tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện
hai mươi ba.
khốn khổ
Chuyện nàng còn sống cũng giống như chuyện các nhân vật trong các tiểu thuyết cổ điển : Nàng bị nước đẩy vào bờ, có người trông thấy, và cứu được. Còn việc tôi tìm thấy nàng thì cũng là lẽ tất nhiên. Có nghĩa, bất cứ người nào rồi ra cũng tìm được nàng.
Cứ theo bờ con suối, tôi đi về phía hạ nguồn, đi tới đâu dò hỏi tới đó. Bấy giờ trong suy nghĩ của tôi có hai dự định thật rõ ràng. Một là khi gặp lại nhau, tôi sẽ ôm nàng thật lâu, để rũ bỏ hết những lo lắng. Và hai là, cám ơn những người đã đem nàng lên khỏi con suối, rồi gạt nước mắt, mang xác nàng về lại nơi ngôi làng có con sông ấy chảy qua. Là kể cho hết sự tình vậy thôi, chứ dự định thứ hai mà xảy ra thật, thì chưa chắc tôi có đủ sức để kể lại cuộc thể nghiệm về tình yêu này.
Mặc kệ giữa ban ngày ban mặt và giữa bao nhiêu con mắt, tôi đã ôm nàng thật, ôm thật lâu. Niềm vui lớn như làm tắt mất hết ngôn ngữ của chúng tôi. Có nghĩa, tôi và nàng chỉ ôm nhau, và chẳng nói được lời nào. Phút giây chúng tôi gặp lại nhau quả đã thuyết phục được tình cảm của người làng ấy. Người ta xì xào bảo đấy là một cuộc tình rất đẹp, rằng nàng phải sống để hai người gặp lại nhau là phải. Nhưng do đâu hai anh chị lại phải lặn lội đi tìm con nước đầu nguồn con sông đó? Ai cũng hỏi chúng tôi câu ấy. Sau khi được người làng cứu sống, nàng đã nói thật là nàng với người yêu đi tìm con nước đầu nguồn con sông ấy, rồi gặp nạn. Và lúc tìm thấy nàng, tôi cũng khai thật như thế với những người đã cứu sống nàng. Đấy là bí mật của tình yêu. Chúng tôi trả lời với người làng như thế. Trước đó có ai hỏi, tôi và nàng cũng trả lời thế, và chẳng việc chi xảy ra. Nhưng ở làng ấy thì cái bí mật của tình yêu đã làm cho chúng tôi khốn khổ.
Con suối lớn khi chảy đến ngôi làng đó thì không còn gọi là suối, mà gọi là sông. Đây là làng quê thuộc miền bán sơn địa, có nghĩa từ làng lên núi thì gần hơn là xuống đồng bằng. Tôi cũng chẳng biết khái niệm siêu hình ấy là từ các làng thiểu số trên núi theo con nước suối mà xuống, hay từ nền văn minh hỗn tạp dưới trung nguyên theo những người buôn thượng, hay theo những tay hảo hán đi đồn gỗ trộm, đi tìm trầm, mà lên đây. Vẫn ứng dụng những thành quả văn minh đương đại vào công cuộc làm ăn, và vẫn đem hết sức lực ra làm, song làng vẫn nghèo. Là do đất đai khí hậu không thuận lợi trong việc làm ra cơm áo? Là do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác, như trình độ dân làng có hạn, như không có đồng tiền trong tay để làm ra những đồng tiền khác? Mọi cách giải thích có tính chất hiện thực đều không thuyết phục được người làng. Ngày nay, mỗi lần nói đến nghèo, người làng ấy vẫn nghĩ là mình đang thừa kế thứ di sản chẳng mấy tươi sáng của cha ông để lại, tức là tiếp tục cái số con rệp. Ở chỗ anh chị có nghe nói về số con rệp hay không? Mới đầu người làng có hỏi tôi với nàng thế. Tất nhiên là chúng tôi chẳng lạ gì mấy tiếng ấy. Có điều, đó chỉ là cách nói đùa khi không đạt được điều gì như dự định. Nhưng với người làng ấy, số con rệp không còn là những từ ngữ để đùa cợt, mà trở thành biểu tượng của bất hạnh. Có điều lạ là làng thuộc loại nghèo nhất nước, nhưng tôi thấy như chẳng có ai tỏ ra buồn khổ. Người ta có theo tra hỏi chúng tôi tại vì đâu người làng ấy vẫn phải chịu số con rệp thì cũng chỉ để thõa mãn sự hiểu biết mà thôi. Nỗi bất hạnh được coi như một thứ bí mật mà người làng ấy muốn khám phá. Và theo bọn họ, chúng tôi đã biết bí mật của tình yêu, thì phải biết mọi bí mật trên đời này. Tôi với nàng không muốn trốn đi vì sợ mang tiếng là kẻ vô ơn. Nhưng ngày nào còn ở lại ngôi làng ấy thì chúng tôi còn bị đám dân làng quần đến lã người. Sau một ngày làm lụng vất vả, cứ tối đến là bọn họ tụ tập đến chỗ chúng tôi. Anh chị có tin là mùa bắp năm ấy, cả mấy trăm hác ta ruộng bắp làng này, mùa lên, bắp chỉ có cùi mà không có hạt? Anh chị có tin là mùa mía năm ấy nhà máy sản xuất đường hủy hợp đồng mua mía thì ở làng này, trong những người vay tiền ngân hàng để trồng mía, có người đã trốn nợ bằng cách uống thuốc sâu, chết? Anh chị có tin là đời cha ông bọn tôi, có năm chỉ ăn toàn củ mài đào trên núi ? Còn theo lời truyền thì có thời tổ tiên của người làng này chỉ có quần chứ không có áo… Những câu chuyện bi thảm được dẫn ra ở đây là nhằm minh chứng cho sự tồn tại một cách dai dẳng của bất hạnh. Tôi cố làm cho mọi người thấy rằng sự bất hạnh, hay nói theo cách của người làng là số con rệp, là một trong muôn ngàn cách có mặt của con người trong trời đất. Có kẻ có mặt trong niềm hạnh phúc, có kẻ có mặt trong nỗi khổ đau, không có chuyện không có hạnh phúc, cũng không có chuyện không có khổ đau, không anh này bất hạnh, thì anh kia bất hạnh, nó, cái gọi là số con rệp ấy là sự ngẫu nhiên trong cuộc sống. Nhưng bọn họ bảo chẳng có ngẫu nhiên nào hết, đến mùa đông là có mưa, đến mùa hè là có nắng, hễ sinh ra ở làng ấy là chịu số con rệp. Nàng hỏi có phải bọn họ muốn nói đến một thứ luật trời hay không, thứ luật lệ siêu hình còn có tên là định mệnh. Lập tức, bọn họ siết chặt vòng vây. Anh chị phải nói cho bọn này biết ai là kẻ nắm giữ luật lệ ấy? Mọi người nhao lên, hỏi, có vẻ háo hức, làm như tôi với nàng là mới từ thượng giới xuống. Mà có từ thượng giới xuống thì chưa chắc đã giải nổi thứ tra vấn mấy nghìn năm qua các nền văn minh của loài người vẫn chưa giải nổi. Ai nắm giữ luật lệ là tùy theo cách nghĩ của mỗi người. Nàng nói cốt để phá vây. Không ngờ vòng vây lại siết chặt hơn. Theo anh chị thì ai nắm giữ luật lệ ấy? Là thần thánh, hay cũng là người như bọn ta? Tôi nói vòng vây siết chặt hơn là do bấy giờ một người đưa ra một câu hỏi thì những người khác liền diễn dịch thành những câu hỏi khác. Có quả thần thánh nắm giữ chuyện bất hạnh ở thế gian này hay không? Có một người hỏi thế. Và lập tức bọn họ đưa ra những nghi vấn về thần thánh mang màu sắc thế tục. Hay có một vị thần vốn thù ghét người làng này, đã nhập vô đất đai, khiến cho bắp chỉ có cùi mà không có hạt? Hay là thấy mấy người trồng mía chỉ nói toàn chuyện khoa học kỷ thuật, các vị thần thánh mới tức mình xua ông nhà máy đường làm ăn thua lỗ, để dẫn đến chuyện không mua mía của người trồng mía ? Thời mà cha ông bọn này chỉ ăn củ mài để sống có phải là thời thần thánh nhập vô các vị vua quan, khiến các vị chỉ lo chuyện bòn rút của dân mà không lo việc cơm áo cho dân? Tôi với nàng đã điên đầu với những câu hỏi như thế. Phải chăng khi vây hỏi chúng tôi về nỗi bất hạnh người làng ấy đã từ cảnh trí siêu hình tụt xuống cảnh trí trần thế? Quả là tôi với nàng đương không cũng rơi vào số con rệp, đương không bị làm kẻ hiểu biết mọi bí mật của trần gian! Nạn này chưa qua, nạn khác đã ập tới. Có một ông đại gia đã mò đến chỗ của chúng tôi. Là người làng bên, học hành cũng chỉ mới tới tiểu học, bỗng bỏ quê đi nơi khác làm ăn, lúc quay về thì thành tay tỉ phú. Người làng ấy đã rỉ tai chúng tôi. Tay tỉ phú đến gặp chúng tôi là để hỏi về cái bí mật giữ sự giàu có. Đến nước ấy thì tôi với nàng phải nói với ông ta rằng ngoài bí mật về tình yêu, chúng tôi chẳng còn biết thứ bí mật nào nữa trên đời này. Các vị ấy đang ra giá với ta đấy! Tay tỉ phú nói với người làng. Có nghĩa ông ta cho rằng chúng tôi muốn ông ta phải chi một khoảng tiền nào đó thì chúng tôi mới nói ra cái bí mật để giữ sự giàu có. Thật buồn cười, trong lúc chúng tôi chưa hiểu bí mật nào giúp ông ta giàu có, thì ông ta lại bắt chúng tôi phải nói ra cái bí mật để giữ sự giàu có ấy! Dường người làng chẳng mấy cảm tình với tay tỉ phú, nên cứ theo đốc thúc chúng tôi là hãy đưa ra giá cả đi. Có dịp là cứ lấy bớt của lão ta! Hầu như người làng nào cũng bảo chúng tôi thế. Nếu bấy giờ tôi với nàng cố nặng ra cái kiểu nói nửa nạt nửa mỡ, kiểu nói chẳng đúng chẳng sai, để gọi là thứ bí mật giữ sự giàu có, thì nhất định túi hành trang chúng tôi có thêm nhiều tiền bạc. Nhưng chúng tôi đâu phải loại người có thể đem linh hồn bán rẻ cho lũ thuồng luồng cá sấu. Vào một đêm, hình như trong làng có cuộc sinh nở, chúng tôi ngồi nghe tiếng khóc trẻ thơ một chặp, rồi dắt nhau trốn khỏi nơi người ta vẫn cố tình nghĩ chúng tôi như những nhà tiên tri thời hiện đại.
Related Posts Widget for Blogger
Các bài viết cùng chuyên mục
(nguồn:gackuevan2.tk)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét