...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Đâu Phải Là Ký Ưc (14)

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

Em nói là phải đi cho thật xa thành phố ấy. Còn ta thì nói dẫu văn minh thành phố hay văn minh ruộng đồng cũng đều thế cả. Và cuối cùng thì ta và em đã quyết định đến với nền văn minh thuộc vùng núi đồi ấy. Ta nhớ là ngay khi đặt chân lên đầu con đường vào nền văn minh ấy, em đã tỏ chán nản, cứ nghĩ là chúng ta đã chọn nhầm. Đúng là chỉ thấy núi đồi thâm u đang trải ra trước mặt. Nhưng liền sau đó thì ta và em đã được nhà chép sử ấy dắt vào nơi ẩn cư của ông. Các vị chớ lấy làm lạ, văn minh ở đây là có cả yếu tố tiền sử lẫn hiện đại, nói nôm na là gòm có cả việc mặc khố lẫn ở truồng. Cách giải thích của nhà chép sử đang ẩn cư ở đầu con đường vào nền văn minh ấy lập tức thu hút ta và em. Nhưng sao tiên sinh lại đến ở chốn này? Có phải là em đã không kiềm chế được hiếu kỳ, bắt đầu tra gạn ông ấy như thế hay không. Đang chăm chú nhìn dòng lịch sử nhân loại đang trôi đi là công việc làm của nhà chép sử đang ẩn cư ở đầu con đường vào nền văn minh ấy. Còn vì đâu lại ẩn cư ở chốn ấy, thì ông không nói ra. Ta nhớ bấy giờ bao nhiêu câu hỏi nảy ra trong đầu khiến ta cảm thấy phấn khích tựa như sắp nắm bắt được một thứ chân lý có giá nào đó. Phải ở một nơi có vẻ như là rất cách xa văn minh con người? Và cái dòng chảy đa tạp của lịch sử là phải được nhìn thấy trong thứ lẫn lộn giữa mặc khố và ở truồng?
Vào một hôm núi rừng trở lạnh, ta nghe như có ai đến gõ vào lưng của mình. Này nhà chép sử kỳ cục của thời đại, ông đã chép xong chưa.
Ta cứ nghĩ đấy là vị thần chuyên mang sự đau đớn xương cốt cho con người mỗi khi núi rừng trở lạnh.
Xin ngài hãy đi nơi khác cho.
Ta nói như một cách thức xua đuổi sự mỏi mệt sau những giờ liền ngồi chăm chú nhìn dòng lịch sử nhân loại đang trôi đi.
Nhưng chẳng phải là thần đau đớn.
Và ta, người đang mang tiếng là kẻ chép sử kỳ cục bắt đầu cảm thấy như đang có một nỗi sợ hãi kỳ dị nào đó đang gõ lên lưng mình.
Nhắm mắt và cố không nghĩ ngợi nữa, nhưng cái cơn lũ xám ngắt ấy, ta gọi nỗi sợ hãi ấy là cơn lũ xám ngắt, bỡi cố không nghĩ ngợi, nhưng cái màu xám tro than lạnh lẽo ấy là cứ việc tràn qua ý nghĩ của ta, và cho đến lúc ta không còn thể để cho những thứ kỳ dị ấy tiếp tục xâm chiếm ý nghĩ của mình, lúc ta đưa tay cố xua đuổi kẻ đang gõ lên lưng của mình thì bàn tay ta bất chợt chạm vào một thứ quá khứ chỉ gòm có tiếng khóc và những hình hài chẳng còn nguyên vẹn.
Ta chép lại lời của nhà chép sử kỳ cục ấy như một mảnh ký ức mang màu tro than. Đẹp. Và buồn như màu tro than. Bấy giờ, khi nhà chép sử vừa dứt những lời ấy thì ta thấy nước mắt em ứa ra. Ai đời lại đi thương tiếc một nỗi buồn. Khi thấy em khóc, ông ấy nói. Ta nói có những nỗi buồn phải thương tiếc đến nghìn năm. Nhưng là các vị đã đặt chân đến nền văn minh này mà bụng đói là không được, văn minh là duy lý, và bụng đói thì chẳng thể duy lý. Ông ấy nói. Và đã cho ta và em ăn cơm gạo trắng với cá khô nướng lửa bếp. Chỉ trong bữa ăn ấy là ta và em đã hiểu ra cái cách tồn tại của ông ở nơi núi đồi ấy. Thức ăn là  không phải mua, mà trao đổi như thời chưa có tiền tệ và thương nghiệp. Thì ra cái căn nhà mái và vách đều làm bằng lá núi ấy như một thứ bảo tàng nghệ thuật trên núi. Trên đường ra vào nền văn minh ấy, người ta tạt vào chỗ nhà ông chép sử ấy là để đổi lấy những tác phẩm nghệ thuật do ông nặn bằng đất sét lấy từ bờ những con suối ở vùng đồi núi ấy đến nghìn đời sau vẫn lấy không hết. Những vì vua  chễm chệ trên đủ thứ kiểu ghế ngồi (ghế thếp vàng kiểu vua chúa thời xưa có, ghế bọc da kiểu mới tây âu có, ghế chạm trổ rồng rắn có…) Những vị thần tài mặt tươi roi rói.  Những vị bồ tát luôn mở miệng cười. Búp bê lên hai có, búp bê lên năm có. Uyên ương gãy cánh có, uyên ương còn nguyên cánh có. Sông ngân hà lác đác mưa ngâu…Mỗi con người trong cuộc sống là mang một nỗi niềm riêng, ta đã cố phác vẽ ra đây hết thảy. Ông ấy nói về những tác phẩm nghệ thuật của mình. Và lúc người ta mang gạo, mang rau mắm đến đổi lấy những nỗi niềm bằng đất sét ấy chính là lúc  tiên sinh chăm chú nhìn dòng lịch sử nhân loại đang trôi đi. Ta nhớ là em đã nói thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét