...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Tìm về núi Thái Sơn trong ca dao

Đông Nhạc Thái Sơn là ngọn núi nổi tiếng Trung Hoa. Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng, vạn vật trong trời đất đều do Bàn Cổ tạo ra.

Sau khi Bàn Cổ qua đời, đầu, thân và tứ chi biến thành 5 ngọn núi lớn, gọi là Ngũ Nhạc.

Thái Sơn nằm ở phía Đông chính là đầu của Bàn Cổ hóa thành, bởi vậy Thái Sơn được gọi là Đông Nhạc, đứng đầu "Ngũ Nhạc" là Trung Nhạc Tung Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn.

Thái Sơn yên, bốn bể đều yên

Thái Sơn nằm ở vùng hạ du sông Hoàng Hà - nơi phát tích nền văn minh cổ đại Trung Hoa, thuộc bình nguyên Hoa Bắc, phía trước giáp Khúc Phụ.  Các chi mạch của Thái Sơn tỏa ra chiếm diện tích đến 426km2. Do xung quanh địa thế thấp bằng, chỉ khoảng 25m, Thái Sơn đột ngột nhô lên sừng sững, ngọn chủ phong cao 1.545m so với mặt biển như chọc vào trời xanh, khí thế kiêu hùng.
T3-Sach-hay-13.jpg
 

Từ xưa, người Trung Hoa sùng bái Thái Sơn là núi thần, có thuyết "Thái Sơn yên, bốn bể đều yên", lại ví Thái Sơn lớn như ơn cha.

Hoàng đế các triều đại từ Tần - Hán đến Minh - Thanh đều phải đến Thái Sơn tế cáo thần linh, phong thiền không hề đứt đoạn, lại sắc dựng miếu thờ, lập bia, đề từ...

Tương truyền Tần Thủy Hoàng lên Thái Sơn phong thiền, trời bỗng nổi mưa to gió lớn, cây đổ đá bay, tùy tùng đi theo bị thương rất nhiều. Thủy Hoàng nhờ nấp dưới 5 cây tùng cổ thụ mà tránh được tai nạn, khi trở về phong chức đại phu cho 5 cây tùng ấy, gọi là "Ngũ đại phu".

Văn nhân nho sĩ kéo lên Thái Sơn ngâm vịnh, đề thi rất nhiều. Thái Sơn hiện còn hơn 20 quần thể kiến trúc cổ, 2.200 cổ vật... Danh nhân văn hóa Quách Mạt Nhược nói Thái Sơn là bức tranh thu nhỏ của lịch sử - văn hóa Trung Hoa.

Công trình kiến trúc gỗ cổ lớn nhất thế giới

Kỳ quan mặt trời mọc trên Thái Sơn.
Kỳ quan mặt trời mọc trên Thái Sơn.
Muốn lên Thái Sơn phải qua Đại Tông Phường, đến miếu Đại dưới chân núi. Miếu Đại là miếu chính thờ thần Thái Sơn, các hoàng đế khi lên Thái Sơn phải vào hành lễ chiêm bái ở miếu Đại.

Miếu được kiến tạo từ đời Tần Hán (221 trước CN - 220), mở rộng đời Đường Tống (618 - 1279), diện tích 96.000m2. Tòa điện chính là Thiên Chúc điện, rộng 40m, mái vòm cong vút, tường đỏ ngói vàng lộng lẫy.

Đặc biệt, điện được làm toàn bằng gỗ quý, chạm trổ tinh vi, cùng với Thái Hòa điện trong Cố cung Bắc Kinh và Đại Thành điện trong Khổng phủ được xem là ba công trình kiến trúc cổ bằng gỗ lớn nhất, hoàn chỉnh nhất thế giới hiện nay.

Trên vách Thiên Chúc điện có bức bích họa khổng lồ đời Tống vẽ toàn cảnh sơn thần Thái Sơn đi săn, khí thế bàng bạc, thần thái phi phàm, là trân phẩm nghệ thuật hội họa cổ đại.

Xung quanh miếu Đại tùng bách thâm u, bia đá thành hàng, trong đó có bút tích của thừa tướng Lý Tư đời Tần rất quý giá...

Từ Đại Tông Phường về phía nam khoảng 1km là ao Vương Mẫu đã tồn tại hơn 1.600 năm, nước ở đây ngọt lành có tiếng, cảnh vật thanh tĩnh, là nơi nghỉ ngơi của các hoàng đế.

Để du khách hiểu thêm về "văn hóa Thái Sơn", hiện tại nơi đây có biểu diễn nghi lễ tế thần của các hoàng đế triều Thanh (1644 - 1911) khi lên Thái Sơn.

Đường lên Thái Sơn phía đông từ Hồng môn đến Nam thiên môn có 6.293 bậc thang đá, uốn khúc quanh co, xưa là ngự đạo dành riêng cho các bậc đế vương.

Phần lớn các di tích nằm ở hai bên con đường này, thắng cảnh chủ yếu có Hồng Môn cung, Vạn Tiên lâu, Đấu Mẫu cung, Kinh Thạch dụ, Trung Thiên môn, Thập bát ban.

Từ đỉnh Đấu Mẫu cung thâm nghiêm rẽ phải đi lên là danh thắng nổi tiếng Kinh Thạch dụ: Trên một tảng đá phẳng khổng lồ rộng 3.000m2 được khắc bộ kinh Kim Cang của Phật giáo, kinh được khắc từ thời Bắc Tề, đến nay đã hơn 1.400 năm, qua gió táp mưa sa hiện còn 1.043 chữ, mỗi chữ đường kính khoảng nửa mét, khắc lối Lệ thư, hình thể rắn rỏi, đao pháp dũng mãnh, có giá trị nghệ thuật rất cao.

"Lên Thái Sơn thấy thiên hạ nhỏ"

Thập bát ban là hiểm đạo có tiếng, dựng thẳng hơn 400m, có 1.600 bậc thang thông thẳng lên Nam thiên môn, đây là nơi khảo sát thể lực và ý chí của người leo núi.

Vượt lên Nam thiên môn như đứng trước cổng trời, phóng mắt trông xa, gió mây lồng lộng, vạn vật rối rít, cõi trần nhỏ nhoi, đúng như Khổng Tử nói: "Lên Thái Sơn thấy thiên hạ nhỏ".

Phía tây Thái Sơn có Trung thiên
Trên đỉnh Thái Sơn.
Trên đỉnh Thái Sơn.

Thác Bách Trượng, thác Thiên Chúc như dải lụa trắng khổng lồ bay thẳng trên trời xuống thế, âm thanh vang rền đến 10km. Qua chùa Bích Hà, đỉnh Đại Quan là đến tuyệt đỉnh Thái Sơn: Đỉnh Ngọc Hoàng.

Nơi đây có tấm bia đá cao bằng tòa nhà 3 tầng khắc bia văn của hoàng đế Đường Huyền Tông khi lên tế núi. Đây được xem là vật trấn Thái Sơn, rất có giá trị về nghệ thuật thư pháp và khắc đá.

Trên chóp đỉnh Ngọc Hoàng là nơi rất hấp dẫn du khách buổi sáng đón xem vầng thái dương xuyên qua biển mây, nhuộm thắm trần gian, làm hồi sinh vạn vật...

Từ thời kỳ Đồ đá cũ xung quanh Thái Sơn đã có con người sinh sống; Thời Đồ đá mới, đây là nơi làm nên nền văn hóa Long Sơn và Đại Văn Khẩu rực rỡ.

Từ những năm 1980 Thái Sơn mở 3 tuyến đường tham quan du lịch, có cả tuyến trực thăng. Thái Sơn đã cử hành 9 lần Giải leo núi thế giới.

Năm 1987 được UNESCO công nhận là "Di sản tự nhiên và văn hóa thế giới". Hiện núi thần Thái Sơn đã có trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn có đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan, ăn ở, mua sắm của du khách.

Hội đồng Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức UNESCO đánh giá về Thái Sơn: "Là đối tượng triều bái của các đế vương trong hơn 2.000 năm qua, các kiệt tác nhân văn trong núi hội nhập một cách hoàn mỹ và hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Thái Sơn là dòng suối nguồn về tinh thần của các nhà nghệ thuật và học giả Trung Quốc, là biểu tượng của nền văn minh và tín ngưỡng của Trung Quốc cổ đại".
Hàn Phong
(nguồn:bee.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét