...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

hai mươi tám.
biểu tượng.
    Chữ nghĩa ấy là viết cho ai mà vừa bình dân vừa bác học? Ý nghĩ này là nảy ra lúc tôi đứng trước cái biển báo rừng đầu nguồn đầy các hình ảnh và chữ nghĩa.
Còn nàng, có lẽ sau một hồi băng qua những gò đống, những bãi hoang, băng qua những sình lầy, trũng thấp, giờ đây chỉ còn muốn nằm dài lên đất mà trút qua hơi thở những mệt nhọc. Nhưng rồi, dường có phép màu nào đó, cái biển báo rừng đầu nguồn đã dựng nàng dậy. Việc làm đầu tiên của nàng là dịch. Đọc xong bảng liệt kê những lợi ích của việc bảo vệ rừng là nàng bắt đầu dịch. Hữu ích thì dịch là  có lợi (nguyên văn : bảo vệ rừng đầu nguồn là việc làm hữu ích) Sinh thái thì dịch là chỗ đất trời dành cho các loài vật hít thở  ( nguyên văn : bảo vệ rừng đầu nguồn là bảo vệ vùng  sinh thái ) Tài nguyên quốc gia thì dịch là của cải của một nước (nguyên văn : làm cháy rừng đầu nguồn là làm thất thoát tài nguyên quốc gia ) Anh có biết ai đã làm ra cái biển báo này không? Nàng chợt dừng chuyện dịch lại, hỏi tôi cái câu hỏi không phải để nghe câu trả lời, mà cốt là để tôi cũng tỏ ra buồn cười như nàng trước một việc làm có vẻ buồn cười của con người thời hiện đại. Nói cái biển báo ấy là một thứ pháp lệnh thì cũng chưa đúng. Mà nói là khuyến cáo thì cũng không phải. Không phải là khuyến cáo, bỡi nội dung biển báo là toát lên thứ không khí ràng buộc. Nhưng nếu là pháp lệnh, thì sao chẳng thấy ghi ra ở đây các hình phạt ? Lúc bấy giờ, ở  đầu  con đường vào rừng, đứng trước cái biển báo to lớn xây bằng xi măng, viết vẽ bằng sơn, là chỉ có tôi với nàng. Có nghĩa lúc bấy giờ là chỉ có hai con người ở trên mặt đất này là đang đọc cái biển báo rừng đầu nguồn ấy. Nhưng dù là pháp lệnh hay là khuyến cáo, thì cái biển báo cũng chẳng ăn nhập chi đối với chúng tôi. Tôi và nàng là đi tìm con nước đầu nguồn của con sông chảy qua vùng núi rừng ấy, nhưng chỉ là đi tìm đầu nguồn con nước, chứ chẳng phải đi chặt rừng, đi đốt rừng, nên những lời lẽ nơi biển báo là chẳng dính dáng chi tới chúng tôi. Mà giả dụ như không phải  chúng tôi, mà là những người đi làm than củi trộm, hay đi đốn gỗ trộm, đang đứng trước cái biển báo ấy, thì đám chữ nghĩa ấy cũng chỉ dơ tay chào đón những con người nghèo khó phải đi ăn trộm của cải chung của nước. Em phải dịch lại cho nôm na dễ hiểu, nhưng chưa hẳn  đã làm thay đổi cái ý đồ có vẻ tiền định của những con người đang thiếu áo cơm, bỡi vì luật lệ thì chỉ có ý nghĩa đối với những kẻ no đủ. Nàng nói, làm như mình là kẻ có thể thay đổi mọi thứ ý nghĩa của cuộc sống. Ngày nay, người ta không cho đốt rừng vì sợ hư hao cái hành tinh chúng ta đang sống, nhưng dù gì  thì chúng ta cũng phải mang ơn những kẻ đốt rừng thời ấy. Tôi nói. Anh lại nhớ đến những anh chàng người tiền sử, bắt là chỉ bắt con cá của người, nhưng lại biết cách đốt rừng để làm ra cuộc văn minh cày bằng đao trồng bằng lửa. Nàng tiếp lời tôi. Và chúng tôi cùng lặng đi trong những ý nghĩ cổ xưa. Có lẽ nàng tiếp tục nghĩ đến cách biến những ngôn từ lai tạp nơi biển báo rừng đầu nguồn  thành những tiếng nói cổ xưa. Còn tôi thì bấy giờ lại chìm vào những ý nghĩ có vẻ nghịch lý, nếu không nói là điên rồ, rằng, vào cái thời băng giá phủ lên mặt đất, chín phần rưỡi chết, nửa phần sống, cái thời sự sống chỉ là thứ sót lại do trời đất nương tay, con người là hoàn toàn tự do tự tại, chẳng ai cấm ai, chẳng ai bắt ai theo ai, có thể là không đốt phá rừng, có thể là đốt phá hết rừng, có thể là nắm tay nhau nhảy múa, có thể là ăn nhau, vào cái thời như thế, mà lại làm ra đến mấy cuộc văn minh ! Em thì em nghĩ thế nào về chuyện ăn lông ở lỗ? Tôi chợt hỏi nàng trong thứ cảm hứng man rợ. Xin nhắc lại, bấy giờ thì cũng chỉ có tôi với nàng với cái biển báo rừng đầu nguồn. Cảm hứng thì man rợ, nhưng là chúng tôi vẫn giữ được nền văn hiến cổ kính của đất nước mình. Có nghĩa, tôi với nàng là hôn nhau trong lúc chỉ có cái biển báo rừng đầu nguồn là nhìn thấy. Là cũng rộng bằng mấy huyện mấy tỉnh gộp lại, chứ chẳng phải là nhỏ. Nàng nhìn những con số mô tả rừng đầu nguồn nơi biển báo, nói. Còn tôi thì cố tìm ra trong cái sơ đồ của đất, một thứ tín hiệu nào đó như là cách thế để đi đến đầu nguồn con sông đó. Trước mặt tôi lúc bấy giờ, nhánh phụ lưu của con sông quê nàng là đương uốn mình vượt qua những núi non, những ghềnh thác, chốc chốc lại trườn mình qua một dấu gạch chéo đang đè lên cái ngọn lửa đang rừng rực cháy, thứ hình ảnh được coi như là ngữ pháp của cháy rừng và không được để cháy rừng, tôi cố nối dài ra trong tưởng tượng dòng sông đang chảy qua thứ không gian được thể hiện trên thứ mặt bằng làm bằng sản phẩm của con người, nhưng chẳng thể nối tới được đầu nguồn con nước, bỡi bấy giờ là chồng chất trong tưởng tượng của tôi những khúc, những đoạn, ở hạ nguồn có, ở thượng nguồn có, nước trên sông là đồng nghĩa với thời gian, bấy giờ là tôi nhìn thấy ở trên sông những mầm mống của tồn tại, ở đấy là những mưu toan thay hình đổi dạng của đám rong rêu, là những cuộc trút xác của loài cá, loài tôm, sự trút xác như còn vang động đến những khúc hát của con người thời hiện đại, ở đấy là chỗ bắt đầu của những cuộc di chuyển, không phải di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, mà từ loài này sang loài khác, con nòng nọc chuyển thành cóc ếch nhái, con cá chuyển thành con đại bàng ăn được thịt người, không phải chỉ nước trên sông, mà cả hai bên bờ của con sông cũng đồng nghĩa với thời gian, tôi nhìn thấy đi lại ở đấy là những con người còn giữ được mẫu hình của loài giống và những con người không còn giữ được mẫu hình loài giống, ở đấy là cuộc loạn luân có vẻ kỳ cục nhất trong những thứ kỳ cục, thời gian là đẻ ra con người,  nhưng con người cũng đẻ ra thời gian, đôi bờ của con sông không phải là bên lở bên bồi, mà bên nào cũng bồi bên nào cũng lở, ở đấy là đất cãi vả với đất, cuộc cải vả về sự vĩnh hằng và không vĩnh hằng, hóa ra, trong lúc tôi cố nối dài ra cho tới đầu nguồn con nước thì con sông ấy cứ rẽ đông, rẽ tây, ngoằn ngoèo qua suốt tưởng tượng của tôi, cái dòng sông tưởng  tượng của tôi, hóa ra lại là hóa thân của cuộc sống trần gian, sự hóa thân diễn ra với cả sự nghiêm túc lẫn hài hước. Em thì, giữa nghiêm túc với hài hước, em thích thứ nào hơn? Chẳng rõ bấy giờ nàng đang nghĩ gì, nhưng rồi cũng trả lời được câu hỏi nảy ra một cách ngẫu hứng từ dòng suy nghĩ  hỗn tạp của tôi. Theo nàng, hài hước là nghiêm túc. Và, nghiêm túc là hài hước. Là nàng đã nói ra  những điều tôi đang nghĩ. Tình yêu chúng tôi bấy giờ coi như đạt tới đỉnh cao. Có nghĩa, chỉ bước thêm một số bước nữa là tới chỗ vĩnh hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét