...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Đồng chí Trần Đăng Ninh với vụ án H112




.
Vụ án mang mật danh "H122" xảy ra tại Việt Bắc năm 1948. Nhiều người đã bị bắt oan, diện nghi vấn đã lan cả đến một số cán bộ cấp cao trong quân đội. Trung ương quyết định cử đồng chí Trần Đăng Ninh, một cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác Công an cùng một số cán bộ trung kiên khác tổ chức kiểm tra...

Chỉ sau 3 tháng, toàn bộ những người bị bắt oan đã được trả tự do. Đó là một trong những thành tích góp phần tạo nên danh hiệu "Bao Công Việt Nam" mà người đời dành cho đồng chí Trần Đăng Ninh. Quý I vừa qua, NXB Công an nhân dân cũng đã ấn hành cuốn sách có tiêu đề "Trần Đăng Ninh - Bao Công Việt Nam", trong đó có đề cập tới một số tình tiết trong vụ án nói trên...
1.Năm 1948, trong khi quân dân ta đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ở liên khu Việt Bắc và các tỉnh đồng bằng, Trung du Bắc bộ thì cơ quan Quân báo Việt Bắc báo cáo nhận được một nguồn tin: "Phòng Nhì Pháp đã đưa được người của chúng mang bí số H122 vào cơ quan chỉ huy ta ở Việt Bắc. Có tin H122 đã móc nối, mua chuộc nhiều cán bộ ta, lấy được nhiều tư liệu về kế hoạch quân sự Thu Đông 1948 của Bộ Quốc phòng ta chuyển vào cho chính quyền địch trong nội thành đang bị địch tạm chiếm".
Trước tình hình nghiêm trọng này, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng gấp rút cử người tổ chức điều tra.
Chỉ trong một thời gian ngắn, vụ việc được mở rộng. Một số người dân ở vùng chiến khu đã bị bắt. Một số đối tượng bị nghi vấn trong cán bộ, chiến sĩ quân đội thuộc 5 trung đoàn thuộc Quân khu Việt Bắc cũng bị thẩm vấn, xét hỏi. Trong những người bị bắt, có người đã khai nhận mình là H122, có người nhận mình là nhân viên Phòng Nhì Pháp… Theo báo cáo của cán bộ điều tra xét hỏi vụ "H122" thì H122 đã khai ra nhiều tổ chức, cơ sở địch hoạt động tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên... Những người bị bắt còn khai ra cả một số cán bộ chỉ huy cao cấp trong Quân đội.
Diện nghi vấn bị bắt ngày một lan rộng. Tình hình trở nên phức tạp, gây hoang mang trong nhiều đơn vị quân đội và nhân dân địa phương vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ.
Đến thời gian này, Trung ương nhận thấy: "Đây thực chất là kế hoạch ly gián của địch. Một số cán bộ nhận nhiệm vụ điều tra vụ H122 lại làm việc thiếu thận trọng, chỉ chú ý đi tìm thủ phạm H122", từ đó có những sai sót trong việc lấy cung, trong khi đáng ra phải quan tâm nghiên cứu xem "đây có phải chính là âm mưu phá hoại cách mạng của cơ quan phòng nhì Pháp cùng các lực lượng phản động Việt Nam quốc dân đảng không?".
2.Trước tình hình nghiêm trọng này, Ban Thường vụ Trung ương và Hồ Chủ tịch đã quyết định cử đồng chí Trần Đăng Ninh, một cán bộ từng tham gia phụ trách công tác Công an lúc ấy đang là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng trực tiếp đi kiểm tra, xem xét vụ án H122.
Nhận trọng trách này, đồng chí Trần Đăng Ninh tổ chức một đoàn công tác đặc biệt gồm những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ của Ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Quốc phòng, Nha Công an Trung ương, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Công an Liên khu Việt Bắc và Tỉnh ủy các tỉnh nơi đã xảy ra vụ án.

Đồng chí Trần Đăng Ninh (bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến dịch Biên giới (tháng 10/1950).

Nhiều cán bộ đi cùng đồng chí Trần Đăng Ninh kiểm tra, giải quyết vụ án "H122" đã kể lại nhiều tình tiết quan trọng: Đồng chí Trần Đăng Ninh và các đồng chí trong đoàn đã trực tiếp đến gặp các đồng chí tình báo Liên khu I, nghe báo cáo cụ thể tình hình vụ án H122, trực tiếp gặp một số đối tượng đặc biệt, kể cả đối tượng đã tự khai nhận mình là H122. Thực ra, H122 lúc bị bắt chỉ là một anh chăn ngựa, trình độ nhận thức hiểu biết thấp, chưa đọc thông viết thạo, không có điều kiện tiếp xúc với bất cứ một hồ sơ, tài liệu nào thì làm sao có khả năng tìm cách lấy cắp được những tài liệu mật quan trọng?
Một số cán bộ bị bắt cũng khai đã bị ép nên nhận bừa là tay sai của phòng nhì Pháp.  Đoàn kiểm tra đã đến từng cơ sở xác minh, thấy chưa hề có tài liệu, hồ sơ "mật" nào bị mất trong thời gian trước đó.
Sau ba tháng làm việc một cách rất khoa học, trách nhiệm, tận tụy, khẩn trương, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng đoàn kiểm tra đã kết luận: "Không có gián điệp H122, không có tổ chức phản động của địch lọt vào nội bộ ta thời gian đó. Đây chỉ là một vụ án giả tạo". Cũng theo kết luận này thì những người nhận làm gián điệp đều chỉ do bị mớm cung, ép cung mà khai không đúng sự thật.
Đồng chí Trần Đăng Ninh đã báo cáo cụ thể, tỉ mỉ quá trình làm việc của đoàn kiểm tra, xin chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ rồi ra lệnh thả hết những người bị bắt oan, an ủi, động viên từng người, giao cho chính quyền địa phương chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống cho họ.
Những cán bộ Công an trong đoàn kiểm tra như các đồng chí Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản, Giám đốc Công an liên khu I Lê Quốc Trọng, Quận trưởng Công an An toàn khu Nguyễn Phan Châu... sau này đều có những bài viết ca ngợi cách làm việc khoa học, công tâm của đồng chí Trần Đăng Ninh.
Đồng chí Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản viết:
"Anh Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác Công an từ 1945 đến 1948. Tôi được cùng anh đi kiểm tra vụ H122. Đây là một vụ  án đặc biệt có rất nhiều bài học tỏ rõ phẩm chất, bản lĩnh, tài năng rộng lớn của anh Ninh. Nếu những điều anh tổng kết trong vụ án được viết thành tài liệu cho tình báo, Công an... học tập thì tốt biết bao.
Với tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm sống, với tinh thần làm việc tận tụy, với quyền lực tối cao được Bác Hồ giao, một lòng vì Đảng, vì dân, vì công lý, anh Ninh đã giải oan cho mấy trăm con người, lấy lại được niềm tin vào Đảng và chính quyền cho cán bộ và nhân dân. Từ đó anh được mọi người ca tụng là "Bao Công Việt Nam" (theo sách "Trần Đăng Ninh - Bao Công Việt Nam" của tác giả Nguyễn Thanh - NXB Công an nhân dân, 2011).
3. Sau vụ H122, đầu năm 1950 đồng chí Trần Đăng Ninh được Hồ Chủ tịch chọn đi cùng Người trong một phái đoàn bí mật của Trung ương Đảng ta sang đàm phán, làm việc với Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc và Liên Xô về việc các Đảng Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, đã trực tiếp gặp lãnh tụ các Đảng bạn là Stalin và Mao Trạch Đông.
Trong Hội nghị Thường vụ Trung ương tháng 7/1950, Thường vụ đã quyết định tổ chức Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Cục Chính trị, Tổng Cục Cung cấp trong Bộ Quốc phòng, thành lập Tổng Quân ủy gồm 3 người do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Bí thư, đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng Cục Cung cấp là Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị là ủy viên.
Đồng chí Trần Đăng Ninh cùng một số cán bộ Trung ương khác nhận quyết định theo Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mặt trận, trực tiếp lãnh đạo chiến dịch Biên giới năm 1950.
Tiếp theo, đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ nhiệm Tổng Cục Cung cấp các chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào. Trước chiến dịch Điện Biên, đồng chí lâm bệnh nặng, thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng Cục Cung cấp.
Theo Bác sĩ Lê Hùng Lâm, người đã chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Trần Đăng Ninh:
"Thương tiếc đồng chí Trần Đăng Ninh, Hồ Chủ tịch đã đến thăm khi đồng chí đang điều trị bệnh rồi đã có mặt, đã khóc trong buổi khâm liệm đồng chí Trần Đăng Ninh. Bị bệnh quá hiểm nghèo, đồng chí đã từ trần ngày 6-10-1955 khi mới còn ở tuổi 45".
Với những cống hiến to lớn cho Cách mạng, đồng chí Trần Đăng Ninh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai cùng nhiều Huân, Huy chương và phần thưởng cao quí khác. Sau khi đồng chí ra đi, Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Độc lập hạng Nhất rồi Huân chương Sao Vàng.
Nhiều cán bộ cao cấp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, các đồng chí Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà, Lê Quốc Thân, Lê Giản, Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Oanh...  đã có nhiều bài viết ca ngợi, thương tiếc đồng chí Trần Đăng Ninh, một đảng viên Cộng sản đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp vinh quang của Tổ quốc, của dân tộc.
Tại Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong nước đã có đường phố mang tên Trần Đăng Ninh

  Đại tá Đỗ Sâm
(nguồn:báoCAND)


 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét