...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Phỏng vấn "Thường Dân"(Sóng gió quanh một bài thơ)

 Dư Hồng Quảng
      Ngưỡng mộ từ lâu, nhưng vừa rồi, tôi mới được gặp Nguyễn Long, người được bạn bè yêu mến gọi là "THƯỜNG DÂN". Người làm thơ, có bài thơ để gọi thay tên mình, Nguyễn Long thật hạnh phúc. Trước khi trò chuyện với anh, chúng ta cùng đọc lại bài thơ này:


dhq trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Long


Thường dân

Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông.
Khi là cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao đâu có làm chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
         Dư Hồng Quảng (dhq): Xuất phát từ đâu anh làm bài thơ này ?
         Nguyễn Long (NL): Mình xuất thân trong một gia đình nông dân ở Thái Bình. Họ hàng bây giờ tất cả vẫn ở quê. Xã hội trước đây, kinh tế như nhau, thấy bình thường. Nhưng từ những năm 90-95 trở lại đây, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở nông thôn càng lớn. Nông dân mình khổ thật. Xem người ta đi làm kìa, quần quật là thế mà ráo mồ hôi là hết tiền. Trong chiến tranh, thường dân ở đầu trận tuyến. Chết con, chết chồng, thương tật, hy sinh...tất cả đổ lên đầu nông dân mà giờ đây, họ không so đò, thắc mắc. Họ thật tốt quá.
        dhq: Họ khổ mà không biết mình khổ nên anh động lòng trắc ẩn ?
        NL: Không phải. Họ biết chứ. Nhưng họ cho rằng số phận nó thế. Thứ hai là cuộc sống thế thì cứ phải thế.
        dhq: Bài thơ của anh vừa ca ngợi vừa băn khoăn cho họ ?
       NL: Có điều đó. Khi viết lời giới thiệu cho tập thơ "Thường dân", nhà thơ Vũ Quần Phương bảo: tiếng thơ Nguyễn Long là thơ đòi công bằng cho người dân.
       dhq: Gia đình anh có ai chịu thiệt thòi ?
       NL: Không, anh em mình trưởng thành, đi công tác cả. Nhưng họ hàng đều ở quê. Nhà thờ họ vẫn ở quê.
       dhq: Anh trăn trở về bài thơ này trong bao lâu ?
       NL: Nghĩ thì lâu lắm nhưng bắt tay viết thì nhanh, hơn một đêm thôi.
      dhq: Lần đầu đăng, bài thơ được đón nhận như thế nào ?
       NL: Mình là thư ký toà soạn nhưng không bao giờ giới thiệu thơ mình. Bài thơ này mình viết như một tâm sự, không định đăng báo. Hội nhà báo của tỉnh có tờ nội san phát hành vài trăm bản, một người bạn bên đó thích bài thơ này, thế là cho đăng. Anh Hà Cừ- Tổng biên tập báo Hải Dương sang chơi, đọc bài, bèn đem về cho đăng trên mục Những bài thơ yêu thích của báo Hải Dương. Sau này, được bạn bè động viên, mình gửi dự thi thơ lục bát báo Văn nghệ.
      dhq: Ai cũng bảo bài thơ đạt giải Nhất 2003 thật xứng đáng. Mừng cho anh và mừng cho người dân.      
     NL: Ai cũng khen thế mà lại có chuyện. Hội đồng chung khảo báo Văn nghệ có 9 người cho 9/9 phiếu. Bạn bè gọi điện chúc mừng, nói rằng chắc chắn bài thơ được giải Nhất. Nhưng 3 hôm sau, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi gọi điện nói có ý kiến cho rằng có thể phải bỏ bài thơ vì nhiều người kiện lắm. Đơn từ cho rằng bài thơ này phản chính trị. Báo lo lắm, bàn nhau hay đưa xuống giải khuyến khích. Định họp lại, nhưng một số thành viên Hội đồng nhất định không chịu họp lại. Họ nói chỉ bỏ phiếu 1 lần thôi. Quyền của báo Văn nghệ muốn trao giải gì thì trao. Nhưng nếu bỏ bài thơ của Nguyễn Long thì họ sẽ lên tiếng. Cuối cùng, một giải pháp an toàn là trao thêm 2 giải Nhất. Bài "Thường dân" dù phiếu cao nhất nhưng xếp cuối trong 3 bài Nhất. Nhưng khi gọi lên trao giải, nhà thơ Vũ Quần Phương lại sướng tên "Thường dân" đầu tiên. Trong bài giới thiệu, anh Phương cũng viết về "Thường dân" đầu tiên. May quá, nếu báo Văn nghệ không bảo vệ được giải thì có người "đánh" mình chết.
      dhq: Bảo vệ bài thơ là bảo vệ sinh mạng chính trị cho tác giả ?
      NL: Đúng vậy. Bè bạn nói bài thơ có gì nói xấu chế độ đâu, chỉ chia sẻ với người dân thôi. Vậy mà một tập đơn kiện lên báo Văn nghệ. Nhưng đồng thời, mình cũng nhận được hàng trăm lá thư gửi về động viên. Một người bạn ở Hội văn nghệ Thanh Hoá nói có ông chú gần 90 tuổi, đọc bài thơ của mình, rồi khóc. Ông cụ bảo có 6 con trai đi bộ đội, chẳng đứa nào chết, nhưng nay về sống khổ. Còn nhớ khi Hội văn nghệ Thái Bình chuẩn bị đi thăm Hội văn nghệ Nghệ An, Anh Lê Thái Sơn- Tổng biên tập gọi điện nói nếu không mời "thường dân" vào giao lưu thì Nghệ An không đón đoàn Thái Bình đâu vì anh em muốn xem mặt nhà thơ "thường dân" (?).
      Ở Thái Bình quê mình hiện nay, bè bạn đều gọi mình là "anh thường dân". Cũng vui nhỉ ? ( cười )

       (nguồn:phong điệp.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét