi người Việt đến đây khai hoang lập nghiệp cha ông ta vẫn giữ những giếng nước đã có trước và xây thêm nhiều giếng mới trong làng, trong xã. Hầu như ở các các làng, làng nào cũng có giếng để phục vụ cho cuộc sống của cộng đồng người ở đó. 

Là một bậc cao niên, năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông Trần Con thuộc xã Gio Sơn, Gio Linh, Quảng Trị cho biết: “Ngày xưa cha ông ta xây dựng giếng cổ ngoài mục đích vì cuộc sống thì còn là nơi thờ cúng các vị thổ địa hay và tổ chức các lễ hội, lễ tế nhằm mục đích khấn vái thần linh cho mùa màng tốt tươi, dân làng được cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ý niệm về tâm linh đã làm cho người dân ngày càng gắn chặt và có quan hệ mật thiết hơn nữa với giếng cổ.”

Giếng cổ sắp bị "xóa sổ"

Hệ thống gồm 14 giếng cổ ở phía tây huyện Gio Linh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng "di tích lịch sử - văn hóa" cấp quốc gia từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, chất lượng cuộc sống của con người càng được nâng cao. Nhà nào cũng có giếng đào, giếng khoan phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Do đó, giếng cổ đang có dấu hiệu xuống cấp rất nghiêm trọng do sự tàn phá của thời gian và ý thức bảo vệ ngày càng kém của con người.

Thành giếng của một số nơi như giếng Hùng, giếng Đâu, giếng Đa (tên gọi mà người dân đặt cho hệ thống giếng nơi đây) thuộc xã Gio Sơn, Gio Linh không còn nguyên vẹn. Phần bị sập, phần thì bị nứt nẻ do vôi vữa rã rời không thể giữ nguyên cấu trúc vững chắc của giếng.

Một số giếng nước khác như giếng Máng thuộc xã Gio Hòa, giếng Chuộc thuộc xã Hải Thái hơn 90% các khối đá sắp xếp để chứa nguồn nước, giờ đều bị người dân lấy sử dụng vào mục đích khác.

Đáng báo động hơn là ý thức sử dụng nguồn nước một cách bừa bãi của người dân các vùng trên. Người dân đi làm đồng, bơm thuốc cho lúa, rồi lại vệ sinh thùng và vòi phun thuốc trực tiếp ở trong giếng hoặc đứng trên đầu nguồn nước. Các loại bao bì xà phòng dùng để giặt quần áo vứt bừa bãi chất đống. Những hoạt động trên vô tình đã làm nguồn nước trong giếng ô nhiễm, ngoài ra còn bị tắc nghẽn nghiêm trọng do rác thải.

Đặc biệt, dự án gia cố, nâng cấp đập Phú Dụng đang được thực hiện. Đây là công trình nhằm tích trữ nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân thuộc các xã Gio Sơn, Linh Hải, Gio Hòa thuộc huyện Gio Linh. Dự kiến mực nước trong đập sẽ dâng cao hơn rất nhiều so với hiện tại, nhất là về mùa mưa. Nằm trong địa phận nước dâng bao quanh đập, nguy cơ hệ thống giếng cổ sẽ bị tàn phá bởi nước đập là thường trực.

Một số hình ảnh về hệ thống giếng cổ:



Người dân đang rửa rau trong giếng Đa.
Người dân đang rửa rau trong giếng Đa.
Bờ thành giếng Chuộc cây cỏ mọc um tùm.
Bờ thành giếng Chuộc cây cỏ mọc um tùm.
Các khối đá của giếng Hùng đã bị đỗ vào trong lòng giếng.
Các khối đá của giếng Hùng đã bị đổ vào trong lòng giếng.
Giếng Máng vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Giếng Máng vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Mạch nước chảy từ trong nguồn được người dân hứng bằng các máng dẫn.
Mạch nước chảy từ trong nguồn được người dân hứng bằng các máng dẫn.
Rác thải sinh hoạt của người dân xả bừa bãi xung quanh miện giếng.
Rác thải sinh hoạt của người dân xả bừa bãi xung quanh miệng giếng.

Văn Nhân
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét