...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Bên gác Khuê Văn, nhớ câu “Hồng Tuyết”


“Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình…” Tom…tom…tom… chat… Roi chầu vụt thật hào hoa, tiếng ca đào nương hòa với nhịp trống điệu khiến cho lòng khách lúc say, lúc tỉnh. Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng sự du nhập ngày càng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai, đến nay nghệ thuật ca trù Việt Nam vẫn xứng đáng là “tiếng họa mi của nền cổ nhạc” bởi sự quyến rũ, thanh tao và độc đáo rất riêng của nó.
Ca trù đã tìm về chỗ đứng trong đời sống văn hóa văn nghệ ngày hôm nay
Lối xưa, xe ngựa, hồn thu thảo…

Hát ca trù còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu, hát nhả tơ, hát cửa đình, hát nhà trò… là một thể loại của âm nhạc truyền thống Việt Nam có nguồn gốc từ nhạc cung đình. Với chiều dày lịch sử, chiều sâu nghệ thuật, ca trù đã tạo nên sự độc nhất vô nhị không có ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Ca trù làm đắm say lòng người nhất là văn nhân tài tử, nữ các phong lưu bởi sự kết hợp tinh tế tuyệt vời của thể thơ hát nói được thể hiện qua tiếng hát ngọt ngào trong trẻo của đào nương hòa với âm thanh day dứt thiết tha của cây đàn đáy và sự uyên bác của phách điệu trống chầu.
Các đào nương được gửi vào giáo phường từ khi còn ít tuổi
Khác với nghệ thuật chèo hay hát văn, đi thưởng thức ca trù gọi là đi “ nghe hát” chứ không phải “ xem hát”. Người hát ca trù không múa và diễn với các trang phục nhiều màu nhiều vẻ như hát chèo hay hát văn. Đào nương ca trù gần như ngồi yên bất động trong suốt cuộc hát, trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản đoan trang hoa lệ: “ Mặt tròn thu nguyệt. Mắt sắc dao cau. Vào- duyên khuê các. Ra- vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm - miệng ấy thêu -  tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban -Tạ. Dịu như mai- Trong như tuyết – nét phong lưu chi kém bạn Vân- Kiều”. Đào nương chỉ có một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe chỉ bằng giọng hát và tiếng phách của mình.Vậy nên, vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao tặng cho người nghe.
Cái đẹp hút hồn của người của cảnh ấy không chỉ đi vào lời ca tiếng hát mà còn được lưu lại thành những hình hài trên tranh. Những cung cầm tiếng hát dìu dặt được biến hóa trong màu trong sắc để ghi lại những cuộc tao ngộ đầy xúc cảm. Hội họa có cách hưởng thụ và trải nghiệm riêng của nó. Và ca trù cũng nhờ đó mà được lưu giữ hình hài cho muôn đời sau, để những thanh âm vọng từ muôn xưa lại hiện lên trong sắc màu trên toan, trên vóc: “ Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời”.
Nhưng đáng buồn thay, trong một thời gian khá dài ( từ sau năm 1945), ca trù vốn tao nhã đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các loại hình sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị và đã bị loại ra khỏi đời sống văn hóa. Suốt trong thời gian dài, ca trù đã không được phát triển một cách tự nhiên, phải chịu đựng phê phán và điều tiếng. Nhiều nghệ nhân nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và dấu đi lai lịch của mình. Ca trù gần như đi vào khúc lụi tàn. Quan niệm về mối nhân duyên trời se giữa văn nhân và đào nương cũng vì thế mà trở nên sai lệch.
Ca trù một thời đã bị đánh đồng với các loại hình sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Xưa kia, đào nương khuôn mặt đoan trang, bằng giọng ca điệu đàn mà làm say đắm lòng người. Hàng nghìn bài thơ viết bằng chữ Nôm chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc đã ra đời, với các tên tuổi tiêu biểu như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Dương Tự Nhu, Nguyễn Hàm Ninh, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Bùi Kỷ, Tản Đà .... Và văn nhân và ca nữ vẫn là một mối thiên duyên rất thi vị mặc dù sự hiện diện của nó thật mong manh.
Vậy mà lịch sử một thời đã khắt khe và không công bằng khi cách ly hát ả đào với truyền thống âm nhạc cổ truyền, đã "bỏ rơi" một một sản phẩm tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc lúc nó đang sức cùng lực kiệt. Cái tên đào nương mĩ miều ngày nào một thời đã bị đánh đồng với loại “ hát ôm”, “ ca ôm”, người ta cho nó là văn hóa... đồi trụy, cay nghiệt coi nó như “ cái cây đã chết, lấy đâu hoa mà nở”.
Và ngay cả giờ đây, khi ca trù đã trở về đúng chỗ đứng của nó, thì cũng sẽ rất khó khăn để người ta hiểu hết giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống ấy, nhất là trong hoàn cảnh mà sự khác biệt giữa ca trù nay và ca trù xưa còn rất lớn.
Theo T.S Nguyễn Xuân Diện – người chuyên nhiên cứu về nghệ thuật ca trù Việt Nam thì sự khác biệt lớn nhất vẫn là “ không gian ca trù, hay còn gọi là văn hóa ca trù nay đã mất thật rồi. Đâu còn những đêm hội làng, các đào kép về hát thờ Thành hoàng làng theo lệ hàng năm. Đâu còn những ca quán nhộn nhịp khách văn nhân? Người nghe đã khác xưa nhiều. Đào kép cũng khác xưa nhiều. Không gian văn hóa của việc thưởng ngoạn ca trù cũng không còn vẹn nguyên...”.
 Tri âm ta lại bắt đầu tri âm
Sự hồi sinh của loại hình âm nhạc truyền thống này có lẽ được đánh dấu bằng sự kiện ca trù Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cuối cùng, sau bao nhiêu công sức vun trồng, trải qua bao bão táp phong ba khắc nghiệt, ca trù đã chứng minh được sức sống dai dẳng bền bỉ của nó, chứng minh được giá trị đích thực của một loại hình nghệ thuật lịch lãm, thanh tao.
Ca trù giờ được công chúng biết đến nhiều hơn, được người ta say hơn, mê đắm hơn. Giữa nhộn nhịp phố phường, đôi khi chỉ cần nghe thứ âm thanh tinh khiết mộc mạc mà da diết ấy, cũng khiến lòng người thấy bình yên. Đất Thăng Long xưa nay vẫn được xem là đất ca trù- nơi nuôi dưỡng và dành cho ca trù nhiều tình yêu nhất. Có lẽ chính vì thế mà cho đến nay, cũng chỉ ở hà nội là nơi có nhiều người theo nghiệp hát ca trù, giữ gìn ca trù như giữ gìn báu vật của cha ông.
Ngày xưa, xuân thu nhị kỳ, khi “ thong thả nhân gian nghỉ việc đồng” thì cũng là lúc các làng vào đám. Khắp các làng quê thường mở hội tế thần, tế thành hoàng, cầu mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Trong phần tế lễ không thể thiếu việc hát thờ thánh. Theo lệ, các giáo phường lại xách đàn, phách đến các đình đền để hát thờ trong suốt kỳ lễ hội.
Nay thì khác rồi, người ta đi nghe ca trù quanh năm. Các giáo phường khắp trong ngoài Thành đều tích cực đưa tiếng tơ, tiếng nguyệt đến công chúng. Giáo phường ca trù Thăng Long tại đình Giang Võ (Hà Nội) được biết đến là nơi đặt những viên gạch đầu tiên cho cách thức tổ chức theo hình thức giáo phường tại Hà Nội, nơi hội tụ những nghệ nhân nổi tiếng của làng ca trù. Ngay từ khi ra đời, giáo phường đã được những người yêu ca trù đón nhận nồng nhiệt. Sau mỗi đêm đi diễn, các nghệ nhân, ca nương lại cùng nhau ngồi lại bên chiếu phách chia sẻ tâm tình, cuối cùng những tia hy vọng đưa lối hát thờ cửa đình trở lại với lễ hội cùng với nét đẹp văn hóa truyền thống cũng lóe lên giữa đất trời Thăng Long trong đêm nay, một đêm hát thờ rất tuyệt!
Giáo phường Thăng Long đẩy mạnh hoạt động đưa ca trù đến với công chúng


Để đưa ca trù đến gần công chúng hơn, các giáo phường cũng thường tổ chức những cuộc thi tài, đọ sức bên gác Khuê Văn của Văn Miếu Quốc tử giám. Hầu như các tỉnh có gốc ca trù từ xưa đều gửi các câu lạc bộ tới dự, khoe tiếng đàn, tiếng hát và nghệ thuật vụt roi chầu điêu luyện. Những bữa ấy, sân Văn Miếu người nêm như xem hội. Người say mê lối hát ca trù cũng đủ các lứa tuổi. Những cụ ông mặc những bộ đồ khá chuẩn mực của Hà Nội xưa: mũ phớt, com-lê, ca- vát, tay chống ba toong; những cụ bà tóc bạc phơ, đeo chuỗi ngọc thạch, áo nhung đen. Những thiếu nữ dáng dấp rất Hà Nội, áo dài đẹp, tay cầm một bó cúc trắng, nhị phớt xanh tươi tắn…  Họ đến đây với hoài niệm về một thời để nhớ, với lòng ngưỡng mộ một nghệ thuật thơ nhạc hài hòa đã một thời vang bóng.
Khi tiếng roi chầu, tiếng đàn, tiếng hát vào cuộc, nhìn những chiếc đàn đáy, cỗ phách, những quan viên, kép đàn và đào nương ngồi trên chiếu hoa; và câu hát đa tình, ngọt ngào “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết…” vọng lên. Những câu hát ấy không thể không khiến người ta nhớ đến cô Cầm trong bài thơ nổi tiếng “Long Thành cầm giả ca” và đêm hát Văn Miếu thuở quân Tây Sơn ra Bắc độ nào. Không biết đêm ấy Nguyễn Du đứng ở đâu và chắc hẳn lòng ông đầy tâm trạng khi hạ những vần thơ đầy tâm huyết, đầy sự hòa đồng với danh ca thuở ấy, như thể chàng Giang Châu Tư mã Bạch Cư Dị từng đồng cảm với cô đào hát ở phường Hà Mô:
 “… Vẻ say, thêm đẹp dáng Kiều
Búp ngà lựa khúc, dạt dào năm cung”
Hát hay đến nỗi, quân Tây Sơn mê đắm, thưởng không tiếc tay:
“Tây Sơn văn võ ngẩn ngơ
Thâu đêm biết mấy cho vừa cuộc vui…”
Vậy là những năm xưa, tại Văn Miếu cũng đã có những đêm tiếng đàn, tiếng hát của ca trù làm say lòng đạo quân bách chiến bách thắng của Nguyễn Huệ và một thi hào bậc nhất Việt Nam: Nguyễn Du.
Giờ đây, cũng tại sân Văn Miếu này, nghệ thuật ca trù độc đáo của thơ, của nhạc lại phục sinh với những giọng ca nhuần và ấm của ca nương các giáo phường. Roi chầu vụt thật hào hoa. Tiếng đàn gấp, nhanh khi ở điệu vui; ấm ức, thâm trầm ở những điệu ngổn ngang tâm trạng… Và tiếng hát lúc ngập ngừng, lúc vút cao ở cái khoảnh khắc ấy đã tái hiện cả một thời nghệ thuật ca trù từng làm say đắm biết bao đời nghệ sĩ, văn nhân, tài tử…
Có thể nói ca trù đã đồng hành cùng tâm hồn Việt, trải biết mấy thăng trầm cùng lịch sử vẫn lại đang tìm về chỗ đứng trong đời sống văn hóa văn nghệ đa dạng phong phú ngày hôm nay. Mong sao tri âm lại tỏ tri âm, để “ tiếng họa mi của nền cổ nhạc” lại cất lên giữa “cánh đồng âm nhạc Việt Nam” , trong thiên niên kỷ mới này!
T.D
 (cinet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét