Truyện ngắn của Lưu Quang Thái
Chuyện xảy ra đã hơn ba mươi lăm năm, đến nay tôi vẫn không thể quên người học viên “ xấc xược” đầy cá tính ấy. Năm đó tôi làm giảng viên môn văn ở một trường bổ túc văn hóa sĩ quan của quân đội. Học viên là những sĩ quan cấp uý, cấp tá . Còn tôi, một sĩ quan bị kỷ luật hạ cấp quân hàm, vì lấy vợ là con gái nhà giàu ở đô thị mới giải phóng, “ Tổ chức” quy là Tư sản .
Một lần tôi giảng bài Thăm Lúa, thơ của Trần Hữu Thung, theo giáo án của Tổng cục chính trị. Song tôi có thêm kiến giải của người kinh qua lửa đạn ở Miền Nam cho phong phú bài giảng. Học viên chăm chú nghe, theo thói quen, tôi nhanh mắt quan sát toàn lớp học. Thấy một học viên, chân mang giày co lên ghế ngồi, tay cầm nhíp nhổ râu vẻ lơ đãng chẳng quan tâm đến ai. Cứ như việc nhổ râu là cái thú tiêu khiển. niềm vui không dại gì bỏ phí …Tức sôi máu, cố nén, coi như không thấy, tôi thề với mình phải cho hắn ta một “ bài học nhớ đời ”. Tiết học trôi qua, học viên ùa ra khỏi lớp. Tôi cũng ra ngoài , không vào phòng giáo viên mà lang thang dọc theo hàng phi lao, chăm chú lập phương án tấn công tối ưu…
Tiết văn sau, thông lệ trước khi giảng bài mới, kiểm tra bài cũ. Tôi mở sổ ghi điểm của lớp, chăm chú nhìn sổ. Trong lớp im phăng phắc, tôi dõng dạc kêu tên: “ Đồng chí thiếu tá Thái Bình Khoa lên bảng ”. Khoa giật mình, bật đứng lên đi về phía trước, khoảng mươi giây sau nói :“Tôi, Khoa có mặt” . Đây là cách xưng hô không đúng quân lệnh , thiếu cụm từ báo cáo đồng chí giảng viên, với thái độ xem thường. Tôi nghiêm nghị nói:
-Đồng chí cần chú ý lễ tiết quân nhân trong học tập .
Khoa cũng đáo để, ánh mắt nhìn tôi vẻ cười cợt :
-Rõ , báo cáo đồng chí giảng viên .
Tôi đưa sách giáo khoa, nói anh đọc bài thơ Thăm Lúa :
…Xòe bàn tay bấm đốt
Tính đã bốn năm ròng
Người ta bảo không trông
Ai cũng nhủ đừng mong
….
- Đồng chí cho biết khái quát chủ đề tư tưởng của bài thơ? Bản thân đồng chí nghĩ gì về người phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chốn Pháp và chống Mỹ vừa qua ?
Như máy, Khoa nói ngay:
-Xin lỗi đồng chí giảng viên. Hôm trước khi học bài thơ này, tôi định bỏ ra ngoài. Tôi uất lắm ! Ở đâu xa thì tôi không biết, chứ ở nhà tôi , không ít người phụ nữ trong ấp tôi làm gì có chuyện “ đợi , chờ , trông”. Họ đâu có ngu ! Có lẽ “ lòng thủy chung” đã là quá khứ xa xưa !... Ngay má tôi khi ba tập kết ra Bắc chưa được hai năm bà đã có con với người khác . Oái oăm thay kẻ gởi bà sinh con cho hắn là gã xã trướng từ thời Pháp cho đến khi bệnh chết. Nghe nói trước kia ba người họ là bạn học. Mỗi lần đến nhà, ông ấy xoa đầu tôi nói : Ngoan, ba thương …
Tôi đã mười sáu, trốn má ra Bưng theo cách mạng, hy vọng gặp ba. Tôi được bổ xung vô Đoàn 307. Sau tết Mậu Thân, tôi được cho ra Bắc đi học . Đến Quảng Tín tôi bị thương. Chẳng rõ nguyên cớ sao, tôi lại được điều trị tại bệnh xá trung đoàn X... Sau đó tôi không ra Bắc, chính thức là cán bộ đại đội của trung đoàn …
Sau 1975, tôi về nghỉ phép và gặp ba ,vui buồn lẫn lộn. Ba uống rượu cùng tôi, sau vài chén , ông thủ thỉ tâm tình :
- Đất nước đã về một mối. Mọi người hãy rộng lòng hòa hợp, con cũng nên chấp nhận sự thật. Vả lại ông ta đã chết rồi, ba đã làm lại giấy khai sanh cho Hương lấy họ Thái …
Tôi không thể chấp nhận việc ba coi Hương, con riêng của má như tôi. Rồi đây ông sẽ lo cho nó học hành tử tế. Biết đâu với cái mác “ con cán bộ to”, nó sẽ là cán bộ, có cơ hội hành hạ người khác. Tới giờ này cứ mỗi lần soi gương nhìn vết thẹo hằn sâu trên gò má, dấu vết chiến tranh chưa phai mờ, đừng nói chuyện chấp nhận …
Nghe Khoa trả lời tôi kinh ngạc, rất phân vân , song nghĩ kỹ chuyện của Khoa chỉ là cá biệt. Không thể làm mờ đi tám chữ vàng “ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” . Tôi không do dự, nhìn thẳng vào mắt Khoa, lạnh lùng nói :
-Đồng chí trả lời sai và lạc đề, tôi cho Một diểm, đồng chí về chỗ .
Cả buổi chiều tôi suy tư, có lẽ Khoa nói có phần nào đúng, tự dằn vặt mình sao không cho diểm hai hay điểm ba, để Khoa khỏi bị tổ Đảng đem ra kiểm điểm cuối tuần.
Tối hôm đó, tôi và Hải đang soạn giáo án, có tiếng gõ cửa. Mở của, thấy Khoa cười hiền hòa, một tay cầm chai rượu, tay kia cầm một gói to. Khoa để hai thứ lên bàn, kéo ghế ngồi, bảo tôi và Hải cùng ngồi . Khoa nói :
Tối hôm đó, tôi và Hải đang soạn giáo án, có tiếng gõ cửa. Mở của, thấy Khoa cười hiền hòa, một tay cầm chai rượu, tay kia cầm một gói to. Khoa để hai thứ lên bàn, kéo ghế ngồi, bảo tôi và Hải cùng ngồi . Khoa nói :
- Trước khi đến đây tôi đã tới phòng Gíao vụ, nên cũng biết phần nào về thày Hà. Thôi bỏ hết, giờ chỉ còn nhậu. Rượu làm ta gần nhau hơn…
Nghe chừng một chai chẳng thấm gì, Khoa chạy ra căng tin mua thêm hai chai nữa. Khoa uống tốt hơn Hà và Hải . Khi cảm thấy hưng phấn, định tâm sự cho vơi nỗi sầu thì Khoa cười to vỗ vai tôi nói trong hơi men :
-Hà ơi !Sau này nếu xảy ra trường hợp khốn cùng, không chốn dung thân thì hãy đến với tao. Thằng Khoa ở Long Tuyền, Cần Thơ sẽ cho mày héc ta vườn cây ăn trái . Có lẽ rượu nói, khi say con người thường nói thật. Tôi ray rứt về Điểm Một cho Khoa sáng nay !.
Vâng, đúng là “ bài học nhớ đời !” không chỉ cho Khoa mà cả tôi. Rồi mỗi người một phương , số phận người lính sau chiến tranh , người lên voi, kẻ xuống chó. Tôi thuộc loại thứ haii, vì vất vả mưu sinh, có lúc “ khốn cùng” đúng như Khoa ‘‘ trù ẻo”!…
Hai mươi năm sau, khi đưa con vô học Đại học tại tpHCM, tôi mới có dịp về Cần Thơ thăm anh. Khoa không còn ở quê đã lên Thành phố. Rất may người cháu họ của Khoa đã trực tiếp chở tôi đến nhà anh... Mùa hạ năm nay tôi lại vô Cần Thơ. Đến anh chẳng phải xin vườn cây ăn trái của Thái Bình Khoa, chỉ để nói với anh một câu mà tôi canh cánh trong lòng mấy chục năm qua:
“ Nếu có thể ngược thời gian, tôi cho anh điểm cao nhất : Điểm Mười !...”
Nhơn Phú ngày 5 thá-ng 9 năm 2011
LQT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét