...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Tôi Chỉ Ngắm Vợ Tôi Lúc Nàng Say Ngủ

truyện ngắn của Lê Hoài Lương


(nguồn:abcgallery.com)

1.
Nếu còn sống tôi cũng đã ngoài trăm tuổi. Thỉnh thoảng tôi về ngắm lại nàng lúc nàng say ngủ. Nàng không đẹp không xấu, không thiện không ác. Giờ nàng cũng đã gần tám mươi, nàng sinh năm Canh Ngọ. Không phải vì gần tám mươi mà nàng thành ra thế. Thời trẻ nàng vẫn vậy. Vả chăng, đẹp xấu, thiện ác, cao thấp, sang hèn… đều do ý nghĩ người đời, miệng người đời nói ra mà thành. Có lúc thế này là cao, lúc khác xem rằng thấp, phải trái, thương ghét, thù địch, bạn bè cũng cứ thay đổi theo mùa hệt như thời tiết, có gì đáng để bận tâm.
Nhưng có mấy lần tôi ngắm nàng, ngắm thực sự khi phát hiện kiểu nàng nói tiếng Pháp như mấy người nói tiếng bồi ở Việt Nam lúc nàng làm chân chạy bàn một quán cà phê ở Dakar, Senegal. Tôi đã thử, cô là người Việt phải không? Hỏi bằng tiếng Việt. Nàng sững người rồi mừng vui trả lời bằng tiếng mẹ đẻ. Thời gian đi dạy mấy tháng của tôi ở đất nước Châu Phi xa xôi này đủ để tôi biết nàng thực ra không chỉ sống bằng nghề chạy bàn quán cà phê, tối tối nàng làm điếm. Tôi đã lo mọi thủ tục cần thiết “nhặt” nàng về Việt Nam làm vợ. Cũng được. Chuyến xuất ngoại lần trước sang Pháp theo lời mời của Bộ Giáo dục nước này, tôi đã dùng khoản tiền “chênh lệch” trước khi về đi một vòng quanh nước Âu này cho thỏa chứ không về nộp lại như quy định. Nghe người ta phê bình cứ thiệt thà khai báo vậy rồi cũng qua, tiền xài hết rồi và tôi có chức tước gì mà cách. Chuyến này về tiền hết nhưng kèm theo người. Một người Việt lưu lạc, cần lao chính hiệu. Việc xác định nhân thân nàng khá dễ dàng và dẫu gì tôi cũng đã đưa cô gái Việt này về, dẫu gì tôi cũng tới trình báo chính quyền đăng ký cô là vợ, dẫu gì nghe chuyện, mọi người đều thấy tôi đưa được một thân phận vậy về với đất nước ta, dân tộc ta, chế độ ta là phải đạo, là tôn vinh dân tộc, tôn vinh chế độ, nên tuy tôi có xài hết tiền dôi dư đi công tác nước ngoài mà không nộp lại cũng là làm điều có ích. Và nàng chính thức làm vợ tôi trong con mắt mọi người, người quản lý, cơ quan, và chung quanh. Không phải trong mắt người, trong quản lý xã hội, chúng tôi là vợ chồng thật. Có vẻ ai cũng nghĩ chuyện tôi lấy vợ như một ngoại lệ. Tôi gần năm mươi rồi còn gì. Nghĩ sao cũng được, nàng là vợ tôi, tới giờ, khi tôi đã chết nhiều năm và thỉnh thoảng nàng ngủ say mới dám về ngắm nàng. Nàng không đẹp không xấu không thiện không ác, đẹp xấu thiện ác là do cách nghĩ cách nói của người đời.
Tôi là ai? Người bảo tôi là “nhà” này “nhà” nọ khi tôi viết mấy cuốn sách. Người gọi tôi là thầy khi tôi được mời dạy học, trong nước hay ngoài nước. Có người cứ tương cho tôi mấy học hàm học học vị, cũng do người đời nói ra mà thành, ghi lại mà thành thôi mà. Tôi không biết có đúng mình vậy không. Tôi chết rồi. “Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch”, huống chi là tôi lơ ngơ làm thuê, thuê gì làm nấy để sống.
2.
- Ông ấy con nhà nòi đấy! Bố là K… làm tới chức… triều đình. Anh em đều là bậc trí giả lớn, ông A là…, ông B là…!
- Ông ấy tinh thông cả Pháp ngữ, Hán ngữ đấy!
- Thì đấy, cứ đọc sách của ổng đi là biết.
- Nghe chú mình bảo ổng dám nói rằng “những gì người Pháp đã làm, chúng ta không thể thay thế được”. Các sách của ông đều chỉ là bổ sung những thứ người Pháp chưa kịp làm.
- Ừ, thì có thể nào làm hết mọi việc của mọi thời đâu.
- Lão được gọi là pho từ điển sống cũng xứng đáng, gì cũng biết!
- Cứt! Học giả học thật, trí thức trí ngủ gì. Nom ông ấy trên đường, mũ vải nhàu nhò, áo quần công nhân nhếch nhác, gày gò như thằng ăn mày! Tôi ở chung khu nhà với ông ta, vài lần ngồi cùng bàn uống vại bia, hỏi thăm mấy thứ thằng con đang học lớp ba hỏi, cái gì ổng cũng lơ mơ nói “cái đó mình không biết” rồi dương bộ mặt ngái ngủ lên ngó mọi người như thằng đần… Làm gì người bậc trí như mấy vị nói mà sắm mụ vợ sư tử Hà Đông tăm tối vô học, suốt ngày nhặt hết mọi thứ có trên người ông ta, từ tem phiếu mới nhận đến đồng bạc còm nhuận bút một cuốn sách vậy?
- Cái thời khốn khổ ấy mụ vợ hộ pháp của ông ta hành xử vậy có gì sai?
- Ừ thì ai nói sai, nhưng thấy nó khốn nạn thế nào ấy. Dẫu gì ổng cũng là một trí thức có cỡ. Lại là ân nhân đưa mình ra khỏi cuộc phiêu dạt thê thảm xứ người.
- Các ông chỉ ăn theo nói leo cái giọng đạo đức. Mụ hận vì thà để mụ làm điếm ở trời Phi xa xôi kia còn sướng hơn theo ổng về nước. Tôi cuộc rằng nếu biết về cùng ổng thành vợ thành chồng mà khổ thế này, mụ ấy đã chắp tay vái từ ông chồng trí thức vái đến cái đất nước sinh ra mụ…
- Ông cứ lấy sự hiểu biết của ông mà áp vào người đàn bà vô học. Mụ chả nghĩ ngợi gì sâu xa đâu.
- Thôi, việc gì mấy ông cứ tưởng tượng ra chuyện mụ ấy nghĩ gì. Tôi nể ổng vì dù học cao hiểu rộng, thậm chí là người xung phong Nam tiến năm 1946 vẫn không hề nghĩ tới chuyện may còn sống trở về sẽ được làm ông này bà kia.
- Nhầm rồi ông ơi, nhầm đứt đuôi con nòng nọc. Các vị cứ tưởng. Ổng cũng muốn làm quan chức lắm đó. Một lần ổng nhận làm chức tổ trưởng công đoàn tổ, làm một năm. Năm sau thấy không đạt tập thể tín nhiệm bầu người khác ổng buồn đến cả tuần, chính miệng ổng nói ra chứ không phải tớ đơm đặt đâu.
- Hơ hơ, ổng nói ra điều đó thật nhưng là cách nói của một trí ngủ cố tình. Ổng biết nếu không vờ vịt thế không thể sống bình yên được.
- Nghe nói khi ổng vào tỉnh B, được một người bạn tiến cử đến một cơ quan quản lý văn hóa để làm công trình nghiên cứu gì đó về văn hóa lịch sử dân tộc học địa phương này, đồng chí giám đốc dù nghe tên tuổi ông nhưng kiên quyết không tiếp vì “có giáo sư tiến sĩ gì đến cơ quan nhà nước cũng không thể tóc dài ngang vai, ăn mặc tuềnh toàng thế. Bảo ông ta về ăn mặc đúng quy định khi đến cơ quan công quyền”. Ổng mất một cơ hội, hà hà…
-…
3.
Mới sáng sớm ông nghe chuông réo. Người vợ càu nhàu: “Ông nổi tiếng chẳng được gì, chỉ làm tôi mất ngủ. Chắc thằng dở hơi nào đó cầu cạnh hay hỏi ý kiến gì về mấy cái thứ không công của ông!” Ông cười làm lành người đàn bà biết ăn ngủ biết làm tình. Dẫu gì cô ta cũng nhiều lần cho ông nếm những tuyệt kỹ chuyện giường chiếu. Ông uể oải lại bắt máy. Giọng nữ. Liếc về phía người đàn bà ngồn ngộn vâm váp, ông nhỏ nhẹ: “Tôi nghe đây”. Giọng nữ, giờ rõ ra là còn rất trẻ: “Thưa thầy, em là sinh viên năm cuối khoa dân tộc học. Biết thầy rất am hiểu văn hóa các dân tộc. Thầy có thể giúp em những nét chính của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được không ạ? Đây là luận án tốt nghiệp của em.” “Tôi cũng muốn giúp cô nhưng vấn đề này rộng lắm. Cô phải nói rõ là cô cần cụ thể mảng nào? Thôi nhé, nghĩ kỹ đi rồi điện lại cho tôi sau. Khoa học là chính xác chứ không phải chung chung.” Đầu dây bên kia ngớ ra một chút rồi tắt tín hiệu.
4.
Chắc là tôi đã từng yêu nàng. Như việc tôi cầm súng lên tàu nam tiến. Hoàn toàn tự nguyện. Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách, chúng tôi được dạy làm người, và đã hăm hở làm khi có một ngọn cờ chính thống phất lên, một hồi kèn hiệu triệu trỗi lên. Có thể khác được không? Trên chuyến tàu năm ấy có đủ mọi thành phần nhưng đều hướng về một đích đến. Và điệp điệp máu xương như nhau. Ví dụ máu xương tôi có khác gì xương máu một nông dân, một công nhân, dù tôi có học hành hơn họ chút đỉnh. Chút đỉnh này cũng nhờ ông cha tôi đã làm được đôi điều, đã tích lũy đôi chút chứ có phải cá nhân tôi gầy dựng đâu? Nên, tôi thấy tôi và họ, những người thất học trên chuyến tàu ngang nhau, dĩ nhiên máu xương càng không thể khác. Đâu có máu nào đỏ hơn. Đâu có xương thịt nào ít đau hơn khi bị xuyên phá? Và sao tôi không yêu nàng cùng máu xương, thịt da như tôi?
Tôi đã nghe tiếng Việt của nàng lạc lõng ở trời Phi xa xôi, cái tiếng Việt lầm than lưu lạc và tủi nhục. Tôi có thể không yêu nàng không? Nhưng khi nàng đã là của tôi, tôi chỉ dám ngắm nàng lúc nàng say ngủ. Bởi vì lúc nàng ngủ nàng là tôi. Chỉ là tôi khi nàng say ngủ.
Đêm nay tôi lại về ngắm nàng. Xơ xác tiều tụy nhiều dù vẫn còn nguyên nét hừng hực tiến công, có thể chỉ là thói quen, có thể là cuộc phòng thủ vô thức vì biết đã đến thời tàn tạ. Nhưng ai đó đừng dại mồm dại miệng nói ra điều này với nàng. Nàng chắc tự biết nhưng không thể chấp nhận cái sự thật ấy ném vào mặt nàng. Kẻ dại dột đó sẽ phải trả giá. Chắc chắn trả giá. Tôi hiểu nàng lắm. Tất nhiên rồi cũng sẽ tới lúc nàng nhảy vô quan tài, tới lúc nàng không làm ai lo âu nữa. Nhưng lúc đó tôi sẽ nghĩ cách sống lại. Chẳng biết có thực hiện được không nhưng tôi sẽ cố sống lại. Cuộc trùng phùng với nàng một lần trong đời là quá đủ.
5.
- Thật rắc rối, cuối cùng lão là gì?
- Là người chứ là gì.
- Thì ai chẳng biết, không lẽ là cục đất. Nhưng như tớ đây, lúc nào tớ ngắm vợ tớ chẳng được, cả lúc nàng tắm, thay đồ, nàng trang điểm, khi làm tình, sau khi làm tình… ngắm lúc nào chẳng được, việc gì chỉ ngắm lúc nàng say ngủ? Thần kinh lão này có vấn đề!
- Nhưng lão tự nói ra bằng lời thế. Còn bảo khi vợ thức dậy là lão bỏ chạy mất dép. Chắc lão có hàm ý gì đó, cái giới trí thức đều có chút điên điên hay sao ấy.
- Lão viết sách và dạy học trò, không chỉ trong nước. Cho tới khi chết. Có ai nói lão điên đâu?
- Thì điên điên chứ ai nói điên.
- Thôi kệ xác lão. Có thể lão bị ám ảnh một điều gì đó.
6.
Nếu còn sống tôi cũng đã ngoài trăm tuổi. Thỉnh thoảng tôi về ngắm nàng lúc nàng say ngủ. Nàng không đẹp không xấu không thiện không ác. Vả chăng đẹp xấu thiện ác bạn bè thù địch đúng sai tôn trọng coi khinh…, cũng đều từ ý nghĩ, lời nói của con người mà thành, và nhanh chóng thay đổi như thời tiết, có gì đáng bận tâm. Nàng là tôi mà cũng không phải là tôi. Dường như tôi cũng từng yêu nàng.
Tôi bắt đầu sốt ruột. Cái truyện ngắn cứ trở đi trở lại một câu, một cụm ý tưởng mà thấy mọi thứ trôi tuột vào mông lung, rời rạc và vô nghĩa. Nhân vật tôi cũng gắn với lịch sử, cũng rắc rối nhiều chiều trong ý nghĩ người đời mà vẫn cứ nhạt, và không biết kết thúc thế nào. Đã vài năm truyện chưa thành này nằm trong máy tính rồi quên lửng. Cho đến một hôm, chị biên tập viên một tờ báo văn gọi điện hỏi có viết được gì mới không? Nói có, và viết thêm thế này, nghĩ là đã thành truyện.
Nhưng nàng không có thật. Nàng chỉ là giấc mơ lãng mạn và điên rồ nhất. Hãy xem ngay cả lúc tột cùng tàn tạ của nhan sắc gần tám mươi, bỗng nhiên trong ngủ, khóe mắt nàng ứa ra hai giọt lệ. Nó lóng lánh ngũ sắc. Của tôi. Của riêng tôi. Chắc thế.
Bão số 11, 2009(nguồn:hội NVVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét