...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Một Vùng Đất Cổ

Hải Đường
 
Từ ngàn xưa, vùng đất cổ Thuận Thành đã được biết đến như cái nôi văn hóa của người Việt. Trên mảnh đất này, đời nối đời bồi đắp nên những giá trị văn hóa diệu kỳ. Hôm nay nơi đây vẫn gìn giữ, phát huy những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo với những di tích lịch sử, những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, như một động lực để Thuận Thành vững vàng trên đường phát triển.





Không ngẫu nhiên, trong xu thế hội nhập và giao lưu văn hóa, Thuận Thành là địa phương thu hút được đông đảo lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Có lẽ không mảnh đất nào lại giữ được những dấu tích lịch sử rõ nét thể hiện tín ngưỡng tôn giáo gắn liền với các lễ hội đặc sắc như nơi đây. Các di tích lịch sử và lễ hội ở Thuận Thành không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng mà còn lưu giữ những nguồn tài liệu lịch sử, văn hóa vô giá, có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Bước chân về miền đất “bên kia sông Đuống”, du khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Luy Lâu-một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của đất nước với cả tiến trình hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam từ văn minh sông Hồng đến văn minh Đại Việt. Luy Lâu từng được biết đến như một đô thị lớn trên đất Giao Chỉ, một trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta mà ngày nay vẫn còn dấu tích ở những kiến trúc phật giáo, lễ hội đình-đền-chùa vẫn hiện hữu như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền và lăng Sỹ Nhiếp… Những quần thể di tích ấy là những điểm nhấn quan trọng phản ánh tiến trình phát triển lịch sử dân tộc.
Với mật độ các di tích lịch sử dày đặc chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, hàng năm, các lễ hội lớn trên vùng đất Thuận Thành luôn thu hút sự tham gia của hàng vạn du khách. Lễ hội đền Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân-Âu Cơ ở thôn Á Lữ (Đại Đồng Thành) thể hiện rõ nét đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Giá trị lịch sử, văn hóa của lăng Kinh Dương Vương không chỉ nằm ở kiểu dáng, nghệ thuật công trình mà quan trọng hơn, thiêng liêng hơn đây là sự ngưng đọng và phản ánh về cội nguồn dân tộc.
Đã là con dân đất Việt, ai cũng biết Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân-Âu Cơ là thủy tổ của đất nước, mở ra thời đại các vua Hùng làm rạng rỡ non sông đất Việt. Lễ hội đền Kinh Dương Vương có quy mô vào loại lớn nhất vùng, xưa kia được tổ chức trong 9 ngày, từ 16 đến 24 tháng Giêng hàng năm. Sau này, hội vẫn được duy trì, mở chính hội vào ngày 18 tháng Giêng với những nghi thức tế lễ, rước đặc sắc cùng các hoạt động văn hóa dân gian tưng bừng, rộn ràng cả vùng quê. Với vai trò, giá trị lịch sử to lớn, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, các hạng mục công trình được khôi phục nguyên gốc, được người dân Á Lữ trông coi cẩn thận, tạo điều kiện cho các thế hệ tìm về chiêm ngưỡng, thắp nén hương thành kính trước tổ tiên. Cùng với những hoạt động văn hóa, thể thao thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc của khu di tích, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đang là điểm đến quan trọng trong hành trình tìm về bản sắc dân tộc.
Du khách được tới thăm chùa Dâu - trung tâm Phật giáo cổ nhất Việt Nam với gần 2.000 năm lịch sử, thể hiện rõ nét sự giao thoa giữa Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng dân gian và truyền thống văn hóa bản địa. Lễ hội diễn ra vào ngày 8-4 (Âm lịch), ngày nay vẫn được duy trì, tổ chức trang nghiêm theo nghi thức truyền thống. Chẳng thế mà có câu rằng: “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng tư, ngày tám nhớ về hội Dâu”… như tiếng gọi tâm linh đối với tất cả mọi người. Có mặt đúng ngày chính hội, quý khách không chỉ được xem hội tắm Phật, rước phật Tứ Pháp… mà có dịp tìm hiểu truyền thuyết về trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, sự tích Man Nương và Tứ Pháp, truyền thuyết về dòng họ Nguyễn cứu thánh, bà Trắng bà Đỏ… Đến với hội Dâu, du khách được tận mắt thấy chùa trăm gian, tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp, đền thờ Sỹ Nhiếp tôn nghiêm, được tham dự các hoạt động văn hóa như múa trống, múa gậy, thi cướp nước, hát chầu văn, ca trù với bầu không khí vui tươi, sôi động.
Thuận Thành còn nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa của dân tộc như hội làng Mái, thi mã Đông Hồ (ngày 15-3 Âm lịch) của làng tranh truyền thống, hội chùa Bút Tháp (24-3 Âm lịch), hội Khám (7-4), hội làng Á Lữ (ngày 18 tháng Giêng), hội Khao quân, mừng chiến thắng của Hai Bà Trưng và các danh tướng có công đánh đuổi quân giặc của các làng thuộc vùng Dâu - Luy Lâu. Ngoài ra, ở Thuận Thành còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc trong ngày hội như múa rối nước ở Đồng Ngư (một trong 14 phường rối dân gian của cả nước còn duy trì hoạt động đều đặn), đu xuân ở Đông Côi, đấu vật ở Mão Điền và Hoài Thượng, hát ca trù ở Thanh Khương… Hướng về lễ hội là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh cầu mong những điều tốt lành và thể hiện sự ngưỡng vọng trước những nét văn hóa độc đáo được gìn giữ qua ngàn đời…
Trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội hôm nay, Thuận Thành vẫn đang đặc biệt coi trọng việc gìn giữ, phát huy giá trị của những di tích lịch sử, văn hóa và những lễ hội truyền thống. Đấy là những tín hiệu đáng mừng để hôm nay và mãi mãi mai sau người Thuận Thành cũng như du khách thập phương vẫn dập dìu trảy hội trong niềm tin thêm yêu quê hương, đất nước đẹp giàu.


Hải Đường
 (nguồn:baobacninh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét