hai mươi lăm.
sông nước.
Sáng hôm đó tôi với nàng còn đang phân vân có nên đi đầu nguồn con sông đó hay không thì chợt thấy có con thuyền đang ngược về phía thượng nguồn.
Nhánh phụ lưu đó phát nguyên tận vùng rừng núi phía tây nam, mãi gần tới quê nàng mới đổ vào con sông chính chảy qua quê nàng. Làm như biết trước mọi sự, người chèo thuyền chèo thẳng vào chỗ bờ sông chúng tôi đang đứng, hỏi có đi thượng nguồn thì hãy xuống thuyền mà đi. Ngay từ phút đó tôi đã thấy có gì hơi khác thường ở người chèo thuyền. Nhưng nàng thì có lẽ vì mừng gặp được thuyền, cứ theo hỏi người chèo thuyền đủ thứ chuyện về sông nước, rằng ông từ đâu đến lại chẳng chở thứ chi, rằng đi đến đâu thì quay lại? Cốt yếu là nàng sợ không nhìn thấy được con nước đầu nguồn của dòng sông ấy. Sông nước hữu tình thì làm sao ta lại đi vô tình với người đời! Người chèo thuyền nói. Nàng chợt huých vào tôi, cú huých có phần khá mạnh, khiến con thuyền hơi lắc lư. Cứ sợ người chèo thuyền đọc được những ý nghĩ không mấy hay ở nàng, nên tôi phải nói đỡ là nàng không mấy quen đi thuyền. Không sao…Người chèo thuyền nói, và ngước mặt nhìn trời. Tôi hỏi có phải ông vẫn thường qua lại trên con sông ấy hay không? Ông ta bảo nói thường cũng được, mà nói không thường cũng được. Tôi lại tiếp tục hỏi ông nhiều thứ nữa, về quê quán, nhà cửa, về chuyện kiếm sống trên sông, vì sợ nàng lại đi khiêu khích một người chèo thuyền thích ăn nói theo kiểu văn vẻ của một khách văn chương. Nhưng rồi tôi cũng không ngăn được nàng. Thường là sao? Mà không thường là sao? Nàng hỏi. Người chèo thuyền bảo, thường là như khi ông qua lại trên con sông quê nàng. Ta qua lại nơi ấy không biết bao nhiêu bận, sông nước thì có vẻ như đứng yên một chỗ, còn núi non tựa những áng mây sà xuống ruộng đồng. Ông nói. Tả sông núi quê nàng như thế là rất chính xác. Núi mọc ở trên đồng, còn con nước trên sông, chỉ trừ mùa bão lũ, lúc nào cũng lững lờ trôi. Tôi cảm thấy nghi hoặc trong lòng, và hỏi ông ta có phải là kẻ sĩ bất đắc dĩ ra kiếm sống hay không? Người chèo thuyền có vẻ cảm kích trước tra vấn của tôi. Và bảo cứ theo cách hiểu của con người thì ông là kẻ bất tử. Tôi hơi giật mình, vì một người chèo thuyền mà lại nói ra được những lời như thế. Còn nàng thì vẫn cái ý thích khiêu khích ấy, hỏi ông qua lại trên con sông quê nàng vào những giờ nào mà nàng chẳng bao giờ trông thấy? Và có phải người bất tử thì kẻ khác khó lòng nhìn thấy hay không? Người chèo thuyền chợt cho thuyền rẽ vào bờ, rồi bảo chúng tôi chờ ông một lát. Tôi đoán là ông vào làng để tìm thêm thức ăn cho chuyến đi dài trên sông. Quả như tôi nghĩ, nàng trù tính sẽ tạo ra thứ không khí vui vẻ trên sông nước bằng cách bịa ra một câu chuyện cổ tích mà nhân vật chính là một người chèo thuyền bình dân thích ăn nói theo kiểu bác học. Không được đâu, em đã biết tung tích của người ta thế nào mà đi gây chuyện. Tôi cản. Nàng không cãi lại tôi, cũng không nói là chấp nhận ý kiến của tôi, chỉ cười. Nhưng không phải nàng, mà là người chèo thuyền đã tạo ra cổ tích. Ông ta trở lại thuyền với một thiếu nữ trẻ đẹp như người trong tranh. Cứ gọi em nó là cô gái đàn nguyệt. Ông nói. Theo lời giới thiệu này thì chúng tôi mặc nhiên hiểu thiếu nữ là một ca kỹ chơi đàn nguyệt, có điều chẳng thấy đàn cầm đâu cả. Nhưng liền sau đó thì một đứa bé, trông cũng có vẻ như người trong tranh, mang đàn tới. Chị với ông thượng lộ bình an. Đứa bé trao cây đàn nguyệt cho thiếu nữ, nói, rồi quay lại nẻo cũ. Cứ tưởng nàng cũng như tôi, là đang ngạc nhiên trước những gì đang diễn ra. Nhưng không phải. Chắc ca lâu cũng gần đây thôi? Nàng nhìn thiếu nữ, hỏi, mỉm cười đầy ẩn ý. Nói là gần cũng được, mà nói là xa cũng được. Người chèo thuyền đáp lời nàng. Còn cô gái đàn nguyệt thì ngồi xuống lòng thuyền, bắt đầu so giây. Tôi có cảm tưởng đang nghe thấy những âm vang vọng lại tự buổi khai sinh trời đất. Ta đi thôi. Người chèo thuyền nói, thọc mái chèo xuống nước, cho thuyền lướt nhẹ trên sông. Phải nói đây là lúc chúng tôi thực sự bước vào cổ tích. Cô gái đàn nguyệt tự đệm đàn cho mình hát. Tiếng đàn xé nát cỏ cây. Còn tiếng hát như có năng lực đánh thức những niềm lãng quên cổ kính nào đó. …Ta, một mình nơi sông nước, trần gian mấy nẻo đi về tự buổi hỗn mang. Dẫu là cư ngụ ở trên trời, hay dưới đất, là đều khấp khễnh, kỳ khu. Ai náu mình giữa trần tục, nghìn năm, triệu năm, trải mấy nỗi thăng trầm, cưu mang trời biển, nếu không phải là ta? Lúc loài giống con người chưa nhìn ra được những nét thực của đất trời thì ta là kẻ mang lại cho nhân gian những niềm vui lộng lẫy huy hoàng. Niềm kính ngưỡng thấm đẫm tận chốn cao sơn cùng cốc. Bất kể cơn mưa nào đến sau những nguyện cầu đều gán cho quyền năng sáng tạo của kẻ náu mình trên sông nước. Đôi khi những hốt hoảng lại được gọi to lên thành lời. Bất kể cơn mưa nào đến sau những hốt hoảng của nhân gian đều được coi là ân sủng. Ta lặng lẽ giữa đất trời đón lấy những tôn vinh thần thánh. Niềm kính ngưỡng là đồng nghĩa với phồn thực. Kính ngưỡng đối với ta là đồng nghĩa với sinh sản tràn đầy, đồng nghĩa với sự thêm ra. Con người thêm ra. Tiếng đùa giỡn của trẻ thơ thêm ra. Màu xanh hoa trái thêm ra. Ta, một mình nơi sông nước, nhìn thấy triệu triệu sinh linh mong ngóng về ta. Và làm sao ta lại khỏi nghe thấy những thầm trách. Đôi khi thì chẳng phải thầm trách, mà là oán giận òa vỡ thành tiếng kêu trầm thống. Cái chết là thường hay đến sau những tiếng kêu trầm thống. Ta còn nhớ tận mờ mịt xa xăm, thuở con người còn trò chuyện được với hươu nai trên rừng, thuở con người chưa biết cách thốt lên tiếng kêu trầm thống, thì cái chết đối với con người là lặng lẽ hơn hết thảy những lặng lẽ của trời đất. Ta vẫn còn nhớ thuở xa xăm mờ mịt ấy, khi những cơn mưa bất tận từ trời cao chảy xuống, từ trong đất tuông ra, con người cùng với cây cối trên rừng là lặng lẽ nằm xuống giữa trùng dương vô tận. Chẳng biết thốt nên tiếng kêu trầm thống, nhưng tri giác đọng lại thành ký ức ngọc bích kim cương, mà mãi triệu triệu năm sau đám hậu duệ thuộc các nền văn minh sớm nhất của con người vẫn còn nhớ được để thốt lên rằng thuở ban đầu của trời đất là nước…
Tôi nghe như có trận đại hồng thủy đang tràn vào lời ca của kỹ nữ. Và thầm hỏi mình, rằng đây có phải là chuyện của trần gian? Khúc hát nói về một kẻ sống trên sông nước, mà sao như một vị thần? Còn nàng, có lẽ lời ca kỳ tuyệt kia đã làm tan hoang cái tính trời thích trêu chọc kẻ khác bấy lâu vẫn lẩn quẩn với nàng. Lần này là nàng cũng huých vào tôi, nhưng rất nhẹ, ý bảo là hãy lắng nghe. Quả chẳng còn có chỗ để cho tôi nói ra những băn khoăn của mình.
…Nhưng chẳng phải mãi mãi là ngọc bích kim cương. Con người là biết lần dò ra ánh sáng từ những ký ức cổ xưa. Chiêm ngắm sắc màu của một áng mây trôi. Chiêm ngắm cách đi về của một bầy ong hút mật. Chiêm ngắm sự lặn ngụp của đám sao ở trên trời, của đám rong rêu ở dưới nước. Triệu năm nghìn năm trôi qua, ngọc bích kim cương bỗng hóa nên lời. Gọi được tên những cuộc hôn phối giữa ngày và đêm. Gọi được tên kẻ thủ phạm gây nên các cuộc rơi rớt, các cuộc trốn chạy, gây nên mưa sa bão táp. Ta rất vui khi con người bảo vẻ đẹp của các sự vật là nằm trong chiêm ngắm của trí tuệ con người. Quả là trăm hoa đua nở. Ta nhìn thấy đi lại bên bờ các con sông lớn trên mặt đất những con người có dáng đi của các vị thần. Chưa nghe thấu hết những tiếng nói của đất trời, nhưng quả con người đã nói ra được những lời ưu ái dường trời đất dành riêng cho con người. Và tri thức đã đẻ ra kiêu hãnh. Kiêu hãnh đẻ ra con đường dẫn đến tiêu ma. Phải nói, đến lúc con người không còn trò chuyện được với hươu nai trên rừng là lúc con người bắt đầu hục hặc nhau. Ta, một mình nơi sông nước, có lúc cảm thấy choáng ngợp vì các cuộc cãi vả dai dẳng của con người. Cãi vả về những tiếng nói của trời đất. Cãi vã về những tiếng nói của con người. Chẳng phải nói ra rồi thôi, mà còn chép thành kinh thành sách. Dường chẳng còn có chỗ cho sự kính ngưỡng đất trời. Những nguyện cầu xưa cũ đã đọng lại thành thời gian.Thời gian đọng lại thành niềm quên lãng. Ta chẳng buồn vì chẳng còn nhận được sự kính ngưỡng. Mà buồn vì con người không còn chỉ cãi vả nhau bằng lời. Trên các dòng sông ta đi lại đã bắt đầu nghe thấy mùi máu. Máu của các cuộc thể nghiệm về các cuộc cải vả. Lịch sử là biên niên sử về các cuộc thể nghiệm các cuộc cãi vả. Cho đến lúc nước trên các dòng sông pha màu máu, thì ta, kẻ náu mình trên sông nước, chỉ còn biết thở dài. Thì còn biết làm sao khi các cuộc thể nghiệm đã thuộc về cách thức tồn tại của con người. Thì chẳng phải đi tìm con nước đầu nguồn con sông quê của người yêu là cũng thuộc về cách thức tồn tại của con người hay sao?
Cô gái đàn nguyệt chợt ngẩng nhìn chúng tôi, mỉm cười, rồi lại tiếp tục đàn hát. Phải nói là tôi cứ thấy hốt hoảng ở trong lòng. Thưa, có phải những kẻ trần mắt thịt này đã được gặp các vị thần? Tôi thốt lên như một cách chống đỡ nỗi sợ. Còn nàng, chắc là còn cảm thấy kinh dị hơn tôi, cứ bám chặt lấy người tôi. Gọi là thần cũng được, mà gọi là trí tuệ của nhân gian cũng được. Người chèo thuyền đáp lời tôi. Rồi lại cho thuyền cập vào bờ. Tôi hỏi sao không tiếp tục đi tiếp. Ông bảo là ông còn phải đến nhiều nơi trên mặt đất này. Ta cũng chẳng rõ là sau khi uống được con nước đầu nguồn con sông ấy thì các người có tìm thấy tình yêu vĩnh hằng hay không. Nhưng kể từ giờ phút này thì các người phải tự làm chủ con thuyền trên con đường thể nghiệm về tình yêu của mình. Ông nói. Và trao mái chèo cho tôi. Đến lúc ấy thì tôi lại cảm thấy cảm động như đang chia tay một con người. Tôi hỏi người chèo thuyền là ông định đến những nơi nào? Ta phải đi khắp hết mặt đất này để hát. Bỡi vì hát là ký cho người đời sau hiểu những gì đã xảy ra trong quá khứ. Ông nói.
Đợi cho đến lúc người chèo thuyền và cô gái đàn nguyệt khuất dạng, tôi mới dám rỉ tai nàng nói ra ý nghĩ có vẻ tư biện của mình, rằng những gì vừa diễn ra đều là hóa thân của thần sông nước. Nàng có vẻ như đang rơi vào trạng thái năng sản của kẻ sáng tạo. Đến khi tôi đã thay cho người chèo thuyền, cho con thuyền lướt về phía thượng nguồn của sông, nàng còn hỏi đấy có phải là chuyện thật hay không?
(nguồn:gackhuevan2.tk)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét