Chúng ta ai cũng biết là hoàng hôn đẹp, đã từng ngơ ngẩn ngắm một vài lần trong đời. Nhưng các bạn đã ngắm hết một buổi hoàng hôn trong rừng hay ngoài đồng trống mà mây thật cao mà trời thật tỏ chưa? Ngắm từ khi bóng nắng bắt đầu xế, mặt trời từ từ lặn xuống dưới chân trời, đến khi đất trời hoàn toàn tối không còn một chút ánh sáng nào trên không? Hình như, vì quá gần gụi, quá tầm thường, ai cũng biết, ngày nào có nắng mà chả có hoàng hôn, thế nên ít người để ý tìm hiểu rõ, vì vậy tôi xin mạn phép viết lại diễn tiến của một buổi chiều vàng, sau đó đọc lại thơ cổ, có lẽ sẽ thấy nhiều cái hay.
Nói một cách vắn tắt, hoàng hôn hay chiều vàng (dịch từ chữ Hán: hoàng=vàng; hôn= mờ tối, bóng tối, lúc sẩm tối, là chiều, là cái mờ tối vàng), là khoảng thời gian cuối ngày, từ lúc nắng đã dịu đi, mặt trời đỏ rực từ trên không lặn dần xuống dưới chân trời, đến khi nắng tắt, ngày trở thành đêm
Cảnh hoàng hôn thường rất đẹp với mặt trời đang hạ xuống dần, chiếu ánh nắng vàng xuyên qua khí quyển tới mặt đất, dưới những góc độ nhỏ dần, tạo nên những hiện tượng khúc xạ, tán quang, nắng quái…đầy màu sắc. Cảnh sắc huy hoàng thay đổi tùy theo độ ẩm của khí quyển, hình dáng của những đám mây phù du thiên hình vạn trạng. Đồng thời vạn vật từ sông núi tới vòm cây ngọn cỏ, … được chiếu bởi thứ ánh nắng dọi ngang đặc biệt vàng óng, rực rỡ sáng như đang toả ra hết vẻ đẹp nội tại đầy huyễn hoặc. Bóng của chúng ngả dài về hướng đông, mỗi lúc mỗi dài thêm… Tới đúng lúc mặt trời lặn hết dướí chân trời, “bóng cỏ hoa” bỗng như có hồn, vươn dài ra, chạy vụt tới vô tận, phủ kín hết mặt đất. Đó là lúc “giao thoa của trời đất”, giây phút kỳ diệu của buổi hoàng hôn.
Thế nhưng, buổi chiều vàng vẫn chưa thật hết. Bóng tối tuy đã tràn đầy mặt đất, nhưng trên không trung vẫn còn nhoà nhạt sang, nhá nhem tối, còn nhọ mặt người, nửa có nửa không. Ông mặt trời đã chìm hẳn xuống chân trời phía tây nhưng vẫn tiếp tục chiếu ra những tia nắng cuối bay la đà trong không gian. Chúng nghếch đầu, ngóc dần lên, nghiêng nghiêng lướt qua bụi cỏ, ngọn cây, cao dần cao mãi tới mây, tới trời....chúng nhuộm hồng những đám mây đang cố phô sắc trên không gian bao la, mang theo sự mong manh kỳ diệu của vẻ đẹp sắp mất….những đám mây hồng lặng lẽ như đang đứng yên tiếc nuối, như muốn dài thêm hạn giây phút cuối trước lúc chia xa... Thế rồi, thật từ từ, tất cả lặn đi, chìm khuất vào bầu trời bao la đang xẫm dần một mầu xanh thăm thẳm, lấm tấm những vì sao mới mọc. Chỉ lúc đó, bóng tối mới chiếm ngự được đất trời, có mới thành không, ngày mới thành đêm, hoàng hôn mới chịu hết. Tiếng chuông “thu không” trầm hùng mà ấm áp của ngôi chùa cổ nào đó trong quá khứ, ngân lên thong thả từng tiếng một…
Về nhà, mang thơ Đường ra đọc để tìm về buổi chiều vàng, người đọc gập bài Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu. Nhưng, vừa đọc “Nhật mộ”(Mặt trời lặn) thì liền có “hương quan hà xứ thị” (quê ơi, quê đâu rồi?)! Thì ra, buổi chiều huy hoàng đầy diễn biến của trời đất, thi sĩ chỉ gợi ra để nói về nỗi nhớ nhà, chứ không hề nói tới những xúc động bởi chính buổi chiều thực. Hoàng hôn trong thơ văn Việt Nam cũng vậy, đa số thi nhân thường cũng chỉ viết về cảnh sắc chung quanh, tâm sự riêng, cảm súc riêng của họ như trong một câu hát cũ:
Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương…
Muốn đọc cảnh hoàng hôn thực trong thơ cổ, có lẽ ta nên tìm về các thi sĩ thiền gia, những người thực hành giáo pháp “như thị, như thực”, xem các vị quan sát thấy gì. Tôi xin chọn viết ra đây thơ của hai vị rất được yêu kính của văn học cổ đại Việt Nam:
*
Người thứ nhất là thi hào Nguyễn Du (1756; 1820), một thiền sĩ rất thâm sâu. Trong chuyến đi sứ sang Trung Hoa (1813; 1814), vào một buổi xế chiều, sứ đoàn đi qua khu rừng phong hiu quạnh của dẫy núi Tổ Sơn phía bắc Hoàng Châu, Triết Giang, ông viết bài thơ sau:
祖 山 道 中
楓 樹 林 中 葉 亂 飛
驚 沙 作 雨 上 征 衣
蕭 蕭 枯 草 路 一 線
寂 寂 斜 陽 山 四 圍
去 日 兩 河 曾 習 戰
紆 途 千 里 正 思 歸
皤 皤 白 髮 紅 塵 路
日 暮 登 高 悲 莫 悲
Âm Hán Việt: Tổ Sơn Đạo Trung
Phong thụ lâm trung diệp loạn phi
Kinh sa tác vũ thướng chinh y
Tiêu tiêu khô thảo lộ nhất tuyến
Tịch tịch tà dương sơn tứ vi
Khứ nhật Lưỡng Hà tằng tập chiến
Vu đồ thiên lý chính tư quy*
Ba ba bạch phát hồng trần lộ
Nhật mộ đăng cao bi mạc bi**
Kinh sa tác vũ thướng chinh y
Tiêu tiêu khô thảo lộ nhất tuyến
Tịch tịch tà dương sơn tứ vi
Khứ nhật Lưỡng Hà tằng tập chiến
Vu đồ thiên lý chính tư quy*
Ba ba bạch phát hồng trần lộ
Nhật mộ đăng cao bi mạc bi**
Thơ dịch: Đường Tổ Sơn
Đi giữa rừng phong lá rối tuôn
Bụi rơi áo khách tựa mưa dồn
Cỏ khô xơ xác đầy trên lối
Chiều xuống quạnh hiu bốn phía non
Hôm trước Lưỡng Hà từng chiến trận
Vòng xa ngàn dậm muốn về hơn
Phau phau tóc trắng đường trần đỏ
Nắng cuối lên cao, thương ngập thương.
Bụi rơi áo khách tựa mưa dồn
Cỏ khô xơ xác đầy trên lối
Chiều xuống quạnh hiu bốn phía non
Hôm trước Lưỡng Hà từng chiến trận
Vòng xa ngàn dậm muốn về hơn
Phau phau tóc trắng đường trần đỏ
Nắng cuối lên cao, thương ngập thương.
Bốn câu đầu của bài thơ, thi hào tả cảnh rừng núi Tổ Sơn. Hai câu 5, 6 nói về việc sứ đoàn nhận được lệnh đổi đường về, phải đi vòng xa để tránh chiến tranh đang diễn ra ở một số tỉnh nước Tàu lúc đó. Đến hai câu cuối bài Nguyễn Du mới nói đến mình, đến mái tóc bạc phất phơ bay…và nói đến buổi chiều.
Câu cuối: Nhật mộ đăng cao, đăng cao là một thuật ngữ để chỉ «đang ở trên cao" và luôn luôn có cảm giác buồn. Nhưng, cái gì đăng cao? Có phải là sứ đoàn của Nguyễn Du đang từ chỗ «bốn phía non» (sơn tứ vi) leo lên tới núi cao? Không thể được, sứ đoàn không thể leo lên núi cao giữa rừng sâu vào lúc sẩm tối thế này (không có điện, và chưa ăn tối!). Như vậy chỉ có thể là nắng chiều khi mặt trời đã lặn xuống dưới chân trời chiếu ngược lên trên cao. Đó chính là «nhật mộ ngự trên cao», Một nhận xét về cảnh vật thật chính xác, Nguyễn Du không tả cảnh đại khái. Tôi dịch theo ý là «Nắng cuối lên cao».
Như vậy, câu này tả lúc mặt đất đã chìm vào bóng tối, nhưng ánh sáng đầy mầu sắc còn bát ngát ở trên không, tô hồng những đám mây lờ lững. Khi đó, cái rực rỡ của vẻ đẹp sắp tàn phai, của ngày sắp hết, cái vô thường của những áng phù vân lộng lẫy, cái vô nghĩa của cuộc đời, cái nhỏ bé của con người trước thiên nhiên, nỗi cô đơn ...bao phủ lấy ta, nhất là trong chốn thâm sơn cùng cốc.
Nguyễn Du vốn là con người sầu mộng và vô cùng tinh tế, thi hào từng viết :
Bất thị sầu nhân bất hứa tri
(Chẳng phải người sầu, chẳng thể hay).
Bài Sơ Thu Cảm Hứng, Tập Bắc Hành.
Ông xúc động sâu xa trước những phút giây như thế, nên đã hạ bút viết ba chữ cuối bài thơ: «bi mạc bi», có nghĩa là buồn thương, không gì buồn hơn, thiên về thương xót, cảm thương (chữ bi này, chữ phi viết trên bộ tâm, là chữ từ bi của nhà Phật). Người thơ nhìn cảnh mênh mông bao la của buổi chiều hôm trong núi, tự nhiên thấy dâng lên trong lòng một cảm giác thê lương không duyên cớ, mênh mang thương xót, chứ không vì một nguyên nhân nào khác. Nỗi buồn thương ấy tạo ra từ tâm hồn thi sĩ trước cảnh chiều, nên nó rất thơ, và thật hiếm có trong văn chương cổ điển:
Nhật mộ đăng cao bi mạc bi
Nắng cuối lên cao, thương ngập thương.
*
Người thứ hai mà tôi muốn nói ở đây là Nguyễn Trãi (1380; 1442), một quân sư chính trị gia sáng chói của lịch sử Việt Nam thế kỷ 15, trong cuộc chiến thắng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ nhà Minh, Trung Quốc. Đồng thời, ông là một thiền gia thi sĩ, nên có cái nhìn về thế giới hiện tượng không sai một mảy may, sự chiêm nghiệm về đạo thật sâu sắc.
Dưới đây là bài thơ Du Sơn Tự của ông. Bài thơ không cho chúng ta biết tên ngôi chùa, và khi nào Nguyễn Trãi chèo thuyền tới mong gập Phật. Ta chỉ biết rằng lần lên chùa vào cuối ngày hôm ấy, thi sĩ đã được sống một buổi chiều vàng vô cùng đặc biệt và đầy đủ nhất:
遊 山 寺
短 棹 繫 斜 陽,
匆 匆 謁 上 方。
雲 歸 禪 榻 冷,
花 落 澗 流 香。
日 暮 猿 聲 急,
山 空 竹 影 長。
箇 中 真 有 意,
欲 語 忽 還 忘。
Âm Hán Việt: Du Sơn Tự
Đoản trạo hệ tà dương
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền tháp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương (vong)
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền tháp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương (vong)
Thơ dịch: Lên chùa trên núi
Buộc chèo vào hoàng hôn
Lên lễ Phật bước dồn
Mây về giường thiền lạnh
Hoa rụng suối đưa hương
Trời lặn, tiếng vượn gấp
Núi không, bóng trúc trườn
Trong cảnh thật có ý
Định nói, bỗng quên luôn.
Lên lễ Phật bước dồn
Mây về giường thiền lạnh
Hoa rụng suối đưa hương
Trời lặn, tiếng vượn gấp
Núi không, bóng trúc trườn
Trong cảnh thật có ý
Định nói, bỗng quên luôn.
Bài thơ được viết theo lối cổ thi, loại bỏ tất cả các liên tự, hư tự, các chữ “nước”. Câu thứ nhất Đoạn trảo hệ tà dương thường được hiểu theo nghĩa: Ngừng mái chèo (neo thuyền) vào lúc hoàng hôn”. “Nhưng nếu ta chỉ để ý những chữ trong câu thơ, nghĩa đổi khác, đó là: “Mái chèo ngắn buộc bóng hoàng hôn lại. Nếu hiểu như vậy thì đây là một câu thơ siêu thực hiện đại” (Du Sơn Tự, Bình chú của Tế Hanh). Nhưng hiểu theo nghĩa này xong,tôi không làm sao tiếp tục ý thơ được nữa, nên không thể dùng được.
Tuy nhiên, có một cách hiểu khác cũng rất siêu thực hiện đại, chắc không xa bao nhiêu ý của tác giả, lại rất gần Phật, theo được sát ý nội tại của bài thơ, đó là: “Buộc chèo (vào) với hoàng hôn”. Mái chèo là cái ta đang hoạt động, hoàng hôn là thời gian lúc này, vậy đó chính là: Buộc ta vào với hiện tại, ta đi theo sát cùng sự vận hành tự nhiên của thời gian, buộc vào nó mà không giữ nó lại. Nhưng, “buộc vào” để làm gì? Để có toàn tâm toàn ý, để sống trọn vẹn tỉnh thức buổi chiều nay, nơi đây, chùa này. Trọng tâm của bài thơ là hoàng hôn, đề tài để Nguyễn Trãi nhìn sâu, quán chiếu, hoà mình vào với cảnh được quan sát. Ông buộc tâm mình vào thời gian để không bỏ lỡ một giây phút nào.
Việc đầu tiên Nguyễn Trãi lên chùa là “Yết thượng phương”, nghĩa là đi gập Phật, là thanh lọc mình để Phật ngự vào tâm mình đã. Sau đó, ngồi lên giường thiền, hành giả quan sát chung quanh “như nó là”, bằng tất cả cái thấy-giác-quan của thân mình, không thêm không bớt, không yêu không ghét: Những cảm giác từ từ tới, hành giả mở lòng ra để cái thấy tự nhiên đi vào, chứ không đi tìm. Ông cảm thấy lạnh, ngửi thấy thơm mùi hoa rụng. Rồi mặt trời bắt đầu lặn, ông nghe thấy tiếng vượn kêu gấp, nhìn thấy núi trống không, vắng lặng, chứa cảnh, và ô kìa! “trúc ảnh trường”!.Hãy quan sát kỹ bóng một khóm trúc:
Trường là dài, mà dài so sánh với cái gì? So sánh với chính nó. Bóng trúc đang dài ra, nó đang chuyển động. Trường cũng là “trưởng” cùng một chữ Hán, là tăng trưởng, lớn lên, dài ra. Vậy “trúc ảnh trường”chính là bóng trúc trườn, bóng đang bò dài ra trên núi.
Như vậy trong hai câu 5, 6, giữa cái tĩnh của núi không, mọi vật đang động trong cái rất tự nhiên của chúng: mặt trời lặn dần dần xuống, tiếng vượn kêu gấp, bóng trúc cứ dài ra…theo bóng chiều. Hoàng hôn đã tới phút biến động nhất. Mặt trời rơi xuống dưới chân trời:
Bỗng vụt một cái, cảnh thiên nhiên sống động diễn ra trước mắt:. Chỉ “vụt một cái” bóng mọi vật đồng loạt cùng chạy về vô tận phía đông, bóng tối phủ kín hết mặt đất. Chỉ “vụt một cái” mở tung ra phút giao thoa của đất trời, của thiên nhiên, của thế giới mầu nhiệm xưa nay bí mật. Chỉ vụt một cái, cái thấy ùa tới hành giả, thiền gia của chúng ta đã ngộ ra Ý của hiện tượng, của thiên nhiên. Câu thơ của Nguyễn Trãi thật rõ ràng:
“Trong cảnh thật sự có ý” ( Cá trung chân hữu ý).
và ông thoát nhận một cách rất thiền “mọi ngôn từ đều trở về quên ” (hoàn vong), vì không cần nữa, vì chân lý vô ngôn.
Cái “ngộ” tới bất ngờ quá, nó chiếm hết mọi suy nghĩ, cho nên hết cần giải thích. Và thêm nữa, hành giả lại không viết cho chúng ta biết ông ngộ được gì! Hình như ông không muốn nói nữa thì đúng hơn. Chúng ta hãy thử phân tích xem sao:
Lên chùa, Nguyễn Trãi đã sửa soạn tâm để quán chiếu cảnh, là một trí thức vượt qua tầm của thời đại, sau khi đã đọc thấu kinh sách Phật, cái Nghi của ông rất lớn. Ông thực hiện lời dạy của kinh Kim Cương “Ưng tác như thị quán” (hãy như thế mà quan sát mọi sự vật quanh ta, như nó là). Điều đó chẳng khác gì ngày nay: “Một nhà khoa học hiện đại quan sát bầu trời bằng những phương tiện khoa học tân tiến nhất, đang học hỏi xem thiên nhiên cho mình bài học gì” (Gíao sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận).
Những sau khi bỗng hiểu được Ý của trời đất, thì điều ngộ được chính là điều hiển nhiên vô cùng to lớn. Nó nằm sâu thẳm từ muôn đời trong mọi sự việc của đời sống, nhưng đồng thời nó rất cá biệt, “chỉ người uống mới biết được vị của nước”. Nó cần một sự chiêm nghiêm rất riêng của từng người, nó ngoài ngôn từ. Chân lý bừng nở trong lòng thiền giả: Lẽ dĩ nhiên chúng là thế, như như thế, ...và như thế, ta vượt qua mọi khổ nạn của cuộc đời, không cần nói gì, thuyết gì nữa.
PTN
Bài này đã đăng trong báo giấy
Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam, ấn phẩm mùa hạ 2010;
bản này đã được tác giả chỉnh sửa.
Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam, ấn phẩm mùa hạ 2010;
bản này đã được tác giả chỉnh sửa.
*Du Sơn Tự, bình chú của Tế Hanh trong cuốn Nguyễn Trãi, Tác Phẩm Và Lời Bình, Tuấn Thành - Vũ Nguyễn tuyển chọn. Trung Tâm nghiên cứu Quốc Học, NXB Văn Học 2007
(nguồn:diendan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét