...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

“Ngày tận thế”

Truyện ngắn

Sushma Joshi (Nê-pan) -chuyển ngữNguyễn thị Thành

  Một ngày nọ, mọi người đang nói về điều đó. Nó thậm chí đã được in trên báo. Một thánh nhân Hindu đã tiên đoán rằng sẽ xảy ra cuộc thảm sát rộng khắp chưa từng thấy hoặc thiên tai kinh hoàng xóa sổ hơn phân nửa dân số toàn cầu. Dil tới công trường, anh dừng lại chút xíu, nghe một người đàn ông đang thao thao về lợi ích của một loại thảo dược chống bệnh liệt dương. Rồi thì ông ta cũng nhận ra có điều gì đó. Đôi mắt hội tụ cả đàn dê trên bãi cỏ lúc trước của ông nheo lại: “Chuyện gì vậy?” ông hỏi. Và người ta nói với ông: “Mọi người đang mua thịt ăn bữa cuối thật ngon trước khi chết.”

Dil, để chuẩn bị cho ngày tận thế, đã vào cửa hàng mua một kí thịt dê. Trên đường về nhà, anh dừng lại tại quán của Gopal Bhakta, nơi tất cả những người đàn ông nhìn thấy gói giấy báo thấm máu anh đang cầm. “Đại lễ gì đây, Dai? Mừng Dashain sớm thế?” họ đùa. Vì vậy anh bảo họ biết thịt dê đang được bán với số lượng kỷ lục, và các quầy thịt ở Tudikhel đang bán tháo để đóng cửa. Những người đàn ông, nắm bắt cơ hội ăn uống này, đều quyết định mua một ít thịt cho bữa ăn cuối cùng của họ.               
Sanukancha, người sở hữu một cửa hàng sữa cuối hẻm, cho biết rằng toàn bộ đại gia đình của mình, một trăm mười sáu người, đã lên kế hoạch ở nhà ngày hôm đó để được bên nhau khi bảy mặt trời mọc vào sáng hôm sau và thiêu rụi trái đất. Bikash, người đã chuyển từ gã đi rong thành một thầy giáo trẻ chững chạc từ khi kiếm được việc tại Disney English School, bảo rằng có quá nhiều em xin phép cho hôm đó đến nỗi nhà trường đã tuyên bố nghỉ học không chính thức. Gopalbhakta nói em gái của hắn làm việc ở sân bay bảo rằng hãng hàng không Hoàng gia Nepal đã cháy vé, quá nhiếu người hy vọng thoát khỏi ngày-hủy-diệt.        
Dil có mặt tại nhà đêm ấy với một kí thịt bọc trong lá cây chai. Anh lẳng lặng đưa Kanchi.
            “Thịt! Chúng ta chẳng còn một hạt gạo, dầu cạn, sạch bách nghệ trong nhà. Và anh về với một kí thịt! Chúng ta có thể ăn cả tuần với số tiền đó.” Kanchi điên tiết.           
“Ngậm lại và ăn đi, bà”. Dil nói. “Bà có thể chết ngày mai, vì vậy bà có thể thưởng thức miếng thịt này luôn cũng được khi mà bà có nó.”          
“Làm sao nấu đây? Chụm luôn tôi á?” Kanchi hoạnh họe. Không có dầu lửa trong nhà. Dil ườn ra giường, người anh vẫn phủ bụi xi măng và gạch xám-đỏ sau ngày lao động mệt nhọc tại công trường xây dựng. Anh duỗi thẳng chân tay và nhìn chằm chằm lên trần nhà như thường lệ mỗi khi đi làm về. Không thấy anh trả lời, Kanchi hỏi: “Nhân dịp gì đây?”          
Anh nhìn trân trân vệt nước bẩn trên xà gỗ một lúc rồi đáp: “Đó là ngày tận thế.”
                                                                       *
Vậy là cô hiểu, một ngôi sao lớn với một cái đuôi dài sắp đâm vào sao Mộc, và đập vỡ trái đất thành từng mảnh nhỏ. Lần này là sự thật bởi ngay TV cũng loan báo. Nó không chỉ là một tin đồn. Cũng có một số tường trình, phóng sự truyền thanh, truyền hình (chưa được chứng thực) loan tin dăm bảy - con số khác nhau, lúc thì 7, lúc thì tới 32.000 - mặt trời sẽ mọc sau sự kiện này.
Kanchi sắp đi mua gạo của Gopal Bhakta, người chủ cửa hàng quen biết nên thường cho cô mua chịu, thì thấy con trai cô mang về cái túi nhựa tổng hợp politen đầy cam. “Cam!” Cô quật cậu bé nhưng cậu nhanh nhẹn tuột khỏi tầm với của cô. “Bố con các người điên hết rồi. Không có gạo ăn mà mua cam, đồ thiếu não.”             
Tuy nhiên, cả chồng lẫn con đều nín thinh. La hét với người câm thì vô ích, Kanchi bỏ đi, miệng cằn nhằn chửi rủa sự ngớ ngẩn của họ. “Có lẽ thế giới tiêu tùng thật, vì thế tôi sẽ khỏi phải lo miếng ăn cho loại khờ khạo như các người nữa.”                
Vậy là tối hôm đó, họ ăn thịt, miếng cháy khét, miếng chưa chín do bọn trẻ nướng, và chỗ ngon lành là Kanchi xâu vào cái que dài và nướng trên than hồng. Kanchi, suy ngẫm dễ gì đến ngày tận thế, đã cẩn thận hái một ít ớt xanh và rau mùi từ đám ruộng sát nhà để bày biện lên dĩa thịt nướng.
Rồi họ dùng cam, mỗi người một quả. Cam to thật, khi vỏ được lột ra, tinh dầu cam thơm khắp phòng. Bên trong chín đỏ mọng nước, với một hương vị khác xa loại bé teo héo quắt chua lè trồng trong làng. Ăn xong, Dil nói, sau một hồi cân nhắc, “Giờ bà làm gì thì làm…ngày mai cấm tiệt bọn trẻ ra khỏi cửa, nhớ đó.”           
Lát sau Kanchi quên đi nỗi phiền muộn, bực tức khi người hàng xóm ghé vào, mang theo cái trống madal cùng ba vị khách. Họ hát những bài rất quen thuộc nhưng dường như bắt đầu xa lạ với thời nay: những bài ca về trồng lúa và cắt cỏ trong rừng, một cuộc sống bọn trẻ xem như chuyện ngày xửa ngày xưa mà chúng nghe được lúc các thầy tế đọc Kinh Purans. Rồi con trai cô đứng dậy và bắt đầu nhảy múa, và mọi người reo hò cổ vũ cho đến khi bà chủ nhà thình lình thò đầu vào yêu cầu: “Chuyện gì mà ầm ĩ thế? Chỗ này đang diễn ra cái trò gì đây? Nghe như ngày tận thế!”
                                                                       *
Kanchi ăn bận cẩn thận và khá chải chuốt cho ngày-diễn-ra-sự-kiện-quan-trọng. Cô mặc đồ sari vải bông, quấn khăn choàng mịn màu xanh bằng len casơmia mà Jennifer đã mang từ Mỹ về tặng cô. Jennifer, người dị ứng vĩnh viễn với xứ Nepal u ám, làm việc cho một số văn phòng phát triển nơi cô giúp phụ nữ tiếp cận việc tiêm thuốc và chỉ họ cách gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Cô ấy hay bảo Kanchi rằng phụ nữ Nepal đã không có khả năng hiểu được những gì là tốt cho họ. Cô ấy chắc sẽ hãnh diện nhìn Kanchi quấn khăn choàng màu xanh rất hợp để diện vào một ngày trọng đại như vậy.                  
Kanchi làm việc cho Jennifer hồi còn ở thị trấn. Cô nấu cơm luộc rau, rồi cô xắt những lát ớt lớn, Jennifer thích ớt trái đỏ,  khi Jenifer đứng trước TV trong bộ đồ láng bóng, bó sát cơ thể và nhún nhảy rất lạ mắt. Janefonda, Janefonda, cô ấy sẽ hét gọi Kanchi, vừa nhảy tưng tưng vừa nhồm nhoàm miếng ớt tổ bố. Cô ấy không hào phóng lắm trong việc tặng quà, nhưng mỗi khi đông về cô ấy đều cho Kanchi xấp vải.      
“Sao hôm nay nóng lại quấn khăn?” Mitthu hỏi. Bà nấu ăn cho nhà Sharmas nơi sáng sáng Kanchi tới phụ giặt đồ kiếm ít tiền.                
“Bà chưa nghe à?” Kanchi nói với bà già. “Mọi người đồn ầm hôm nay là ngày tận thế. Thánh nhân tiên đoán thế. Cháu sẽ không còn chồng con bên cạnh nữa thì… ít nhất cũng có cái khăn.”
“Nhảm nhí. Nói bậy” Mitthu bẻ lại. Bà sùng đạo, có xu hướng hoài nghi mọi thứ nghe chưa kĩ.
“Là nếu như…”.  
“Không, sẽ không có chuyện đó.” Bà nói chắc nịch.             
“Ăn cơm thôi, Didi”. Kanchi nói vẻ lo lắng, vì bầu trời bắt đầu tối đen, mưa lắc rắc. Điều tồi tệ nhất trên đời được cho là xảy ra lúc 11 giờ sáng, và Kanchi muốn đương đầu chuyện ấy với một cái dạ dày đầy. “Sau này chúng ta có thể bị đói đó.”            
“Vì tấm thân hay linh hồn của cháu đây?” Mitthu hỏi khi bà xới cơm vào đĩa cho Kanchi, miệng lưỡi bà cay nghiệt.            
“Linh hồn sẽ bay đi như một con chim nhỏ. Nó sẽ bay đi khi bị đói và đi ăn trộm nhà người khác. Dạ dày cháu, bà ạ, nó sẽ giết cháu mất.”              
“Và cái khăn choàng của cháu giữ ấm cho cháu trên thiên đàng hay dưới địa ngục?” Mitthu hỏi. Bà rưới ít nước tương cà chua cay lên cơm.               
“Cháu sẽ không cần cái khăn choàng này ở thiên đàng hay địa ngục. Ý là nếu cháu sống sót, và không còn ai khác trên trái đất này trừ cháu. Ít nhất cháu cũng còn cái khăn choàng giữ ấm.”
“Hừm!” Bà quay đầu nhìn ra ngoài. Mặt trời vẫn đang chiếu sáng. Bà tự hỏi mình có nên vào  lấy khăn phòng hờ không, sau đó quyết định lòng tự trọng của mình còn quan trọng hơn.
Một tiếng sét xé toạc bầu trời trong xanh, và Kanchi hoảng hồn đứng bật dậy. “Gan cóc tía.” cô rủa thầm.          
“Ăn, Kanchi.” Mitthu nói, khua môi cơm lạch cạch trong nồi, tỏ vẻ bực bội sự sợ hãi của chính mình.
“Cháu gặp Shanta Bajai hớt ha hớt hải đến văn phòng sáng nay. Cô ấy nói cô sẽ đi đến văn phòng ngay cả khi không có ai, và cô ấy sẽ chết tại cái ghế của mình nếu cô ấy phải chịu như thế.”
“Vậy tại sao thế giới sẽ kết thúc?” Mitthu thận trọng hỏi. Bà không tin rằng nó sẽ xảy ra nhưng lại tò mò.           
“Tất cả là tại Girija.” Kanchi giải thích. Mọi sự bắt đầu xảy ra kể từ khi ông trở thành Thủ tướng Chính phủ. Kể từ khi ông bắt đầu sang Mỹ, liên tục có chuyện. Cháu nghe nói ông bị ngất xỉu và ông trùm tư bản Mỹ lo trọn tiền y tế cho ông ta. Vì vậy ông ta trở thành kẻ phá hoại từ lúc về nước. Mỹ cho tiền nên ông đã bán Nepal, có lẽ vậy. Phải có quan điểm sống.”
“À ...” Mitthu có vẻ đồng tình. “Ờ, chúng ta sẽ thấy điều đó khi nó xảy ra, có phải không?”
“Như sự diệt vong của thế giới.” Kanchi nhìn bầu trời, nói. “Cháu nghe đồn họ bắt nhốt vị đạo sĩ, người tiên đoán về ngày tận thế, trong nhà tù ở Hanuman Dhoka. Ông ấy đã nói rằng họ có thể treo cổ ông ta nếu điều ấy không xảy ra. Sau đó, một số người lại nói rằng ông ta đang cử hành nghi lễ thì lửa phụt cao, ông ta bị cháy và phải đưa đi cấp cứu. Ai mà biết trước điều gì sẽ xảy ra chứ?”
Mười một giờ. Tràn ngập sự im ắng đột ngột bởi sốc. Cả thế giới đứng lặng, chỉ một lần này thôi, để đề phòng. Sau đó, một loạt tạp âm chói tai đột ngột phá tan sự im lặng giữa buổi sáng: bò rống lên một cách đau thương, chó tru dài não ruột, và mọi người hét vang khắp chốn.
Bầu trời rộng lớn bằng phẳng xám lạnh. Mặt trời tỏa sáng.              
Dấu hiệu chung của sự nhẹ nhõm thoảng đưa suốt vùng thung lũng Kathmandu sau khi ngày tận thế đã kết thúc.

                                        (nguồn:VănVN.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét