...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện


hai mươi bảy.
những người tiền sử.
   Tôi có cái lý để gọi bọn họ là người tiền sử.
Quang cảnh trời đất lúc bấy giờ là như thế này : Dòng sông đang ở vào đoạn được coi như thuộc miền bán sơn địa, tức  nhìn hướng nào cũng thấy núi, mặt trời thì còn khá cao, cũng chỉ vừa xế một chặp, nhưng do núi non vướn vất tầm nhìn, thành ra cứ có cảm giác là trời tối đến nơi,  nếu tả thêm cho đủ thì còn có tiếng gió, tiếng lũ chim rừng từ trong núi xa vẳng lại, còn làng xóm thì thấy đấy, cũng chẳng xa dòng sông mấy, nhưng tuyệt nhiên chẳng nhìn thấy một bóng người, chẳng nghe thấy một tiếng gà hay tiếng chó.Giữa quang cảnh đất  trời như thế nàng bỗng hô hoán thần sông nước đã cầm chân chúng tôi. Sợ trong cơn bối rối nàng ngã xuống sông, tôi phải dìu nàng. Đừng sợ, em. Tôi vừa nói  xong  lời này thì một đám người trùng trục từ dưới nước trồi lên, vây quanh thuyền chúng tôi. Quả tình bấy giờ tôi có cảm tưởng là mình đang lạc vào một thế giới xa lạ nào đó. Đám người trai trẻ ấy vừa lội, vừa cùng nâng thuyền lên, và đẩy về phía hạ nguồn. Hai người ở đâu đến? Cho đến lúc một người trong bọn họ lên tiếng hỏi, tôi mới biết chắc là mình đang được cứu giúp. Nhưng sao lại quay về hạ nguồn, mà không vào bờ? Tôi còn đang băn khoăn trong lòng, thì nàng rỉ tai tôi, hỏi, có phải đấy cũng là hóa thân của thần sông nước? Mọi thứ là đang diễn ra ngoài mọi đoán định của mình, nên tôi cũng chẳng biết nói thế nào với nàng.  Đám người trai trẻ bỗng cười to lên, rồi đẩy thuyền ngoặc vào bờ. Cười là do thấy cảnh tôi âu yếm nàng trong hoạn nạn? Nhưng là tôi đã đoán lầm. Sau khi cười to lên, bọn họ bắt đầu nói với nhau thứ ngôn ngữ của những người giăng câu, vừa nói, vừa nhìn chúng tôi, vẻ rất khoái chí. Bọn họ nói nhiều lắm. Có chỗ, thì tôi nghe ra. Có chỗ tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng có thể tắt một lời những gì tôi có thể nhắc lại được: Không bắt được con cá vượt thác, mà lại bắt được hai con người vượt thác. Chưa hiểu thác là gì, và vượt thác là sao, nhưng chỉ nghe bắt được hai con người vượt thác, là chúng tôi đã tính đến con đường chết. Ta lại gặp đám ăn thịt người ! Nàng rỉ tai tôi. Không dám thể hiện nỗi sợ hãi của mình, mà cũng chẳng muốn người yêu của mình rơi vào nỗi sợ hãi, tôi gượng cười, rồi rỉ tai nàng, bảo chớ nghĩ quấy. Thuyền đã cập bờ. Lúc đám người trai trẻ ấy cùng leo lên bờ, tôi có cảm tưởng là đang nhìn thấy hình ảnh những con người tiền sử trong một cuốn cổ sử nào đó. Thứ cơ thể hoàn chỉnh được truyền lại từ các vị thủy tổ homosapiens là được thể hiện một cách rõ ràng và đầy đủ nơi thân thể chắc khỏe của những con người ấy. Chẳng lẽ lại là một  tộc người nguyên thủy còn sót lại ở miền bán sơn địa này? Ý nghĩ có vẻ buồn cười ấy là nảy ra trong lúc tôi dìu nàng lên  bờ. Là tôi tự động dìu nàng lên bờ, chứ chẳng có ai trong đám người ấy bảo chúng tôi lên bờ. Nếu như bị ăn thịt là tôi với nàng sẽ được đưa vào vùng núi non trước mặt, nơi đang vẳng lại tiếng chim buồn bã. Tôi nghĩ. Và chợt cảm thấy rất vui. Nếu xảy ra thế thì tình yêu của chúng tôi chắc chắn trở nên bất tử. Nhưng lại có mấy người trong bọn họ nhảy xuống sông trở lại. Chẳng lẽ đám ăn thịt người này là hóa thân của lũ thuồng luồng cá sấu ở dưới sông?  Nàng lại rỉ tai tôi với vẻ lo sợ trông thấy rõ. Cái cách nghĩ của nàng làm tôi thêm rối rắm. Nhưng rồi đám thuồng luồng cá sấu hóa thân của nàng không ăn thịt nàng, sau khi lặn xuống nước một hồi, đã mang trả nàng cái mái chèo đã mất. Đến lúc này tôi mới dẹp được những ý nghĩ về cái chết, để mở đầu cho một cuộc chuyện trò có đầu có đuôi. Tôi cứ nói thật với bọn họ rằng chúng tôi đi tìm con nước đầu nguồn của con sông ấy, và đi đến đó thì gặp nạn. Bọn họ lại cười to lên. Tôi hỏi là chúng tôi trông có vẻ buồn cười lắm phải không? Tức cười là chuyện đi tìm con nước đầu nguồn kia. Anh chàng cao lớn nhất đám nói. Hình như cũng chỉ mỗi anh ta, người đã hỏi chúng tôi ở đâu đến, là mới biết cách trò chuyện hỏi han. Sao đi tìm con nước đầu nguồn thì tức cười ? Tôi hỏi. Anh ta bảo cứ đi miết cho đến đời con đời cháu chưa chắc đã đến nơi ấy. Tôi vẫn chưa hiểu thế là sao, nên lại tiếp tục quần anh ta về chuyện con nước đầu nguồn. Còn nàng, có lẽ cho đến lúc ấy mới ra khỏi chuyến đi tìm tình yêu vĩnh hằng do chính nàng nghĩ ra. Các anh là chưa bao giờ đến đầu nguồn con sông này hay sao? Nàng bắt đầu tham gia vào cuộc chuyện trò. Tôi với nàng quần đám người trai trẻ ấy một hồi thì rõ dần mọi chuyện. Với bọn họ thì thế giới là gòm có cái xóm làng như không người ở nằm tiếp giáp với dãy núi như lúc nào cũng bị đè nén bên dưới những đám mây màu xám, là gòm có con sông nước khi đầy khi vơi, mà tự cổ chí kim, bao nhiêu lớp người sinh ra và lớn lên ở miền đất bán sơn địa ấy đều giữ trong lòng niềm kính ngưỡng cái thác nước trên sông, nơi ranh giới giữa thế giới con người và thế giới của những thế lực siêu hình, từ thác nước trở xuống hạ nguồn là thuộc về con người, từ thác nước trở lên thượng nguồn là không thuộc con người, cho nên, tự cổ chí kim là chưa có người nào dám một lần thử bơi qua cái thác nước ấy, và cũng chưa có ai lại đi nghĩ đến chuyện đi đến đầu nguồn con sông ấy một lần cho biết, bỡi tự cổ chí kim, những con người sinh ra ở miền đất ấy là đều nghĩ sông là bắt đầu từ chỗ bắt đầu của đất, cái thế giới được thu nhỏ lại trong tầm mức nghĩ ngợi của những con người ở đây hóa ra lại là nơi chốn có vẻ bình yên nhất trời đất, bỡi, lúa thóc là chỉ lấy từ đất, cái mảnh đất nhỏ hẹp, cằn cỗi, trải theo chân núi, ngày in dấu chân con người, đêm có thêm dấu chân lũ nai lũ thỏ, thịt thà rau cỏ là chỉ lấy từ trên rừng, thịt là thịt của con chồn con mang, rau cỏ là rau cỏ mọc hoang, con cá con cua là chỉ lấy từ con sông có cái thác nước thiêng, cho nên giăng câu là để bắt con cá vượt thác chứ không phải để bắt con cá xuôi thác, bỡi, con cá xuôi thác là đến từ thế giới không phải của con người. Khi hiểu ra thuyền đã mắc lưới trên sông, nàng vui vẻ gọi đám người trai trẻ ấy là các vị thần sông nước của thời hiện đại. Các anh quả là những vị thần của thời nay, bỡi vì thần mà cũng biết cởi trần đi giăng câu. Nàng nói. Các anh chàng người tiền sử (từ lúc ấy tôi gọi bọn họ là các anh chàng người tiền sử) chắc chỉ hiểu câu nói của nàng theo cách nửa nạc nửa mỡ, nên anh chàng cao to nhất đám cũng nói ra một câu có vẻ cũng  nửa mỡ nửa nạc. Hay là hai anh chị cũng làm thần thời nay, cỡi trần với bọn này, đi bắt con cá vượt thác cho biết. Bọn họ lại cười ầm lên. Nhưng cái thác nước ấy là ở gần đây không? Tôi hỏi. Thấy bọn họ im, chẳng đáp, thì biết là mình đã chạm vào một thứ kiêng kỵ nào đó của vùng đất ấy, nên phải lảng sang chuyện khác. Này các anh chàng người tiền sử, thuyền thì chúng tôi tặng cho các anh đấy. Tôi quyết định hơi đột ngột, nên nàng cũng tỏ ra  ngạc nhiên. Còn đám người tiền sử ấy thì bắt đầu nhảy múa quanh tôi với nàng. Nói nhảy múa là để củng cố thêm cho cái ý nghĩ tiền sử của tôi đấy thôi, chứ thật ra là bọn họ vừa nhảy cẩng lên vừa la ó, rằng, bọn họ sẽ mang cái thuyền nan ấy về làng để mùa lên làm đồ đựng thóc. Quyết định của bọn họ là cũng hơi đột ngột như quyết định tặng thuyền của tôi, nên lại đến lượt tôi ngạc nhiên. Thuyền là để bơi dưới nước chứ tôi chưa bao giờ nghe nói là để chứa thóc.
   Cái xóm làng nằm ven chân núi quả là vùng cư trú thuộc thời đá mới như cách nghĩ của tôi. Về sổ bộ của làng thì những con người ở đấy là thuộc thời hiện đại, nhưng cách chăn nuôi trồng trọt của bọn họ lại thuộc thời nông nghiệp sơ khai. Tức vừa cày bằng bò ở ruộng nước, vừa cày bằng đao trồng bằng lửa ở ruộng rẫy. Còn như nuôi con heo, thì giống heo là vừa lấy ở đồng bằng, vừa lấy từ các cuộc săn bắt đám heo hoang trên rừng. Người ta vây quanh tôi và nàng với những ánh mắt hiếu kỳ, y như có một anh ngoại quốc nào đó đã lọt vào làng. Mọi thứ là cũng tại anh chàng người tiền sử cao lớn nhất đám. Vừa đưa tôi đến làng là anh ta giới thiệu ngay với người làng rằng chúng tôi đã chèo thuyền tự dưới biển lên. Biển là anh ta cũng vừa mới nghe được qua cuộc chuyện trò với chúng tôi ở bờ sông. Các anh chị định đi đâu mà đi bằng thuyền? Dường như là người ta chỉ muốn biết mỗi chuyện đó. Thì tôi với nàng cũng cứ nói thật là mình đi tìm con nước đầu nguồn con sông ấy. Nói ra lời ấy là chúng tôi có ý chờ những gợi ý nào đó của người làng về con đường dẫn đến nơi mình chưa hề biết. Nhưng không. Con nước đầu nguồn con sông ấy là thuộc về cái thế giới nằm bên ngoài thế giới hiểu biết của bọn họ. Những anh chàng người tiền sử khiêng thuyền đã về tới làng. Hai anh chị đã tặng cho làng mình đấy. Bọn họ nói, và đặt chiếc thuyền nan xuống trước mọi người. Lập tức người ta kéo đến chỗ chúng tôi, dường chẳng sót một người làng nào. Người ta đến là để xem hai kỳ quan mới của thế giới: Thuyền chèo lên non. Và hai con người đang trên con đường đến nơi bắt đầu của đất.
(nguồn:gackhuevan2.tk)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét