...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Phan Kế Toại - Phan Kế An: "Hổ phụ sinh hổ tử"

  "Mùa xuân của các bậc trưởng lão" là cái tên mà qua đó nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang muốn tỏ bày sự yêu mến, khâm phục tới đại văn hào Gabriel Garcia Marquez bằng cách gợi nhớ tới kiệt tác của ông: Mùa thu của bậc trưởng lão... Vị trưởng lão cao tuổi thứ ba trong tạp bút của ông là họa sĩ Phan Kế An - "Nhớ một chiều Tây Bắc.

Họa sĩ Phan Kế An. Ảnh ANTĐ
Họa sĩ Phan Kế An. Ảnh ANTĐ
Chắc nhiều người còn nhớ đây là tên tuyệt tác từ hơn 60 năm trước của họa sĩ Phan Kế An, người cao tuổi thứ ba trong số các thực khách hôm ấy. Ông là con cụ Phan Kế Toại, vị Khâm sai đại thần của triều Nguyễn mà sau Cách mạng Tháng Tám được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào Chính phủ kháng chiến làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ rồi làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Quả là "hổ phụ sinh hổ tử": Người cha thành đạt bao nhiêu trên lĩnh vực chính trị thì người con lại bộc lộ tài năng khác thường bấy nhiêu trong hội họa mà bức sơn mài kể trên là một minh chứng đầy sức thuyết phục.
Trên nền xanh sẫm của núi rừng hiện ra một hàng quân lơ thơ lặng lẽ đi trên con đường mòn nhỏ ẩn giữa hoang vu, và bất chợt có ánh nắng chiều chẳng biết từ đâu tới trải vàng lên vách núi hừng sáng một góc tranh... Một bài thơ bằng sắc mầu và hình khối phảng phất buồn hiu quạnh mà vẫn e ấp hy vọng dù có đôi chút mong manh. Bản ballade trầm lắng hoài niệm về sự hy sinh thầm lặng của một thời gian khó đã lùi xa vào ký ức...
Có cái chập chờn, mờ ảo của Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao trong nhạc phẩm đầy ám ảnh của Lê Huy. Có cái khắc khoải của Tây tiến đoàn quân không mọc tóc... trong thơ Quang Dũng và cả cái nao nức của Anh về sáo lại ái ân/ Mường La , Hát Lót chân anh đã từng... trong Lên Tây Bắc của Tố Hữu.
Sau này, bức tranh đầy ấn tượng của lão họa sĩ đã gợi cảm hứng cho nhà thơ tài hoa (mà cuối đời lâm vào cảnh đau ốm đáng thương) Đoàn Việt Bắc sáng tác những vần thơ còn lưu lại mãi trong nhạc khúc của Vũ Thanh :

Người vẽ tranh trầm tư dáng núi
Bướm vàng bay chập chờn bước hành quân
.....
Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc
Trời như cầm được ở lòng tay
Người lính già trầm tư nỗi nhớ
Anh thả chiều vào tranh...


Họa sĩ Phan Kế An còn là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiêng khác nữa (Những đồi cọ, Cánh đồng bản Bắc, Gác chuông, Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa ...), các ký họa rất thành công về Hồ Chủ tịch, về các văn nghệ sĩ (như Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Quang Dũng, Hoàng Cầm...). Sự nghiệp sáng tác của ông đã được ghi nhận xứng đánh bằng Giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Tuy nhiên Nhớ một chiều Tây Bắc vẫn là tác phẩm để đời của ông. Một nhà mỹ thuật, khi viết về bức tranh này, cho rằng chất liệu sơn mài tác giả sử dụng phần nào hạn chế sức thể hiện ý đồ nghệ thuật, lẽ ra nên dùng sơn dầu thì hơn... Tôi không nghĩ đó là một gợi ý khôn ngoan. Như Truyện Kiều đã được viết theo thể lục bát còn Chinh phụ ngâm thì bằng thể song thất lục bát - đó là dung mạo đầu tiên và cuối cùng, duy nhất của các tác phẩm bất hủ ấy - Nhớ một chiều Tây Bắc mang hình hài sơn mài một lần và mãi mãi như thế, không hề ngăn trở nó trở thành một kiệt tác của hội họa Việt Nam hiện đại.
Họa sĩ Phan Kế An tuổi Hợi (sinh năm 1923), tới năm Nhâm Thìn đã sang tuổi 90 mà mắt chưa mờ, chân chưa hẳn chậm, chỉ có đôi tai không còn thính nhạy như xưa. Nhưng vẫn có thể đàm đạo được với mọi người nhờ biệt tài đọc khẩu hình của ông.
Nhớ lần được diện kiến ông trong buổi "nâng lên đặt xuống" dạo hè ở Thiên Phúc Quán trên phố Kim Mã, ông khiến tôi kinh ngạc bởi trí nhớ phi thường khi ông kể vanh vách về cái đơn thuốc kê cho đứa em tên Kiên kém tôi 2 tuổi từ 57 năm trước, năm 1954, của một bác sĩ vừa qua kỳ thực tập ở Bệnh viện Chiêm Hóa, Tuyên Quang thời kháng chiến chống Pháp mà cha tôi đưa cho ông xem ngày ấy - đơn có kê một loại thuốc tẩy giun khá độc ( mà ông còn nhớ rõ tên là huile de ricin chénopodéc).
Ngay lúc đó, ông đã nói với cha tôi rằng thuốc này sẽ góp phần làm suy kiệt thêm thể trạng vốn đã rất nguy kịch của Kiên - lúc ấy mới 11 tuổi. Quả đúng vậy, sau khi uống thuốc đó, Kiên bị mẩn ngứa, nôn mửa liên tục, gia đình mời BS Đặng Vũ Hỷ ở Trường Y bên cạnh đến cũng không cứu được vì bị mất nước nặng và ngộ độc... Ông còn tả lại tang ma em Kiên đơn sơ, đau buồn ngày ấy mà tôi không có mặt vì đang theo học Trường Thiếu nhi Việt Nam bên Quế Lâm...
Phan Hồng Giang
(nguoi:bee.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét