...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện


hai mươi bốn.
một cuộc đuổi bắt.
    Tôi và nàng dừng lại ở vùng đất ấy là để lấy sức cho một chuyến đi mới. Đang cuối hạ, nhưng trời đất có vẻ sang thu : Âm ỉ trong màu nắng thứ nỗi buồn kỳ bí.     Em cảm thấy có gì hơi khác thường đang xảy ra ở đây. Nàng nói. Tôi hỏi căn cứ vào đâu để nói thế. Nàng bảo ở trong ánh mắt những ông già bà già sắp từ giã thế gian. Chỉ mấy hôm sau thì chúng tôi rõ mọi chuyện.  

    Vào một ngày có lũ khỉ đùa dỡn trên cây còn lũ chim bồ chao thì làm như núi rừng là của chúng, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi ở nơi gộp đá ấy nhìn trời đất đang chìm trong hoang dã. Làng xóm của ta là ở đây. Người đàn ông nói. Người đàn bà lấy một viên sỏi cuội vạch lên gọp đá như viết lên một lời thề. Như thế là lũ khỉ và lũ chim bồ chao phải chuyển vào trong rừng sâu. Bỡi  người đàn ông và người đàn bà đã mang vào đây những thành tựu của nền văn minh sắt của loài người : Rựa và cuốc. Lúc bấy giờ thì cổ xe lịch sử đã chuyển văn minh cơ khí đến nhiều nơi trên mặt đất, nhưng chuyện người đàn ông  và người đàn bà là chuyện ở đây. Việc trồng trọt ở đây là theo phương thức cày bằng đao trồng bằng lửa. Ông Adam và bà Evà của thời trồng trọt vừa đốt rừng làm đất trồng lúa, vừa sinh con đẻ cháu, và làm nên làng xóm ( Mới đầu chỉ có hai người, những ông bà già ở đây đều nói với chúng tôi thế ) Cho đến một ngày đám con cháu của họ đã chế ra được cái xe múc nước bằng tre gỗ để múc nước của con sông ấy đổ lên ruộng. Như thế là ruộng rẫy đã trở thành ruộng nước. Nhưng không phải nói múc nước là múc nước. Mà phải đốn cây rừng làm bờ đập ngăn nước con sông ấy lại, để cho chảy vào chỗ đặt xe nước. Như thế là cái bánh xe lịch sử đã chuyển nền văn minh lúa nước đến nơi đây. Cho đến một ngày thì đám con cháu ông Adam và bà Eva thời trồng trọt đã bỏ đi cái xe nước bằng tre gỗ và bỏ đi cái bờ xe nước làm bằng cây rừng, làm lại cái đập nước bằng xi măng cốt thép, để đưa nước con sông ấy lên ruộng đồng, biến đất trồng lúa một vụ thành hai ba vụ ( Những ông bà già ở đây không thể diễn tả  lịch sử văn minh của loài người đã diễn ra ở đây, chỉ nói theo cách nôm na, rằng nhờ trời phù hộ nên làng xóm ăn nên làm ra ) Cho đến một ngày, một người con trai, con cháu ông Adam và bà Eva thời trồng trọt, nhân danh là kẻ được hấp thu nền văn minh hiện đại, rao giảng bài học về sự trồng trọt, coi như là được rút ra từ khoa nông nghiệp đương đại, rằng đất đai cũng tựa con người, phải ngủ nghỉ mới đủ sức làm lụng, tức phải rút ba vụ xuống còn hai vụ trồng trọt mỗi năm, rằng đất mà thở được thì sẽ cho nhiều thóc lúa hơn trước. Chẳng rõ văn bản khoa học về nông vụ  là như thế nào, nhưng qua cách diễn đạt của anh ta, khoa học tựa  cuốn sách ước. Muốn có ba tấn là có ba tấn. Mỗi vụ chỉ thu hai tấn nếu mỗi năm làm ba vụ. Nhưng sẽ thu ba tấn nếu mỗi năm chỉ làm hai vụ. Dường trong suy nghĩ con người là luôn tồn tại hình ảnh một cuốn sách ước. Cho nên, khi nghe anh ta diễn tả như thế thì có quá nhiều người đang mơ ước sự thay đổi trong nghiệp cầm cày lập tức hưởng ứng. Nếu chăm bón theo khoa học, không chừng mỗi vụ thu được bốn năm tấn, chứ chẳng phải là ba. Người ta vừa ước mơ, vừa nâng ước mơ của mình lên. Nhưng những người già sắp rời bỏ trần gian và những người chẳng còn thấy niềm mơ ước nào trong nghiệp cầm cày của mình thì bảo trời không còn phù hộ họ nữa. Cái lý của những người ấy là thuộc cách tính toán truyền thống : Làm hai vụ thì thu ít thóc lúa hơn là làm ba vụ. Và, nếu làm ba vụ thì mỗi ngày ăn ba chén, nhưng làm hai vụ thì phải hạ xuống còn hai chén !
   Dòng sông ấy, một phụ lưu nữa của con sông quê nàng, lại chứng kiến một sự cố nữa trong dòng chảy của văn minh nhân loại. Nếu những con người nhiều mơ ước mà thắng, thì mùa tới đất sẽ được nghỉ ngơi, và theo người con trai ấy, sau đó đất sẽ sản sinh nhiều lúa thóc hơn xưa. Còn như những ông bà già sắp từ giã thế gian mà thắng, thì mọi thứ sẽ như cũ, tức, ngày vẫn hai bữa lưng lửng bụng, như người con trai ấy nói. Nó đang bị ma ám đó. Người cha của người con trai ấy nói với chúng tôi. Ma ông nói đây là nền văn minh đương đại. Tôi bảo, có bị khoa học ám ảnh thì cũng tốt thôi. Ông ta lập tức phản đối. Rằng con trai ông là đang bị thứ chức việc làng quỉ quái ấy ám ảnh. Sắp tuổi ba mươi, đã một vợ một con, đang chí thú cày cuốc thì bỗng được cử vào một khóa tập huấn viên trồng trọt, tập huấn viên là đang cầm cày thì được triệu  vào một khóa học cả lý thuyết cả thực hành, ví như học hỏi về một giống lúa nào đó, thì trước tiên phải nghe ông thầy giảng về giống lúa đó, rồi sau đó là phải đi xem tận mắt giống lúa đó ở một cánh đồng nào đó,  không phải là xem không, mà còn được nghe  những người trồng giống lúa đó nói về giống lúa đó, xong yên thì quay về, đem những gì nghe thấy truyền lại cho những người cầm cày khác, đích thị là một thứ học tâm truyền, và quả tình là phải dùng đến thứ từ  Hán Việt là tập huấn viên mới diễn được thứ công việc dài ngoằn như thế, và nếu như cứ tiếp tục cày cuốc như thế thì chẳng sao, đằng này bỗng được cử đi học khoa học do nhà nước mở như thế, người con trai sắp tuổi ba mươi bỗng thấy mình trở nên quan trọng đối với cái thế giới anh ta đang sống trong đó. Thằng đó cứ tưởng là cả đời nó sẽ giữ cái chức tập huấn viên quỉ quái đó. Người cha của người con trai ấy nói với chúng tôi. Tôi bảo dù chỉ mới thu nhận được một ít hiểu biết về trồng trọt thôi, nhưng phải nói đấy là niềm tự hào của một người đang lam lụ với ruộng vườn. Tôi cố nói cho người cha hiểu được niềm hứng khởi của con trai mình. Nhưng ông ta nói con trai ông mới từ trong buội nhảy ra mà đi nói chuyện khoa học thì quả là sự thế đảo điên. Những người nghĩ ngợi theo kiểu truyền thống quyết cho rằng chẳng thể có chuyện chỉ làm hai vụ mà lúa thóc lại nhiều hơn làm ba vụ. Nhưng ai đời khoa học đã bưng chén cơm đưa cho ăn, lại không ăn. Những người muốn có sự đổi đời lại nghĩ thế.
   Tôi và nàng dừng lại ở vùng đất ấy đúng vào lúc sắp sửa làm vụ ba. Có nghĩa là vào thời điểm mà những người cầm cày ở đây đang đứng trước thứ chọn lựa có tính cách sinh tử. Thì chuyện  thóc lúa đối với người cầm cày không phải chuyện sinh tử là gì? Một bầu không khí ngột ngạt nặng nề  đang ập xuống xóm làng.
   Những người cố giữ nếp cày cuốc truyền thống, kẻ đi mua sắm trạnh cày, lưỡi cày, người đẽo lại cái ách cày, cái náp cày. Sao? Không làm vụ ba, phải không? Những người tin vào khoa học thì cổ vũ nhau . Chưa có ai xuống đồng. Chỉ là dòm chừng nhau. Nhưng chúng tôi cảm thấy như đang có một cuộc chiến đang xảy ra giữa những con người vốn là đồng điệu. Người cha của người con trai ấy đi làng trên xóm dưới, thuyết phục mọi người đừng bỏ vụ ba, nó là thằng điên, đừng nghe, người cha nói về con trai mình, ông cố thuyết phục mọi người trong nỗi lo sợ về một hậu quả bi thảm có thể xảy ra với cả xóm làng lẫn con trai ông, lúa hai vụ thất thu, đói, có thể là người ta sẽ giết chết con trai ông, kẻ rao truyền khoa học. Đã tận mắt nhìn thấy nơi nào làm hai vụ mà thu nhiều hơn ba vụ chưa? Tôi hỏi thử. Còn nàng thì hỏi có nơi nào đã thất bại trong việc chuyển đổi mùa vụ hay chưa? Anh chàng tập huấn viên chỉ cười thay cho việc trả lời những chất vấn ấy. Quả tình, ba mươi ngày thọ giáo văn minh đương đại, người con trai sắp tuổi ba mươi ấy chỉ có thể nối thêm vào kiến thức  cày cuốc của mình một thứ hiểu biết nửa vời. Nhưng có lẽ là ước muốn đổi đời khiến chàng trai vốn lam lụ ấy cũng đi làng trên xóm dưới như cha mình, nhưng là để tuyên truyền cho khoa học. Chưa có bi thảm nào xảy ra với anh ta, nhưng lại xảy ra với chúng tôi. Thấy tôi với nàng trò chuyện với cả người con trai lẫn người cha của người con trai, cả hai phe theo và không theo khoa học đều tỏ ra bực tức. Đi tìm con nước đầu nguồn để làm cái quái gì? Tự dưng ở đâu đến  xía vào công việc người ta? Những câu nói ấy đã đến tai chúng tôi. Tôi với nàng cứ nói thật là đang đi tìm con nước đầu nguồn con sông quê nàng. Nhưng mọi người chẳng tin, lại tỏ ra khinh bỉ, vì nghĩ chúng tôi đang là cái bung xung trong cuộc đối đầu của những người làng. Nàng thì mặc ai nói sao thì nói, muốn ở lại nơi ấy coi thử ai thắng ai. Cuộc chiến cũng sắp kết thúc, bỡi những người chống đối việc chuyển đổi mùa vụ sẽ xuống đồng nay mai. Nàng nói. Tôi thì nghĩ phải để nàng nghỉ ngơi thêm sau lần thoát chết, nên đã chìu theo ý nàng. Nhưng vào một hôm trời yên biển lặng, anh chàng tập huấn viên đã thông báo cho chúng tôi biết là sắp xảy ra bão tố. Có lẽ do căng thẳng đầu óc, những ông bà gìa sắp từ giã thế gian đã trù tính nhau là sẽ kéo đến chỗ chúng tôi, dùng chổi để lùa chúng tôi ra khỏi làng. Hoảng quá, tối hôm ấy, bóng đêm vừa đổ xuống tôi với nàng đã lẻn ra khỏi làng.
   Chúng tôi rời vùng đất ấy trong lúc cuộc đuổi bắt cơm áo vẫn còn diễn ra dưới bầu trời  văn minh đương đại.
(nguồn:gackhuevan2.tk)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét