...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Nhớ Tào Mạt

Vũ Ngọc Liễn

Nhắc đến chèo, người ta lại nhớ NSND Tào Mạt - người được mệnh danh là "Vua chèo xứ Bắc" một thời, lại thèm nghe bộ ba chèo "Bài ca giữ nước" kinh điển không thua gì các tích chèo cổ, được coi là một trong những thành tựu nổi bật của sân khấu Việt Nam. Đến nay, "Bài ca giữ nước" vẫn là vở diễn hay nhất trong ca kịch truyền thống.


Khoảng tháng 5 tháng 6 năm 1984, năm Giáp Tý, năm tuổi của tôi, Tào Mạt đột ngột xuất hiện ở Quy Nhơn. Gọi là đột ngột vì không có thư báo trước. Anh tâm sự: một nửa của mục đích chuyến đi này là vào thăm Liễn, xem mấy năm về quê sống ra sao? Những ngày ở Quy Nhơn hai chúng tôi lộn trái ruột gan mà sống với nhau. Vì biết rằng từ đây, cơ hội gặp nhau không dễ chút nào! Trước lúc chia tay, Tào Mạt để lại cho tôi một bài thơ chữ Hán:

Huyết cốt thâm giao sổ thập niên

Thi đàm, Vị Thủy dĩ tương liên

Bi hoan kỷ độ tâm do tráng

Đại tiếu văn chương bất vị tiền.

Nghĩa là:

Đã hàng chục năm kết bạn xương máu

Nước đầm Thi Nại và sông Vị đã liền nhau

Bao bận vui buồn lòng vẫn khỏe

Cả cười văn chương chẳng vì đồng tiền.

Thế rồi dịp tết Nguyên Đán năm sau, năm Ất Sửu (1985), trời Quy Nhơn bỗng xuất hiện mưa phùn rất đẹp, thường gọi là mưa xuân, hiện tượng thiên nhiên hiếm có ở xứ sở này. Tôi mở ti vi, chợt thấy kênh truyền hình Trung ương đang chiếu vở chèo “Ỷ Lan nhiếp chính” của Tào Mạt. Vì xúc động vội viết mấy dòng (cũng chữ Hán) gửi ra cho Tào Mạt:

Tân xuân cựu vũ ức Tào quân

Điện thị đả khai khán Ỷ Lan

Tưởng khỉ tích niên Tào Lỗ tướng.

Nhất huy đoản kiếm cứu giang san

Nghĩa là:

Năm mới mưa cũ nhớ bạn Tào

Mở ti vi xem vở chèo Ỷ Lan

Nghĩ đến thuở xưa vị tướng nước Lỗ cũng tên là Tào Mạt

Chỉ vung gươm ngắn mà cứu được đất nước của ông ta.

Chữ “mưa cũ” mà tôi dùng ở đây với hàm nghĩa là tình bạn cố giao, như câu thơ của Đào Tấn “Kỷ hồi Nam Phố xuân ba lục - Thử nhật Ba Sơn cựu vũ tình” (Mấy lần sóng xuân xanh sông Nam Phố - Ngày nay tình mưa cũ ở núi Ba Sơn).

Tào Mạt là bút danh của Nguyễn Đăng Thục. Anh sinh năm 1930 ở Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Tạ thế năm 1993, hưởng dương 64 tuổi. Thuở nhỏ, Nguyễn Đăng Thục từng ở đợ cho một “danh gia vọng tộc” ở Hà Đông, dòng họ Dương (Dương Khuê, Dương Lâm). Chính môi trường này là điều kiện đào tạo anh từ thuở hàn vi đã tiếp xúc với kinh điển Thánh hiền bằng chữ Hán, viết thư pháp chữ Hán khá chuẩn mực.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đăng Thục gia nhập quân đội, rồi lấy vợ ở Nam Định, anh chọn dòng sông Vị làm quê hương cho đến năm tháng cuối cùng. Câu thơ anh viết cho tôi: Thi đàm Vị thủy dĩ tương liên” nghĩa là nước Đầm Thi Nại (quê tôi) và nước sông Vị (quê anh) nhập vào nhau như con kênh đào dọc theo chiều dài của đất nước mà Tào Mạt là công trình sư.

Cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Đăng Thục gắn liền với cuộc đời hoạt động nghệ thuật sân khấu Chèo qua bút danh Tào Mạt. Cái bút danh mà thiên hạ quen thuộc đến mức nhiều người quên béng cái tên gốc rễ của anh.

Tào Mạt vốn là tên gọi một vị tướng rường cột của nước Lỗ thời Đông Chu liệt quốc (Trung Quốc). Nước Tề hùng cường, nước Lỗ nhược tiểu. Ỷ chúng hiếp cô, cậy cường bức nhược hình như là thuộc tính của kẻ mạnh, của loại người cướp bóc, chém giết để sống trên đầu thiên hạ, xưa nay đều thế. Tề xâm lược Lỗ, vua Tề buộc vua Lỗ phải tổ chức Hội Thề đầu hàng không điều kiện, làm chư hầu nước Tề. Bằng không thì Tề sẽ tiêu diệt Lỗ, vua Lỗ không còn chút đất chôn thây. Không còn đường nào khác, giữa tiệc Hội Thề, Tào Mạt bất ngờ vung lưỡi kiếm ngắn (dấu kín trong người) tóm cổ vua Tề mà rằng: “Ngươi hãy rút hết quân đội ra khỏi nước Lỗ, trả lại đất đai đã chiếm cho vua dân nước Lỗ. Nếu không, ta và ngươi cùng chết”. Thế là, mọi thủ tục pháp lý được giải quyết chóng vánh. Hội Thề làm thân trâu ngựa biến thành Hội Mừng toàn vẹn lãnh thổ. Câu thơ của tôi gửi Tào Mạt “Nhất huy đoản kiếm cứu giang san” có nguồn gốc như vậy. Còn Nguyễn Đăng Thục thì mê tít thò lò cái nhân vật kỳ cục này trong Đông Chu liệt quốc nên lấy đó làm bút danh, làm thần tượng của đời mình.

Có một tối khoảng 7 giờ hơn, Tào Mạt xuất hiện phòng ở của tôi (47 Lê Văn Hưu – Hà Nội) mang theo một bi đông rượu, mà rượu của Tào Mạt thì mùi thơm bát ngát. Thường ngày, anh ghé vào nhà cụ Thế Lữ trước rồi mới đến nhà tôi. Lần này thì từ Cục Chính trị ra, đi thẳng tới gặp tôi, còn nói rằng đêm nay tôi ngủ lại đây. Tôi chạy ra chợ Hôm mua mấy miếng đậu rán đem về, chúng tôi bắt đầu đàm đạo.

- Còn chừng hai mươi hôm nữa là ngày giỗ đầu của Chu Nghi. Tôi nghĩ bọn mình phải làm gì để có ít tiền đưa cho vợ nó làm giỗ chứ? Tào Mạt tâm sự.

Tôi không quen Chu Nghi. Chỉ biết Chu Nghi qua Tào Mạt. Chu Nghi hy sinh ở mặt trận Khe Sanh. Tôi trả lời ngay, chuyện đó dễ giải quá: “Ông và tôi, kéo thêm Đình Nghi và vài đứa nữa góp mỗi người một ít thì thừa sức làm giỗ…” Tôi nói chưa xong, bị Tào Mạt cắt ngang:

- Thế thì có đáng gì phải bàn với ông? Điều mà tôi muốn bàn là, làm giỗ xong còn thừa lại ít tiền mua cho con nó vài bộ quần áo, một số sách vở để cháu nó đi học, vợ nó giữ ít tiền lo việc hương khói về sau. Tôi nghe lọt tai nên cũng vội cắt ngang.

- Vậy ông có phương án gì chưa?

- Đây này, Tào Mạt vừa nói vừa chìa bản thảo cho tôi. Thằng Chu Nghi ra đi, còn gửi lại tôi một bản thảo kịch ngắn, vở Đồng Chí, nếu được dàn dựng ngay bây giờ thì kịp cúng giỗ nó đấy.

Đêm hôm đó nhờ có mấy miếng đậu rán mà đưa đẩy bi đông rượu đến cạn kiệt. Hết rượu Tào Mạt nằm ngủ trên chiếc võng sợi ni lông mắc theo chiều dài của căn phòng bảy mét vuông; còn tôi nằm ở tấm ván mễ kê ngang dưới võng, thức đọc cho xong kịch bản của Chu Nghi.

Trời sáng, Tào Mạt vội về Đoàn Chèo Tổng Cục Chính trị; tôi chạy ra nhà hát lớn tìm Ngọc Phương (Trụ sở Kịch nói Trung ương làm việc nơi này).

Nghe tôi tường thuật đầu đuôi, Ngọc Phương trố mắt hét to: Trời ơi! “Buồn ngủ gặp chiếu manh”. Tôi đang loay hoay không biết tìm đâu ra một kịch ngắn nữa cho đủ bộ ba để hình thành chương trình đêm kịch “Anh Bộ Đội”. Đây quả là trời xui đất khiến.

Hồi đó, tôi đang là Phó phòng Nghệ thuật Sân khấu của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, kiêm nhiệm Thư ký Hội đồng Nghệ thuật Sân khấu của Bộ Văn hóa. Còn Ngọc Phương là đạo diễn giữ chức Trưởng đoàn (hay giám đốc, tôi quên) Kịch nói Trung ương nên các động tác phối hợp của chúng tôi vừa khít với yêu cầu của Tào Mạt.

Nói cho công bằng, bản gốc vở Đồng chí của Chu Nghi còn thô thiển, gầy gò quá. Nhờ có bàn tay của Tào Mạt nhúng vào mà xương thịt của tác phẩm hiện lên đầy đặn, da dẻ hồng hào. Ví dụ, bản của Chu Nghi không có nhân vật Trung sĩ I Nốc; nhân vật này xuất hiện trong tác phẩm Đồng Chí rất sinh động là do Tào Mạt đẻ ra và đắp vào. Tôi rất thích nhân vật này nên các bài phiếm luận của tôi đều ký bút danh Trung sĩ I Nốc là để tưởng nhớ bạn.

Vở kịch ngắn “Đồng Chí” do Ngọc Phương đạo diễn, sau khi công diễn cũng có những tiếng ra tiếng vào, bởi sự xuất hiện nhân vật Trung sĩ I Nốc. Tiếng ra tiếng vào ấy được dẹp yên khi đồng chí Trường Chinh xem kịch rồi gật đầu, cười. Và tôi đã phải viết một bài “Đồng Chí - Một vở kịch hay”.

Nếu tôi không lầm thì trước khi là anh bộ đội Cụ Hồ, Tào Mạt đã từng là nhà sư tu ở chùa làng. Hãy nghe nhà sư Tào Mạt thuyết pháp:

Lý Đạo Thành: Đội ơn Hoàng phi! Hoàng phi là người sùng Phật, lại giỏi về trị nước an dân, chẳng hay Hoàng phi có lúc nào nghĩ đến Phật là thế nào hay không?

Ỷ Lan: Thưa quan Thái sư! Như cháu học hành ít ỏi, trộm nghe rằng Phật là vô thủy vô chung, tự nhiên như trời đất, nên có câu kệ rằng:

Thu vừa tới cúc vàng thơm ngát

Xuân ấm về Oanh hót cành mai

Vừng dương rạng chiếu nơi nơi

Dịu hiền ánh nguyệt chung soi muôn nhà.

Lý Đạo Thành: Vậy thì gốc của Đạo là ở đâu?

Ỷ Lan: Phật đã là vô thủy vô chung thì đạo cũng là hằng sinh hằng diệt. Như cháu học hành còn ít mà bàn về đạo thì có khác gì…

Điếc tai bình tiếng đàn cầm

Mắt lòa mà ngắm trăng rằm khen tươi

Gốc của Đạo Phật là ở chữ Giác. Là người hữu hình nên ai nấy đều muốn biết:

Muốn biết vì sao có núi có sông?

Muốn biết vì sao mà có giống có dòng?

Muốn biết vì sao mà có hoa có lá?

Muốn biết vì sao mà có cây có quả?

Bởi thế, Phật là nghìn mắt nghìn tay

Cháu chưa biết có phải Quan Âm nghìn mắt nghìn tay

Nhưng cháu thấy mọi việc ở đời đều nhờ bàn tay con mắt

Con mắt bàn tay là cho vải vóc đầy nhà, lúa ngô đầy đất.

Còn như chữ Giác phải nhờ ở muôn người

(Đọc kệ) Núi lớn do tích từ hạt bụi

Biển sâu nhờ hợp mọi dòng con

Bàn tay biến cải nước non

Làm nên mọi vẻ vuông tròn gần xa

Trên đây là một đoạn đối thoại giữa Thái sư Lý Đạo Thành và Hoàng phi Ỷ Lan trong vở chèo Ỷ Lan nhiếp chính mà thực chất là vở chèo chống tham nhũng. Cấp độ tham nhũng ở đây từ cung đình mà ra, cho nên theo tác giả cần phải cậy đến chữ Giác của đạo Phật, sự giác ngộ của muôn người, mới mong “Làm nên mọi việc vuông tròn gần xa”.

Cuối năm 1984, Tào Mạt gửi tiếp cho tôi một bài thơ “Tự vịnh” bằng chữ Hán:

Tào Khả mạt hồ phong vị nhuệ

Vinh Khô dĩ tứ thập niên dư

Dương quang nhất trịch thôi xuân sắc

Gia tốc thiên luân bức tuế trừ.

Giáp Tý Xuân

Nghĩa là:

Vịnh về mình.

Có thể nào bị xóa nhòe khi mũi nhọn của chàng Tào còn chưa bén

Hơn bốn mươi năm sang hèn đã trải

Khi ánh dương tắt thì sắc xuân xơ xác

Bánh xe trời tăng tốc thì tuổi đời cũng bớt đi

Mùa xuân năm Giáp Tý

Như vây, bài “Vịnh về mình” anh viết cùng năm tháng anh vào thăm tôi. Đọc câu mở đầu bài thơ tôi thấy hơi ngờ ngợ, đọc hết bài thơ tôi cảm nhận hình như đây là lời trăn trối. Tôi viết thư hỏi anh: Như có điều gì anh còn giấu tôi? Anh trả lời tỉnh bơ rằng: Không có gì phải giấu, thích thì viết thế thôi. Nhưng là người cầm bút, tôi làm sao tin vào lời giải đáp ấy. Ắt hẳn lúc bấy giờ (1984) anh đã cảm nhận được cơ thể anh đang có hiện tượng không bình thường rồi. Cái thằng bạn tồi là tôi, biết bạn đau bệnh mà không biết làm gì để giúp bạn.

Ngày Tào Mạt ra đi tôi không ra tiễn anh được. Viết bài này để khóc anh, tạ lỗi với anh.

ngày 6.5.2011.VNL
(nguồn:BáoBĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét