...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Gặp “chàng” lãng tử của đất Hà Thành

 Giữa một Hà Nội ồn ào, hàng ngày một người đàn ông vẫn thong dong cầm máy ảnh đi khắp nơi chỉ để cảm từng hơi thở của Hà Nội. Những đám cưới, đám tang, những cuộc tụ họp của anh em nghệ sỹ, những khoảnh khắc chào đời của các con cháu đều được "ông già ăn chơi" ghi lại.
Tất cả đều là nguồn vui trong cuộc đời của lãng tử Trịnh Đình Tiến (một trong những người con của "ông hoàng" thuỷ tinh Đông Dương) - hậu duệ đời thứ 10 của Chúa Trịnh.
Ông Tiến thường tới hồ Hoàn Kiếm để tìm cảm hứng sáng tác


Bỏ nghiệp thủy tinh theo nghệ thuật thứ 7
Căn gác hai chật hẹp trên phố Hàng Bồ có lẽ cũng không trói buộc được tâm hồn nghệ sỹ trong ông Tiến. Người con trai của ông chỉ biết rằng sáng nào ông cũng đi chụp ảnh từ 9h cho đến gần 15h mới có mặt ở nhà. Đến vợ ông cũng chỉ nắm được lịch trình của chồng mình như vậy. Sau hai lần trèo lên ngắm căn nhà rồi quay về, lần thứ ba, tôi thay đổi "chiến thuật" đến nhà ông vào buổi sáng, trước 8h, để biết con trai của "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương giờ ra sao.
Nhìn người đàn ông với quần bò, mũ phớt và áo phông rộng, tôi không thể tưởng tượng đây là một ông lão đã gần 80. Tôi vừa ngỏ ý được nói chuyện với ông ở một quán café vì vợ ông đang mệt, thì ông đã nói: "Cô nhà báo muốn uống cafe kiểu Bắc kỳ hay cafe mang phong cách Tây? ". Sau đó, ông chợt nhớ ra điều gì liền bảo tôi có quán vừa có thể ngắm Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, vừa có thể chiêm ngưỡng Hà Nội hiện tại.
Tôi khá bất ngờ với gợi ý của ông. Nhưng khi đến một quán cafe gần hồ Hoàn Kiếm, tôi hiểu ra niềm đam mê nhiếp ảnh luôn ngấm trong con người ông. Bởi tại quán cafe này, tôi và ông có thể ngắm phố phường Hà Nội nhộn nhịp xe cộ, ngắm Tháp Rùa và trong quán có vô số ảnh của Hà Nội xưa. Hà Nội của một thời leng keng tàu điện, những cửa ô ghi dấu ngày xưa, những nữ sinh áo dài bay nhè nhẹ trong gió.
Thuở thiếu thời ông luôn được sống trong nhung lụa, chưa một lần nếm trải sự lầm than. Có lẽ vì thế mà tính tình của chàng trai Hà Nội này lúc nào cũng... trên mây trên gió. Lúc nhỏ, ông thích cinema và luôn nuôi trong lòng mộng ước một ngày nào đó sẽ trở thành một nhà sản xuất phim.
Bỏ qua sự nghiệp làm thủy tinh của người cha, Trịnh Đình Tiến quyết tâm đi theo nghệ thuật thứ 7. Ông Tiến kể lại: "Lúc đó, tôi phải vừa học quay phim vừa xin đi phụ quay cho các đoàn làm phim để lấy kinh nghiệm. Từ nhỏ, tôi được các bà vú em chăm lo không phải vất vả bao giờ. Những lúc đi phụ đoàn làm phim lên miền núi trèo đèo, lội suối, tôi cũng không thấy mệt. Bởi đó là niềm đam mê, là lẽ sống với tôi khi ấy".
Người ta nói sinh nghề, tử nghiệp cũng đúng, dù không bị mất đi tính mạng nhưng chàng trai trẻ Trịnh Đình Tiến ngày ấy đã phải hiến dâng một bên mắt của mình cho niềm đam mê theo đuổi phim ảnh. Lần đó, ông đi theo phụ quay cho bộ phim "Vợ chồng A Phủ". Lúc đoàn phim đang quay thì  phim hết, đạo diễn cử ông đi lấy bản nối phim cho đoàn. "Không may, khi cưỡi ngựa tôi đã bị ngã. Cú ngã đã làm một con mắt của tôi bị ảnh hưởng. Nghiệp điện ảnh tôi đành bỏ lỡ" - ông ngậm ngùi chia sẻ.
Không theo được nghiệp điện ảnh mà cả ông và chị gái Trịnh Thị Ngọ từng mê mẩn hồi bé, ông Tiến quay sang nhiếp ảnh. Mấy chục năm cầm máy, lang thang khắp đất Hà Thành, ông tự hào mình có một "gia sản" mà nhiều người phải ao ước.
"Chủ nghĩa xê dịch" và "chút vui" còn lại
Dù đã cận kề tuổi 80, trông bề ngoài, ông vẫn còn rất "phong độ". Đó là câu mà sau hai lần gặp và nói chuyện, tôi "đánh liều" nói với ông. Ngày ngày ông vẫn "bù khú" với bạn bè ở những... quán ruột. Ông bảo, tao nhã thì làm tách cà phê, muốn thưởng cái ồn ào phố xá thì kéo nhau đi làm chầu bia hơi vỉa hè. Thời gian còn lại ông đều dành cho nhiếp ảnh.
Sau nhiều lần gặp gỡ, ông cũng cho tôi vinh dự được ngắm "kho" ảnh có một không hai của mình. Gần nửa thế kỷ song hành cùng nghiệp ảnh, giờ ông đã thành một người "giàu có" khi đang sở hữu một "gia sản" tư liệu ảnh vô giá. Ông tâm sự: "Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi một mình lần giở lại "gia sản" của mình, coi đó như một thú vui khi tuổi già đang đến".
Bức ảnh hiếm hoi về Trịnh Công Sơn lần đầu ra Hà Nội biểu diễn được ông Tiến ghi lại
Chắc chắn thế hệ sau này không bao giờ biết, chợ Đồng Xuân lúc chưa bị cháy ra sao? Những chuyến tàu điện leng keng cuối cùng trước khi bị dỡ bỏ thế nào? Nhưng ông thì có tất cả những hình ảnh này. Đó không chỉ đơn giản là tài sản của ông mà còn là chứng nhân lịch sử của Hà Nội một thời. Trong cuộc triển lãm ống kính người Hà Nội chụp giải phóng Thủ đô (năm 2005), nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô thì ông là nhà nhiếp ảnh trẻ nhất trong số 8 nhiếp ảnh gia góp mặt tại triển lãm.
Vì sinh ra ở mảnh đất văn hiến này, nên ông Tiến yêu quý mọi thứ thuộc về Hà Nội. Trong kho tư liệu ảnh của mình, ông có vô vàn những bức ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Từ các thiếu nữ Hà Nội qua từng thời kỳ đến các thú chơi tao nhã của người Hà Nội, đều được ông ghi lại và lưu giữ khá đầy đủ trong “bảo tàng” của riêng mình. Trịnh Đình Tiến vẫn mong sớm có một ngày được công bố kho tư liệu ảnh ấy để mọi người cùng thưởng thức. Vì đối với một nghệ sĩ nhiếp ảnh như ông, chụp được một bức ảnh đẹp cũng giống như nhà văn viết được một câu văn hay, thấy sướng vô cùng.
Ông Trịnh Đình Tiến là hậu duệ đời thứ 10 của chúa Trịnh Căn và là con trai của "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương Trịnh Đình Kính. Ngoài kho tư liệu ảnh về Hà Nội xưa, ông còn lưu giữ được không ít các “trước tác” của các đời chúa Trịnh cùng nhiều thư tịch cổ như: "Ngự bút thiên hòa danh bách vịnh" của Trịnh Cán, "Đại Nam văn uyển" của chúa Trịnh Sâm.
Trịnh Đình Tiến khoe rằng, ông không chỉ có những bức ảnh về cảnh và người Hà Nội, mà còn có rất nhiều bức ảnh hiếm và độc về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. ông theo sát Trịnh Công Sơn, khi lần đầu tiên người nhạc sĩ tài hoa này ra Hà Nội biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Có một bức ảnh mà ông chưa công bố bao giờ, đó là hình ảnh cố nhạc sĩ họ Trịnh đứng trước gương ngoài hành lang Nhà hát Lớn chỉn chu lại đầu tóc và trang phục trước khi lên sân khấu biểu diễn.
Ông bảo, cảm động nhất là khi ông tìm trong kho tư liệu được bức ảnh mẹ của một người bạn là nhạc sỹ. "Lúc tôi đưa bức ảnh cho người bạn này, bạn tôi đã khóc. Bởi mẹ của người nhạc sỹ này đã mất, bức ảnh thờ mẹ gia đình nhạc sỹ cũng không có vì đã mất sạch lúc tản cư khỏi Hà Nội. Đó là chút vui trong đời làm nhiếp ảnh của tôi", ông tâm sự.
Vui vẻ kể về những niềm đam mê của mình, nhưng khi nhắc về người vợ ông lại trầm giọng. Trại sáng tác ở phố Châu Long trước kia là nơi ông gặp gỡ người con gái trường Phan Châu Trinh. Mối tình của họ không thiếu hoa và những bức ảnh ông tự chụp, nhưng ông vẫn nói rằng, ông mang lại nhiều nỗi lo cho bà trong cuộc sống.
"Duyên số đã gắn kết cuộc đời tôi và người vợ. Tôi hiểu sự cảm thông, tình yêu mà vợ tôi dành cho tôi có kèm theo cả những lần giận dỗi. Lối sống theo “chủ nghĩa xê dịch" làm tôi đam mê những chuyến đi hơn là giúp vợ chăm sóc con cái. Kho tư liệu ảnh vô giá cũng nhờ công của vợ tôi cả", ông chiêm nghiệm.
Một trận đột qụy cách đây vài năm, tưởng đã khiến ông phải mãi mãi rời xa chiếc máy ảnh. Nhưng thần chết đã phải tạm "chào thua" sự kiên cường, ham sống của ông, để ngày ngày ông lại được cầm máy ảnh lang thang quanh Bờ Hồ ghi lại khoảnh khắc cuộc sống. "Ngày nào tôi còn thở, tôi còn vác máy đi khắp Hà Nội" - ông Tiến cười vang...      
(nguồn:nguoiduatin.vn)                      
Đỗ Thơm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét