Tôi là nhà văn. Ít nhất thì cũng có một vài người gọi tôi như vậy, bất kể trong lòng họ nghĩ tôi có xứng đáng với cái tước vị đó hay không. Tất nhiên không phải dễ dàng để trở thành nhà văn. Bạn phải viết một cái gì đó, một truyện ngắn chẳng hạn. Rồi còn phải gởi đăng trên một tạp chí văn học nghệ thuật nào đó. Chí ít thì cũng phải xuất hiện trên trang văn nghệ của một nhật báo hay tuần báo kha khá nào đó. Mà không phải chỉ xuất hiện một lần là đủ. Năm bảy lần, mươi, mười lăm lần. Bởi vì xuất hiện ít quá thì bạn mới chỉ là “tác giả”û thôi. Điều này đã xảy đến cho tôi. Cho đến khi tôi ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên, tôi chỉ là một tác giả! Nói chung, nhà văn là một tác giả có tác phẩm trình làng, và tác phẩm ở đây được hiểu là một cuốn sách in. Điều này xem ra cũng không được công bằng cho lắm. Có người đã có năm bảy cuốn sách in. Có người thậm chí có hàng chục cuốn. Vậy mà họ cũng chỉ được gọi là nhà văn thôi. Đây là một điều buồn thảm. Lẽ ra phải có một thứ ngạch trật nào đó cho giới viết lách dựa trên số tác phẩm đã xuất bản. Viết lách khi đã trở thành một nhà văn nói chung không khó lắm. Tất nhiên bạn phải biết chút đỉnh về cách chấm câu. Giỏi chính tả càng tốt, còn không thì cũng chẳng sao. Có thể ban biên tập nơi nhận đăng bài sẽ chữa giùm, hoặc độc giả sẽ dễ dãi bỏ qua. Đề tài thì thoải mái, tha hồ nói về chính mình. Tôi bắt đầu như vậy đó, nói về chính mình. Một ngày nào đó, có thể nguồn tư liệu về mình sẽ cạn kiệt đi, tôi sẽ phải bước qua cái hàng rào chủ quan để nói về người khác, việc khác, để tác phẩm của tôi mang tính khách quan hơn. Hiện thời thì vẫn còn nhiều điều về mình cần phải giãi bày cho nên tôi sẽ tiếp tục viết về tôi một thời gian nữa rồi hẵng tính. Bạn cũng có thể làm như vậy, viết về chính mình. Có nhiều nhà văn cũng làm như vậy, viết về chính mình suốt cái chiều dài văn nghiêäp của họ. Trường hợp tôi không phải là cá biệt. Tôi bắt đầu chuyện viết lách vào cái tuổi mà những người khác đã có thể bẻ bút về hưu vì không còn cần thiết để chứng minh thêm nữa khả năng văn chương của mình hoặc vì đã mất hết kiên nhẫn trong việc giáo dục đám độc giả (vốn thường kém nhạy bén) cách phát hiện những tư tưởng kiệt xuất trong tác phẩm của mình. Những nhà văn này nhiều phần sẽ trả lời câu phỏng vấn không thể thiếu trong các cuộc phỏng vấn “Tại sao viết?” bằng cách diễn tả nỗi niềm đam mê văn chương rực lửa của mình như thế này hay như thế khác. Tôi không có được điều xa hoa đó. Tôi thích văn chương, nhưng chưa bao giờ đủ thôi thúc để dẹp bỏ mọi điều và thực sự ngồi xuống chỉ để làm công việc sáng tác. Ở vào một thời điểm không lấy gì làm vui vẻ trong đời sống của mình, tôi cho rằng mình cần phải làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, bên cạnh chuyện sinh nhai nhàm chán mà tôi vẫn phải làm hàng ngày. Tôi chọn viết lách thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán, đánh cá ngựa, chơi ma túy, hoặc la cà hàng đêm ở những quán rượu có nhảy cởi truồng, những điều mà hậu quả chưa hẳn sẽ tệ hơn hậu quả có thể xảy ra cho điều tôi đã chọn lựa. Sau này tôi nghiệm ra chính cái nhu cầu cần được chia sẻ là động cơ thúc đẩy tôi đến gần với văn chương thay vì với những điều khác. Tuy vậy, có lẽ tôi sẽ trả lời câu hỏi quen thuộc “Tại sao viết?” của một ai đó là “để cho vui” cho dù không hẳn là như vậy. Không có điều gì bảo đảm niềm vui sẽ đến với người có được cái khả năng chia sẻ nỗi niềm hoặêc tư tưởng của mình với nhiều người khác dưới dạng chữ nghĩa. Lựa chọn nhảy vào công việc sáng tác một cách trễ tràng như vậy chưa hẳn đã là một điều quá tệ. Điều quá tệ là cái thời điểm mà tôi nhảy vào. Vào cái lúc tôi bắt đầu viết, những điều tôi cho rằng cần được viết ra đều đã được viết ra. Cái lợi điểm duy nhất trong một hoàn cảnh như vậy là tôi không cần phải vội vã gì hết. Tại sao phải vội vã khi chẳng còn điều gì quan trọng để viết. Những điều cần nói đã được nói ra bởi những người đi trước. Những mất mát đau thương, những tủi hờn vong quốc, những đất khách bơ vơ, những qua sông nín thở. Và còn nữa, những máu lệ ngục tù, những hồn oan ngọn sóng, những đáy biển vùi thây. Tôi đã đọc, đã xúc động. Những người bạn tôi đã đọc, đã xúc động, cũng xúc động không kém gì tác giả của những bi kịch đó. Nhưng tại sao chỉ có tôi, chỉ có chúng tôi, những người không nhiều thì ít nhìn thấy một phần đời của mình trong những tác phẩm đó, xúc động? Còn thế giới, cái mục tiêu thực sự của những tác phẩm như vậy, tại sao cứ im lìm? Phải chăng lòng người phải lạnh đi để đắp đổi cho trái đất ngày mỗi nóng thêm lên? Phải chăng bi kịch không đủ lớn? Tôi không biết. Tôi chỉ biết là tôi sẽ không bao giờ mon men đến gần những điều có vẻ như là một thách thức cho sự lãnh đạm cao quý của nhân loại. Bất kể những thất vọng mà tôi có về khả năng thuyết phục của văn chương vào thời điểm này, tôi đã tin rằng mỗi nhà văn là một cá thể tự do. Điều này nhất định đúng cho tôi, một nhà văn hải ngoại. Tôi tự do như mây trời, không bị quản thúc bởi bất cứ ai, không ai có quyền ra lệnh cho tôi phải viết theo nghị quyết này, chủ trương nọ. Tôi viết điều tôi lựa chọn để viết. Những điều sẽ không làm mích lòng một ai đó, một đức cha, một hòa thượng, một người bạn, một người quen, một người bà con, một người đáng kính, một người đáng thương... hoặc một người đáng ngại. Như vậy, những điều tôi viết ra tốt hơn nên giông giống một điều gì đó nhưng không phải là điều gì đó! Như vậy sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm gì hết. Và cho dù có hợm hĩnh bao nhiêu chăng nữa, cho tới một lúc nào đó tôi cũng nhận ra mình sẽ chẳng đi đến đâu hếtù. Mà đâu phải chỉ có mỗi một mình tôi loay hoay! Đã như vậy thì nếu tôi có điều gì để hy vọng, điều đó phải nằm ở một nơi nào khác. Nơi từ đó tôi đã ra đi. Nhất là từ khi nơi này có những dấu hiệu về một sự thay đổi trong cách nhìn, ra người ngoài hay vào chính mình. Ở nơi đó có một đội ngũ đông đảo những người làm văn chương chuyên nghiệp, được đào tạo cẩn thận và đãi ngộ xứng đáng. Không giốâng như tôi, người có thể bước vào “thế giới văn chương” bằng cách cho ra mắt một cuốn sách, trở thành nhà văn không phải là điều dễ dàng cho họ. Có một số ngoại lệ, nhưng nhiều phần là họ phải bắt đầu từ ... nơi khởi đầu, báo tường chẳng hạn. Họ phải viết một hay nhiều cái gì đó, phải viết trội hơn người khác. Và có thể có ai đó sẽ để mắt đến. Không chừng ai đó sẽ gởi họ vào trường viết văn. Ở đó họ sẽ được đào tạo một cách chính quy để trở thành nhà văn. Đó là một quãng đường chông gai, và phải đam mê văn chương thực nhiều người ta mới có thể đi đến cùng. Và như vậy, bên cạnh những suy nghĩ thiếu tính lô gích về cái khả năng công chức hóa cái tập thể tài năng này của quá trình bồi dưỡng văn học nói trên, tôi vẫn còn đủ lý do để hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ sản xuất một hay nhiều tác phẩm ngang tầm thời đại, một hay nhiều tác phẩm đủ lớn để bứt phá cái ràng buộc của một ngôn ngữ kém phổ biến và đến với thế giới. Đã có lúc tôi nghĩ rằng cái “ngày nào đó” đang ở ngay khúc quanh trước mắt. Một hay hai tác giả, tuy không bắt đầu văn nghiệp một cách “chính quy” như đa số đồng nghiệp của họ, chọn viết về những điều chưa từng được viết ra trước đó, những điều rất sâu, rất kín, và không nhất thiết phải đẹp đẽ, của đời sống. Tác phẩm của họ, do đó, nổi bật như những ngọn pháo bông rực rỡ trên cánh đồng lau một đêm không gió. Liệu những tàn lửa pháo bông có làm cháy lên ngàn lau? Tôi từ xa, chiêm ngưỡng một cách ganh tị và hy vọng. Điều đáng phiền là pháo bông không ở lâu trên cao. Chúng rơi xuống, những tia lửa rực rỡ tắt ngúm trước khi chạm vào những cành lau bên dưới. Chẳng có đám cháy ngoạn mục nào để xem hết! Đây là một điều đáng tiếc, bởi vì có khi chỉ cần một chút gió. Vào lúc hy vọng của tôi biến thành niềm hoang tưởng, tôi nghe lại tin tức của người bạn cũ. Hắn thuộc về cái tập thể làm văn hóa tài năng của đất nước. Vài thập niên trước, khi tôi chọn một bên, người bạn tôi chọn phía bên kia. Hắn là một trong những người sẽ diễn tả nỗi niềm say đắm văn chương nghệ thuật của mình khi được hỏi câu hỏi quen thuộc “Tại sao viết?” Dựa vào cái tình bạn cũ kỹ và xa lắc xa lơ giữa hai đứa, tôi muốn hỏi hắn về sự bất lực của cái tập thể đầy tài năng mà hắn thuộc về trong việc biến cái ước mơ có được một hay nhiều tác phẩm rực rỡ về cái bi kịch đồ sộ của cả một dân tộc thành hiện thực. Phải chăng mười ngàn ngày chưa đủ dài cho một tranh chấp? Phải chăng thói quen mạnh hơn ước mơ? Phải chăng ở giữa một điều đã qua và một điều còn chưa tới là nỗi sợ không thể vượt qua? Và có nên hỏi hắn những điều tôi muốn hỏi? Trong khi chờ đợi câu trả lời cho những nghi vấn của mình, tôi hoang mang vô cùng. Tôi thường thơ thẩn ở một góc nhà chứa xe nhìn mớ sách ế ẩm mang về từ nhà xuất bản. Những cuốn sách đóng đầy bụi bậm. Những cuốn sách đang mục rữa, đang chết dần. Ngay cả những nén nhang run rẩy tiếc thương cũng không cứu vãn nổi tình thế. Đã có và sẽ có những cái chết như vậy, bằng cách này hay cách khác. Ở ngoài này hay ở trong kia. Có khi tôi muốn gom chúng lại và cho một mồi lửa, như vậy ít ra chúng còn được một lần cuối cùng reo vui ấm áp. Tôi muốn làm như vậy không những với những cuốn sách bụi bặm ở góc nhà chứa xe của mình mà còn ở nơi anh A chị B. Với những cuốn sách nói về những điều giông giống một điều gì đó nhưng không phải là điều gì đó. Với những cuốn sách ngắn hơn cuộc biển dâu nó trải qua, nhỏ hơn cái bi kịch nó tham dự, thấp hơn niềm lãnh đạm kiêu kỳ của kẻ lạ. Với tất cả những cuốn sách trong đó người đọc không tìm thấy điều họ không tìm thấy ở nơi khác. Có lẽ sẽ nhiều lắm, chồng chất lên nhau như một ngọn núi nhỏ. Có khi cũng là niềm vui nhìn chúng lần đầu tiên và sau cùng hân hoan cháy lên cùng với số phận hẩm hiu của mình. Và từ giữa tro tàn, biết đâu sẽ bước ra rực rỡ và mới tinh khôi con phượng hoàng với đôi cánh đủ dài để vượt qua cái khoảng trống ghê rợn nằm giữa một điều đã thực sự qua đi và một điều hãy còn chưa tới. ℘ Đoạn văn trên đây được tìm thấy một cách tình cờ khi người kể chuyện được thân nhân của tác giả gọi đến nhà nhờ chữa giùm chiếc máy vi tính mà lúc sinh tiền tác giả vẫn dùng để viết bài. Căn cứ vào nhật ấn điện tử của hồ sơ, đoạn văn ở trên được viết ra khoảng một tháng trước ngày ông ra đi một cách đột ngột. Người kể chuyện đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục thân nhân của tác giả cho phép phổ biến bài viết này. Theo họ, bài viết là một thú nhận trễ tràng và không cần thiết về một thất bại tưởng tượng, chỉ làm hại thanh danh kẻ chết và đau lòng người sống. “Ông ấy không được sáng suốt cho lắm trong khoảng thời gian đó,” họ bảo. Họ không tin tưởng lắm vào chuyện phượng hoàng bước ra từ tro tàn, ngay cả chuyện có một con vật truyền kỳ như vậy cũng đủ làm cho họ cười muốn vỡ bụng. Cuối cùng hoặc vì thương hại, hoặc vì chán ngấy sự lì lợm của người kể chuyện, thân nhân của nhà văn quá cố đồng ý cho phổ biến bài viết với điều kiện là người kể chuyện phải bằng một cách nào đó làm cho người đọc không thể nhận ra tác giả là ai. Đây là một công việc rất khó khăn, nhưng không còn lựa chọn nào khác, người kể chuyện đành nhận lời. Hóa ra cũng không khó khăn lắm để thỏa mãn điều kiện của đám thân nhân người quá cố. Chỉ cần đưa ra một hình ảnh có vẻ như giông giống một ai đó mà thực ra không phải là một ai đó. Không giống bất cứ ai nhưng không đủ rõ nét để là một aiù. Chẳng phải điều này đã được tác giả đề cập trong bài viết hay sao? Chẳng phải đó chính là diện mạo của một nhà văn mà trong tác phẩm của ông người đọc sẽ không tìm thấy những điều họ đã không tìm thấy ở nơi khác hay sao? 11.1999 (nguồn:tieenve) |
Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011
Nhà Văn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét