...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Nguyễn Diêu, người thầy của danh nhân Đào Tấn



Soạn tuồng tức là sáng tác kịch bản theo thể loại nghệ thuật tuồng (hát bội) cũng như sáng tác kịch bản chèo, cải lương, kịch nói, mỗi loại hình đều có nguyên tắc và thủ pháp riêng. Đây là công việc đầy khó khăn như Văn hào Nga M.Gorky viết: “Kịch là một loại hình khó nhất trong sáng tác văn học”. Đúng là như vậy. Nhưng, sáng tác kịch bản tuồng còn khó hơn nhiều, bởi nó phải được thể hiện trong một cấu trúc vô cùng nghiêm ngặt trong nguyên tắc cách điệu, ước lệ về biểu diễn và ngôn ngữ lại bằng thi ca cổ điển và dân gian kết hợp. Cũng có thể gọi một kịch bản tuồng là một tác phẩm thơ trường thiên, nếu ta tách ra từng bài hát thì có tới hàng trăm bài thơ, trong một kịch bản. Cũng vì thế mà không phải nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nào cũng viết được tuồng. Suốt cả mấy thế kỷ 17, 18, 19 tuy có rất nhiều trí thức sáng tác tuồng, với hàng trăm vở nhưng chỉ có hơn mươi vở tồn tại trên sân khấu đến hôm nay, tiêu biểu như Sơn Hậu, Triệu Đình Long, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương… hầu hết đều không ghi tên tác giả (có lẽ do chính sách kiểm duyệt quá khắt khe thời bấy giờ) chỉ đến Đào Tấn (cuối thế kỷ 19) mới sáng tác được nhiều vở tuồng hay và sau Đào Tấn là Nguyễn Hiển Dĩnh, Phan Xuân Thân, Ưng Bình Thúc Giạ Thị rồi mãi tới đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện bút danh Tống Phước Phổ (giải thưởng Hồ Chí Minh). Tiếp theo Tống Phước Phổ trong thời kỳ sau CM tháng 8 (1945), tuy vẫn có nhiều soạn giả tuồng nhưng rất hiếm tác phẩm hay theo đúng nghĩa là kịch bản tuồng như của Đào Tấn và thầy học của ông là Nguyễn Diêu.Vì vậy gần một thế kỷ qua, Đào Tấn vẫn là một thiên tài sáng tác tuồng cùng với những công lao to lớn của ông trong lý luận tuồng, đạo diễn tuồng và đào tạo tuồng mà ông được suy tôn là “Hậu tổ tuồng”.


Trên cơ sở đó mà hơn 50 năm qua có rất nhiều công trình nghiên cứu về Đào Tấn và Đào Tấn đã được tôn vinh là “Danh nhân văn hóa dân tộc”. Các thành phố lớn: Hà Nội, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn đều có đường phố và có nhà hát mang tên Đào Tấn. Không chỉ có giới văn hóa, văn nghệ biết tên Đào Tấn, mà đông đảo nhân dân trong nước cũng biết Đào Tấn là nhà soạn tuồng kiệt xuất của dân tộc. Nhưng rất tiếc là người thầy dạy chữ, dạy viết tuồng cho Đào Tấn lại rất ít người biết, trừ trong ngành tuồng (hát bội), đó là Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – tác giả của bộ tuồng Ngũ hổ bình Liêu còn gọi là Ngũ hổ Bình Tây (ba hồi) rất nổi tiếng, vở Tiết Giao đoạt ngọc (còn gọi Võ Tam Tư chém cáo) và các vở Liệu đố, Văn vệ quốc... chắc chắn Nguyễn Diêu còn một số vở tuồng nữa, nhưng chưa sưu tầm được. Riêng bộ tuồng Ngũ hổ bình Liêu của Nguyễn Diêu đã được hầu hết các đoàn tuồng ở miền Trung và Nam bộ biểu diễn suốt hơn một thế kỷ qua. Người yêu tuồng đều nhớ tên một số nhân vật, hoặc thuộc một số câu tuồng của Nguyễn Diêu như câu nói lối của Địch Thanh:

Phụng thánh chỉ bình nhung

Ngã Địch Thanh nguyên súy.

Như ta: Lỡ bước vì ngươi Đình Quý

(Nên) gá duyên cùng với Thoại Ba

Trăng lầu hồng giục giã lòng ta

Gió cố quốc gợi sầu cho mỗ

Hoặc như câu hát nam của Thoại Ba tiễn Địch Thanh qua ải: “Rượu vơi, vơi… nâng trước chén vàng, chân rén rén tiễn đưa người ngọc, kể khôn cùng chân tóc kẽ răng/ Anh hùng nước bước còn săn/ Đừng dun mày liễu mà quằn ruột hoa/ Phân nhau một khúc Dương Quang/ Tây Liêu anh tới, Đơn bang em về. Thậm chí có người thuộc cả vở Ngũ hổ Bình Liêu và “nói tuồng” (chỉ có nói mà không hát) cho bà con trong làng xóm cùng nghe suốt cả đêm dài.

Nếu những nhân vật của Đào Tấn như Tiết Cương, Kỷ Lan Anh (tuồng Hộ Sanh đàn), Triệu Khánh Sanh, Kiều Quang (tuồng Diễn Võ đình), Quan Công, Trương Phi… ( tuồng Quan Công hồi cổ thành) đã quá quen thuộc với khán giả tuồng cả nước thì, những nhân vật như Địch Thanh, Thoại Ba, Lưu Khánh… (tuồng Ngũ hổ) Tiết Giao, Hồ Nguyệt Cô (tuồng Hồ Nguyệt cô hóa cáo)… của Nguyễn Văn Diêu cũng đã quá quen thuộc với những người yêu tuồng. Và trong khi kịch bản tuồng Đào Tấn chưa được in ấn rộng rãi thì kịch bản tuồng của Nguyễn Diêu đã xuất bản ở Sài Gòn từ năm 19701. Chứng tỏ trí thức Nam bộ sớm biết tuồng Nguyễn Diêu và đã quan tâm tới những giá trị văn học dân tộc, dù đang sống trong chế độ Mỹ - Ngụy trước năm 1975. Vậy Nguyễn Diêu là ai mà có thể làm thầy Đào Tấn và viết ra được những vở tuồng sống mãi với thời gian?

Quỳnh phủ Nguyễn Diêu sinh năm 1822, mất 1880, quê ở làng Nhơn Ân - huyện Tuy Phước - Bình Định, cùng quê với Đào Tấn và thi sĩ Xuân Diệu sau này. Ông nổi tiếng văn hay, học giỏi nhưng chỉ thi đỗ ở bậc Tú tài (nên dân gian gọi ông là “Cụ Tú Nhơn Ân”) vì vướng bận mối tình trắc ẩn mà ông đau khổ nên không thể thi đỗ lên bậc cao hơn, mặc dù ông có thừa kiến thức. Ông mở trường dạy học và đã đào tạo ra nhiều tài năng trong đó nổi bật là Đào Tấn. Dù là một thiên tài văn học, nhưng Đào Tấn luôn tôn sư trọng đạo, thể hiện trong việc muốn chỉnh sửa mấy câu tuồng chưa thật hợp lý của thầy, thì phải làm thịt một con heo đặt lên bàn thờ rồi vái lạy xin phép thầy cho được sửa mấy câu tuồng của thầy cho hợp lý hơn trong giai đoạn cuối Hồi hai bộ tuồng Ngũ hổ bình liêu.

Chỗ không hợp lý ở đây là khi Địch Thanh trốn vợ đi bình Liêu. Thoại Ba đuổi theo kịp và níu giữ Địch Thanh rồi ra lệnh cho tướng giữ ải là Các Man:

“Cáp Man! nghe lệnh mỗ ân cần, đóng cửa ải quan cẩn mật”

Nhược hữu nhất hào sơ thất, tất can trọng tội nan đào”

Đến khi đã đồng ý cho Địch Thanh đi, nhưng lại không ra lệnh mở cửa ải mà chỉ lưu luyến khóc than:

Chưa lạt rượu giao hoan một chén

Đã xem hình vĩnh biệt ngàn trùng

Khó theo chân tảo tặc nguyên nhung

Xin soi dạ tư phu thục nữ

Hát nam: Soi dạ tư phu thục nữ

Đoạn thân tình nhất khứ nhất lưu

Ruột dường dao cắt trăm chiều

Sương bay trước mặt gió hiu bên đường

Cái duyên Chức nữ Ngưu lang

Cầu ô đã bắc, lại toan đứt cầu

Dùng dằng nghĩa trước tình sau

Dây phiền đó buộc, chuỗi sâu đây mang

Thoại Ba, Địch Thanh cùng hát: Chia tay một khúc Dương quang

Tây Liêu anh tới, Đơn Bang em về

Để hợp lý hơn, cụ Đào Tấn sinh thời cho được nối tiếp một đoạn vào câu: “Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang”.

Bớ, Cáp Man!

Truyền Cáp Man mở ải

Đưa Nguyên Soái lên đàng

Phu quân ơi! Sang lụy san san

Thốn tâm cảnh cảnh

Hồn ly biệt dường mê dường tỉnh

Mối ân tình khó dứt khó chia

Cõi Tây liêu hiểm ác sơn khê

(còn) Tình La hải cao cường pháp thuật

Sợ khó nổi bêu đầu ác tặc

(Mẹ, mẹ ơi!) Biết bao giờ thấy mặt từ nhan

(Thế nữ rượu đây) Rượu vơi vơi nâng chuốc chén vàng

Chân rón rén dìu đưa người ngọc

Hát nam: rón rén dìu đưa người ngọc

Nói khôn cùng chân tóc kẽ răng

Địch Thanh – Thôi em ở lại sương sa hoa nở, mẹ tròn con vuông rồi anh về!

Anh hùng nước bước còn săn

Chớ dun mày liễu mà quằn ruột lan

(Viết tới đây, Đào Tấn nối hai câu cuối của Thầy mình vào)

Dứt tình một khúc Dương quan

Tây Liêu anh tới, Đơn Bang anh về…

Thật là đẹp vô cùng cả nội dung lẫn hình thức. Ở đây cho thấy sự ăn ý, sự tâm đắc giữa hai tâm hồn lớn, tài năng lớn Nguyễn Diêu và Đào Tấn. Qua đoạn tuồng cũng là đoạn thơ tuyệt hay ở trên, cho ta thấy tài nghệ văn chương của hai bậc thầy tuồng Nguyễn Diêu và Đào Tấn thật khó ai sánh kịp. Dĩ nhiên ở mỗi người đều có riêng một quan điểm khai thác đề tài và thi pháp nghệ thuật khác nhau. Đào Tấn vốn là một đại quan trong triều Nguyễn (tương ứng như Gơttơ ở nước Đức), nên cảm hứng nghệ thuật từ cuộc sống ở cung đình với đủ loại Vua quan quyền quý, trung nịnh, luôn luôn đối lập nhau, luôn luôn có âm mưu thôn tính lẫn nhau, nên tính xung đột, tính bạo liệt bao trùm trong tác phẩm của ông. Còn Nguyễn Diêu lại chủ yếu sống ở nông thôn nên cảm hứng sáng tác từ hiện thực xã hội ở cấp thấp, trừ bộ tuồng Ngũ Hổ bình Liêu viết phỏng theo lịch sử bắc Tống, vì thế mà ông xây dựng hình tượng những lý trưởng, chủ quán rất hay (trích):

Lý trưởng xưng danh:

Quyền trọng trấn nhứt thôn/ mỗ xưng danh lý trưởng

Như ta:

Lãnh cắp bằng quan lớn

Hầu kiêm ký thầy cai

Việc làng nắm trong tay

Cả xóm đều chay mặt

Như ta: Ghét những người thù vặt

Giận mấy kẻ ăn to

Chư như tôi: Lúa xã trưởng ít nhiều cũng mò

Ruộng phân cấp dình dư làm ráo

Dân toan kiện cáo

Tôi nổi chứng hào hào...

Đề tài trung hiếu tiết nghĩa, tính nhân văn, yếu tố trữ tình quán xuyến trong tác phẩm của Nguyễn Diêu như Ngũ hổ bình Liêu. Ở đây mối tình xuyên suốt trong hai nhân vật chính là Địch Thanh Nguyên soái (nước Tống) và Thoại Ba Công chúa (nước Đơn) cho dù quá trình diễn biến có vô số những cuộc đánh nhau giữa các phe trung nịnh theo mục đích lý tưởng của mình, nhưng quán xuyến hơn hết vẫn là tình yêu của Địch Thanh và Thoại Ba, một tình yêu cao cả vượt qua bao thử thách cam go, dù hai nước, hai dân tộc có khác nhau (nước Tống và nước Đơn). Tính cổ điển và tính hiện đại đều hội đủ trong tác phẩm nghệ thuật của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu. Ở đây trái tim và ngòi bút tài hoa của tác giả dường như lúc nào cũng giành cho nhân vật nữ là công chúa Thoại Ba – người phụ nữ hội đủ cả tài năng, đức độ,và lòng chung thủy vẹn toàn như một tấm gương cho người xem, nhất là giới nữ nhi cần suy ngẫm. Phải chăng vì thế mà vở tuồng Ngũ Hổ bình liêu ở thời đại nào cũng chinh phục được đông đảo người xem, nhất là nữ giới.

Xu hướng viết về tình yêu của cụ Nguyễn Diêu còn thể hiện khá rõ trong tác phẩm Tiết Giao đoạt ngọc. Dĩ nhiên tình yêu ở đây là một dạng khác, một bên thì nhằm thỏa mãn dục vọng, còn một bên thì nhằm mục đích lọc lừa được diễn tả một cách cực kỳ bạo liệt, được thể hiện cảnh Hồ Nguyệt Cô yêu Tiết Giao một cách mù quáng đến mức dùng sức mạnh của người đàn bà có ma thuật để chiến thắng một chàng trai non tơ rồi hãm hiếp đến ngất ngây mà buông cả viên ngọc quý trong mình cho Tiết Giao chiếm đoạt, để rồi phải chịu quay về kiếp cáo và bị chính người chồng của mình là Võ Tam Tư chém chết. Khác với mối tình trong sáng vì mục đích cao cả giữa Địch Thanh và Thoại Ba, ở đây câu chuyện tình giữa Hồ Nguyệt Cô và Tiết Giao lại nghiêng về tính triết luận cộng thêm yếu tố thần linh nhằm vào với bài học cảnh tỉnh cho con người rằng, sống ở đời này phải luôn cảnh giác trước mọi cám dỗ mà giữ lấy phẩm chất, giữ lấy “viên ngọc quý” là “con người”, phải biết giữ lấy nó, nếu mất đi thì không còn là con người nữa mà sẽ trở lại kiếp thú. Với giá trị nhân văn cao cả ấy mà vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc đã tồn tại mãi trên sân khấu hàng trăm năm qua và trở thành một hình tượng khó quên trong hàng triệu người xem nhiều thế hệ. Tính nhân văn và yếu tố trữ tình trong kịch bản của cụ Nguyễn Diêu còn thể hiện rất rõ trong vở tuồng bi hài Liệu Đố. Nội dung vở tuồng là một câu chuyện tình yêu gần giống những chuyện dân gian như Lâm sanh – Xuân nương Thoại Khanh – Châu Tuấn, Tống Trân – Cúc Hoa... nhưng Liệu đố là chuyện sáng tác hoàn toàn với một chủ tâm, một ý đồ lớn nhằm giải quyết một vấn nạn xã hội đang tồn tại như một căn bệnh trầm kha nguy hiểm dẫn tới những bi hài kịch. Tuy trong tác phẩm có nhiều nhân vật tốt, xấu, thiện ác đan xen nhưng tập trung vào ba nhân vật chính là chàng trai Châu Anh và hai cô gái Ngọc Mai và Kim Liên mà thường gọi là “tình yêu tay ba”, Từ những yếu tố bất ngờ mà tạo ra mối tình rắc rối và cũng từ đó nảy ra những xung đột dữ dội với những cảnh rượt đuổi hết hơi và đánh đấm quyết liệt. Ở đây không phải đánh ghen mà là sự đi tìm tình yêu chân chính và tìm chân lý sống cho con người. Thông qua câu chuyện diễn biến phức tạp, đầy kịch tính, tác giả muốn ca ngợi nàng Kim Liên một hình tượng đẹp, một phẩm chất, một tâm hồn vô tư, trong sáng dám hi sinh tình yêu và thể xác của mình để thức tỉnh những người đồng giới của mình sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ về mình rồi ghen tuông mù quáng mà quên hết những ai đã cứu vớt mình trong những lúc lâm nguy trong cuộc sống. Đối trọng là một cô gái Kim Liên xinh đẹp, võ nghệ cao cường nhiều phen đánh tan bọn cướp bạo ngược. Phải chăng đây là hiện thân của những “cô gái Bình Định, bỏ roi đi quyền” mà tác giả muốn gửi gấm ngợi ca?

Tuồng “Liệu đố” có mang hơi hướng dân gian và có nhiều yếu tố hài hước, châm biếm cái xấu nên ngôn ngữ cũng được thể hiện hoàn toàn khác với những chính kịch cùng tác giả. Có những lớp tuồng, những câu tuồng rất gần với vở “Nghêu – Sò - Ốc - Hến” khiến tôi liên tưởng tới Nguyễn Diêu là tác giả của vở tuồng hài nổi tiếng này. Hãy nghe mụ Bảy Nhạn kích động cô Ngọc Mai, vợ đầu của Châu Anh:

Cô lo thì cô nói, chớ hay gì cái tánh đàn ông hễ là”

Được phòng này khuây phòng nọ

Ăn miếng cá nhả miếng cơm

Họ là gì, họ thường: Đặng chim thì bẽ ná

Đặng cá thì quên nôm

Trong bụng họ nói rằng:

Chẳng ngon cũng sốt

Không tốt cũng mới

Không nghĩ lui nghĩ tới

Muốn cho sướng cho vui

Vợ ở nhà cút cút cui cui

Họ có kể gì: Hầu non lại nhởn nhơ nhơ nhởn

Xen kẽ những câu tuồng hài, đậm màu sắc dân gian lại có những câu tuồng đậm đặc chất trữ tình sâu lắng:

Kim Liên: ... Nặng bấy tình kia nghĩa nọ

Buồn vì kẻ ở người đi

Đường đã chia hai nẻo đông tây

Mời phu quân! Rượu xin rót vài chung tống biệt

Hát nam: Tống biệt vài chung rượu cúc

Ấm lòng chàng một khúc Dương quan

Châu Anh: Em ơi như vợ chồng ta:

(tán) Kỷ phiên nhĩ nhĩ thiên nam bắc

Hà nhật tương tương dạ đoản trường2

(Nam) Muốn cho tên chói bảng vàng

Thời em chớ buồn

Ngày sau Chức nữ Ngưu Lang sum vầy

Có đọc và xem hết những vở tuồng của Nguyễn Diêu mới thấy rõ bút pháp và tài nghệ của Nguyễn Diêu được thể hiện trong bất kỳ thể loại nào, đề tài nào. Văn chương của ông như những viên ngọc lấp lánh trên những trang sách, cũng như trên sân khấu và chắc chắn nó sẽ in dấu sâu đậm trong lòng độc giả và khán giả xưa và nay. Dĩ nhiên văn thơ Hán Nôm của Nguyễn Diêu và Đào Tấn không phải ai đọc cũng có thể hiểu hết được vì vậy rất cần sự hỗ trợ phiên âm, dịch nghĩa và phân tích của các nhà nghiên cứu tuồng mà người có công đầu ở đây là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.

Quỳnh phủ Nguyễn Diêu quả là một bậc thầy của đạo đức nhưng qua quá trình vận động viết tham luận về ông, tôi thấy có quá nhiều người lúng túng. Chúng ta những người hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc đối với những bậc tiền bối, những tài năng quá khứ là chân thật vẹn toàn.

Chính vì vậy từ hôm nay, mà việc bảo tồn và phát huy di sản tuồng của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu đặt ra tuy là chậm, nhưng là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Di sản của Nguyễn Diêu có nhiều vấn đề để mới và lạ để cho những nhà nghiên cứu khai thác, luận bàn. Hy vọng sẽ có nhiều ý hay, bài hay của các nhà nghiên cứu về Quỳnh phủ Nguyễn Diêu để làm cho hội thảo thành công và cũng trên cơ sở đó, sau hội thảo sẽ có một quyển sách hay về nhà soạn tuồng tài năng Quỳnh phủ Nguyễn Diêu – người thầy của danh nhân Đào Tấn./.

_________________________(nguồn:vanhien.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét