...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Rượu Bàu Đá Trên Từng Hạnh Ngộ

 Bút ký của Lê Hoài Lương
Cổ nhân có lời khuyên ‘‘Phu phụ tương kính như tân’’, nôm na là vợ chồng nên luôn giữ lễ và đối với nhau như khách. Mỗi lần nâng ly rượu ngon, tôi luôn có cảm giác một lần hạnh ngộ, dẫu đó là với danh tửu Bàu Đá quê hương đã quá thân thiết những cung bậc nồng đượm hương vị. ‘‘Tương kính như tân’’ là nghệ thuật giữ gìn và hưởng thụ đời sống vợ chồng, còn nâng ly hạnh ngộ với rượu quen- rượu Bàu Đá, là một cách ‘‘tương kính’’ trước sức quyến rũ của tuyệt phẩm chưng cất này.

Đường vào làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá. (Ảnh: VL)


Rượu ngon và bạn hiền
Cuối tháng 5 vừa rồi ở Bình Định có tổ chức Hội thảo khoa học tầm quốc gia về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu. Để đãi khách quý trong nước, ngoài nước về dự, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đặt hẳn một mẻ rượu Bàu Đá đậu xanh. May sao, thời tiết nắng nóng nấu nếp đã khó huống chi đậu xanh, vậy mà mẻ này hoàn hảo đến mức ngoài hương vị đặc trưng tuyệt vời của nó, rượu còn chơm chớm khê. Hương vị rượu thì còn có thể dụng công từ chất liệu đến kỹ thuật vào men, chưng cất…, chứ hương chớm khê là may mắn nhiều hơn chủ ý vì chỉ có ít sơ suất là khê nồng hỏng rượu.
Các danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Trọng Tạo… mê mẩn thứ rượu lần đầu được thưởng thức này. Các ông ít nhiều đã uống rượu Bàu Đá, đã biết danh tửu này hàng đầu quốc gia nhưng rượu đậu xanh của làng nghề thì ngon đến sửng sốt. Các nhà văn phía bắc còn nhờ mua giúp mang về Hà Nội, không còn rượu đậu xanh, chúng tôi lấy về rượu nếp cũng rất được tán thưởng. Cũng dịp này, Giáo sư - Tiến sĩ Thái Kim Lan - Việt kiều ở Đức, sau khi được uống thứ ‘‘siêu tửu’’, đã không ngại xin một chai đem về. Bà giáo sư mê hát bội, mê rượu ngon này là Mạnh Thường Quân mươi năm trước tạo mọi điều kiện cho Nhà hát tuồng Đào Tấn sang biểu diễn ở Munich, Đức.
Chuyện rượu đậu xanh Vũ tiên sinh còn nhắc hoài kỷ niệm với danh ca hát bội Cửu Vị. Nghệ sĩ tài danh này sau giải phóng gặp lại người bạn cũ- giờ làm nghiên cứu tuồng, đóng góp quan trọng cho hội thảo tôn vinh Đào Tấn- rất cảm kích. Ông tự mình nghĩ cách nấu rượu đậu xanh và xách xuống thăm cho, rượu nồng khê vì không thành công, nhưng 5 ký chắt được một chai là cái thơm thảo bằng hữu, cái tri kỷ của kẻ yêu nghề.
Do cách uống nên nhiều người hiểu chữ ‘‘bạn rượu’’ không hay. Thực ra bạn uống rượu xưa nay không nhiều. Và khi đạt được tầm bạn này cũng có nghĩa đạt tới độ cảm thông, chia sẻ lớn, tới sự tin tưởng về nhân cách. Có thể im lặng thưởng thức. Có thể luận bàn văn chương thế sự. Cả niềm vui, nỗi buồn. Ngồi được với nhau bên ly hảo tửu thì không uổng thời giờ, tiền bạc.

Khách Tây và ly rượu Bàu Đá trong phút dừng chân bên đường. (Ảnh: VL)
Đồng thanh tương ứng…
Tôi là người có máu bản địa nên rất tự hào rượu quê mình. Bạn xa về Bình Định đương nhiên mời rượu. Cũng rượu làm quà cho bạn xa nếu có điều kiện. Và không quên đem theo rượu mỗi lần đi dự các trại viết. Chuyện bậc đại danh Văn Cao lần về Bình Định từng khen rượu Bàu Đá ‘‘dày’’ hơn rượu Vân, nhiều người kể và đâu đó có viết lại. Tôi chỉ kể mấy lần chứng kiến cuộc tôn vinh Bàu Đá.
Năm 2006, dự trại viết Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) ở Mỹ Khê, Đà Nẵng, tôi lên tận làng nghề Cù Lâm mua 20 lít rượu bọt, nửa gạo, nửa nếp. Dân cầm bút tứ phương căn bản là mê rượu và không hẹn mà gặp, tại trại viết này Bàu Đá ‘‘đụng hàng’’ Kim Long- Quảng Trị. Rượu Kim Long tôi từng uống dịp các bạn báo chí về Bình Định họp. Lần này, khi thấy phòng Bình Định chúng tôi khai tửu kết bạn, nhà văn Cao Hạnh, Phó chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị xách qua giao lưu can 5 lít Kim Long. Tửu khách từ Hà Nội đến Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Phú Yên, Huế, Đà Năng…, đồng thanh ngợi khen Bàu Đá. Chính nhà văn Cao Hạnh cũng ‘‘tâm phục khẩu phục’’. Cuộc rượu Bình Định thơm lừng từ trong phòng ra tận bãi cát Mỹ Khê. Chẳng biết có phải nhờ thứ ‘‘chất đốt’’ nồng đượm này không mà trại viết thành công vang dội: đóng góp cho cuộc thi truyện ngắn 2 năm của tạp chí VNQĐ đến 4 giải thưởng, riêng Bình Định đã 2 giải.
Năm 2010, trại VNQĐ mở ở Bến Tre. Từ lâu xứ dừa Đồng khởi này qua văn chương thấy hay nói đến rượu Phú Lễ. Bạn văn gửi tặng rượu ngâm chuối chát đóng chai, uống nhạt nhẽo, tôi cứ cười cười tầm ‘‘uống tì tì suốt ngày’’ của các ‘‘anh hai’’ Miền Tây. Sau khi thưởng thức rượu Bàu Đá chính hiệu, một anh bạn bảo rượu Phú Lễ- Bến Tre chính là chị em với Bàu Đá! Rồi chứng minh. Anh về tận Ba Tri quê cụ Đồ Chiểu xách lên chai rượu trong veo và cái cổ hũ dừa trắng phau. Không riêng tôi, bạn văn mọi miền đều công nhận cái vụ ‘‘bà con’’ giữa đường thú vị này. Người Bến Tre giải thích, dân Phú Lễ- Ba Tri vốn xưa là người Bình Định ghe bầu vào lập nghiệp. Rượu Bình Định đã được “di nghệ” vào xứ mênh mang sông nước này! Nhà văn Bình Định Nguyễn Mỹ Nữ- dân rượu với tôi, cũng phải gật đầu ghi nhận ‘‘người bà con’’. Người Bến Tre hãnh diện khoe gốc tích rượu ngon của họ và tôi viết chi tiết này cùng chia sẻ và hãnh diện về Bàu Đá.
Mới đây, tháng 4.2012, tôi dự trại VNQĐ ở Phú Yên. Chưa đi, bạn văn Hà Nội, Phú Yên đã nhắc mang theo Bàu Đá. Họ nhắc vì đâu đó truyền tin tôi bỏ rượu, sợ không mặn mà chuyện ‘‘chất xúc tác’’ này. Tất nhiên, không nhắc tôi cũng đem theo niềm tự hào bản địa như đã nói. Cũng như các lần trước, ‘‘anh hùng hào kiệt’’ khắp các vùng miền đều tán dương thứ nước uống, khi đốt thay cồn nướng mực, cháy lửa xanh lè, hương vị tuyệt hảo. Chỉ tôi ngạc nhiên về bạn bè. Thì ra họ thưởng thức rượu Bàu Đá khá sành. Rượu lần này tôi mang theo không nhiều nên hết nhanh, trừ mấy chai Vodka xách tay của nhà văn Doãn Dũng, các thứ rượu Phú Yên của các bạn hay Vodka Hà Nội chỉ là ‘‘giải pháp tình thế’’. Cuối trại, vợ chồng nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ vô thăm chơi, anh Đỗ Ngọc Hoánh mang theo lượng Bàu Đá mới. Cuộc rượu nguyên bổn khác nhau một chút: tôi mang theo mẻ rượu trước cất gần tháng, anh Hoánh lấy mẻ mới, chưa thuần lắm, lập tức một bạn văn trẻ Hà Nội nhận ra ngay.  Nghe tôi khen sành, người bạn này bảo từng uống Bàu Đá chính gốc đến hai năm từ một người anh đều đặn gửi. Tôi ngạc nhiên vì, dù mấy chục cây số quốc lộ 1 bày bán ‘‘rượu Bàu Đá’’ nhiêu khê chất lượng, nhưng người sành vẫn biết gạn đục khơi trong khi đã yêu. Và hẳn, giá trị thật đáng yêu nên mới yêu và nhớ đến vậy!

Sản phẩm rượu Bàu Đá ra thị trường.

Những người bán rượu
Quãng đâu đó năm  1999, 2000, thời chưa nhiều thông tin, phương tiện đi lại cho mọi nhà như giờ, thời Quy Nhơn chưa mấy nơi bán rượu Bàu Đá xịn, chúng tôi thường uống rượu một đại lý ở thị trấn Bình Định. Cái độc đáo của đại lý này ở chỗ, rượu được chứa trong ba chum sành to, âm dưới nền, quanh lèn trấu. Rượu từ lò chuyển về ‘‘nuôi’’ vào chum sành, cách nhiệt thế, chẳng mấy chốc sẽ thuần và ngon lên hẳn. Tôi có mấy người bạn nhà báo, quý nhau nên hễ có dịp đi xuống huyện, thể nào cũng ghé đại lý này lấy rượu về ‘‘gửi’’ lại nhà tôi. Những người bạn thích không gian vườn cây thoáng đãng và chắc thích gu rượu chủ nhân nên thời ấy, phần bầu bạn góp, phần tôi tự vận động, năm nào bà xã tôi cũng bán nhôm nhựa cả bao can nhựa các cỡ, vì để chật nhà.
Bao giờ cũng vậy, khách tới, vợ chồng người chủ đại lý này cũng hỏi mua loại nào, và mở nắp múc mời từng chum. Hương rượu cùng sự đon đả mời chào của chủ rất ấn tượng. Một lần bạn mang về can rượu được chủ khoe là ‘‘mẻ lúa Thu’’ ngon lắm. Thử, thấy đúng là tận ngon. Hôm sau tôi chạy xe hai chục cây số lên mua thêm can nữa để dành, phần mê rượu phần ưa chủ. Lúa vụ Thu, chắc can dự vào chất lượng rượu, nhưng cái cách người chủ gặp khách quen hãnh diện khoe rượu ngon không đơn giản là chuyện buôn bán. Nó có chất nghệ sĩ.

Giờ rượu làng nghề đã có mặt ở Quy Nhơn, đỡ công đi xa. Chúng tôi quen lấy rượu từ chỗ chị Bảy Hồng, 40- Chu Văn An. Chị dân làng nghề, nấu rượu mấy chục năm. Nhưng cái chính là chất lượng rượu chị bán, và cái cách bán rượu của chị. Chị lấy nguồn từ một số lò ở làng nghề, ví dụ lò ông Lâm Xuân Mười, lò cô Năm Phượng…, nhưng tiêu chuẩn phải là ngon, là thiệt. Mấy kiểu rượu đã qua ‘‘xử lý’’, hoặc chất lượng không bảo đảm vì thời tiết, chị kiên quyết không chịu, lỡ đem tới cũng phải mang đi chứ chị không bán cho khách. Mỗi lần tới mua, thấy chị phấn chấn ra mặt là biết mẻ này ngon. Gặp mẻ vừa, chị nói trước như một lời xin lỗi. Chị quá rành các thứ men viên, men nước, cách tăng hương thơm từ lá dứa, cách tạo vị ngót từ đường hóa học…, nên rượu từ nguồn chị bán không thể là các xảo thuật. Hạnh phúc, tự hào trong từng chai rượu ngon cho khách, bán rượu như chị thật ít giống người kinh doanh thông thường, mà đầy chất nghệ sĩ. Đó là niềm vui của người làm ra, cung cấp thức uống có men siêu hạng cho bàn dân thiên hạ.
‘‘…Hoa tư tưởng, xứ lên men’’
Mấy chữ của thơ Yến Lan khi viết về Bình Định chắc không phải khéo viết kiểu thi sĩ. Vì ông còn hai câu viết về rượu tuyệt dách thế này: ‘‘Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín/ Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly’’. Rượu ‘‘nhín’’ của nhà thơ ‘‘Bàn Thành tứ hữu’’ cũng là người quê xứ Bàu Đá hẳn có ảnh hưởng từ hai câu của bậc tiền bối Đào Tấn: ‘‘Thập lý hồi xa khan trúc trưởng/ Nhất xuân tàn tửu đãi liên khai’’ (Bao phen rượu nhín chờ sen nở/ Mươi dặm xe về thấy trúc cao- lời dịch Vũ Ngọc Liễn)
Kể sơ vài câu tuyệt bút liên quan tới rượu chỉ để nêu một nhận xét có phần chủ quan rằng, nếu không có nguồn rượu ngon Bàu Đá, không có chất men rừng rực lửa đượm hương thơm quyến rũ, bao lần làm mềm môi người lữ thứ, bao lần vun đầy phấn khích chí tang bồng kẻ sĩ, bao lần chia sớt nỗi sầu thời cuộc…, hẳn không có chuỗi dài mặc định nét thơ Bình Định hào hoa và khí chất. Xưa có chữ ‘‘bầu rượu túi thơ’’ ngay từ nghĩa đen cũng đúng chứ chưa nói đến cái bầu hồ hải trong chí nam nhi. Muôn đời thơ rượu trùng phùng hàm nghĩa đẹp, và đâu chỉ hàm ngôn ‘‘hoa tư tưởng’’, ‘‘xứ lên men’’ này đã sản sinh những bậc chữ nghĩa thượng thừa: Đào Duy Từ, Đào Tấn, nhóm Bàn Thành tứ hữu, Xuân Diệu…
Nhiều bình, luận về chất thơ Bình Định. Nhưng nếu gắn với rượu Bình Định, hẳn sẽ giải mã được cái dư ba kinh lịch cổ điển Quách Tấn, cái hào hoa tráng chí Yến Lan, cái lộng lẫy lên đồng của Hàn Mặc Tử, cái đối sánh thời cuộc kỳ tài Chế Lan Viên. Ấy là chưa kể ‘‘ông hoàng thơ tình’’ tinh tế từ những ẩn ức…
Có thể làm một nghiên cứu nghiêm túc về rượu và thơ Bình Định chớ không phải kiểu nói nống cho sướng miệng đâu đó rằng, Bàu Đá tửu là một phần bí ẩn hành binh thần tốc Tây Sơn- Quang Trung, là rượu tiến vua, vân vân… Nhưng giả dụ một ngày rượu Bàu Đá thành thương phẩm quốc tế, những thêu dệt cần thiết sẽ đắc dụng. Mọi tín ngưỡng, cả tâm lý tiêu dùng, đều có màu sắc duy tâm. Thì khi ấy, việc gì Bàu Đá không ‘‘hội nhập’’?
Ai tri âm đó…
Từ Bình Định về, tác giả của những trứ tác tiểu thuyết lịch sử đồ sộ: Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý…, viết thư vào, gọi không gian 3 chú cháu tôi Vũ Ngọc Liễn, Đỗ Ngọc Hoánh, Lê Hoài Lương đang có nhiều năm nay, tại căn phòng 30 mét vuông của nhà nghiên cứu họ Vũ là ‘‘salon de littéraire’’, nôm na theo thư, là cái góc nhỏ của văn chương nghệ thuật thứ thiệt, ‘‘hãy cố giữ gìn’’. Nhà văn Hoàng Quốc Hải hẳn rất cân nhắc khi dùng cụm từ tiếng Tây trên. Vừa dễ vừa khó khi viết mấy chữ đó. Dễ, vì đây là thư riêng, mà cũng khó, chính vì việc lưu bút khẳng định một giá trị, nhất là giá trị văn hóa.
Đỗ Ngọc Hoánh vốn là một guitarist tầm cỡ, lâu nay anh giúp Vũ tiên sinh làm văn bản tuồng hát bội. Chúng tôi hợp nhau khoản ưa rượu ngon. Ở ‘‘sa-lông’’ này ba chú cháu sáng nào cũng có vài tuần trà, tuần rượu. Không riêng Bàu Đá, ‘‘kho’’ của chúng tôi còn hãnh diện hiện hữu rượu Trung Thứ- Phù Mỹ, rượu Vĩnh Cửu- Vĩnh Thạnh. Rất lạ là, một phía đông đường tận gần biển, một tây đường trên núi cao. Mà đều rất ngon, với hương vị riêng. Có thể gọi Bình Định là xứ của rượu ngon.
Nếu hỏi chọn một sản vật nào của Bình Định giới thiệu ra thế giới, nhiều người thống nhất rượu Bàu Đá. Ngoài rượu gạo chân mộc quyến rũ kiểu thôn nữ, rượu nấu nếp thêm chút lụa là hương phấn phố phường, gần đây người làng nghề thành công nấu rượu đậu xanh, và đây là một quý cô đài các, kiêu kỳ. Cả ba loại Bàu Đá đều xứng danh đi sánh xứ người.
Theo ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, người am hiểu nhiều mảng văn hóa Bình Định, người đầu tiên truyền nghề nấu rượu cho Cù Lâm- Bàu Đá là ông Hương Lễ Nghè bên An Vinh qua. Cũng nhân đây, tôi muốn nêu danh người đầu tiên làng nghề chinh phục rượu đậu xanh khó tính là cô Năm Phượng.
Vậy ai sẽ là người vinh danh Bàu Đá tửu ra thế giới?
Mới đây, nhà thơ Từ Quốc Hoài mang từ Bình Định vào Sài Gòn lít rượu đậu xanh. Khách quý được mời đã không thể tin thứ siêu tửu này lại rẻ vậy, và nhờ đặt hàng mấy chục lít. Mới đây, một người cháu anh Hoánh ở Mỹ về, được cậu đãi ly rượu Bàu Đá đã bật thốt: không thua gì các thứ rượu Tây. Và kỳ công ôm can rượu sang Mỹ để ‘‘làm dóc’’ với dân Tây!
Trong tất cả những hạnh ngộ, người viết bài này hy vọng sẽ có hạnh ngộ giữa rượu và người đưa thương hiệu Bàu Đá vang xa ngoại quốc. Hẳn đây không chỉ là cuộc vinh danh quê hương Bình Định. Tôi tin cuộc hạnh ngộ này, một ngày không xa…
(baobinhdinh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét