...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Người Việt sùng bái trí thức theo kiểu "tủ bày hàng"

Gần đây trong xã hội có nhiều tranh luận về vai trò và trách nhiệm của trí thức đối với sự phát triển đất nước. KH&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Đức Thọ, một chuyên gia về Hán Nôm, tác giả của cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Trí thức cũng có lắm vấn đề của họ

Là người nghiên cứu di sản Hán Nôm, ông có nhận xét gì về trí thức Việt Nam?

Tôi biết, gần đây có người đánh giá trí thức Việt Nam là hèn. Điều đó rất không ổn. Kể ra họ nói cũng không hoàn toàn sai, nhưng tôi nghĩ đánh giá đó có lẽ phũ phàng quá. Trong lịch sử nước ta vai trò của trí thức rất lớn, vấn đề trí thức do đó rất trọng đại.

Ngay từ thời xa xưa, cứ mỗi người được đi học là như thoát ra khỏi cái tăm tối. Đó là những người đã cầm ngọn đèn văn hóa soi rọi cho cả dân tộc. Họ ý thức rất rõ về sứ mạng của mình. Và họ cũng được xã hội tôn vinh, được thụ hưởng những lợi ích vật chất đủ để thay đổi cuộc sống, chứ nếu học cho chán rồi về lại làm nương làm rẫy thì không khuyến khích được.

PGS.TS Ngô Đức Thọ
PGS.TS Ngô Đức Thọ: "Tôi biết, gần đây có người đánh giá trí thức Việt Nam là hèn. Điều đó rất không ổn".


Đó là vì ngày xưa ít người được đi học!

Có lẽ một phần là như vậy. Như thời Pháp thuộc chẳng hạn, lương bác sĩ rất cao đến cả trăm đồng bạc Đông Dương. Ăn tiêu cả nhà cũng còn thừa để tậu dăm ba mẫu ruộng. Nhưng số đó ít thôi. Bây giờ chúng ta làm giáo dục đại trà mà không chú trọng đến chất lượng, đến những đòi hỏi từ thực tế. Trước đây học hết diplome tương đương với lớp 7 - 8, tiếng Pháp đã nói như gió rồi. Bây giờ, cháu tôi học đến lớp 12 mà còn lơ ngơ lắm.


TIN LIÊN QUAN
Nhưng gần đây vai trò của trí thức không được tôn vinh lắm, ít nhất là không bằng doanh nhân?

Ở ta trí thức rất được coi trọng đấy chứ. Không những trọng mà còn sùng bái nữa. Nhưng cách của mình là chọn điểm, mỗi lĩnh vực đều chọn ra vài ba cây đa, cây đề, coi như "tiêu biểu". Đó là kiểu tủ bày hàng, chứ khoa học đâu phải thế. Khoa học phải xuất phát từ thực tế nghiên cứu.

Vậy tại sao họ lại chưa phát huy được vai trò của mình, thưa ông?


Đó là vì cơ chế của ta chưa tạo điều kiện cho họ. Chỉ một ít các vị có chân trong các hội nọ ban kia mới có điều kiện hoạt động xã hội, hoặc góp ý đề xuất các vấn đề về chính sách còn phần đông thì làm tốt công việc chuyên môn của mình đã là khó rồi.

Mặt khác, trí thức cũng có lắm vấn đề của họ, cũng đang trong hoàn cảnh phải tự cứu lấy bản thân. Trí thức phải có tiếng nói, nhưng nhiều khi trí thức Việt Nam khổ quá, đến mức không lo lắng gì cho xã hội được ngoài việc lo miếng cơm manh áo.

Làm thuê là phải hy sinh hết

Tôi nghĩ đó là thời bao cấp thôi, chứ hiện nay cũng không đến mức phải lo miếng cơm manh áo, mà là lo để được giàu bằng ai?


Cũng không hẳn vì lương ít mà người ta quay lưng với khoa học, nhưng quả thật nếu lương không đủ sống thì cũng không thể nghiên cứu được. Như tôi mấy chục năm nay, lúc nghèo khổ phải dịch thuê viết mướn để kiếm sống. Nhưng từ khi con cái làm ăn được, tôi tuyên bố không dịch thuê cho ai nữa mà dành hết thời gian, tâm sức để nghiên cứu, viết sách, in sách. Vì dịch thuê thì mình phải hy sinh hết, được tiền, cũng sướng đấy, nhưng hóa ra mình tích lũy kiến thức bao nhiêu năm nay chỉ để làm thuê, có được tí tiền để ra ăn bát phở... thành ra con người không xứng đáng. Không xứng đáng cái vị trí mình sinh ra trong cuộc sống này.

Tức là tự mình thấy cần thì nghiên cứu?

Hoàn toàn tự nghiên cứu, tự làm sách. Như cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam, chúng tôi tự rủ nhau làm. Lúc in ra mới buồn cười, Nhà xuất bản trả nhuận bút bằng sách, 10% là 100 cuốn, mình biếu hết. Thế nhưng rất vui vẻ. Trước đây thỉnh thoảng cũng có đề tài nghiên cứu của mình vào được dự án này nọ thì có tiền. Nhưng cũng hãn hữu thôi. Theo tôi, nếu vì mục đích kiếm tiền thì không nghiên cứu được. Hai cái này không hài hòa được đâu.

Danh phải cho ra danh


Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng người Việt Nam hiếu danh chứ không phải hiếu học?


Phải có cái danh là đúng. Trí thức là những người biết tôn trọng sự thật. Họ muốn công phu học tập thành tài của họ phải được ghi nhận xứng đáng. Vậy thì các danh hiệu, học hàm, học vị chính là một cách thức khích lệ để người trí thức luôn ghi nhớ để giữ gìn danh tiếng của mình. Nhưng danh phải cho ra danh, lợi cho ra lợi, cả người ban lẫn người nhận đều phải có thực tâm quý trọng các danh hiệu, chứ không phải là cái mồi câu rẻ tiền.
Chỉ đáng phê phán khi anh không xứng với cái danh ấy mà lại tìm cách để có. Tôi là nhà sản xuất làm ra sản phẩm này tốt, được xã hội tôn vinh, thì đó là danh tốt chứ. Còn nếu làm hàng kém mà chạy chọt để được khen thì đấy là cái danh đáng xấu hổ. Cái danh tốt sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Chứ nếu cứ bình quân chủ nghĩa, ai muốn làm thế nào thì làm, không có kích thích lao động thì không thể phát triển được.

Nhưng nhiều khi cái danh hão lại được tôn vinh?

Vấn đề là ở chỗ đó. Xã hội chưa phát triển được cũng là ở chỗ đó. Trong giới khoa học, mà ngay trong báo giới của các bạn cũng vậy. Tôi mà là lãnh đạo thì đưa bài nào cũng đăng, thậm chí cả bài ăn cắp văn cũng đăng. Còn nếu bạn chỉ là nhân viên thôi thì phải chờ, có khi bài còn bị bỏ. Như vậy là không biết khen ngợi người ta cho đúng. Trong khoa học việc đánh giá cho đúng là để người ta phát huy, để thúc đẩy. Còn chúng ta đang điều hành với là tư cách cá nhân, chứ không phải về tư cách khoa học.

Tại sao vậy, thưa ông?

Theo tôi vì chúng ta chưa thật sự chú ý đến nội dung đích thực của khoa học. Muốn nghiên cứu quy luật lớn thì có những quy luật nhỏ. Của mình thì cứ hớt váng bên trên rồi "đúc kết" lại cho nên người đọc nhàm chán, nhất là đối với học sinh các cấp. Đó là cách hiểu thô thiển về khoa học, không có khoa học nào phát triển được theo cung cách ấy.

Tình trạng chung hiện nay là như vậy. Hy vọng rằng sắp tới sẽ phải có cách thức để cho mọi việc liên quan đến nghiên cứu khoa học, liên quan đến trí thức được nhẹ nhàng, trôi chảy hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
PGS.TS Ngô Đức Thọ sinh năm 1936. Ông nguyên là Trưởng phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Được giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 cho bản dịch Việt Nam khai quốc chí truyện. Giải bạc sách hay 2011 cho cuốn Văn bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ngô Đức Thọ chủ biên và khảo cứu chính). Các tác phẩm chính: Các nhà khoa bảng Việt Nam; Từ điển di tích lịch sử văn hoá Việt Nam; Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại; Cơ sở văn bản học Hán Nôm; Một số tác phẩm dịch: Thiền viện tập anh; Đại Việt sử ký toàn thư...
Nhật Minh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét