...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Tình Cờ Mấy Vần Thơ Xuân Cũ

Lê Hoài Lương

Tôi thích thơ và có viết đôi bài cảm nhận, có viết báo thường ngày để sống, hằng năm vài bạn bè biên tập viên các báo thường hỏi viết gì cho báo tết không? Thường thì nói có cho chắc nhưng ít khi gửi bài, mùa này báo bạn không khan hàng, trăm nhà muốn góp mặt cùng xuân, nhuận bút cao cao cũng là một phần, thêm phần có tờ báo biếu sang đẹp đọc chơi, hay chưng bày cũng rất có vị thế ba ngày. Phần, viết mãi cũng nhàm, mấy cái tạng tôi, tết xưa cây nêu, câu đối với những cảm xuân hoa cỏ nhì nhằng.


Giờ thì báo xuân đã xong phần bài vở, lòng lơ ngơ chợt nhớ mấy vần thơ xuân xưa, rất ngẫu nhiên vòng vọng mà thấy lý thú, viết bài này như một góp mặt tình cờ với bầu bạn và người yêu thơ.

Xa lắc mấy vần thơ của Diệp Thiệu Ông, Mãn Giác thiền sư và Mộng Mai Đào Tấn. Một ông nhà thơ thời Tống- Tàu người đời chỉ nhớ bài: “Du viên bất trị”. Ông là thiền sư nổi tiếng thời Lý- Việt với: “Cáo tật thị chúng”. Ông còn lại là danh sư tuồng hát bội, người Bình Định, câu đối đề ở Mai viên, thuở làm Phủ doãn Thừa Thiên và Thượng thư triều Nguyễn. Có hai chữ “sư” nhưng khác, hai ông người Việt nổi danh ở hai khía cạnh: người góp phần làm sang Phật giáo Việt Nam, người làm cho nghệ thuật Hát bội thành đỉnh cao.

Bài “Du viên bất trị” (phiên âm) của Diệp thi sĩ thế này: “Ưng lân kịch xỉ ấn thương đài/ Thập khấu sài môn cửu bất khai/ Xuân sắc mãn viên quan bất trú/ Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai”. Dịch thơ: “Xót thương rêu mướt dấu giày in/ Gọi cửa hồi lâu vẫn nín thinh/ Xuân sắc khắp vườn khôn cách giữ/ Vượt tường hồng hạnh cố vươn mình”.

Nhiều người dịch bài này, và có cái hay riêng. Tôi chọn bản của Điệp Luyến Hoa vì thích ý hai câu cuối, và là hai câu quan trọng của bài. Tuy vẫn chưa đã, chỉ được ý “khôn cách giữ” quan trọng. Còn  “xuất tường lai” hơi ép chuyện “cố” vươn mình.

Nó khẳng định chứ! Rằng, đầy ắp rồi vườn xuân, không thể kiềm tỏa, cản ngăn. Nhành “hạnh thắm” nhoài ra khỏi vườn là quy luật, là điều hiển nhiên. Bạn cứ vận dụng ý thơ sâu xa này nhiều khía cạnh của cuộc sống đều hợp, ví như, một cuốn truyện mô tả việc một nàng ngoại tình là không thể khác bằng cuộc trò chuyện có mượn ý nhành hạnh thắm “xuất tường lai” của họ Diệp. Nhưng trên hết, “xuất tường lai” là một thái độ, một khẳng định từ quy luật tất yếu!

Bài “Cáo tật thị chúng” của vị thiền sư danh tiếng thế này: “Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Dịch rằng: “Xuân ruổi trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa cười/ Trước mặt, việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi/ Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”.

Người đời sau thường nhắc tới hai câu cuối của ông thiền sư. Nhưng nếu đọc trọn bài thấy diễn dịch điều hiển nhiên như không ở mấy câu trước cũng góp phần quan trọng. Về lẽ sinh- diệt, sắc- không. Nó hấp dẫn vì không cứ gì tín đồ phật giáo, những cảm nghiệm này. Sinh- diệt- sắc- không, xét cho cùng thì Đức Phật cũng “vận” từ đời sống thôi mà.

Tới hai câu của Đào công đề ở mai viên: “Thập lý hồi xa khan (khán) trúc trưởng/ Nhất xuân tàn tửu đãi liên khai”. Bản dịch của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sắp xếp ngược lại như sau: “Bao xuân rượu nhín chờ sen nở/ Mươi dặm xe về thấy trúc cao”.

Như đã nói, hai câu này ông danh nhân văn hóa- “hậu tổ tuồng” đề ở Mai viên, lúc ông làm Phủ doãn Thừa Thiên, rồi Thượng thư thời đất nước long đong và yếu thế nhiều điều trước ngoại bang. Nên mới “thấy” và đầy chủ ý gửi hồn vào cuộc “chờ” sen nở dù rượu xuân còn mấy đến hạ đâu, vào ý trúc “cao” thêm khi chỉ mới rời đi khỏi nhà mươi dặm trở về. Sen vẫn gần đó bùn mà thanh cao, trúc quân tử cố vượt lên trong bao uế tạp quanh mình- ông quan Đào Tấn thời “mạt pháp” của một triều đại ký gửi nhiều lắm từ hai câu kiểu đề vịnh này.

Tình cờ mấy câu thơ xuân cũ, tự ngẫm thấy như một sắp xếp. Chỉ đúng là cũ, thời cách đây cả trăm năm, ngàn năm. Nhưng ý tứ thấy chưa cũ. Thôi thì nếu sắp xếp cũng có sao đâu, nếu tôi muốn “kể” xuân với mọi người theo cách của mình?

Bài của Diệp tiên sinh nói về quy luật. Bài của Mãn Giác đại sư sau chuyện quy luật nói về lẽ huyền diệu của sự sống, về cái uyên áo của tồn tại. Bài của Đào công hướng tới khí tiết người quân tử thời nhiễu nhương các giá trị.

Cái “nhành xuân” nhoài ra khỏi tường của Diệp lão không cũ. Cái “nhất chi mai” của ông sư họ Lý* xưa không cũ, sen và trúc của ông quan họ Đào mê hoa mai không cũ…

Như xuân. Dù đã ngàn vạn năm qua, mỗi xuân, lòng người còn đón đợi, luôn đón đợi.

Thời mười bảy, tức những năm ba mươi thế kỷ trước, Chế Lan Viên, một thi sĩ của “Bàn Thành Tứ Hữu” Bình Định từng “muốn” làm điều khác quy luật: “Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Đem về đây chắn nẻo xuân sang”. Tất nhiên chàng chỉ tả hồn, chứ làm sao “chắn” được “nẻo xuân sang”. Nhưng cái cách “ương bướng” ngược quy luật này cũng là một biểu hiện của tài hoa thi sĩ. Và Chế đã lừng lững một miền thơ, một vùng yêu của người yêu thơ. Và yêu xuân nữa, cũng lạ, dù ông muốn “chắn” lại không cho xuân về, mỗi xuân về lại cứ nhớ ông.

Lan man chút với những xuân xưa rích, dù quy luật dù lơ ngơ chợt nhớ, sao cũng thấy lòng rưng rưng. Thôi vậy, dẫu gì, xuân ơi, những tiền nhân triết lý, điềm tĩnh hay mỏi mòn bao thứ, cũng chỉ dạy cho tôi một điều không cũ bao giờ. Là xuân, một hiện hữu!

Để ký thác và hy vọng…

LHL
*Mãn Giác thiền sư tên thật là Lý Trường (1052-1096)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét