...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Bi hài chuyện “phủ sóng” quan họ trong đám cưới

 Không gây xôn xao dư luận như những đám cưới “khủng”, của các đại gia ở Hà Tĩnh, Cần Thơ, Thái Nguyên nhưng hiện một "trào lưu" mới cũng để lại những điều tiếng không hay ho: Thuê đoàn quan họ hát ở đám cưới, thuê dàn nhạc sống đánh "ầm ĩ" như một "nghi lễ" bắt buộc trong đám cưới.
Quan họ mọi nơi, mọi lúc
Việc thưởng thức quan họ Bắc Ninh, nhiều người phải lặn lội về xứ Kinh Bắc hoặc phải vào những quán thuộc hạng kha khá ở Hà Nội mới mong có cơ hội ngắm các liền anh liền chị mặc áo mớ ba, mớ bảy, cầm nón quai thao biểu diễn. Nhưng với người dân ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ thì xem biểu diễn quan họ là việc quá dễ. Chỉ sau một cú điện thoại, liền anh liền chị sẽ đến hát phục vụ từ tân gia, khai trương nhà hàng, đến đám hỏi, đám cưới ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bởi các gia đình ở đây coi việc thuê một đoàn quan họ hát trong đám cưới là điều phải làm cho không thua kém "làng trên, xóm dưới".
Liền anh, liền chị đi hát tại một đám cưới ở Thanh Sơn, Phú Thọ

Nhiều người dân ở Giáp Lai (Thanh Sơn, Phú Thọ) vẫn chưa quên đám cưới hoành tráng của gia đình ông Nguyễn Văn T. Mặc dù gia đình ông chỉ đơn thuần làm nông nghiệp nhưng đám cưới cô con gái út, đối lập với căn nhà tuềnh toàng (nhà tranh, vách đất) nhưng từng mâm cỗ cưới của gia đình ông không thiếu những món đặc sản từ miền xuôi tới miền ngược. Đặc biệt, ông T. thuê hẳn đoàn quan họ từ Bắc Ninh lên với chi phí 10 triệu đồng. Quả thật, ông làm hàng xóm không khỏi "ngưỡng mộ, thán phục" về độ "chịu chơi" của mình.
Anh Cường, người chuyên làm MC đám cưới ở Thanh Sơn, Phú Thọ chia sẻ: "Trước kia hầu hết các gia đình chỉ thuê nhạc công đánh đàn organ và một MC cho buổi tối và hôm đón dâu tại nhà chú rể. Chi phí thường khi đó thường dao động từ 600.000 đồng - 800.000 đồng. Tuy nhiên, sau một vài đám cưới của các gia đình có máu mặt ở địa phương với các liền anh, liền chị vừa hát, vừa mời trầu trong đám cưới làm bùng nổ trào lưu thuê các đoàn quan họ hát tại đám cưới ở vùng này".
Quả là khá đơn giản (miễn là có tiền) để có được một đoàn quan họ theo quảng cáo là "sở hữu", "quản lý" các nghệ sỹ quan họ có tiếng. Theo lời rao của đoàn Quan họ Sông Cầu thì họ là đoàn chuyên nghiệp duy nhất ở Bắc Ninh quản lí và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê hát với các nghệ sĩ hát quan họ thành danh như: Thúy Cải, Thúy Hường, Hải Xuân, Công Huynh, Minh thùy, Thanh Nhàn, Khánh Hạ, Hồng Luyến, Hồng Mạnh...
Trưởng giả học làm sang?
Cũng theo quảng cáo của họ trên các địa chỉ các trang rao vặt ngoài "vốn" nghệ sĩ đã thành danh, đoàn này còn sở hữu nhiều diễn viên trẻ đã đạt giải cao tại sân chơi "Đậm đà khúc hát dân ca" do Đài PT -TH Bắc Ninh tổ chức. Các diễn viên trẻ này không chỉ hát quan họ hay mà còn hát tốt nhạc trẻ, nhạc đỏ; sẵn sàng hát giao lưu: Song ca, tốp ca với khán giả. Đoàn này không những phục vụ hát quan họ mà còn sẵn sàng hát chèo, ví dặm, nhạc trẻ, nhạc đỏ... - nghĩa là "5 trong 1", chỉ cần khán giả có yêu cầu.
Theo chúng tôi tìm hiểu thì giá để "rước" được một "đoàn" quan họ với 2 người hát trong một đám cưới trong một buổi tối và sáng ngày rước dâu có mức từ 9 triệu đồng - 11 triệu đồng. Mức giá này sẽ thay đổi theo khu vực và khoảng thời gian biểu diễn. Với mức chi này, khách tới dự đám cưới sẽ được các liền anh, liền chị mời trầu têm cánh phượng, được nghe những làn điệu quan họ Bắc Ninh, được yêu cầu hát bất cứ thể loại nhạc nào.
Ông T., người đi "tiên phong" cho sự "chịu chơi" ở vùng sơn cước ở đám cưới nói trên, ông có cô gái vừa tốt nghiệp trung cấp chưa tìm được việc làm, còn chú rể là thợ lái máy xúc cũng chẳng giúp gì về kinh tế cho ông T. Chưa kịp hưởng trọn niềm vui vì làm xong một việc lớn trong đời là xây dựng gia đình cho con cái thì ông đã phải đau đầu với khoản vay nợ để trả số tiền tổ chức đám cưới lên đến hàng trăm triệu đồng trong đó có một phần không nhỏ cho sự "chịu chơi" thuê quan họ hát cho “bằng làng trên xóm dưới”.
Chị Nguyễn Thị Thúy, sinh viên khoa Quản lý văn hóa tư tưởng, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng: "Việc "phủ sóng" những làn điệu quan họ là một điều tốt. Tuy nhiên với đa số các gia đình ở các vùng nông thôn có mức sống còn thấp thì việc chi cả chục triệu đồng cho thuê hát quan họ đám cưới là một sự lãng phí. Nó thể hiện sự đua đòi theo kiểu "trưởng giả học làm sang" của nhiều người dân hiện nay". 
Trước  "sang", sau ... nợ
Chị Nguyễn Thị Lệ (ở Thạch Khoán, Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ: "Thực sự hiện giờ đi ăn cỗ đám cưới ở nhiều gia đình tôi không khỏi choáng. Không những họ làm bừa phứa đồ ăn gây lãng phí, mà nhiều gia đình còn chạy đua thuê đoàn quan họ, thuê ban nhạc sống. Tuy nhiên, nếu ai từng lên vùng này sẽ biết đời sống của người dân ở đây khó khăn thế nào. Tiền mừng đám cưới người dân cũng chỉ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Trong khi đó mâm cỗ chi phí thường trên một triệu đồng. Các gia đình cũng phải tổ chức đến cả trăm mâm cỗ. Cảnh các gia đình đi vay nợ sau khi tổ chức đám cưới cho con là chuyện không lạ ở đây".
Hoàng Mai
(nguoiduatin.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét