...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Thú chơi thơ của người xưa

Phạm Thuận Thành
 
Bắc Ninh - Kinh Bắc là nơi có nhiều lễ hội, nhiều thú chơi thể hiện nét văn hoá độc đáo, trong đó có thú chơi thơ. Chơi thơ chính là một môn học bổ trợ. Lúc ở trường học trò chơi thơ có thầy làm trọng tài. Một bài thơ của học trò đọc lên sẽ được thầy gợi ý cho các trò khác bình và tu sửa thêm, khi nào thầy chấm đạt mới thôi. Thú chơi thơ từ đó lan rộng ra đời sống. Các thầy thì coi chơi thơ là thú vui tao nhã. Ở Bắc Ninh còn ghi lại nhiều cuộc thi thơ ở các địa phương, như thi thơ ở chùa Phật Tích, ở chùa Hàm Long, ở huyện Gia Bình, ở huyện Thuận Thành... Cuộc thi thơ thường kéo dài hàng tuần. Một ban giám khảo sẽ nghe và bình phẩm công khai bài thơ của người dự thi.

Những người bạn chơi thơ hợp với nhau thành từng nhóm. Một trong số những nhóm đó còn được nhắc nhớ đến là nhóm các cụ khoá ở Lạc Thổ (Thuận Thành), ở Hương Triện và Ngọc Xuyên (Gia Bình), ở Cách Bi (Quế Võ). Một ngày mùa xuân, các thầy tụ họp ở nhà cụ khoá Cách Bi chơi thơ liền ba bốn ngày. Cuộc vui nào cũng đến lúc chia tay. Cụ khoá Cách Bi thì cố giữ lại, khách thì cố từ ra về hẹn gặp nhau dịp khác. Biết khó giữ bạn, cụ khoá Cách Bi đành đưa tiễn ra bến đò qua sông Đuống, trên đường đi các cụ vẫn tiếp tục rủ nhau làm chung bài thơ. Ý chừng cuộc chơi vẫn còn đang đằm thắm. Tiền chủ hậu khách, cụ khoá Cách Bi được các bạn mời làm câu phá đề. Cụ đọc:
Xuân thiên phó yến nhật trì trì
Chủ viết lưu hề khách viết quy
Nghĩa là ngày xuân còn dài rộng, chủ mời khách sao khách cứ đòi ra về. Cụ khoá Lạc Thổ xin đọc tiếp hai câu thực:
Giao hữu hoa niên sơ ngải phát
Văn ông thọ toán vị kì tri
Nghĩa là chúng ta chơi với nhau từ khi tóc còn để chỏm, đến nay đã quá hiểu nhau rồi mà. Cụ khoá Ngọc Xuyên xin đọc hai câu luận:
Trung đường vị tận tam bôi tửu
Hậu biệt do lưu sổ phú thi
Nghĩa là lúc trước ở trong nhà chúng ta chưa uống xong ba chén rượu mà thơ phú đã tràn ra biết bao nhiêu rồi. Cụ khoá Hương Triện đọc nốt hai câu kết:
Tương tống ân cần đa quyến luyến
Giang đầu trù trướng phiến tình si
Nghĩa là tiễn biệt nhau lưu luyến quá đến nước sông cũng thành tình cảm của chúng ta rồi. Khách xuống đò thì bài thơ cũng vừa hoàn thành.
Chuyện bốn cụ khoá chơi thơ và bài thơ này được người lái đò sông Đuống nhớ và kể lại.

 (báo :Bắc Ninh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét