...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Khuê Oán

        Vương Xương Linh

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.

 Lời bình của nhà văn Lê Hoài Lương



Mọi người lâu nay nhanh chóng xếp bài thơ này vào mảng thơ biên tái và chủ yếu bình giảng theo khía cạnh này. Chắc là đúng và hợp với thời ấy, cái thời chất tráng chí thấm đẫm lòng trai tang bồng hồ thỉ, thời đàn ông lập thân bằng thanh gươm yên ngựa, và phổ biến nỗi sầu ly chinh phu cô phụ. Ngay vẻ đẹp thơ này cũng lung linh nhiều ở Việt Nam: “Trống Thàng thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây/ Mấy lần gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh”, và còn vọng dài đến nhiều bài thời Thơ Mới: “Em không nghe rừng thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ”, rồi sau nữa…

Với bài “Khuê oán”, nếu không tập trung cho “vùng phủ sóng” này, không quá nhấn cái chất biên tái thì sao?

Nhiều bản dịch bài thơ đẹp và tinh tế này của ông Thi Thiên tử, cả Tản Đà, Ngô Tất Tố…, nhưng hình như cũng chưa thật hay. Thôi tạm ghi lại bản dịch nghĩa vậy:
Người thiếu phụ ở chốn phòng khuê không biết đến nỗi buồn
Ngày xuân trang điểm xong bước lên lầu thúy
Chợt thấy đầu đường màu xanh tươi của cây dương liễu
Lòng hối hận đã để chồng đi ra trận mà kiếm chi ấn phong hầu.

Có vẻ một chữ quan trọng mà khi ngâm ngợi bài này nhiều người không để ý là “xuân”. Sẽ ra sao nếu là hạ, thu, đông? Nếu thay bằng các chữ sau, đất trời sau, hẳn sẽ không còn “dương liễu sắc” ấn tượng đến mức khiến hồn người thiếu phụ sững sờ và rạo rực nhớ chồng, hối hận vì phải xa chồng. Ấn phong hầu và cái rạo rực xuân trời, xuân lòng thành lên hai bên cái cân lòng chợt hiện, đo đếm, và nó đã nghiêng hẳn một phía.

Cũng cần hình dung thêm vì sao “thiếu phụ bất tri sầu”. Nàng xưa vừa thiếu nữ đã làm vợ, thêm nữa, chi tiết “lầu thúy” hẳn người thiếu phụ này diện trâm anh sang quý, kẻ hầu người hạ. Nàng còn nhỏ ham chơi với bao thứ đủ đầy quanh mình, dù vắng chồng cũng chưa kịp thấy “sầu”. Đến một ngày xuân đẹp, trang điểm tinh tươm “thượng thúy lâu” ngắm cảnh mới “hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc” mà “hối giao phu tế mịch phong hầu”.

Chính cái bất ngờ trước sắc xuân tươi đã làm nàng nhớ người: nàng đã nhanh chóng “lớn lên” từ cái “hốt kiến” ấy!

Lạ lắm, tân kỳ lắm cái táo bạo này, tinh tế này của Vương Thiên tử. Nên nhớ ông sống cách chúng ta gần ngàn rưởi năm (694(?)-756)! Thời Thịnh Đường, và cả ngàn năm sau, cảm hứng thi ca không hề là những riêng tư, không thể riêng tư. Nên, viết nỗi nhớ chồng, mà ở đây cụ thể là cái rạo rực người nữ nhớ người nam như bài tứ tuyệt này là táo bạo. Tác giả đã kín đáo lồng tâm trạng thiếu phụ đầy sức sống vào cảnh “hối giao phu tế mịch phong hầu”. Và cái “khuê oán” được nỗi sầu ly chinh phu như kín đáo phê phán chiến chinh để lập danh, đã được “che chắn” theo guồng chung thời cuộc, thời trạng. Chứ thực ra chất xuân tươi của đất trời đã đồng lõa với lòng người tinh tươm rạo rực mà “oán” vì không thể cùng nhau, cạnh nhau.

Cảnh sinh tình không hẳn là phát hiện gì nhưng cảnh xuân với tình xuân đầy rạo rực nơi “thúy lâu” hẳn rất cụ thể chứ không chung chung. Bài thơ đã “sống” cả ngàn năm chính từ vẻ đẹp, cái tinh tế rất “người” này!

Vương Xương Linh tự Thiếu Bá, người đất Giang Ninh, tỉnh Giang Tô, đậu tiến sĩ, làm Hiệu Thư lang. Sau bị biếm ra làm quan úy tại Long Tiêu, gặp lúc loạn lạc ông bị Thứ sử Lư Khưu Hiển giết vì tư thù. Tài thơ ông được người đời tôn xưng là Thi Thiên tử, cùng với Thi Tiên- Lý Bạch, Thi Thánh- Đỗ Phủ, Thi Phật- Vương Duy.

Dừng lại một chút với tiểu sử bậc thi tài để cùng tưởng vọng, và xin khép lại những xúc cảm lan man. Rằng, thôi thì cứ biên tái cho thêm phong vị. Nhưng hãy cùng ngoái vào tít mù xa lòng yêu, xúc cảm yêu vừa kín đáo vừa mãnh liệt mới thấy muôn năm đất trời và lòng người vẫn vậy. Tuy “oán” nhưng đọc Vương Thiên tử để thêm một lần cảm rằng luôn luôn có mùa xuân “chín” và vẫn đó, lòng người rạo rực với xuân.

LHL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét