...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Lễ hội tưởng niệm “Nam bang thuỷ Tổ”

 TS Trần Đình Luyện
 
Theo quốc sử Việt Nam, “Nam Bang thuỷ Tổ” là Kinh Dương Vương-vị vua đầu tiên của nước ta từ khi dựng quốc gia Văn Lang, người đã sinh ra Lạc Long Quân-ông Tổ của tộc Bách Việt.(1)

Quê hương Bắc Ninh tự hào là địa phương duy nhất trong cả nước, có khu di tích đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương và lễ hội tưởng niệm đức “Nam Bang thuỷ Tổ”
.
Lăng Kinh Dương Vương thuộc làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao bên bờ sông Đuống với những hàng cây cổ thụ xum xuê. Từ xưa, các triều đại phong kiến đều quan tâm bảo tồn, tôn tạo khu lăng. Năm Minh Mạng thứ 21 triều Nguyễn, lăng được nhà nước cho tu bổ lớn và khắc bia dựng đặt trong lăng với hàng chữ “Kinh Dương Vương lăng” và đôi câu đối.
“Thiên cổ cương lăng linh tích tại,
Nhất đàn chở đậu quốc ân sùng”.
(Dịch: Dấu vết linh thiêng ngày xưa vẫn còn đây; Bàn thờ cúng đầy lễ vật do cả nước thành kính dâng lên).
Lăng Kinh Dương Vương được nhà nước phong kiến xếp vào miếu thờ đế vương các triều đại, mỗi lần quốc lễ, vua sai các quan về tế lễ trang nghiêm trọng thể.
Cùng với lăng mộ, hai ngôi đền cũng được xây dựng từ lâu đời để thờ Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân-Âu Cơ. Hai công trình này nằm ở phía Tây thuộc xóm Bi, làng Á Lữ, gồm đền Thượng thờ Kinh Dương Vương và đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Các công trình trên đã bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng nhân dân địa phương vẫn bảo tồn được các ngai thờ và nhiều tài liệu quý như 18 đạo sắc phong của các triều vua phong kiến cùng nhiều hoành phi, câu đối, bia ký khẳng định đây là nơi thờ Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiêu biểu như các bức đại tự: “Nam Bang thuỷ Tổ”.
“Việt Nam hoàng đồ vạn lý giang sơn đế tạo thuỷ
Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh chung”.
(Tạm dịch: Cương vực Việt Nam núi sông vạn dặm vốn có từ trước,
Họ Hồng Bàng đế vương gìn giữ ngàn năm còn để lại tiếng linh thiêng)
“Thập bát Hùng đế giai miếu duệ sở di
Thiên tác cương thường kiêm quốc gia hưng thịnh”.
(Tạm dịch: Dòng dõi mười tám đời vua Hùng còn để lại các miếu thờ trong khắp đất Việt
Nghìn năm lẽ cương thường để xây nền hưng thịnh nước nhà).
“Lập thạch kỷ công Nam thánh tổ,
Phong thần tố tích Bắc thần tôn”.
(Tạm dịch: Lập bia để ghi lại công đức thánh tổ nước Nam,
Đắp mộ để nhớ lại dấu tích thần tôn đất Bắc.)
Khu di tích lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân và Âu Cơ có giá trị lớn về lịch sử văn hóa, đã được Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá từ năm 1993 được Nhà nước cùng nhân dân làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành đầu tư tu bổ, tôn tạo khu lăng và phục dựng lại đền thờ Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân và Âu Cơ. Các cuộc hội thảo khoa học “Văn hoá Luy Lâu và Kinh Dương Vương”, “Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở Thuận Thành-giá trị lịch sử-văn hoá” do Sở Văn hoá-Thông tin Bắc Ninh (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức vào năm 1998 và 1999 đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa ở Trung ương và địa phương tham dự với những nghiên cứu và đánh giá làm sáng tỏ giá trị lịch sử-văn hoá tiêu biểu của khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Giá trị lịch sử văn hoá của khu di tích “Nam Bang thuỷ tổ” ở Á Lữ đã luôn luôn được bảo tồn và phát huy thông qua việc thờ phụng tôn nghiêm của dân làng, đặc biệt là lễ hội tưởng niệm hàng năm vào dịp đầu xuân.
Lễ hội xưa ở Á Lữ được mở từ ngày 16 đến ngày 24 tháng Giêng: Lễ hội đền Á Lữ đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là dịp toàn dân tưởng niệm và nhớ ơn Kinh Dương Vương-“Nam Bang thuỷ Tổ”, đồng thời chứng tỏ việc lập đền, xây lăng thờ phụng Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân-Âu Cơ. Những lễ tục trong ngày hội là sinh hoạt văn hoá tâm linh tiêu biểu của cư dân người Việt chuyên sống bằng nghề làm ruộng, cấy lúa nước và đánh bắt cá ở miền châu thổ Bắc Bộ-nơi sinh thành dân tộc và văn hóa Việt Nam-địa bàn cốt lõi của quốc gia Văn Lang-Âu Lạc.
Trong công cuộc đổi mới, lễ hội đền và lăng Kinh Dương Vương ở Á Lữ đã được kế thừa, phát huy và đổi mới. Thời gian mở hội không kéo dài mà chính hội là ngày 18 tháng Giêng âm lịch. Các nghi thức tốn kém và không phù hợp đã được loại bỏ. Dân làng cùng khách thập phương tổ chức tế lễ tôn nghiêm tại đền, rồi tổ chức lễ rước ra bái yết tại lăng để tỏ lòng nhớ ơn vị thuỷ Tổ của dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa-thể thao được tổ chức như: Vật, đấu cờ, chọi gà, biểu diễn nghệ thuật sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp, ca hát Quan họ…
Lễ hội đền và lăng Kinh Dương Vương ở Á Lữ đã và đang trở thành lễ hội lớn của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc, thu hút đông đảo quý khách trong nước và nước ngoài về dự hội. Đây là dịp mọi người về tham dự vào các sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt, đồng thời còn được tham quan chiêm ngưỡng những di sản văn hoá tiêu biểu của vùng quê Thuận Thành giàu truyền thống văn hiến như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, tranh dân gian Đông Hồ, hát ca trù, hát trống quân…
Vậy là nếu trên miền đất tổ Phú Thọ có đền Hùng và ngày hội giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, nay đã trở thành ngày quốc lễ, thì miền quê Bắc Ninh vô cùng tự hào có khu di tích lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương-Vị Thuỷ Tổ của dân tộc và lễ hội tưởng niệm vào ngày 18 tháng Giêng. Khu di tích đã trở thành di sản văn hoá quốc gia và lễ hội Á Lữ đã trở thành lễ hội lớn của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Trần Đình Luyện
(nguồn;baobacninh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét