...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Bắc Ninh chú trọng bảo tồn và xây dựng các giá trị văn hóa

Bắc Ninh hiện có gần 600 đội văn nghệ, CLB văn hóa văn nghệ thu hút hơn 20 nghìn diễn viên không chuyên, hội viên tham gia. Hàng năm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hơn 50 hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng quy mô lớn, mang tính truyền thống như: văn nghệ mừng Đảng-mừng xuân, hội thi hát Quan họ, hội Báo Xuân, triển lãm sinh vật cảnh, hội thi đàn và hát dân ca... trở thành sân chơi văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Kinh Bắc.
 
Liền anh, liền chị Quan họ Bắc Ninh

 
Cùng với phong trào văn nghệ quần chúng, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, phát huy vai trò là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá, giới thiệu dân ca Quan họ đến với công chúng trong và ngoài nước. Từ 1997 đến nay, số buổi biểu diễn của đơn vị tăng 145%, lượng khán giả tăng 150%, doanh thu đạt 168%...
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa hàng năm phát triển cả về số lượng và chất lượng, tính đến cuối năm 2011 toàn tỉnh có 231.023 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, chiếm 89,5% với 485 làng, tổ dân phố văn hóa, đạt 66,8%.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, tân gia, mừng thọ đem lại hiệu quả rõ nét. Nhiều hủ tục lạc hậu, không phù hợp được bãi bỏ, công tác tổ chức lễ hội được quản lý chặt chẽ, hoạt động xây dựng quy ước thôn làng, khu phố được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành  triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh có 126 nhà văn hoá (NVH) xã, phường, thị trấn; 528 NVH thôn, làng, khu phố; 105 điểm bưu điện - văn hóa xã; 126 trạm truyền thanh xã, 700 trạm truyền thanh thôn, làng, khu phố; 101 điểm vui chơi cho trẻ em cấp xã, 693 điểm vui chơi cho trẻ em cấp thôn, làng, khu phố...
Vấn đề quản lý di tích lịch sử văn hóa được quan tâm, chú trọng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án tu bổ như: Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Tam Sơn, đình Đình Bảng, đình Đáp Cầu, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự và chống xuống cấp gần 100 di tích khác.
Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích thực hiện tốt, đến nay đã kiểm kê được 1.259 di tích, trong đó 430 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (192 di tích cấp quốc gia, 238 di tích cấp tỉnh). Công tác bảo tàng, sưu tầm tài liệu, hiện vật tích cực phát huy với 3.550 hiện vật, 49 tài liệu, 304 bản in dập bia đá, tiêu biểu là những hiện vật về rối nước Đồng Ngư, súng moóc-chê từ núi Thiên Thai, hệ thống chân cột đá ở đền Đống Cao, lò gốm Đương Xá, máy bay, pháo cao xạ, rada, phục chế 16 linh thú và 4 pho Vũ Sỹ, phục chế gia công tượng Phật quan âm nghìn mắt nghìn tay...
Bắc Ninh- miền quê của những di tích lịch sử, di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật với sự kiện dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh cũng đã hoàn thành trùng tu, tôn tạo và đưa vào khai thác, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu, khởi công khai quật khảo cổ tổng thể khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.
15 năm qua, đã có 6 nghệ sỹ hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT; 41 người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh; đề nghị Hội đồng xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND cấp nhà nước năm 2011 xét phong danh hiệu NSƯT  cho 9 nghệ sỹ (6 nghệ sỹ chuyên nghiệp, 3 nghệ sỹ tự do), danh hiệu NSND cho 1 NSƯT.
N.D
(baobacninh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét