...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Kỳ Tài Nắm Giu Nhiều Kỷ Lục Thơ Việt Nam


 Nhiều người chỉ biết đến Phạm Thiên Thư qua những bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc, nhưng ít ai biết ông còn một kỳ tài thơ lục bát với những kỷ lục có một không hai.
Hiếm có nhà thơ nào của Việt Nam lại có trong tay sự nghiệp thơ ca vẻ vang như Phạm Thiên Thư. Ông được biết đến như một kì tài thơ lục bát và là nhà thơ giữ nhiều kỉ lục của Việt Nam.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư


Hai cuốn sách của Phạm Thiên Thư được người ta nhắc đến nhiều nhất là Từ điển cười, được viết bằng thơ với 5.000 từ (24.000 bài thơ tứ tuyệt) và tập thơ Đoạn trường vô thanh (3290 câu), được xem là tác phẩm viết tiếp của truyện Kiều. Đoạn trường vô thanh cũng là tác phẩm phá vỡ kỉ lục thơ lục bát Truyện Kiều của Nguyễn Du với 3254 câu thơ. Ngoài hai cuốn sách đồ sộ trên, trong cuộc đời của mình, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu, có giá trị thực tế cao đóng góp vào sự nghiệp văn học nước nhà.
Sinh ra để làm thơ
Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long (1/1/1940). Ông từng đi tu, rồi hoàn tục, nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật và hơn hết là một cái nhìn thoát tục, sâu lắng về đời và đạo. Ông được coi là "Người thi hóa kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo.
Quê ở Kiến Xương, Thái Bình nhưng Phạm Thiên Thư lại sinh ra ở Lạc Viên, Hải Phòng. Năm 1943-1951, ông sống ở trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam.
Từ năm 1964-1973, ông quy y cửa Phật và trở thành một đệ tử chăm chỉ trau dồi kinh Phật. Đối với ông đó là cả một niềm đam mê. Năm 1968, ông xuất bản tập thơ đầu tiên. Từ đó cuộc đời ông gắn liền với cây bút, sáng tác không ngừng nghỉ để cho ra đời nhiều tác phẩm để đời.
Năm 1973, ông đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Truyện Kiều - Đoạn trường vô thanh. Đây là tác phẩm được đánh giá rất cao vì nhà thơ đã can đảm tiếp nối đại thi hào Nguyễn Du để viết tiếp tác phẩm thơ lục bát kinh điển này. Ông đã viết bằng câu chuyện thơ đó bằng tiếng Việt, thay vì viết bằng chữ Nôm như Nguyễn Du. Ai cũng biết rằng Nguyễn Du với hơn 3000 câu thơ lục bát trong truyện Kiều và chưa từng có ai phá vỡ kỷ lục đó, cho đến khi Phạm Thiên Thư chấm bút.
Năm 2005, nhà thơ mắc bệnh tai biến mạch máu não khi đang trong giai đoạn sáng tác sung mãn nhất. Không cam chịu sống chung với bệnh tật, Phạm Thiên Thư đã nghiên cứu, sáng lập, truyền bá môn dưỡng Điện công Phathata, (pháp-thân-tâm), đồng thời tự chữa bệnh cho mình bằng phương pháp này.
Mong muốn chiến đấu thoát khỏi bệnh tật cũng là lý do thôi thúc ông cho ra đời cuốn từ điển có tên Từ điển cười. Ban đầu ông chỉ định viết cuốn sách trên, khuấy động một lối tư duy ngôn ngữ trong chính bản thân mình, cười để đẩy những tâm bệnh. Nhưng cùng thời gian đó, nhận thấy, giới trẻ Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thiếu” ngôn ngữ, không chỉ trong giao tiếp thông thường mà còn cả trong văn chương nên ông hy vọng tác phẩm của ông sẽ khuấy động một chút nhỏ thôi, ngôn ngữ trong cuộc đời...
Cuốn từ điển này lại đóng góp thêm cho kho tàng sáng tác đồ sộ của ông một kỉ lục mới (Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục "Người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ). Không ít người bất ngờ khi Từ điển cười có đến 5.000 ngữ nghĩa vui để “cười” và 24.000 bài tứ tuyệt – tiếu liệu pháp. Những khái niệm qua tư duy của Phạm Thiên Thư khá dí dỏm, đọc cứ phải lăn ra mà cười, có cái cười... vỡ bụng, nhưng cũng có cái cười ra nước mắt...
Cười không chỉ ở cách lý giải, mà cười ngay cả cái ngoại diễn của một khái niệm. Ví dụ, trong các kiểu chửi, ông đưa ra những loại chửi thoạt nghe đã phải tò mò: chửi quang minh chính đại, chửi... mẹ đĩ, chửi ngọng nghịu, chửi ong óng... và một kiểu chửi nữa có lẽ chỉ người Việt Nam mới có- chửi hoài niệm
Ban đầu, nhà thơ dự định viết Từ điển cười từ A-Z, nhưng khi mới viết tới A-B-C, số lượng đã lên đến gần ngàn trang sách. Thơ trong sách viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, diễn đạt nôm na, dân dã.  Cuốn từ điển in ra được đông đảo độc giả đón nhận bởi lối thơ dí dỏm, hài hước dễ đi vào lòng người. Không dừng lại ở đó, ông còn đang ấp ủ một dự án lớn hơn là cuốn Từ điển châm ngôn sẽ ra mắt bạn đọc một ngày không xa, hứa hẹn sẽ lạ nhất Việt Nam.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng nhạc sỹ Phạm duy (đứng giữa)
Mê đắm với... Ngày xưa Hoàng Thị
Rất nhiều người biết đến Phạm Thiên Thư qua những bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của ông. Nhưng có lẽ nhạc phẩm nổi tiếng, được đông đảo người yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt nhất phải nói đến bài hát: Ngày xưa Hoàng Thị.
Phạm Thiên Thư sáng tác bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị khi ông còn rất trẻ. Đối với nhiều người, bài thơ được phổ nhạc này là một trong những bài tình ca hay nhất của Việt Nam. Tuy vậy, đối với Phạm Thiên Thư, đây chỉ là kỉ niệm về một mối tình với người con gái mang tên Hoàng Thị Ngọ.
Ngày ấy, khi ông còn học tú tài, ông để ý tới cô bạn học cùng lớp, quê ở Hải Dương. Hoàng Thị Ngọ là một cô gái xinh đẹp, tóc xõa ôm bờ vai, nổi bật nhất trong các bạn gái cùng lớp. Ông ôm mối tương tư của mình mà không dám ngõ cùng ai. Khi tan trường, cô gái trên đường về nhà, ông thường lẽo đẽo theo sau, lén lút nhìn ngắm người đẹp. Thời gian cứ trôi và tình cảm của ông ngày càng chất chứa trong lòng. Cô gái mang tên Ngọ đã mang đến cho ông những cảm xúc bâng khuâng khó tả.
Sau khi học xong tú tài, thay vì tìm cho mình một công việc, ông lại chọn cửa chùa làm nơi tiếp tục rèn luyện con người mình. Ông theo học trường Phật học Vạn Hạnh, tối ngày chìm mình trong tiếng kinh kệ. Mỗi lần có dịp đi ngang trường cũ, trên con đường mà một thời ông từng lẽo đẽo theo bóng giai nhân, hình ảnh người con gái ấy lại bất giác hiện về khiến ông chìm trong cảm xúc. Và bài thơ Ngày xưa Hoàng thị ra đời.
Đây không phải là lần đầu tiên ông làm thơ. Cha của ông tuy làm nghề thầy thuốc nhưng cũng rất yêu thơ. Ngay từ thủa nhỏ, ông đã tập tành làm thơ, nhưng chỉ để trải lòng mình chứ không có ý định đi vào con đường chuyên nghiệp. Bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị được Phạm Duy phổ nhạc đối với ông đó là một niềm vinh dự.
Ông tâm sự, có nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho 10 bài Đạo ca do mình viết. Trong quá trình làm việc, Phạm Duy vô tình đọc một vài bài thơ của ông và vô cùng ấn tượng với Ngày xưa Hoàng Thị. Sau khi phổ nhạc xong, ca sĩ Thanh Thúy là người đầu tiên trình bày ca khúc này vào những năm 70 thế kỉ trước.
Ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị đã trở thành một hiện tượng lúc bấy giờ. Phạm Thiên Thư cho biết, sau khi nghe bài thơ của mình được trình bày dưới hình thức một bài hát, nhà thơ đã không kìm được xúc động. Quả thật, Phạm Duy đã đưa bài thơ lên một tầm cao mới, với những điệu nhạc bay bổng, đi vào lòng người.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư hồi trẻ
Cũng từ bài hát mà nhân vật bí ẩn Hoàng Thị bỗng trở câu chuyện được khá nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Ông kể, lúc đó cũng có nhiều nhà báo tới tìm hiểu xem nhân vật Hoàng Thị là ai?. Không giấu giếm, ông kể thật đó là cô Hoàng Thị Ngọ, là mối tình đơn phương thủa học trò.
Vậy nhưng, thời gian đó, đây là chủ đề khiến người ta mang ra đoán già đoán non, thậm chí có không ít người lên tiếng tự nhận mình chính là nhân vật Hoàng Thị. Nhạc sĩ Phạm Duy còn phổ nhạc nhiều bài thơ của ông và cũng được đông đảo người yêu nhạc đón nhận như: Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa tình sầu, Em lễ chùa này…
Giờ đây, khi đã qua cái tuổi thất thập, nhà thơ Phạm Thiên Thư sống bình yên với công việc hằng ngày trong một ngôi nhà nhỏ ở Cư xá Bắc Hải, Q.10 TP.HCM. Ông mở một quán cà phê nhỏ lấy tên là Hoa Vàng. Không biết có phải đó là hoa vàng trong tập thơ Động hoa vàng của ông hay không. Nhưng nhìn vào cách bài trí quán, người ta luôn có cảm giác chìm đắm vào một không gian thoát tục ở cõi tiên, yên tĩnh và sâu lắng như chính những vần thơ của ông.
Với số lượng  hơn 126.000 câu thơ, và nhiều công trình nghiên cứu khác, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã đóng góp một phần quan trọng trong thơ kho tàng thơ ca Việt Nam một cõi thơ rất lạ, độc đáo nhưng vẫn thân thiết, gần gũi với con người.
Nguyên Việt
(nguồn;nguoiduatin.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét