...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Sự thật về nơi diễn ra Hội nghị Bình Than

   "Tên "Hội nghị Bình Than" chỉ xuất hiện trong khoảng những năm 70 của thế kỷ trước trở lại đây. Còn trong các tài liệu trước đó không hề có tên hội nghị này", ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương khẳng định.


Gọi "Hội nghị Bình Than" là chưa chuẩn

Lật lại những tài liệu lịch sử, ông Tăng Bá Hoành cho rằng, tên gọi "Hội nghị Bình Than" chỉ xuất hiện từ khoảng những năm 70 của thế kỷ trước trở lại đây. Không tài liệu cổ nào gọi vậy.

Cũng theo ông Hoành, việc xác định địa điểm họp Hội nghị cần phải căn cứ trên "bản gốc" là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Các tài liệu về sau đã có sự "tam sao thất bản" nội dung này.
 
Địa điểm được cho là nơi diễn ra Hội nghị Vương hầu bách quan tháng 10/1282.
Địa điểm được cho là nơi diễn ra Hội nghị Vương hầu bách quan tháng 10/1282.

Trong cuốn sách Lịch sử lớp 7 của Bộ Giáo dục & Đào tạo do Nhà Xuất bản Giáo dục in xong và nộp lưu chiểu tháng 7/2007, ở trang 58 viết: "Sau khi biết tin quân Nguyên mượn đường đánh Cham-pa nhưng chỉ là tìm cớ xâm lược, vua Trần triệu tập hội nghị các vương hầu, quan lại ở Bình Than (Chí Linh, Hải Dương) để bàn kế đánh giặc". Trong một số tài liệu khác lại viết Hội nghị Bình Than được tổ chức vào tháng 10/1282 ở làng Bình Than, tổng Vạn Ti, vùng đất ngày nay là Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Ông Hoành lập luận: "Đối chiếu với Đại Việt sử ký toàn thư viết "Mùa đông, tháng 10 (11/1282), vua ngự ra bến Bình Than, đóng ở vụng Trần Xá họp vương hầu bách quan, bàn kế sách công thủ và chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu", những người chắp bút đời sau đã chưa đọc hết nội dung của cuốn sách. Thế nên họ đã bỏ đi một vế rất quan trọng được ghi liền sau đó là "đóng ở vụng Trần Xá".

Theo khảo sát, bến Bình Than thuộc hữu ngạn sông Lục Đầu, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Còn sông Kinh Thầy - một nhánh của sông Lục Đầu do ba con sông cổ hợp thành là sông Lâu Khê, Thủ Chân và Sài Giang (vì thời phong kiến, một con sông thường có nhiều tên gọi khác nhau, khi chảy qua địa phận nào thường có tên riêng của địa phận ấy). Theo đó, đoạn thượng lưu có tên là sông Lâu Khê (thường gọi là Lấu Khê). Cách ngã ba Lâu Khê chừng 2km về phía đông, thời Trần gọi là Trần Xá Loan (vụng Trần Xá). Trần Xá là tên làng ở tả ngạn, nay thuộc xã Nam Hưng (huyện Nam Sách), cách bến Bình Than khoảng 3km. Rõ ràng, hai không gian đó hoàn toàn khác nhau".

Từ đó, ông Hoành cho rằng, việc gọi tên Hội nghị Bình Than với ngụ ý gắn địa điểm họp là không chuẩn. "Cần phải trả lại cho đúng tên của hội nghị tháng 10/1282 là Hội nghị Vương hầu bách quan họp ở vụng Trần Xá".
 
Những bằng chứng "biết nói"

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Dương.
Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Dương.
Cũng theo ông Hoành, năm 1992, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học cho rằng, Hội nghị Bình Than đã diễn ra tại địa danh nằm trong tỉnh. Tuy nhiên, hội thảo này không đạt kết quả do hai huyện Gia Bình và Lương Tài đều không có địa danh Trần Xá, trong khi xã Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương) có địa danh này.

Thêm nữa, "nếu đọc một cách bài bản, tìm hiểu cho rõ nội dung trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư sẽ thấy có những bằng chứng hết sức thuyết phục cho kết luận: Hội nghị Vương hầu bách quan tháng 10/1282 diễn ra ở phần đất của Hải Dương ngày nay. Đồng thời cũng sẽ không có những hiểu lầm đáng tiếc như hiện nay", ông Hoành khẳng định.

Dựa theo cuốn sách này, ông Nguyễn Đăng Minh, nguyên là cán bộ Viện Thiết kế Giao thông, Bộ Giao thông Vận tải - người đã tham gia đoàn khảo sát thực địa vụng Trần Xá cùng các nhà sử học đưa ra những góc nhìn khoa học trên cơ sở của thủy triều.

Ông Minh phân tích: "Trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết "Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh. Có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao? Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp".

Theo chú dẫn, người chở than củi ở đây chính là Trần Khánh Dư. Khi đó, ông đang làm nghề chở than củi từ vùng Đông Triều vào bán ở Kinh thành Thăng Long. Ở chi tiết "nước triều rút, gió thổi mạnh" là đang nói đến hiện tượng thiên nhiên không hề thay đổi trên dòng chảy của sông Kinh Thầy, bất chấp thời gian - đó là hiện tượng thuỷ triều. Khi nước thủy triều lên, nó sẽ tràn qua ghềnh Gốm (nơi có đền thờ Trần Khánh Dư hiện nay), sau đó sẽ đi tiếp vào ghềnh Lâu Khê. Tuy nhiên, đến đây dòng thủy triều sẽ bị chặn lại do ghềnh này chịu hợp lưu của bốn dòng sông (sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống) cùng đổ vào. Trong khi đó, bến Bình Than nằm phía trong ghềnh Lâu Khê. Vậy nên, hiện tượng thủy triều không thể có ở khu vực bến Bình Than được".

Ông Hoành cũng giải thích: “Qua thực địa và trên bản đồ có thể thấy từ bến Bình Than xuôi xuống sẽ ra đến bãi Đại Than, còn ngược lên là về phía Kinh thành. Nếu vua đứng từ bến Bình Than nhìn thấy thuyền của Trần Khánh Dư chở than củi vào Kinh thành bán mà đuổi theo thì không thể chạy qua bãi Đại Than được. Do đó, khả năng vua đứng ở vụng Trần Xá nhìn ra là hợp lý hơn cả, vì từ đó vào Kinh thành sẽ phải đi qua bãi Đại Than”.

Để đi đến kết luận nhằm làm sáng tỏ phần nào về Hội nghị này, tháng 9/2011, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội thảo khoa học "Hải Dương với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII". Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, sử học đầu ngành như: Dương Trung Quốc, Nguyễn Hữu Tâm... Hội thảo cũng đã đưa ra những bằng chứng để kết luận nơi họp hội nghị Vương hầu bách quan bàn kế đánh giặc Nguyên Mông tháng 10/1282 ở vụng Trần Xá thuộc địa phận thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) ngày nay.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Dương Trung Quốc tỏ ra thận trọng khi cho rằng vẫn cần có sự nghiên cứu thêm để tránh những tranh chấp không đáng có giữa hai tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh trong việc xác định nơi diễn ra Hội nghị nổi tiếng này.
 
 
"Hội thảo khoa học tháng 9/2011 thật sự có ý nghĩa với chúng tôi. Với chức năng, quyền hạn của mình, chúng tôi cũng đã tham mưu, đề xuất lên các cấp cao hơn về việc xây dựng tượng đài Trần Quốc Toản tại khu vực được cho là nơi diễn ra Hội nghị Vương hầu bách quan tháng 10/1282. Tuy nhiên, để đi đến kết luận cuối cùng, chúng tôi rất mong sẽ có một cuộc hội thảo ở cấp cao hơn, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành trong cả nước".
Ông Nguyễn Đức Ngọc

(Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Sách)
 (nguồn:bee.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét