...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Phía Bên Kia Của Tháp BaBel

Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm.





PHÍA BÊN KIA CỦA THÁP BABEL

Tôi đã mất cả buổi sáng để giải thích rằng tôi lưu tâm về dân cư của địa phương hơn là những viện bảo tàng và những nhà thờ, và bởi lẽ đó, cho nên, tốt hơn chúng tôi đi thăm khu chợ. Họ nói với tôi rằng hôm nay là ngày toàn quốc nghỉ lễ và khu chợ đã đóng cửa.
“Vậy thì chúng ta đi đâu?”
“Đi đến nhà thờ.”
Tôi biết ngay mà.
“Hôm nay chúng tôi tưởng niệm một vị thánh rất đặc biệt đối với chúng tôi, và tất nhiên là đối với ông nữa. Chúng ta sẽ đi viếng ngôi mộ của vị thánh này. Nhưng xin vui lòng đừng đặt bất cứ câu hỏi nào và xin chấp nhận rằng đôi khi chúng tôi dành những điều bất ngờ rất thú vị cho các nhà văn.”
“Phải mất bao lâu để chúng ta đi đến đó?”
“Hai mươi phút.”
Hai mươi phút là câu trả lời tiêu chuẩn. Tôi biết dĩ nhiên phải tốn thời gian nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, từ đầu cho đến bây giờ, họ đã tôn trọng tất cả những điều mong muốn của tôi, vì vậy, tốt hơn hết tôi nên nhượng bộ lần này.
Trong buổi sáng Chủ Nhật hôm nay, tôi đang ở vùng Yerevan, tại Armenia. Tôi miễn cưỡng bước vô xe. Tôi có thể thấy ngọn núi Ararat tuyết phủ ở xa xa. Tôi ngắm nông thôn chung quanh tôi. Tôi ước ao được đi bộ ngoài kia, hơn là bị giữ lại bên trong cái hộp kim loại này. Những người tổ chức chuyến đi đang cố gắng làm cho tôi vui lòng, nhưng tôi thờ ơ, miễn cưỡng chấp nhận ‘chương trình du lịch đặc biệt’ này. Cuối cùng họ từ bỏ ý định cố gắng tạo ra cuộc trò chuyện, và chúng tôi lái xe đi trong im lặng.
Năm mươi phút sau (tôi đã biết mà!), chúng tôi đến một thành phố nhỏ và đi thẳng vào một ngôi nhà thờ đông người. Tôi để ý thấy mọi người mặc com-plê và mang cra-vát; hiển nhiên đó là một sự kiện rất long trọng, và tôi cảm thấy mình thật lố bịch với áo thun và quần jean. Tôi bước ra khỏi xe, và những người của Liên Đoàn Các Nhà Văn đang đợi tôi ở đó. Họ trao cho tôi một đoá hoa, đưa tôi đi xuyên qua đám đông đang dự lễ, rồi chúng tôi bước xuống vài bậc tam cấp phía sau bàn thờ. Tôi thấy mình đứng trước một ngôi mộ. Tôi nhận ra đây chắc hẳn là nơi vị thánh được an táng; nhưng trước khi tôi đặt đoá hoa trên ngôi mộ, tôi muốn biết chính xác ai là người tôi đang tỏ lòng tôn kính.
“Vị Thánh Phiên Dịch,” họ trả lời
Vị Thánh Phiên Dịch! Đôi mắt tôi nhoà lệ.
Hôm nay là ngày 9 tháng Mười năm 2004. Thành phố mang tên Oshakan, ở Armenia, theo như tôi biết, là nơi duy nhất trên thế giới đã công bố ngày lễ Thánh Phiên Dịch, Thánh Mesrob, là một ngày quốc lễ và đây là nơi họ tưởng niệm theo đúng quy cách trang nghiêm. Đồng thời với việc tạo ra bảng chữ cái của tiếng Armenia (ngôn ngữ này đã tồn tại từ ngàn xưa, nhưng chỉ trong hình thức nói), Thánh Mesrob đã cống hiến cả đời ông để dịch ra ngôn ngữ mẹ đẻ những văn bản quan trọng nhất của thời đại ông, những văn bản trước đó chỉ được viết bằng tiếng Hy-lạp, tiếng Ba-tư, và tiếng Cyrillic. Ông và các môn đệ của ông đã cống hiến cả đời cho công việc vĩ đại là dịch Kinh Thánh và những tác phẩm văn chương kinh điển chính ýếu của thời đại ấy. Kể từ đó, nền văn hoá của đất nước này đã có được bản sắc riêng của nó để tiếp tục duy trì cho đến hôm nay.
Vị Thánh Phiên Dịch. Tôi cầm đoá hoa trong bàn tay và nghĩ đến những người tôi chưa từng gặp, và có lẽ sẽ không có cơ hội nào để gặp, nhưng đó là những người, ngay trong giây phút này, đang cầm một cuốn sách của tôi trong bàn tay họ, và đang cố gắng hết sức để giữ trung thành với những gì tôi muốn chia sẻ với những độc giả của tôi. Trước hết, tôi nghĩ đến cha vợ của tôi, ông Christiano Monteiro Oiticica (nghề nghiệp: dịch giả), người mà hôm nay cùng với những thiên thần và Thánh Mesrob, đang chứng kiến quang cảnh này. Tôi hồi tưởng hình ảnh ông còng lưng trên chiếc mày đánh chữ cũ kỹ, thường than phiền về món tiền thù lao cho công việc phiên dịch đã được trả tồi tệ như thế nào (và, than ôi, đến nay vẫn còn tồi tệ như vậy). Tuy nhiên, ngay lập tức ông tiếp tục giải thích rằng lý do chính để ông dịch là vì ông muốn chia sẻ một sự hiểu biết mà nếu không có sự phiên dịch thì sẽ không bao giờ được phổ biến đến đồng bào của ông.
Tôi lặng lẽ cầu nguyện cho cha vợ của tôi, cho tất cả những người đã giúp phiên dịch những cuốn sách của tôi, và cho những người đã cho phép tôi đọc những cuốn sách mà nếu không có bản dịch của họ thì tôi sẽ không đọc được, và qua đó — một cách thầm lặng — họ đã giúp hình thành cuộc sống và tính cách của tôi. Khi tôi rời nhà thờ, tôi thấy những đứa trẻ đang viết bảng mẫu tự bằng những cây kẹo mang hình dạng của các chữ cái và bằng những đoá hoa, cơ man là hoa.
Khi Nhân Loại càng ngày càng có nhiều tham vọng, Thượng Đế đã tàn phá Tháp Babel, và mọi người bắt đầu nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, với sự khoan dung vô hạn của Ngài, Ngài cũng tạo nên những con người có khả năng xây dựng những chiếc cầu ngôn ngữ để giúp cho sự đối thoại và sự truyền bá tư tưởng của nhân loại. Những con người đó, những con người mà mỗi lần chúng ta mở một cuốn sách dịch ra để đọc, chúng ta hiếm khi chịu khó lưu ý đến tên tuổi của họ, chính là các dịch giả.
(nguồn:tienve.org)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét