...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Những hình phạt rùng rợn dưới chế độ Taliban

Lê Anh

 Ngày 1/8/2010, trên trang bìa của tạp chí Time nổi tiếng của Mỹ đăng bức hình một cô gái người Afghanistan dưới chế độ Taliban bị người chồng cắt mũi và tai.

Bức ảnh do một nhiếp ảnh gia Nam Phi chụp sau đó đã đoạt giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 2010 - một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới. Đằng sau bức ảnh hé lộ một hủ tục rùng rợn mà những người đàn ông Taliban đối xử với những người phụ nữ của họ.

Bi kịch khủng khiếp của cô gái trẻ
Bức ảnh chụp chân dung Bibi Aishađoạt giải nhất World Press photo 2010
Cô gái xuất hiện trong bức ảnh trên tạp chí Time tên là Bibi Aisha, một cô gái trẻ người Afghanistan. Với làn da sáng và mái tóc đen suôn dài, gương mặt khả ái, Aisha luôn nổi bật trong đám đông với vẻ xinh đẹp đặc biệt. Thế nhưng, khuôn mặt ấy đã trở nên biến dạng khi cô ở vào tuổi 18, cái tuổi đáng lí ra là đẹp nhất của cuộc đời Aisha. Cuộc đời của cô vốn đã là một bi kịch ngay từ khi cô sinh ra mà mang phận con gái trên đất nước này.

Năm 12 tuổi, cha Aisha đã hứa gả cô cho một tay súng Taliban đã có tuổi ở tỉnh Oruzgan. Đám cưới diễn ra trong nước mắt của những người phụ nữ trong gia đình. Aisha khi đó thậm chí còn không biết mọi người đang làm điều gì với mình.

Chỉ biết rằng, sau đó 2 năm, khi Aisha 14 tuổi, cô được đón về nhà người đàn ông Taliban đáng tuổi chú của mình và phải gọi người đó là chồng. Do chồng luôn phải sống xa nhà để lẩn tránh khả năng bị bắt, nên Aisha và em gái chủ yếu sống với người thân trong gia đình chồng. Cả hai chị em bị bắt buộc phải làm việc và bị đối xử như nô lệ. Cô luôn bị chồng và gia đình nhà chồng đánh đập không thương tiếc mà chẳng cần có bất kỳ một lý do nào.

Gia đình nhà chồng Aisha có tới 11 người anh em. Khi người chồng đi chiến đấu ở Pakistan, Aisha nghiễm nhiên thuộc về quyền sở hữu của cha chồng và 10 người còn lại trong gia đình. Tất cả các thành viên trong nhà chồng Bibi đều là lính Taliban tại tỉnh Uruzgan. Hàng ngày, họ thay nhau lạm dụng và bóc lột sức lao động của cô bé. Một lần, vì quá mệt mỏi và sợ hãi nên Aisha kháng cự lại. Kết quả là cô bị bắt ra ngoài ngủ cùng chuồng với động vật mà không được vào nhà.

Cuộc sống tù ngục và đày đọa khiến Aisha vô cùng đau khổ. Sau nhiều lần tính toán, Aisha quyết định trốn khỏi gia đình chồng. Ban đầu, Aisha suýt bị lừa bởi hai người hàng xóm. Họ dụ dỗ cô đi theo họ, thực chất là muốn bán cô tới một nơi khác. Aisha may mắn thoát khỏi bẫy lừa của hai người này. Một hôm, khi gia đình chồng không để ý, cô đã lẻn đi bỏ trốn một mình. Tuy nhiên, chuyến đi đó lại chỉ là khởi đầu của một chuỗi bi kịch khác của Aisha.

Trong thời gian bỏ trốn, Aisha bị những tay cảnh sát Taliban bắt giữ và bị phạt 5 tháng tù giam. Aisha sau đó được trả lại cho gia đình nhà chồng. Chồng Aisha từ chiến trận trở về biết chuyện đã tố cáo với chính quyền Taliban rằng hành động bỏ nhà của cô đã bôi nhọ danh dự dòng tộc. Được sự đồng ý của Taliban, Aisha sẽ phải chịu những hình phạt nặng nhất theo ý của nhà chồng.

Để tiến hành việc trừng phạt Aisha, gia đình nhà chồng cô đã chọn một ngày đẹp trời. Chiều hôm đó, Aisha bị gia đình nhà chồng đưa lên trên một đỉnh núi. Chồng Aisha tay cầm một con dao đã được mài sắc. Những người khác trong gia đình nhà chồng cô đứng xung quanh, gương mặt đằng đằng sát khí. Chúng vừa chửi bới vừa không ngừng dùng tay chân đạp Aisha ngã dúi dụi xuống đất.

Cuối cùng, Aisha bị giữ chặt bởi hai người đàn ông khác trong gia đình, trong khi bố chồng dí súng vào đầu cô. Chồng của Aisha tiến lên, dùng con dao sắc cứa mạnh vào mũi Aisha. Nhanh như chớp, toàn bộ phần mũi của cô bay ra ngoài. Máu me bắn đầy người, đầy áo Aisha. Cô đau đớn giãy giụa nhưng không thoát khỏi gọng kìm của những người đàn ông trong nhà chồng.

Trong khi Aisha khóc lóc kêu cứu thì những kẻ khác đứng xung quanh hả hê sung sướng. Sau đó, người chồng túm tai của Aisha và lại dùng dao cắt phăng một bên tai. Phần mũi và tai của Aisha được hắn cầm lên và ném xuống vực. Aisha đau đến độ không còn khóc được nữa. Cô lịm dần trong vũng máu.

Trong khi đó, gia đình chồng Aisha đã xong công việc trừng phạt của mình, hoan hỉ kéo nhau ra về. Chúng vứt Aisha lại một mình trên đỉnh núi, mặc cho cô sống chết ra sao.

Những kẻ tàn bạo coi điều đó là hình phạt thích đáng dành cho người phụ nữ dám chống lại những luật lệ của gia đình nhà chồng. “Khi họ cắt mũi và tai tôi, tôi đã ngất đi. Khi tỉnh dậy giữa đêm, tôi cảm thấy như có nước lạnh trên mũi mình. Tôi mở mắt và không thể nhìn thấy vì mặt đầy máu”, Aisha sau này kể lại.

Sau khi tỉnh dậy, Aisha đã cố gắng để bò được về tới nhà ông nội. Tại đây, cha đẻ của Aisha đã đến và đưa con gái tới một trung tâm y tế của Mỹ, nơi Aisha được chăm sóc suốt 10 tuần. Các bác sĩ tại đây sau đó đã chuyển cô tới một trung tâm bí mật ở Kabul và đưa tới Mỹ hồi tháng 8/2010. Aisha may mắn được cứu sống và đưa về trại dành cho những phụ nữ cơ nhỡ ở thủ đô Kabul.

Hủ tục rùng rợn dưới thời Taliban

Mặc dù Aisha thoát chết nhưng em gái cô vẫn đang phải gánh chịu mọi nỗi bực tức của những người ác nghiệt trong gia đình chồng. Và không chỉ riêng họ, rất nhiều các cô gái Afghanistan khác sống dưới thời Taliban đều phải chịu chung những số phận đầy khắc nghiệt và đau thương.

Câu chuyện của Aisha trên tạp chí Time thu hút sự chú ý của cả thế giới đến số phận của những người phụ nữ này. Afghanistan là một trong những nước mà người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi vì chiến tranh, xung đột và các hủ tục lạc hậu. Sau khi lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm 1996, Taliban đã đưa ra nhiều quy tắc hà khắc đối với phụ nữ.

Có thể nói, dưới thời Taliban từ năm 1996 đến năm 2001, phụ nữ Afghanistan bị đối xử tàn tệ nhất trong lịch sử nước này. Họ không được đi học, không được rời nhà mà không có đàn ông đi kèm, không được nhận sự chăm sóc y tế từ các bác sĩ nam kể cả trong trường hợp nguy kịch, bị ép buộc lấy chồng, và phải mặc burqa, một loại khăn trùm kín từ đầu tới chân, không để lộ các bộ phận trên cơ thể. Họ thậm chí cũng không được đánh móng chân, móng tay và trang điểm…

Đối với trường hợp của Aisha, cô là nạn nhân của một tập tục ở Afghanistan có tên gọi Baad. Theo tập tục này, một gia đình gây thù hằn với gia đình khác và bị coi là đã phạm tội với gia đình kia thì phải nộp tài sản cho gia đình đó để đền tội của mình. Trong rất nhiều trường hợp, tài sản mà các gia đình giao nộp là những cô gái, là con cái, là cháu của họ. Aisha được lựa chọn là vật đền tội cho gia đình, khi mà người chú của cô phạm tội với một gia đình khác.

Sau khi giao nộp cô, người chú phạm tôi hoàn toàn không phải làm gì để đền cho tội ác của mình bởi người cháu gái nhỏ bé của ông ta đã phải trả thay cho ông ta bằng chính thân xác và sức lao động của mình.

Sau khi được gả về nhà chồng, những người con gái như Aisha sẽ phải chịu mọi sự hành hạ của gia đình nhà chồng. Họ có quyền đối xử với cô như nô lệ, thậm chí là như súc vật. Việc Aisha bị cắt tai và mũi và đỉnh điểm của quá trình hành hạ, bóc lột của gia đình nhà chồng mà Aisha phải gánh chịu.
Aisha
Khi phóng viên tờ Time (Mỹ) đề nghị Aisha chụp ảnh để đưa lên trang bìa tạp chí này, Aisha theo thói quen bất ngờ đưa tay lên che mặt. Phóng viên đã giải thích cho cô về ý nghĩa của việc chụp bức ảnh này, là để tố cáo những tội ác cũng như những hủ tục của đàn ông đối với phụ nữ dưới sự hỗ trợ của chính quyền Taliban.

Tuy nhiên, đối với Aisha, dường như cô không dám tin điều đó. Cô đồng ý chụp với lời giải thích: “Tôi không biết điều đó có giúp được gì cho những phụ nữ khác hay không. Đơn giản tôi chỉ muốn có lại một chiếc mũi”. Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức từ thiện "Women For Afghan Women", Aisha đã được đưa tới Mỹ và được giúp đỡ để phẫu thuật lại mũi và tai của mình.

Người phụ nữ trẻ từ Afghanistan, từng bị chồng cũ – một tay súng Taliban lòng đầy thù hận – cắt mất mũi, giờ đây đang làm lại cuộc đời tại thành phố New York, Mỹ. Ngày 11/10/2010, Aisha đã dũng cảm xuất hiện trước công chúng với chiếc mũi giả và một gương mặt vô cùng xinh đẹp và rạng rỡ. Sau khi chính quyền Taliban bị đánh đổ, những thay đổi về chính trị đã tạo ra những cải thiện nhất định cho địa vị của người phụ nữ Afghanistan. Mặc dù vậy, theo Liên Hiệp Quốc hiện có khoảng 90% phụ nữ Afghanistan vẫn phải chịu những bạo lực gia đình dưới hình thức này hay hình thức khác.
Lê Anh
(nguồn:nguoi đưa tin.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét