...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Đâu Phải Là Ký Ưc (15)

 tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

gửi Ngàn :
có thể đó là những đoản khúc
dành cho những nguời hát rong đương đại.


Antoni Tapies - "Pa a la Barca"

Ngài chỉ huy nền văn minh vùng đồi núi ấy đã tiếp ta và em như những khách quí. Em biết cảm tưởng đầu tiên của ta khi bước vào căn phòng ấy là gì không? Hơi bàng hoàng.
Bỡi những trang sử bằng đất của nhà chép sử kỳ cục là còn tác động tâm trí ta. Bấy giờ  là ta cảm thấy có cả uyên ương gãy cánh, có cả lác đác mưa ngâu, và cả những vị thần tài hớn hở ( là rất nhiều vị, chứ chẳng phải là một)  ở nơi phòng làm việc của vị đứng đầu một nền văn minh đang có mặt ở thế gian. Quả thực là sau khi vượt qua thứ bố cục văn minh hơi phức tạp, gặp đủ chủng loại người, dân đa số có, dân thiểu số có, và chỗ này là phố xá, nhà tầng, nhà gác, cũng rực rỡ huy hoàng như bao phố xá khác trên mặt đất, chỗ kia là cái xóm ổ chuột chen chúc những mái tranh, mái ngói, chỗ khác là khu họp chợ theo cái cung cách cho cả những  người phố thị, và cho cả những người đến từ núi đồi, đồng ruộng, tức có cả hàng bán gương lượt, phấn son, hàng bán vải, bán thịt, và cả hàng thổ sản rừng, ruộng, với hàng vật nuôi là heo, gà, bò chó, sau khi vượt qua một nền văn minh như thế, ta và em bỗng bước vào nơi làm việc của kẻ đứng đầu nền văn minh, sang trọng thì chưa phải là sang trọng lắm, có điều cái cách bày biện trú sở làm việc kiểu vương quyền ngay giữa cái không khí văn minh có cả thứ mông muội tiền sử lẫn hiện đại tân kỳ khiến ta có cảm tưởng là đang trải qua một thứ cung đàn lỡ nhịp. Cung cách nói năng tiếp đãi của người đứng đầu nền văn minh ở đó quả là chịu ảnh hưởng khá rõ thứ hành chính pháp trị xưa nay loài người vẫn ưa chuộng. Các vị đến với nền văn minh non trẻ đang phát triển này là để chơi một chuyến cho biết hay là đã có tính kế an cư dài lâu? Ông ấy đã đặt vấn đề định cư ngay sau khi tiếp trà nước ta và em. Về sau, mới biết là nền văn minh ở đó đang cần sự nhập cư của các dân tộc đa số, là trong nước hay ngoài nước cũng được, nhằm để cho các dân tộc thiểu số ở đó không còn chiếm đa số, còn lúc ấy thì ta cứ nghĩ đấy chỉ là cách ăn nói ngoại giao của nhà cầm quyền. Ta nói là cũng có ý muốn lập nghiệp ở đây, nhưng chẳng dám nghĩ là có thực hiện được hay không. Ta nói như để dò ý  ông ta. Đẹp. Người hầu của ngài cầm quyền phải nói là những cô gái đẹp có tầm cỡ. Sau những giờ lượn lờ qua lại nơi phía nhà sau của đám gái hầu của ngài cầm quyền là một bữa tiệc được bày biện có vẻ hơi linh đình ở nơi phòng khách có cửa sổ trông ra khu nhà sàn có nhiều tiếng cười đùa của đám người nước ngoài mà theo lời chủ nhân đó là khu ăn chơi dành cho loại khách nhiều tiền. Chim cuốc nướng lá lốt. Thịt mang hấp gừng. Tất nhiên không phải là bia rượu ngoại, mà là rượu cất từ hạt cây tu mu ngâm sừng con mân mê. Ta nhớ là hình em có lấy làm khó chịu khi các cô người hầu đẹp đẽ của ngài cầm quyền sau khi thân thiện mời mọc em ăn uống, thì lại quay sang thân thiện mời mọc ta. Phải nói ngài cai quản văn minh  quả là một nhà cầm quyền vừa đa cảm vừa có khí vị đế vương.  Khi ta hỏi hạt cây tu mu là hạt gì, và sừng con mân mê là sừng con gì, thì ông ấy cùng lúc dùng cả hai bàn tay sang trọng của mình để cùng nâng  hai bàn tay của hai thực khách, là ta và em, và đặt lên đó những cái hôn theo cung cách của một vì vua thời cổ đại. Xin các vị chớ hỏi, vì đó là những gì  để khiến đám khách ngoại quốc phải kính nể nền văn minh chúng ta. Hóa ra việc ta tò mò về tên gọi các thứ món ăn rừng đã đánh động đến nhiệt huyết dân tộc ở người cai quản văn minh. Ông ấy nhìn ta và em, nói một hơi, chẳng hề vấp váp, như thể đang nhìn vào văn bản để nói.
Cái đó là thuộc về chủ nghĩa dân tộc. Bỏ vào miệng nhai là lập tức nghe thấy mùi vị của một dân tộc. Khi gọi cái hạt cây có tên tu mu, và khi gọi con vật rừng có tên con mân mê, là nghe thấy âm vang dân tộc truyền lại từ những ngàn năm trước. Thứ chi trên đời này cũng đều hư hao. Nhưng  chủ nghĩa dân tộc thì không. Nếu một người nào đó, sau khi uống chén rượu ngâm sừng con mân mê thì kêu lên là anh ta muốn mãi mãi ở lại nơi này, thì chúng ta sẵn sàng để  cho anh ta ở lại. Chuyện đón nhận một người khác yêu mến nền văn minh này là thuộc về chủ nghĩa dân tộc. Hoặc  một vị đứng đầu một nền văn minh giàu có nào đó, sau khi đặt chân lên nơi đây thì thích thú la lên các anh là bạn của chúng tôi, sau đó, vì bạn hữu bọn họ đã đem cả tiền của và khoa học kỷ thuật làm giàu có thêm nền văn minh chúng ta, thì chuyện đó là cũng thuộc về chủ nghĩa dân tộc.
Ta nhớ bấy giờ em cứ đưa mắt sang phía ta như để chia xẻ về sự hoang mang trước một thuyết lý có vẻ  hơi mới mẻ. Là chủ nghĩa dân tộc hướng ngoại? Là chủ nghĩa dân tộc có tính toàn cầu? Hay chủ nghĩa dân tộc mang tính thực dụng? Ta thấy chẳng có giả thiết nào đứng vững cả. Nhưng chẳng lẽ kẻ đứng đầu một nền văn minh như thế lại ba hoa nhăng cuội để che đậy sự  dốt nát? Ta nghĩ. Và bắt đầu thấy lo cho số phận của ta và em. Liệu một nhà cầm quyền  đang mang trong mình một  thứ chủ nghĩa có vẻ khó hiểu như thế có chấp nhận  ta và em, những kẻ chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng dường  bấy giờ có ngọn gió  mát lành nào đó đã thổi qua chỗ bí ẩn nào đó trong con người đang mang trong mình thứ chủ nghĩa khó hiểu. Kể từ giờ phút này thì các vị là thuộc về nền văn minh này. Ông ấy tuyên bố ngay trong bữa tiệc ấy. Em còn nhớ không, là ngay sau đấy người hầu gái lo việc nhập cư đã mang sổ bộ đến cho ta và em khai tên tuổi vào đó. Có nghĩa, từ lúc ấy chúng ta đã trở thành công dân văn minh của nhà chủ nghĩa dân tộc khó hiểu.

(nguyenthanhhientacpham)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét