...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Xuân thu Nhã Tập Bàn Về Người Trí Thức

GS. Nguyễn Đình Chú
Tạp chí Trí tuệ



Với Xuân thu nhã tập mà có người coi là "văn chương hũ nút", "văn chương tắc tị", tôi vẫn muốn chúng ta chú ý nhiều đến bài viết bàn về “trí thức” của bộ ba tác giả: Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ , Nguyễn Lương Ngọc. Riêng tôi, xin được nói ngay đấy là một luận văn xuất sắc, hiếm thấy trong việc bàn về trí thức.
Bản luận văn đặt ra các câu hỏi: Trí thức là gì? Thế nào là kẻ trí thức? Làm sao tới được trí thức?
Và tự trả lời như sau:
"Trí thức là viên ngọc, chứa đựng trong hòn đá. Phải phá hết những chất dày đặc bên ngoài để sáng suốt thu được cả bốn phương sán lạn trong mình". "Trí thức phải là sáng tạo, dù chi là tái tạo Sáng tạo không ngừng. Cho nên không có một địa vị trí thức, một giai cấp trí thức, chỉ việc đạt từ một lần trong đời rồi bình an toạ hướng. Trí thức không phải là một danh phận. Kẻ vô học có thể tới bậc trí thức tuyệt đối, mà một ông thầy thuốc, một ông thầy kiện, một ông thầy học thường khi cũng chỉ là một ông thầy, nếu không thoát ra ngoài cái "học" để tới được bậc trí, nếu tự mãn ở độ đường cùng: danh phận. Bậc trí thúc suốt đời là tinh thần.... Trí thức không có tính cách trưởng giả mà phải từng phút từng giây cảm thông với nguồn đời vô tận, trôi với dòng sông không cùng... Trí thức phải giữ thái độ tiên phong: sáng tạo và tiên phong là nguyên tắc linh hoạt của trí thức... Biết vụn vặt, giỏi khéo một bề, chưa là trí thức. Trí thức cốt tinh thần và tinh thông triết lý (bao quát, tổng hợp). Bằng cấp nọ, học khoa kia, chưa là trí thức. Trí thức ở sâu hơn thế, cao hơn thế, rộng hơn thế. Thấy rộng, nghe nhiều, chưa là trí thức. Trí thức là minh cảm thông với sự vật, không phải chi dừng ở ngoài sự vật mà "thấy" mà "nghe". Trí “khôn ngoan" không phải là trí thức. Trí thức không vụ lợi. Trí thức không phải là “tai mắt xã hội", không phải là “thượng lưu quý phái". Trí thức là tâm óc nhân quần, là cao nhân, là tinh chủng. Trí thức trái với ngu muội (dù học rộng tài cao), trái với theo đuôi người (dù người có hay có đẹp thật), trái với chiều thời, trái với đê hạ. Trí thức tức sáng suốt, tức tự do (cái tự do toàn vẹn của tinh thần), tức biệt lập (cái biệt lập của áng danh sơn) tức thanh cao (cái thanh cao không dời đổi của kẻ sỹ... ) …Trí thức "là mình, biết mình và trọng mình". Bậc trí thức là kẻ sĩ, người tìm diệu, người đến Đạo, luôn luôn gắng tìm và gắng đến. Tạo ra cái "đẹp" - dù chi trong lòng mình - để ý thức sự “thật" muôn đời. Bằng một tâm hồn “trong".
“Tìm đường nhịp nhàng
Đến cõi siêu việt
Đạo lý và thiên chức"

"Có tri thức mà có sáng tạo... Mà có sáng tạo mới có sống và mới có đạo lý: Cái phép tắc sống..? “tri thức chân chính phái nảy sinh ra sáng tạo" (nếu không chỉ là "mọt sách", là “hủ nho", là "trưởng giả"). "Sáng tạo chân chính tất sống theo đạo lý’ (nếu không chỉ là hỗn loạn, là xuẩn động, là vô nghĩa).
"Đạo lý của kẻ sĩ: không hề “trưởng giả" nhưng "vương giả”. Không lo “thành đạt" nhưng bao giờ cũng "thông đạt". Không làm ‘thương nhân" nhưng làm "tao nhân".
"Trí thức là kết từ cá nhân, vào địa hạt xã hội là văn minh. Về phương diện thực hành là Học thuật. Một dân tộc không tự ý thức tất không có Trí thức, không có Học thuật, không có Văn minh. Tất cả các cuộc xây dựng là một câu chuyện tinh thần. Tất cá cuộc sống (cuộc sống lộng lẫy) chỉ là một vấn đề trí thức".
Từ những gì được ba tác giả giới thuyết như trên, tôi có mấy nhận xét sau:
1. Quả thật đây là một quan niệm rất tinh khiết mang ý nghĩa cao đẹp về trí thức. Trước hết, nó vượt lên trên những quan niệm thông thường. Không chỉ với xưa mà cả với nay nữa một khi vẫn coi tri thức là một "danh phận", một "giai cấp", "địa vị", vẫn coi tri thức là “tai mắt của xã hội", là "thượng lưu”, "trưởng giả", “quý phái", "khôn ngoan", "học rộng, tài cao", "bằng cấp nọ, học vị kia". Còn theo đây, trí thức phải là sáng tạo, là tiên phong là linh hoạt, là tinh thần triết lý sâu - cao - rộng, là cảm thông với sự vật là tâm óc của nhân quần, là tinh chủng, là không theo đuôi người, là không chiều thời, không đê hạ, là tự do trợn vẹn của tinh thần, là biệt lập, thanh cao, biết mình và trọng mình, là gắng tìm, gắng đến, là đầy nhựa thơ, hút nhụy nhạc của đất trời để trổ bao điệu thắm tươi những lòng sáng tạo dâng lên bàn thờ Đạo lý, là lẽ sống trong Đời, là kết từ cá nhân để vào địa hạt xã hội là văn minh, vào thực hành là học thuật, là để dân tộc có học thuật có văn minh... Tất cả... là một câu chuyện tinh thần và tất cả cuộc sống (cuộc sống lộng lẫy) chỉ là một vấn đề tri thức.
2. Một quan niệm như thế lẽ nào lại bảo đó là “hũ nút", “tắc tị", "bí ẩn". Không! Nó là cao sâu, cao diệu. Bởi nó hướng về chính "nguyên khí của quốc gia". Các tác giả luận văn tri thức vô tình hay hữu ý, đã kế thừa. triển khai quan niệm cao diệu và tinh khiết đó của Thân Nhân Trung.
Theo dõi tình hình tư tưởng nhân loại ở hạ bán thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI hẳn là chúng ta đang thấy có hiện tượng phục hưng phương Đông, và hiện tượng nhiều người phương Tây tìm đến phương Đông cổ trong khi cảm thấy phương Tây đang lâm vào cơn hấp hối. Chẳng nói đâu xa, cứ nhìn vào các cửa hàng sách tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ thấy bao nhiêu kinh điển Nho gia, Phật giáo, Lão Trang... đã được dịch thuật, in ấn, thu hút khá đông đảo độc giả, sẽ thấy dấu hiệu của một cuộc phục hưng, trỗi dậy lại của triết học phương Đông cổ truyền sau hàng thế kỷ bị đè bẹp. Và từ đó, chúng ta sẽ nghĩ gì khi cách đây hơn 60 năm, Xuân thu nhã tập trong đó có luận văn trí thức của bộ ba tác giả, như trên đã nói?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét