...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Rượu

undefined
Tác giả: Lãn Miên

RƯỢU GẠO - Rượu cũ bình mới:
Âm Dương như Cốt với Bình
Cốt là Ruột Rượu, Bình là cái da
Dương ngoài biến đổi xông pha
Âm trong giữ mãi Nếp nhà cho thơm

Nhìn nhận phần Dương của sản phẩm : văn hóa bình đựng rượu

Lịch sử của Rượu:

Một từ như RƯỢU rồi đến TỬU cũng thấy là từ RƯỢU có trước từ TỬU, có khi đến hàng ngàn năm. Tiếng Việt, “Ruột” là cái Lõi trong cùng của bất cứ vật thể nào. Rượu không phải tự nhiên loài người nghĩ làm ra. Nó là do phát hiện ngẫu nhiên như phát hiện Lửa vậy. Ruột = Ruột-Rà = Tá = Lả = Lửa = Lõi. Ruột là cái Tim = Tâm, nó là ngọn lửa của cơ thể như Hải Thượng Lãn Ông định nghĩa, nó là cái gốc, Ruột = Rễ = Thể. Mọi ngôn ngữ của loài người đều bắt đầu bằng A, như đứa trẻ ra đời là Há miệng khóc A…, A = Cả = Cà = Cơm = Cơ = Kẻ = Thẻ = Thể. Cơm là cái ăn được của quả cây, Cơ là cái ăn được của động vật, nhưng động vật thì phải giết chết nó rồi mới ăn được, nên cái “Thể động vật đã chết bởi bị Giết” mới lướt gọi là “Thịt”. Còn trong Thể động vật đang sống thì gọi là Cơ chứ không gọi là Thịt. Tiếng Việt có thành ngữ “Máu mủ ruột rà” chứ không phải là “Máu mủ ruột thịt” như người ta vẫn nói sai, do hiểu sai chữ Nhục là Thịt như người Hán mượn dùng chữ Nhục để chỉ Thịt. Chữ Nhục nếu truy ngược lịch sử thì thấy Nhục=Nhau=Rau=Ruột (Hai chữ Cùng Nhau=Cùng Rau, ý nói là ruột rà, xưa người Việt viết đều bằng hai chữ nho có bộ Cung, ý là đều Cùng một Bụng mà ra, đó là hai chữ : 同 肉, đọc là Đồng Nhục, tức Cùng Nhau). Trái dừa già bỏ quên lâu thì cơm dừa và nước dừa trong ruột nó tự lên men thành rượu, ngẫu nhiên uống phải thấy ngây ngất , cảm giác hay hay, rồi mới nghĩ ra cách chế rượu. Rượu là phát hiện của dân nông nghiệp trồng trọt ngẫu nhiên từ trong Ruột của trái cây chín nẫu. ( Giáo sư tiến sĩ người Canada Julio Mercader là nhà sử học thuộc Học viện khảo cổ học nhiệt đới, trong một nghiên cứu mới đây nhận định rằng loài người đã bắt đầu sử dụng hạt cốc để ăn từ cách nay 100.000 năm, và biết nấu rượu từ ngũ cốc cũng từ đó). Ruột = Rượu = Riệu = Diệu = Dậu = Lẩu (tiếng Thái) = Chẩu = Chỉu (tiếng Hán- “jiu”) =Tỉu = Tửu. Kỹ thuật làm rượu cũng là có từ thời mẫu hệ, do U làm ra: U = Ủ = Ấm = Ôn温“ wen” = Nốn = Náu = Nấu = Nướng酿 “niang” = Chường = Chưng蒸 “zheng” = Chứa = Chắt = Chất = Cất = Kiếu窖 “jiao”. Nói “Nấu một mẻ rượu” hay nói “Cất một mẻ rượu” cũng nằm trong Nôi Khái Niệm đó cả.

Văn hóa đồ đựng rượu:

Đồ đựng rượu bao gồm bình rượu, lon rượu, ấm rượu, ly rượu, đồ hâm rượu v.v.Theo cẩu trúc to nhỏ mà chia ra gọi là Lon rượu, Ao rượu, Hải rượu, Đàn rượu v.v. Đồ đựng rượu đại diện cho nội dung và hình thức văn hóa. Trong lịch sử, ấm rượu, ly rượu, đồ hâm rượu từng có một địa vị văn hóa huy hoàng, cho đến tận ngày nay, bất luận số lượng hay chất lượng công nghệ đã sớm lùi xuống vị trí chỉ là bổ trợ, còn giá trị nghiên cứu có ý nghĩa nhất vẫn là tính di lưu của lịch sử. Ngày nay ủ nấu rượu theo công nghiệp với sản lượng lớn và tốc độ nhanh nên đồ chứa đựng rượu người ta không mấy để ý đến tính văn hóa, chia ra bình đựng phổ thông và bình đựng công nghệ. Bình đựng công nghệ thì tập trung thể hiện tính văn hóa.
Văn hóa bình rượu đã tồn tại trong một lịch sử rất lâu dài, nhưng khái niệm chân chính về văn hóa bình rượu thì ngày nay mới được nhiểu nhà sưu tầm bình đựng rượu dân gian nêu lên. Nội dung của nó là: Văn hóa bình rượu là tên gọi chung của các loại hiện tượng văn hóa dựa vào bình rượu làm tải thể. Nó bao hàm toàn bộ tư duy và hành vi của con người đối với việc tạo bình, dùng bình, giữ bình, thưởng ngoạn bình. Cũng tức là nói công nghệ bình rượu vừa là sản phẩm vật chất vừa là sản phẩm tinh thần, cái bình rượu vừa là vật thực dụng vừa là vật nghệ thuật, nó có cái đẹp cụ thể lại có cái đẹp trừu tượng, tức nó vừa có dáng vừa có hồn. Nội dung hình thức của bình rượu có thể đề cập đến chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, lịch sử , pháp luật, dân tục, mỹ học, văn nghệ v.v. rất nhiều phạm trù, nó phát triển thành một môn khoa học vòng ngoài vượt qua phạm vi của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, dần dần hình thành một khoa học tự thân , đó là “khoa học văn hóa bình đựng rượu”.
Văn hóa bình đựng rượu có các đặc trưng cụ thể là:

1.Tính trang sức văn hóa.


Bình đựng rượu là một tải thể thừa kế và chuyển tải nội dung nhiều loại văn hóa. Văn hóa là biểu hiện hình thức của bình rượu. Nội dung này cùng với hình thức đã thống nhất biểu đạt lên tính trang sức của văn hóa. Làm cho nguyên bản vốn chẳng có màu sắc gì trở nên có nhan sắc mỹ lệ, làm cho nguyên bản không có nội dung gì trở thành một câu chuyện làm động lòng người. Làm cho nguyên bản vốn chỉ có hình thái đơn nhất trở nên các loại tạo hình. Những thông tin ấy thông qua thị giác của con người mà chuyển cái đẹp đến đại não, làm cho con người đạt được sự hưởng thụ thỏa mãn về tinh thần, hình thành nên hứng thú thẩm mỹ và giá trị nhân văn cao hơn. Cái lõi của tính trang sức văn hóa là “đẹp”. Bình rượu nghệ thuật là một bài thơ vô thanh, là một bức họa lập thể, là một âm nhạc cô đọng, là một bức tượng lưu động. Đặc trưng cốt lõi của văn hóa bình rượu là tính trang sức văn hóa.

2.Tính phong phú nội dung.


Văn hóa bình rượu thừa tải cá tính độc đáo này, quyết định tính phong phú về nội dung của nó. Nước ta có lịch sử văn hóa lâu đời từ thời nền văn minh Văn Lang Lạc Việt rực rỡ cách nay 5000 năm ( “ Kể năm hơn bốn ngàn năm. Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa. Hồng Bàng là Tổ nước ta. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”). Nhiều thời đại trải qua trong lịch sử, các dân tộc trên đất nước ta vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa độc đáo của từng sắc tộc, văn hóa của từng tôn giáo, cùng sống chung “anh em thuận hòa” như “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, những nết độc đáo của văn hóa dân tộc như điêu khắc đá của người Chăm, điêu khắc gỗ của người Tây Nguyên, chạm trổ của người Kinh, nặn tượng đất, tò he, tễu rối nước, dáng đa dạng của dụng cụ đan bằng tre mây của các dân tộc, truyện cổ tích, tích chèo và tích cải lương ca ngợi cái thiện, tích hát bội ca ngợi lòng nghĩa hiệp, ca dao, thư pháp, thơ Đường, câu đối, tranh dân gian v.v.và v.v. là đề tài văn hóa không bao giờ cạn cho bình đựng rượu thừa tải, biểu đạt nên nội hàm trừu tượng về chính trị, kinh tế, lịch sử, văn nghệ, tôn giáo. Tất cả những thứ kể trên đều là chất liệu cơ bản cho văn hóa bình rượu. Nội dung phong phú chính là đặc trưng chủ yếu nhất của văn hóa bình rượu.

3.Tính đa dạng hình thức.

Hình thức biểu hiện của văn hóa bình rượu là vô cùng đa dạng. Chất liệu đa dạng, tạo hình đa dạng, màu sắc đa dạng, phụ đề văn hóa trên bình rượu đa dạng. Chất liệu của bình đựng rượu từ cổ xưa là chất liệu tự nhiên: gỗ, tre, sừng , vỏ ốc, vỏ quả bầu hồ lô. Rồi đến gốm, sứ, đồng thau, đá ngọc, thủy tinh, bạc, nhôm, inox, nhựa, giấy v.v..Tạo hình thì muôn vẻ người, cảnh động vật, vật thể v.v., lại muôn màu muôn sắc… Vấn đề là sự kết hợp các tố chất nghệ thuật để phản ánh được một nội dung tinh thần đầy bản sắc văn hóa có thể lay động tâm hồn con người nhất, để người dùng có thể thỏa mãn đầy đủ mọi cảm xúc: thưởng ngoạn, thưởng thức, cất giữ như sưu tầm của báu.

4. Tính dân tộc khu vực .

Đây cũng là một đặc trưng của văn hóa bình rượu. Văn hóa rượu truyền thống của dân tộc cũng là một hình thái văn hóa, bản thân nó đã có giá trị khoa học của văn hóa . Bản thân văn hóa bình rượu là một khái niệm động thái, là một quá trình phát triển của lịch sử, bởi vậy văn hóa bình rượu có đặc trưng khu vực và đặc trưng dân tộc, có đặc trưng thời đại. Nước ta nhỏ nhưng đa sắc tộc nên bản sắc văn hóa phong phú, bức tranh ấy là chất liệu phong phú cho văn hóa bình rượu.

5. Tính dung hợp và thừa kế truyền thống.

Văn hóa rượu có một quá trình phát triển lâu dài cùng với sự phát triển lịch sử của dân tộc.Văn hóa bình rượu phát triển theo mọi hướng nhưng vẫn là bắt đầu từ truyền thống mà lên . Tinh hoa của bình rượu ở các thời đại là ở chỗ chất liệu, màu sắc, tạo hình, kế thừa mãi theo các đời cho đến ngày nay. Rượu theo quan niệm dân gian thì càng bày ra càng hay, do vậy mà từ xưa người ta đã thích vẽ vời càng nhiều điều trên bình rượu càng hay, đó là một không gian sáng tác rất rộng, đó là độ dễ dãi của văn hóa bình rượu, mỗi một tiến bộ văn hóa gì của thời đại cũng dễ được đem thể hiện trên bình rượu, bình rượu dung hợp được hết, làm cho văn hóa càng hoàn mỹ và đầy đủ. Cho nên có thể nói rằng văn hóa bình rượu là sự chứng kiến lịch sử, là sự tượng trưng thời đại, là phong thái của xã hội, là hình ảnh tổng hợp của đời sống. Tính dung hợp và thừa kế truyền thống là đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa bình rượu.

Nhà sản xuất rượu chính là người cổ động, sáng tạo và phát triển văn hóa bình rượu. Người tiêu dùng chính là người truyền bá và giữ gìn văn hóa bình rượu.
Lãn Miên
Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét