Hiện một năm ở Trung Quốc xảy ra hơn 300.000 cuộc đấu tranh, đình công, bãi công, phá hoại công sở, nhà máy, gấp 6 lần 10 năm trước. Trung tướng Lưu Á Châu, chính ủy Học viện Quốc phòng, công khai cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ sụp đổ như Liên Xô trước đây nếu không sớm từ bỏ chế độ hiện nay.
Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc tỏ ra lạc quan khi nêu cao vai trò chủ nợ thế giới của Trung Quốc với dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD, đang hào phóng đầu tư và viện trợ cho hàng loạt nước châu Phi; bỏ tiền đầu tư và cho một số nước châu Âu vay dài hạn để kiếm lợi nhuận lớn…
Tuy nhiên, cũng có luồng suy nghĩ và lập luận trái ngược. Một số chuyên gia kinh tế như Robert Fogel, Giáo sư ĐH Harvard, Mỹ từng được giải Nobel về kinh tế; nhà bình luận Salvatore Babones… cho rằng nên thận trọng, đi vào chiều sâu bởi kinh tế – xã hội Trung Quốc có nhiều nét đặc thù.
Trung Quốc hiện là nước có GDP lớn (thứ 2 thế giới) nhưng còn rất nghèo nếu tính theo GDP/người (thứ 93 thế giới). Nói cách khác, tổng sản phẩm quốc nội lớn là do dân quá đông (hơn 1,3 tỷ dân) nhưng thu nhập tính theo đầu người chỉ vượt 4.000 USD/năm, bằng 1/10 của Mỹ. Đặc biệt, chất lượng phát triển kinh tế của họ rất thấp. Các nhà kinh tế – xã hội cho rằng, việc nước nghèo mà giàu lên đến mức trung bình có thể là một bệ phóng nhưng lại có thể là cạm bẫy. Họ đưa ra những thí dụ ở Nam Mỹ và châu Á. Argentina trong 26 năm từ 1964 đến 1990, GDP/người tăng từ 1.000 USD lên đến 8.000 USD nhưng 12 năm sau con số ấy tụt hẳn xuống, nay chỉ còn 2.000 USD.
Indonesia và Philippines cũng vậy. Sau một thời gian phát triển cao lại trì trệ, GDP/người từ hơn 3.000 USD nay chỉ còn 2.000 USD/năm. Trong khi đó Singapore và Hàn Quốc giữ được tốc độ phát triển đều đặn. Nay họ có GDP/người hơn 40.000 USD/năm. Đó là những con hổ phát triển lên thành rồng.
Vậy bí quyết để biến hổ rồi thành rồng là gì? Các bài phân tích chỉ rõ: ngay sau khi đạt được phát triển tốc độ khá cao, lãnh đạo các nước đó cần khiêm tốn và tỉnh táo; đồng thời có chính sách và chủ trương kịp thời:
– Phân chia thành quả phát triển công bằng, rộng khắp, ngành nào, địa phương nào, cá nhân nào đóng góp nhiều cho phát triển được hưởng tương ứng, không để cho sự tăng trưởng chung bị những kẻ bất xứng tước đoạt một cách bất công, sẽ làm mất nhuệ khí phát triển, nhất là các nhà kinh doanh vừa và nhỏ.- Việc phòng chống tham nhũng và lãng phí phải được đặt ra cấp bách, nghiêm chỉnh, ưu tiên chia sẻ thành quả phát triển vào quỹ tiền lương cho người lao động, viên chức; thực hiện pháp luật thật nghiêm, đề cao đạo đức xã hội, coi kẻ tham nhũng xấu và nhục như bọn móc túi, bọn đào ngạch, bọn mafia cướp nhà băng để ai cũng không cần, không dám, không nỡ phạm tội tham nhũng.
– Thành quả phát triển cần dồn trước hết không phải cho quốc phòng an ninh quá nhiều, vượt quá xa sự cần thiết. Thay vào đó nên là giáo dục, y tế và nghiên cứu khoa học bởi đó là những nhân tố trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – động lực đầu tiên của phát triển. Riêng với Trung Quốc đây là vấn đề hệ trọng vì nền giáo dục trong cả nước còn sơ khai, các trường ĐH bị đánh giá thấp, hệ thống y tế, xã hội lạc hậu, bảo hiểm xã hội thô sơ…Điều nguy hiểm ở Trung Quốc hiện nay là chênh lệch giàu nghèo không những không thu hẹp mà còn mở rộng với tốc độ nhanh. Cách đây 30 năm, Trung Quốc chỉ có vài tỷ phú nhưng nay đã lên đến gần 200 người; trong đó tỷ phú giàu nhất có thể được vào Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản.
Trong khi ở sâu trong nội địa, có vùng thu nhập bình quân chỉ đạt 1/10 mức trung bình cả nước. Theo VOA, hiện 1% dân số, ước chừng 12 triệu người thuộc phe nhóm, gia đình, con ông cháu cha thế lực cầm quyền đang nắm trong tay hơn 40% tài sản quốc gia, dẫn tới việc bất mãn xã hội tăng rõ rệt. Mất ổn định chính trị do lòng dân không yên thêm trầm trọng. Cũng theo VOA, hiện một năm ở Trung Quốc xảy ra hơn 300.000 cuộc đấu tranh, đình công, bãi công, phá hoại công sở, nhà máy, gấp 6 lần 10 năm trước.
Các học giả gọi tình trạng đó là “bẫy của nước có thu nhập trung bình”, lãnh đạo thất bại trong việc “làm chủ chất lượng phát triển”, làm thui chột công cuộc phát triển vì không thay đổi cơ chế, không chuyển đổi hệ thống chính trị.
Họ cho đây là căn bệnh cận thị của nhiều nhà độc tài, không nhận ra được tâm lý quần chúng: tuy khao khát tiền của vật chất nhưng khi tạm no đủ, họ càng khao khát công bằng xã hội, tự do kinh doanh và nhân cách làm người.
Các chuyên gia trên cho rằng, Hàn Quốc, Đài Loan không bị sập bẫy vì sớm từ bỏ chế độ quân phiệt Park Chung Hee, chế độ độc tài Tưởng Giới Thạch… Ngay Singapore cũng thực hiện tự do báo chí nhất Đông Nam Á, có nền hành chính “thân dân và trọng dân” nhất châu Á, còn đạt kỷ lục về chống tham nhũng, chính quyền trong sạch, đứng hàng đầu của thế giới.
Cũng theo nguồn tin của VOA, hiện có nhiều nhân vật cấp cao của Trung Quốc đồng tình với cảnh báo nguy cơ “sập bẫy” trên.
Trung tướng Lưu Á Châu, chính ủy Học viện Quốc phòng, công khai cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ sụp đổ như Liên Xô trước đây nếu không sớm từ bỏ chế độ hiện nay. Ông tự nhận là người yêu nước nên mới cảnh báo điều này.
Ông Lưu khẳng định ông không là kẻ theo Mỹ nhưng công nhận kiểu chế độ Mỹ là mô hình tốt nhất. Ông chỉ rõ sức mạnh Mỹ không nằm ở phố Wall, trụ sở của các trùm tư bản; cũng không nằm ở thung lũng Silicon, trung tâm sản xuất điện tử ở California, mà là ở cơ chế dân chủ và nền pháp trị tiên tiến, mô hình mà Trung Quốc cần áp dụng để phát triển bền vững.Sự sụp đổ đột nhiên của các chế độ độc đoán ở Bắc Phi đang trên đà phát triển là thêm một cảnh báo “sập bẫy trong phát triển” cho Trung Quốc và một số nước phát triển không lành mạnh, chênh lệch giàu nghèo mở rộng toang hoác, do đó không vững bền, chứa nhiều nguy cơ, dễ đổ vỡ.
(nguồn:tin180.vn)
(nguồn:tin180.vn)
CT bt
Theo VOA
Theo VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét