...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Thế Lữ Người Có Công Đầu Trong Phong Trào Thơ Mới

Nhà thơ Thế Lữ, tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, còn có bút danh Lê Ta, sinh ngày 06 tháng 10 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê quán: làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Mất ngày 03 tháng 6 năm 1989. Là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Thuở nhỏ Thế Lữ học ở Hải Phòng. Năm 1929 học xong bằng thành chung, ông vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó một năm (1930), ông bỏ học. Năm 1932, Thế Lữ bắt đầu tham gia Tự lực văn đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của báo Phong hóa, Ngày nay. Năm 1937, ông bắt đầu hoạt động sân khấu, làm diễn viên, đạo diễn, lưu diễn tại các tỉnh miền Trung… và có hoài bão xây dựng nền sân khấu dân tộc. Cách mạng tháng Tám, ông hào hứng chào đón cách mạng, lên Việt Bắc tham gia kháng chiến: là Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn sân khấu Việt Nam. Sau đó, ông lần lượt phụ trách đoàn kịch Chiến thắng (Quân đội), chỉ đạo nghệ thuật đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Từ 1957, ông là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân klhấu Việt Nam. Tác phẩm đã xuất bản:
Về Thơ: Mấy vần thơ, 1935

Về truyện: Vàng và máu, 1934; Bên đường thiên lôi, 1936; Lê Phong phóng viên, 1937; Mai Hương và Lê Phong, 1937; Đòn hẹn, 1939; Gói thuốc lá, 1940; Gió trăng ngàn, 1941; Trại Bồ Tùng Linh, 1941; Dương Quý Phi, 1942; Thoa, 1942;
Truyện vừa: Truyện tình của anh Mai, 1953; Tay đại bợm, 1953.
Về Kịch bản: Cụ Đạo sư ông, 1946; Đoàn biệt động, 1947; Đợi chờ, 1949; Tin chiến thắng Nghĩa Lộ, 1952.
Ông còn dịch nhiều vở kịch của Shakespeare, Goethe và Pogodin…
Thế Lữ tuy sáng tác thơ không nhiều nhưng ông lại được đánh giá cao. Trong Thi nhân Việt Nam, sau khi “cung thỉnh” tiên sinh Tản Đà, Hoài Thanh – Hoài Chân đã trân trọng đặt ông vào vị trí số một (chọn ra bảy bài: Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt với, Tiếng sáo Thiên Thai, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu, Vẻ đẹp thoáng qua, Giây phút chạnh lòng) của phong trào Thơ Mới với lời nhận định: “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này… Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.
Trong tập chuyên khảo Thơ mới những bước thăng trầm, Lê Đình Kỵ cũng đã xếp ông vào vị trí thứ nhất: “Thế Lữ, người mở đầu phong trào Thơ Mới. Thế Lữ say sưa ru mình, dẫn người đọc vào cảnh tiên nga, mỹ nữ, múa lượn trong tiếng đàn tiếng sáo, có suối trong giếng ngọc, vàng dội lung linh… Những hình ảnh ấy như một làn gió trong lành đưa lại một ít nguôi quên, làm một thứ giải tỏa cho tâm hồn giữa vòng vây của biết bao điều tệ lậu, ngang trái, xấu xa đầy rẫy trong xã hội bấy giờ. Sau này, Thơ Mới ít thấy có những vần thơ trong sáng, “thanh sạch” như của Thế Lữ”.
Nhà thơ Hoài Anh đã tạo chân dung Thế Lữ “Từ máu đúc nên vàng” trong Chân dung Văn học (tập 1) rằng: “ông không phải chỉ là một nhà văn, một nhà thơ, mà “muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm màu, lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu”. Hoài Anh từng hoạt động sân khấu nên có những dòng nhận định thật chân thật và tinh tế. Dẫu là người trong cuộc nhưng ông vẫn để Thế Lữ “đứng” riêng trong cái chung của một nghệ sĩ thực tài…
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại khẳng định thật chính xác “công đầu” của Thế Lữ bằng ngôn từ rất… chính kiến: “Ông là một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền Thơ Mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến Thơ Mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới… Tâm hồn ông thật là phức tạp. Điều chắc chắn là ông rất giàu tưởng tượng, nên về thơ cũng như về tiểu thuyết, ông đã tỏ ra một thi gia và một tiểu thuyết gia có biệt tài”.
Nhà văn Nguyên Hồng trong hồi ký “Bước đường viết văn” đã kể lại chuyện lần đầu gặp Thế Lữ vào năm 1934 bằng vài nét chấm phá chân dung: “Thế Lữ cười hẳn thành tiếng ồ ồ à à một cách rất thích thú, nghe vừa có sự chân thật vừa khách tình.
- Phải đấy! Cố mà viết! Phải chịu khó mà viết (anh nói tiếp bằng tiếng Pháp và như không chỉ để nói với tôi mà với cả những ai ấy ở trước mặt, hay như với những khán giả trước sân khấu vậy)”.
Riêng các truyện mà ông sáng tác, Lê Đình Kỵ cũng đã khẳng định tên tuổi Thế Lữ: “Cho đến nay, trong lịch sử văn học Việt Nam, không có một tên tuổi nào đáng được xếp bên cạnh Thế Lữ trong thể loại sáng tác độc đáo này”.
Về sân khấu, Thế Lữ đã lập Ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ rồi làm Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, theo Dương Ngọc Đức nhìn nhận: Thế Lữ “là người đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên chuyên nghiệp”.
Hoàng Chương trong Chân dung nghệ sĩ, đã xếp một Nghệ sĩ Nhân dân Thế Lữ “Nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu xuất sắc” vào vị trí đầu đàn trong phần Nghệ sĩ kịch nói: “góp nhiều công sức làm cho sân khấu kịch nói Việt Nam có được nhũng bước đi nghiêm túc đầu tiên… đã tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi cùng tham gia hoạt động kịch với mình… vừa là đạo diễn, lại vừa là diễn viên xuất sắc đã đóng tới gần ba mươi vai kịch”.
o0o
Người đang yêu đã yêu và sẽ yêu khi gặp nhau dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay những tình bạn tri âm tri kỷ… cũng sẽ mở đầu: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”. Chính là của Thế Lữ để lại trong hồn dân tộc một di sản văn chương, hoạt động nghệ thuật đồ sộ. Chúng ta nhớ đến ông và cảm ơn ông đã nói hộ những tâm tình rất “đời” ấy…
Cuộc Sống Việt _ Theo Người viễn xứ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét