...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Giấc Mơ Có Thật



       Truyện ngắn của Lưu Quang Thái


   Tôi thấy mình bay trên các ngọn cây ở một thành phố rất lạ. Chẳng hiểu sao bỗng dưng ngừng bay rồi cưỡi xe mô tô trên con đường không một bóng người. Có điện thoại gọi tôi. Alô tôi nghe . Đầu giây bên kia: Xin lỗi ,đây có phải số máy của chú Bảy Hà không ạ? Tôi khựng lại vài giây .  Ai biết bí danh thời chinh chiến của mình, rồi đáp, đúng rồi , xin hỏi tôi đang nói chuyện với ai đấy ạ? Đầu giây bên kia: cháu là con của bố Nguyễn Quang quê ở Trực Ninh, Nam Định. Tôi kêu lên: Trời! Cháu đang ở đâu? Cháu đang đứng trước cổng nhà chú. Tôi tự hỏi nhà mình ở đâu mà không nghĩ ra.
   Chiếc xe mô tô biến mất, tôi đứng ngay cổng nghĩa trang, nhìn vào không thấy mộ mà chỉ thấy những chiến binh mặc quân phục trắng, mũ trắng, đứng thành hàng ngang, hàng dọc thẳng tắp rất quy củ như đang tập đội ngũ. Một bóng người cụt một chân, chân kia gãy nát đong đưa theo gió, tay người đó cầm một xấp giấy có lẽ  là tiền của cõi âm, tay kia cầm ca nước.Tôi theo bóng người đó vào nghĩa trang, khói sương mờ mịt bóng người biến mất. Đang chẳng biết xoay sở ra sao, bỗng có tiếng nói vào tai " về đi ". Tôi quay lại thì ra người cụt chân khi nãy.  Chưa kịp phản ứng, anh ta đổ ca nước vào đầu tôi, kéo tôi lướt  trên đường chân không chạm đất. 
  Người cụt chân biến mất, tôi đã đứng ngay cổng nhà mình. Chiếc xe hơi mang biển số màu đỏ, đứng cạnh xe một đại tá tuổi trung niên, hai trung úy còn rất trẻ.
  Sau vài nghi thức xã giao, tôi hỏi viên đại tá :
   -Làm sao cháu biết nơi ở và số điện thoại của chú ?
   -Chuyện dài  lắm, cháu sẽ kể chú nghe…
   Cả xe và người biến mất.Tôi hụt hẫng chơ vơ, mò mẫm trên con đường nhỏ dài hun hút cây cối rậm rạp um tùm, đi mãi bỗng không còn đường, chỉ có rừng cây bao quanh chẳng có lối ra. Cố đạp qua mớ dây leo quấn quanh chân, tôi ngã đầu va vào gốc cây, chưa kịp đứng lên thì một bóng người hiện ra nhìn tôi nói: anh không biết tôi, song tôi biết anh. Chắc anh còn nhớ cuộc chạm trán bất ngờ tại sườn núi Cát Sơn, anh đã cướp đi sự sống của tôi bằng một loạt đạn ak47. Bóng người đó kéo tôi đứng dậy. Tôi nói: tôi không cố ý, thấy bụi cây lay động phản xạ tự nhiên tôi bóp cò súng! Âu đó cũng là vận số của anh. Bóng người đó nói tiếng như gió thổi: Vận số của tôi hay vận số của kiếp phù sinh? 
  Bỗng dưng trước mặt tôi hiện ra một dòng sông, tôi xuống sông và trôi đi.  Lơ mơ trong tiềm thức, tôi đi qua cầu Vô Tình, đến chùa Cổ Lễ, định vào chùa nhưng bị hai vị hộ pháp cầm đại đao cản lại. Đứng tại chỗ chẳng biết đi đâu thì thấy Quang tới, hai đứa ôm chầm lấy nhau. Nhưng nhìn kỹ không phải Quang mà một người lạ hoắc, người ấy thành luồng sáng chầm chậm lướt trên đường. Tôi bay theo mà chẳng biết bay đi đâu. Tôi nghĩ  hình như Quang đã chết rồi, đầu óc rối tung.
  Lúc ấy người cụt chân lại hiện ra nhìn tôi nói: em là Phúc, thủ trưởng nhớ không? Tôi ngắm kỹ cậu ta một chặp rồi thốt lên: Phúc đồng hồ (cậu ta có tài sửa đồng hồ), mơ hồ nhớ cậu này đã hy sinh trên Núi Bà huyện Phù Cát, sao lại ở đây. Đọc được ý nghĩ của tôi, Phúc nói  em vẫn thường theo thủ trưởng. Phúc cho tôi hay: Chùa bây giờ đâu đơn thuần chốn thiền môn, thủ trưởng có tiền không? Phải bỏ tiền vào thùng “phước sương” làm từ thiện để “tiền chùa” ngày càng nhiều, cho chư vị hữu trách tiêu sài của thập phương!...Em cũng đã chỉ cho Việt tới nhà anh Nghiêm, từ đó sáng ra mọi việc…Tôi chẳng hiểu điều gì đã xảy ra. Phúc lại dẫn tôi bay đi, mắt tôi không nhìn thấy gì cả, chỉ nghe tiếng gió và tiếng của những cô gái chàng trai vang vọng khắp nơi. Phúc kéo tôi vào lề đường nhường cho đoàn quân đi qua, bỗng nhiên anh Quang tới chỗ tôi nói:  “Anh xin lỗi chú, anh đã không hoàn thành việc em ủy thác”, vẻ mặt Quang rất buồn, tôi chưa kịp nói, anh đã đi. Không hiểu tôi đã ủy thác Quang việc gì? Bỗng có tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ ở phía đoàn quân trong đó có Quang đi tới…Tôi giật mình tỉnh giấc, nhìn đồng hồ chỉ 3 giờ 42 phút, toát mồ hôi trán. Tôi không thể ngủ tiếp, suy nghĩ mông lung về giấc mơ…

   Mọi việc sẽ vào quên lãng nếu như không có cuộc hội ngộ kỳ lạ vào sáng ngày mười hai tháng giêng vừa rồi. Khoảng tám giờ chiếc xe hơi đi qua cổng rồi cua lại ngừng trước nhà. Từ trong xe bước ra một trung úy còn rất trẻ, cậu ta vào sân và cất tiếng hỏi: Xin hỏi đây có phải nhà chú Thái tức Bảy Hà không ạ? Tôi đứng như trời trồng, miệng không nói lên lời mà chỉ gật đầu, cậu ấy ra xe nói nhỏ gì đó. Một đại tá xuống xe đi trước, hai trung úy theo sau, tôi ra sân đón họ. Viên đại tá nhìn tôi và nói: Cháu là Nguyễn Việt. Không để Việt nói tiếp, tôi nói ngay: chú biết rồi, cháu là con bố Quang. Cậu ta tròn mắt kinh ngạc: Sao chú biết? Tôi nói tôi đã gặp Việt trong một giấc mơ...
  Sau khi uống vài ngụm trà, Việt đứng lên bảo cậu trung úy mở ca táp, Việt cầm lá thư bằng cả hai tay đưa cho tôi và nói: Cháu xin hoàn lại lá thư chú viết vào cuối năm 1967 nhờ bố cháu chuyển về cho ông  thân của chú. Bố cháu đã không làm được ủy thác của chú, vì đã hy sinh tại Quảng Trị trên đường ra Bắc! 
   Tôi đứng lặng, thẫn thờ đặt bức thư lên bàn thờ, đốt nhang rồi khấn: Tất cả đã qua lâu rồi, chắc bố đã gặp anh Quang ở một cảnh  giới khác tốt đẹp hơn…
  Việt kể tóm tắt hành trình của lá thư có tên người gửi, lại không có tên và địa chỉ người nhận (chỉ có hàng chữ nhờ anh Quang chuyển đến bố em) và việc tìm địa chỉ chú Bảy Hà. Lá thư là một trong những di vật của liệt sĩ Nguyễn Quang, được nâng niu cất giữ mấy mươi năm cho đến một ngày hội chùa Cổ Lễ. Có lẽ sức mạnh vô hình thần bí đã xô đẩy Việt khiến giày của anh dẫm lên chân một ông già, Việt xin lỗi ông, ông không nói mà nhìn chằm chằm vào mặt Việt, thều thào: Cậu là con của Nguyễn Quang? Việt kinh ngạc, sững sờ đáp: Vâng ạ. Ông già kéo Việt ra khỏi đám đông rồi nói: Cháu rất giống bố, chú là Nguyễn Khắc Nghiêm bạn đồng khóa sĩ quan với bố cháu, người Hải Hậu. Việt vui mừng  mời chú Nghiêm lên xe chở về Hải Hậu, trên đường đi Việt hỏi cuộc sống của chú Nghiêm hiện tại. Nghiêm nói vết thương cũ luôn hành hạ, tiền trợ cấp thương binh không đủ sống cho hai vợ chồng già, các con chú cũng đi làm kiếm sống, đứa thì lên Hà Giang, đứa ở mãi Đắc Nông. Chú chẳng biết làm gì đành đi bán vé số kiếm thêm tiền độ nhật, cũng là để vận động thân thể tốt cho tuổi già, nghe ngóng nhân tình thế thái cho vơi đi nỗi buồn. Dọc đường đi  chú chỉ cho Việt thấy những căn biệt thự, nhà cao tầng hoành tráng bắt mắt, rồi nói: Đó là của những đại gia mới phất lên vài năm nay, của những ông tư bản đỏ và của không ít các vị công bộc của dân. Trên thực tế họ là những cường hào, đại điền chủ thời nay. Họ cũng là một trong những nguy cơ cho sự tồn vong của đất nước. Đến căn nhà cấp bốn, tường gạch rêu phong, chú bảo dừng xe. Ở phòng khách nhà chú Nghiêm có tấm ảnh được treo trên tường nơi trang trọng. Trong ảnh, bốn thiếu úy trẻ quân phục đại cán, cầu vai một sao,một gạch trắng bạc, ve áo miếng phù hiệu của lục quân. Nghiêm chỉ tay vào hình nói với Việt: tính từ trái qua là Nghiêm, Cận, Quang, Thái, Cận quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, cậu ấy đã để lại một cánh tay ở chiến trường, người cựu chiến binh này đã từng bị cuốn vào cùng hàng nghìn người dân khác ở Thái Bình hô vang khẩu hiệu đả đảo tham  nhũng vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, sau đó nhiều người bị truy tố trong đó có Cận, xét nhân thân nên cậu ấy thoat vòng lao lý. Thái quê ở Bắc Ninh.  Nghiêm đưa ảnh xuống, lấy ra khỏi khung kính, sau bức ảnh có ghi khá chi tiết, ngày chụp 27.12.1965, địa chỉ của từng người trong ảnh. Việt hỏi: trong hai người, chú Cận và chú Thái, ai là Bảy Hà? Anh Nghiêm nói: theo chú thì có lẽ là Thái, vì Thái quê ở Hà Bắc và cũng chỉ có bố cháu đã về nhà Thái gặp phụ thân của cậu ấy. Ngày đầy năm (thôi nôi) của cháu, cả chú, Thái, Cận đều về nhà cháu và cũng chỉ ở chơi đúng hai tiếng rưỡi đồng hồ. Chú nhớ ông nội cháu nói: thằng này tuổi Nhâm Dần , tốt số sẽ làm quan to hơn bố nó. Chẳng lẽ bố cháu làm mất tấm hình này rồi hả?…
   Tôi lại đốt hương để hồn phụ thân tôi về.
 Quỳ trước bàn thờ, tôi đọc lá thư viết vội trên đường trở lại đơn vị sau lớp tập huấn quân sự, chuẩn bị cho chiến dịch tết Mậu Thân, đã gặp Quang ở Trà Mi , Quảng Nam nhờ chuyển về nhà.

   Miền Nam ngày 17 tháng 12 năm 1967
   Bố mẹ kính nhớ của con.  
   Chỉ còn một tháng nữa là đến tết Nguyên đán. Đã năm cái tết xa nhà, năm cái tết không được ngồi bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng cùng mẹ! Con nhớ tất cả, cho con hỏi thăm tất cả họ hàng nội ngoại, bà con làng xóm …
   Bố mẹ đừng lo và suy nghĩ nhiều về con. Bố nhớ an ủi mẹ hàng ngày! Đất nước này thanh niên trai tráng đều ra chiến trường, đâu chỉ có mình con. Bố ạ, nơi lửa đạn không thể nói trước điều gì. Sinh mạng của con là chuyện  nhỏ, sinh mạng của hàng trăm  đồng đội dưới quyền con là chuyện lớn hơn rất nhiều. Mỗi sai lầm của con sẽ dẫn đến đổ máu vô ích, mà máu nào chả là máu…
   Con luôn ghi lòng tạc dạ lời bố dặn : Đất Nước lâm nguy thất phu hữu trách. Song con đã được bom đạn  dạy những bài học ghi tâm khắc cốt, đã sáng và rõ nhiều  điều. Anh Quang sẽ kể mọi chuyện về chiến trường  để bố mẹ và mọi người rõ.  Con ngừng ở đây.
                                                               Con Bảy Hà


   Tôi đọc thư xong nhìn lên di ảnh của phụ thân cảm nhận ánh mắt ông rất buồn. Mắt tôi nhòa lệ, trong hư ảo thấy phụ thân lắc đầu rồi tan theo hương khói. Tôi vừa đốt thư vừa lẩm bẩm : Đất nước lâm nguy thất phu hữu trách …


                              Nguyên tiêu Nhâm Thìn, 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét