...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Cây Bàng Vuông

truyện ngắn của Lê Hoài Lương 


Sếp bảo, cậu xem lại thử sách vở nói về cây bàng vuông thế nào, nó có gì đặc biệt mà không riêng gì mình, gần đây trong thiên hạ rộ lên phong trào chuyển tặng cây bàng vuông chiết từ một đảo đá xa xôi của Tổ quốc. Nghe nói nó chỉ hợp thủy thổ sóng gió ngập mặn và nắng ấm.
Sau một chuyến đi thăm đảo, sếp đem về mấy quả bàng chín anh em tặng. Một trong số đó đã thành cây bàng vuông đang lên xanh trong khuôn viên cơ quan. Sếp hãnh diện khoe với mọi người rằng chỉ nuôi từ hạt cây mới thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng rất khác ở thủ đô. Cây bàng mới cao quá đầu người, báo chí đã rất thính nhạy, viết bài, kèm hình cây và người, toàn người nổi tiếng.

Nhưng mà, cậu phải tìm hiểu thêm nhé, phải thật am hiểu những đặc điểm sinh học của nó để biết cách chăm sóc lâu dài.
Thời thánh thần buột miệng hay lời con người sơ xuất đều có thiết bị ghi lại rồi tung lên cho khắp các giới nghe dở cười dở khóc, thì thông tin một giống cây cụ thể, dù có tên trong sách đỏ hay không, không khó tìm lắm.
Và tôi đã có ngay mấy thông tin căn bản, bên cạnh hình cây bàng có hoa như chùm tia màu trắng, đỏ, đẹp như tia sáng pháo bông, quả hình lồng đèn, gần vuông, bốn hoặc năm cạnh. Cây sống ở vùng rừng ngập mặn nhiệt đới Đông Nam á. Thêm chi tiết lính ta sử dụng lá bàng vuông để gói bánh chưng ngày tết nữa…
Nhưng tất cả các thông tin trên chẳng là gì so với chi tiết cách di cư của cây bàng vuông: quả bàng rụng xuống biển rồi mặc cho sóng gió, cho những dòng chảy dập dềnh trôi nổi vài trăm cây số, trôi nổi đến hai năm trong nước mặn chát mà không hư, đến khi một hòn đảo nào đó vớ được. Quả bàng giạt lên ghềnh đá, lên hốc đất, và đâm chồi.
Sếp trầm trồ, vậy à, nếu cậu không phịa thì độc đáo đó. Sức sống cái cây này ghê thật. Hèn chi các vị chọn nó làm biểu tượng cho sự kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, cho kiên trì tồn tại…
Khoa đã bắt đầu thấy lạnh. Cơ thể hăm hai cường tráng của chàng trai đất võ đang có những tín hiệu đuối dần. Cơ bắp anh mấy lần rơi vào trạng thái lơi ra, mấy lần tay anh rời hai quả bí cứu sinh mà không hay. Thực ra, lý trí anh cũng đang dần lơ mơ dù chưa lúc nào nó chấp nhận buông xuôi.
Chắc cũng đã năm giờ chiều. Mặt trời xuống thấp lắm rồi. Có thể lúc văng ra khỏi tàu, cái đồng hồ Seiko chặt góc bung mất. Giờ anh mới nhận ra không còn cái đồng hồ má anh cho tiền mua hồi đi học trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Năm đó nhà trúng mấy sào mía, má tặng con trai vật ao ước từ lâu. ở nông thôn, bọn con trai lứa anh, cái Seiko chặt góc là vật trang sức sang trọng lắm.
Sao tới giờ mình mới nhận ra cổ tay trống nhỉ, anh lơ mơ nghĩ. Sợi lạnh đã thường xuyên chạy từ lưng lên đầu. Mi mắt muốn díp lại, anh giật mình đưa quả bí đao lên ghé răng cạp liền mấy miếng. Trưa giờ đã ăn hết một phần ba quả bí hơn hai ký. Nếu không lạnh cóng và kiệt sức hoàn toàn, phần quả bí này và quả bí đỏ dưới ngực sẽ cung cấp lương thực và nước uống cho anh ba bốn ngày nữa.
Đúng là hai quả bí đã cứu sống anh tới giờ. Cũng chỉ là phản xạ bản năng thôi. Lúc dưới phòng bếp nghe những tiếng nổ mạnh trên boong, tàu chấn động dữ dội. Tiếng chỉ huy, đồng đội, nhanh chóng chìm trong nối tiếp những tiếng nổ chát chúa. Anh lao nhanh lên boong. Một quả pháo liền đó trúng ngay gian bếp, lực nổ hất tung anh xuống nước. Chung quanh đầy mảnh vỡ, nhiều đồng đội loi ngoi cùng máu và bất kỳ vật gì bấu víu được. Anh chụp vội hai trái bí gần đó ôm dưới ngực như phao, và bơi. Những quả pháo kẻ địch tiếp tục rơi chung quanh tung tóe, con tàu bị thương giật nảy mình thêm vài lần nữa rồi chìm nhanh xuống mặt nước tưa tướp. Anh vừa kịp nhìn thấy thằng Nhã cố ngoi khuôn mặt nhầy máu lên một lần nữa.
Mặt nước giờ sôi tung tóe từng tràng mười hai ly bảy. Vài tiếng kêu đau đớn rồi chung quanh hoàn toàn im lặng. Như anh đang im lặng bơi, cố xa hướng tàu địch chừng nào hay chừng nấy. Không còn tiếng kêu đau đớn chung quanh nghĩa là đồng đội hoặc đã chết hết hoặc đang lặng lẽ chối bỏ cái chết như anh.
Chợt nghe có tiếng thuyền máy thật gần. Cả tiếng tri trô xị xộ đắc thắng của kẻ địch, kèm theo vài tràng tiểu liên. Bọn chúng đang chạy rảo để giết sạch người còn ngoi ngóp bơi. Anh nắm hai cuống bí hụp xuống rồi ngửa mặt nấp sau hai quả bí dập dềnh. Lại rải rác tiếng tiểu liên điểm xạ. Rồi tiếng xị xộ tri trô cùng tiếng xuồng máy xa dần. Bấy giờ khoảng bảy giờ sáng. Biển tuyệt đối yên tĩnh…
… Bỗng nhiên tiếng xuồng máy trở lại. Sau gần mười tiếng đồng hồ. Khoa cứ ngỡ tiếng xuồng máy lẩn quất trong tâm trí đang dần mất cảm giác của mình. Nhưng đúng là tiếng xuồng máy thật. Đang mỗi lúc một gần. Anh định hụp xuống rồi ngửa mặt trốn sau hai quả bí như lúc sáng. Nhưng không thể. Mấy ngón tay cứng đờ, quả bí cứ chuội ra. Hai quả bí cứ chuội ra bồng bồng. Thôi vậy, cũng chẳng còn sức để bơi, anh chồm lên ôm lại hai quả bí luồn dưới ngực, mắt ngước nhìn bọn chúng lạch xạch lại gần.
Mấy thằng chĩa súng về anh, xị xộ vài câu gì như mệnh lệnh. Anh nhìn thẳng về phía chúng, chờ tràng đạn rẹt rẹt. Nhưng bọn chúng không bắn mà cứ cho xuồng chạy vờn quanh và cứ xị xộ mấy câu lúc nãy. Kèm theo kiểu ra  dấu hiệu như bảo giơ hai tay lên trời. à, anh hiểu, và làm theo. Khi thấy hai trái bí chuội ra nổi bồng lên, vài đứa trên xuồng máy tri trô rồi bật cười. Thì ra chúng sợ anh ôm giấu vũ khí, bom mìn gì dưới nước. Bọn chết nhát, anh rủa thầm.
Mấy cái móc như câu liêm kéo Khoa lăn ạch lên thuyền. Sau một lát định thần anh mới nhận ra phía cuối thuyền, co ro vì lạnh kiệt, có tám người lính Việt tù binh. Chắc các đồng đội cũng mới được vớt lên trước anh vài giờ. Tất cả đều bị lột sạch áo quần dài, chắc để dễ kiểm soát.
Sự cẩn thận của sếp đã đúng, cây bàng đang ốm. Mùa đông năm nay thủ đô có nhiều đợt rét dưới mười độ. Bắt đầu từ sắc lá xanh không còn biếc. Như người sốt rét kinh niên tai tái, những chiếc lá bơ thờ rồi chết dần trên cành. Cái rét như dao đã cắt đứt những ống nhựa trong thân cây.
Sếp đứng ngồi không yên, hết liên lạc với cơ quan bảo vệ thực vật lại gặp riêng các giáo sư đầu ngành về cây. Lại cáu kỉnh bảo tôi cứ vào các kho mạng xem có nơi đâu gặp trường hợp tương tự, và họ xử lý ra sao. ở cơ quan, tôi là bí thư chi đoàn và là người làm trang tin nội bộ, chuyện internet cũng thạo. Sếp vừa đón từng tệp thông tin muốn tìm từ trên trời chạy ra giấy vừa bảo: Anh bận quá, cậu làm cho kỹ vào, nhé. Sếp đương nhiên là người luôn bận rộn.
Đã có những loại thuốc xịt lên lá tăng cường dưỡng chất cho cây chống chọi sự khắc nghiệt của thời tiết. Đã có thuốc được khuyến cáo làm ấm thân ấm gốc. Thêm giải pháp bao nilon, ngày tưới nước ấm, đêm thắp bóng điện sưởi cho cây. Mọi phân tích sắc sảo của các chuyên gia, mọi đoan chắc hiệu quả cách xử lý của người trồng cây cảnh chuyên nghiệp đều được vận dụng.Từng ngày, những sáng kiến cứ nhiều thêm.
Nhưng cây bàng vẫn kiệt dần, chỉ còn mấy cành lá già gần gốc cố chống chọi. Ngày nào sếp cũng đến bên cây vài lần, ngó chừng từng chiếc lá ít ỏi còn lại. Sếp đến với cây không phải để kiểm tra đoàn thanh niên có hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá phải cứu sống cây không, mà còn bằng một tình cảm chân thành đặc biệt, một niềm yêu như tín ngưỡng. Những cuộc họp giao ban đầu tuần bao giờ cây bàng vuông cũng là một nội dung. Sự chân thành tự hào trước đây và thống thiết bây giờ trong cách nói về cây của sếp, đã dần truyền vào lớp trẻ chúng tôi  một tín niệm mơ hồ. Tín niệm chứ không phải yêu. Tôi cũng đã chuyển tải thành công xúc cảm thiêng nghiêm này đến chi đoàn. Nói thành công vì không có ai phát biểu gì phản đối.
Suốt hai ngày đêm lênh đênh trên biển, Khoa và tám đồng đội co ro một góc tàu vì lạnh và đói, và những vết thương không băng bó đã bốc mùi. Hai thằng xị xộ cầm súng thay nhau canh chín người hoàn toàn kiệt sức đứng không nổi, là thừa. Lại cấm tiệt không cho  nói chuyện với nhau. Nên khi cập một bến cảng và được trả lại áo quần rồi lên xe về một trại giam, Khoa mới tin rằng anh và đồng đội có thể sẽ sống.
Rồi từng người được đưa đi thẩm vấn riêng. Cũng có người bị đánh, do trả lời tiền hậu bất nhất. Phải gần một tháng, bọn chúng mới dừng điều tra khai thác vì không moi được thông tin gì mới hơn những hiểu biết đơn giản về nhiệm vụ người lính công binh xây các công trình cần cho đảo. Rồi tháng ngày của  cuộc sống lao động  tù binh.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi Khoa và đồng đội hàng tuần được ‘‘học tập’’ để hiểu rằng các anh và những người ra lệnh cho các anh ra chiếm giữ đảo là sai thế nào. Mặc kệ chúng mày trò nhồi sọ con nít.
Cuộc sống trong thế giới  không sắc màu này rồi dần quen, những ám ảnh về cái chết của các đồng đội rồi dần vơi, những âu lo, nghĩ ngợi về ngày được trao trả về nước cũng không còn thường trực trong tâm trí. Mặc xác. Còn sống sót là chưa hết số và còn quá trẻ là còn nhiều cơ hội.
Sẽ chẳng có gì đáng nói ở trại tù trừ cái ngày Khoa và các bạn được tiếp xúc Tổ chức Hồng thập tự Quốc tế tới kiểm tra việc đối xử với tù binh có theo quy định của thế giới không. Trước đó mấy hôm, bọn anh không hiểu vì sao chúng cho các anh nghỉ lao động một ngày, cấp cho mỗi người một ít bạc lẻ rồi đưa ra mấy quầy tạp hóa phía trước sắm sanh tiêu pha. Bạn bè mua cả lố hàng mà mới phân nửa tiền. Còn Khoa mua ngay bánh xà phòng Camay đã bảy tệ, vài món hàng loại sang khác là vừa hết số tiền. Gã quản trại hỏi sao không mua hàng Trung Quốc cho rẻ, anh bảo tôi xài hàng Mỹ quen rồi. Gã tròn mắt rồi gật gật đầu ra vẻ hiểu, ánh mắt không giấu nổi thoáng thán phục.
Khoa có chút hả hê. Thật buồn cười là chỉ bấy nhiêu thôi, lòng căm thù chất chứa lâu nay, nỗi đau, nỗi nhục như vơi bớt ít nhiều. Cũng vì quá thù ghét bọn này mà đến khi được trao trả về nước, khác với các bạn, gần bốn năm anh không hề học một chữ tiếng họ. Và, những ngày được về Hải Phòng an dưỡng, bộ phận chính sách hỏi nguyện vọng tương lai, tám chiến hữu kia xin về nhà, chỉ riêng anh mong muốn được tiếp tục phục vụ quân đội, được tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Cả cái xóm nhỏ bên hông Chợ Lớn Quy Nhơn ùa ra vây quanh đón anh. Đúng ngày ông Táo về trời. Phong pháo Khoa mua sẵn định đốt mừng trước nhà  không thể bật được diêm quẹt, anh không ngờ mình run đến mức đứng không vững, vừa lúc má chạy ào ra, hai mẹ con đổ ập vào nhau. Ai đó đã nhặt phong pháo và đốt hộ. Ba anh lặng lẽ lên nhà trên gỡ bàn thờ con trai xuống. Anh cất ảnh thờ và tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công trên đầu tủ như vật kỷ niệm.
Sau tết Khoa lại khoác ba lô vào Nha Trang trình diện đơn vị. Cuối năm anh cưới vợ. Khoa quen Thủy trong sinh hoạt với Đoàn phường kết nghĩa. Nhà Thủy có sạp vải ở Chợ Đầm, kinh tế khá giả. Thủy bảo ngưỡng mộ anh. Gia đình cô đồng ý gả con cho anh bởi yêu cầu “bắt rể’’ được nhà Khoa chấp nhận. Năm sau vợ chồng anh có con Khánh. Hai năm nữa Thủy sinh con Trang. Anh cũng đã đeo quân hàm thiếu úy. Mọi thứ thật tốt đẹp.
Anh đang thấy đời mình như được Trời Phật bù đắp, độ trì thì khi con Trang vừa đầy năm, Khoa được chính ủy trung đoàn mời lên gặp để nhận ‘‘công tác’’ mới. Chính ủy trao cho anh quyết định quân hàm trung úy trước thời hạn vì ‘‘hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ’’. Và những giải thích thật dài, thật mơ hồ nhưng đủ để anh hiểu là đơn vị rất lấy làm tiếc không thể có anh tiếp tục phục vụ…
Thật lạ là dù bất ngờ trước quyết định này, Khoa không chút ngạc nhiên. Như là anh đã chuẩn bị đón nhận nó. Không hẳn vì cảm giác người ta không thật tin mình khi phân công nhiệm vụ, từng đôi lần chờn chợn trước đây. Không hẳn sự điềm tĩnh đối diện bất kỳ tai ương nào vì tất cả đều chẳng là gì khi anh đã từ cõi chết trở về. Có lẽ chỉ là niềm thanh thản của sự trơ lì và chấp nhận. Thứ cảm xúc quá ngưỡng từ lòng kiêu hãnh và  không cam chịu bản tính.
Khoa cũng không thấy có chút oán trách gì cấp trên. Chắc họ phải thật khó khăn với quyết định này. Thôi vậy, không được phục vụ quân đội thì về làm dân. Về với cái tổ nho nhỏ ấm áp của mình.
Anh lại khoác ba lô về nhà, giải thích quấy quá với Thủy và cha mẹ vợ rồi về Quy Nhơn. Ba anh chỉ im lặng nghe anh kể vắn tắt vụ việc và nêu quyết tâm vào Sài Gòn tìm phương cách sống. Má khóc lặng rồi xách giỏ ra chợ mua mấy món anh thích, nấu bữa cơm tiễn con lên tàu vào Nam mơ hồ chuyện mưu sinh. Khoa gỡ hai tấm bằng có chữ ký Chủ tịch nước cuộn lại đem theo, bằng ‘‘Tổ Quốc ghi công’’ và ‘‘Huân chương Chiến công’’ hạng ba. Tấm bằng huân chương không hiểu sao người ta cũng gửi về qua đường bưu điện theo địa chỉ nhà anh ở Quy Nhơn chứ không tổ chức trao ở đơn vị.
Khoản tiền xuất ngũ vừa mua được chiếc xe ‘‘bảy chín’’ cho khởi nghiệp xe ôm ở Sài Gòn. Hai tháng sau, Thủy cũng bồng dắt con vào với anh. Cô gái trắng da dài tóc bán vải Chợ Đầm giờ sáng sáng ngồi bán bánh hỏi Bình Định trước hẻm khu nhà trọ. Cứ chiều chiều má anh nhận bánh rồi gửi theo xe Quy Nhơn chạy suốt đêm, tới sáng anh đến bến đón đem về cho vợ bán.
Khoa chạy xe ôm chủ yếu vào ban đêm, khi những người cũ đứng bến chạy ngày đã về nghỉ. Cuộc cạnh tranh khốc liệt vì miếng cơm manh áo đã bất thành văn sắp xếp những tồn tại theo một thứ luật riêng khó đổi dời.
Đến gần tết, cây bàng chỉ còn lại phần gốc cao nửa mét là xanh da, xanh thật với nhựa cây. Những phần trên teo quắt lại và bạc màu càng nổi bật phần gốc đang sống. Mọi người đều khẳng định mười ngày qua cây không khô thêm. Và mấy mắt lá trên thân tươi lắm, chắc chắn nắng ấm lên là chồi non sẽ bật ra. Bây giờ không chỉ sếp thắc thỏm vì sự sống của cây bàng. Nó thành suy nghĩ thường trực trong phần đông cán bộ nhân viên cơ quan. Nghĩ rằng cây bàng phải sống. Nó không thể chết vì ý nghĩ thường trực trong mỗi người là nó sống, sẽ sống. Không có ý nghĩ khác, tinh thần khác.
Còn mươi hôm nữa là tết, là mùa xuân ấm áp đến, là mùa đông giá rét lùi xa. Mùa của lòng người và đất trời giao hòa…
‘‘A lô, mày bảo ngày mai đi đảo Lý tặng quà tết cho đồng bào nghèo ở đó à’’
‘‘ừ. Có gửi quà cho cô nàng nào thì tao mang hộ cho.’’
‘‘Nghe nói cây bàng vuông ở đó người ta bó bầu để chiết nhiều nhánh làm quà tặng cho khách. Mày cố kiếm cho tao một nhánh nhé.’’
‘‘ối trời, có động mồ động mả chi không mà thằng kỹ thuật nhà mày đâm mê cây cối.’’
‘‘Kiếm cho người bạn thân. Bằng mọi giá phải có đấy. Thân bằng ngón chân cái là vừa. Sẽ hậu tạ.’’
‘‘Ok’’
Sau tết sếp có chuyến công tác nước ngoài mười ngày. Cùng với thời gian nghỉ tết, mấy ngày trước và sau chuyến đi, những bận rộn chuẩn bị, những dư âm lan man, gần hai mươi ngày sếp không ghé lại cây bàng.
Sáng ấy vừa tới cơ quan, gặp tôi sếp chợt nhớ, hỏi có dấu hiệu gì chưa, tôi bảo nó đã đâm chồi, sếp đi vội về phía góc sân trồng cây. Từ xa thấy tấm bao nilon đã gỡ. Cây bàng đã cưa đoạn khô chết, gần vết cưa bật ra ba chồi non sáng óng. Sếp lặng người sung sướng, thấy chưa, mình nói rồi mà, nó sống đấy. Các cậu thành công rồi đấy. Rồi sếp nhìn chăm chú vào vùng đất mới quanh gốc cây ngẫm ngợi rồi bảo, cuối giờ chiều nay cậu gọi mấy đứa lại quán bờ hồ, mình thưởng các cậu một chầu. Nhớ tiếp tục chăm sóc chế độ đặc biệt  nhé, nó luôn cần chăm sóc đấy.
Nghe Thủy nói bà chủ nhà trọ mấy hôm nay ra vô làu bàu về cái cần ăng-ten anh sửa quay hướng khác khiến kênh phim Hàn Quốc mè như cát coi nhức mắt. Và bảo nói anh chỉnh ngay. Chắc có đứa nào mách lẻo, Khoa rủa rất tục rồi cũng leo lên mái sửa lại. Nhưng rồi hôm sau tới giờ truyền các trận World cup, anh cũng lén điều chỉnh để coi. Ban đêm chạy xe, chỉ coi được mấy trận ngày, chiều tối trả lại cho phim Hàn, anh nghĩ là công bằng nên cứ lầm lì thực hiện theo cách đó mặc cho vẻ mặt sừng lên của bà chủ nạ dòng diêm dúa.
Bất ngờ sáng đó khi đang mãn nhãn trận cầu đinh của bảng, mấy công an phường ập vào đọc giấy khám nhà. Trong lúc những người kia lục lạo, trưởng công an phường chất vấn anh bằng vẻ mặt đanh lạnh. Rằng, tối vắng nhà tới sáng lâu nay là đi đâu, gặp gỡ những ai,… Anh khai thật đi, chúng tôi biết cả rồi… Khoa đã bắt đầu hiểu tình hình và gằn giọng giận dữ, nếu các ông đã biết tôi có tội gì thì bắt ngay đi chứ bảo tôi khai gì nữa, bắt ngay đi.
Chợt người công an viên kêu lên sợ hãi, anh Tam, xem… xem cái này… Trưởng công an vội lại cầm tờ giấy khổ lớn, Khoa cũng kịp nhận ra vì sao gã công an hoảng. Đó là hai cái bằng có chữ ký Chủ tịch nước. Trưởng công an thần người một chút rồi quay lại với anh dịu hẳn giọng, chết rồi, xin lỗi anh Khoa, chúng tôi nhầm. Chúng tôi nghe người ta tố cáo anh mà chưa kịp kiểm tra đã xúc phạm anh, xin lỗi, rất xin lỗi anh.
Ngay lập tức trưởng công an bảo các cấp dưới dọn dẹp lại đống ngổn ngang lục lọi vừa rồi. Anh ta ra phía trước vừa gặp bà chủ nạ dòng diêm dúa thò thụt theo dõi cuộc khám nhà, nghiêm giọng, bà phải để gia đình anh Khoa thuê nhà giá cả nhẹ nhàng thôi nghe chưa, bà mà còn hạch sách hay nói bậy về anh Khoa thì liệu hồn đấy. Khi bọn họ đi rồi, anh nằm xoài người ra nền nhà, bật lại trận bóng đá, tự dưng nước mắt ứa ra khóe mắt…
Thủy rồi lại có bầu. Cái thai hành dữ, cô phải ngừng việc bán bánh hỏi. Một mình Khoa phải cáng đáng kinh tế gia đình nên dần thiếu hụt. Anh kiếm mối chở hàng thêm ban ngày. Người lúc nào cũng bơ phờ vì thiếu ngủ. May là tạng người anh rất khỏe nên hầu như không đau ốm gì. Gần ngày sinh Khoa chở vợ và con Trang, con Hạnh ra bến xe về Quy Nhơn để má anh nuôi giúp. Cứ mỗi tuần anh gửi tiền về.
Qua nhà xe quen vào báo tin, lần này anh có con trai. Lòng rộn niềm vui, anh định cố thêm ít ngày nữa về dự đầy tháng con.
Nhưng anh phải về sớm hơn dự định, một tuần sau khi sinh, Thủy bỏ đi, để lại tờ đơn li hôn viết sẵn có chữ ký của cô. Giờ anh mới nhận ra hôm đưa Thủy ra bến xe, lúc chia tay, mắt cô ngân ngấn nước. Hơn một năm tự bươn chải kiếm ăn nhọc nhằn ở Sài Gòn đã đánh gục cô gái con nhà khá giả. Người anh hùng của cô thuở hai mươi đầy lãng mạn giờ là anh chàng xe ôm, chỉ được mỗi việc làm công an phường nể mặt.
Lần đầu tiên Khoa nghĩ lại về sự  may mắn của mình so với hơn sáu mươi đồng đội nằm lại ở biển.
Cây bàng vuông được chăm sóc kỹ, lên xanh rờ rỡ. Sếp vẫn thỉnh thoảng ra ngắm cây và vẫn  nói nhiều về niềm tự hào mà cơ quan đang sở hữu. Có một lần tôi lên phòng sếp xin ý kiến về chương trình dã ngoại ‘‘Về nguồn’’ của chi đòan, sau khi trao đổi công việc xong, sếp giữ tôi ngồi lại uống nước chuyện vãn.
Hồi lâu, sau khi uống đến chén nước thứ hai, sếp mới bảo, cám ơn cậu.
Khoa ở lại Quy Nhơn chăm sóc thằng bé con. Dù buồn thương cho con, ba má anh cũng thật vui khi có cháu nội trai. Chỉ tối anh mới ngủ cùng và lo cho con, hàng ngày đã có ông bà nội.
Chạy xe ôm một thời gian, Khoa xin được một chân trong tổ giữ xe của Chợ Lớn gần nhà. Tổ trưởng là một cựu chiến binh trong khu vực, hiểu và thương anh nên mới có cái ưu ái đặc biệt đó. Công việc đang khá thì Chợ Lớn cháy. Đang loay hoay tính lại chạy xe ôm thì thấy cái thông báo khách sạn K tuyển nhân viên phục vụ bếp. Nộp hồ sơ, thử việc một buổi là anh được nhận. Vừa làm phụ bếp kiếm tiền anh vừa sắp xếp thời gian đăng ký lớp học nấu ăn của Trung tâm Dạy nghề.
Sáu tháng sau, Khoa mở quán phở bình dân tại nhà, buổi sáng bán phở buổi chiều bán lai rai ốc um, bia rượu. Anh đứng bếp kiêm chạy bàn. Lúc đông khách má anh giúp một tay. Thằng nhóc thì gửi nhà trẻ sáng chiều đưa đón, con Trang con Hạnh vào trường Mầm non cũng gần, ông nội dắt cháu đi mỗi buổi.
Đã xa rồi biển xanh ngắt loang máu. Xa rồi những năm tháng tù binh khổ nhục, những đêm thành phố vắt kiệt sức trai tráng và vỡ mộng mọi thứ vì Thủy đã không gắng thêm được nữa.  Mọi thứ đang có vẻ ngăn nắp, bình yên trong một ngôi nhà.
Đã qua mấy mùa giá rét thủ đô. Cây bàng vuông giờ tỏa bóng một góc sân. Sếp cho mua hai bộ ghế đá để dưới gốc, cây bàng càng trở nên gần gũi, thân thiết với mọi người trong cơ quan. Và thật bất ngờ, một buổi sáng, có vị khách ngồi nghỉ chờ giải quyết công việc dưới gốc bàng phát hiện cây đang ra hoa. Những nụ xanh mởn. Chưa nở. Lập tức mọi người tranh thủ ra ngắm hoa mới chỉ nụ. Râm ran một niềm vui dù cũng chẳng rõ vui gì. Nhưng là niềm vui rất thật.
Sếp hẳn nhiên là người vui nhất. Hôm sau hoa nở, rồi nở nhiều, những chùm tia sáng hồng thật tinh khôi. Cũng lạ, cây và lá xanh tươi, to khỏe mà hoa lại duyên dáng, tinh tế. Sếp bảo tôi chụp hình đặc tả cây và hoa giới thiệu lên trang tin cơ quan.
Nhiều bạn bè, phóng viên các báo tới ngắm hoa, chụp hình. Sếp hưng phấn kể về cây và quả bàng vuông, nhất là quả bàng lênh đênh hơn hai năm trên biển trong đủ các cung bậc sóng xô gió vùi rồi mọc lên trên vùng đất mới. Cây là biểu tượng cho sự kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, cho kiên trì tồn tại…
Tôi nghĩ, không hẳn vậy. Vì nếu nói kiên trì tồn tại, khó có loài nào hơn cỏ. Muôn đời cỏ cam chịu và vĩ đại.
Chiều nay Khoa nghỉ bán ốc um. Nghỉ bán vài ngày để dọn dẹp lại nhà cửa, tuần sau anh cưới vợ. Cô giáo trường mầm non sẽ là mẹ của các con anh. Anh vốn chẳng có thời gian để gặp gỡ quen biết cô gái nào từ khi Thủy bỏ đi. Cô Tâm hỏi thăm ba anh những lần đưa đón cháu, hiểu hoàn cảnh và qua vài người bạn làm cầu nối cho mấy lần gặp gỡ buổi tối cà phê. Tình cảm đến với hai người thật tự nhiên. Họ quyết định thành vợ chồng. 
Anh chở các con ra biển. Đây là lần đầu tiên từ ngày về lại Quy Nhơn anh ra đứng trước biển quê hương. Cũng là lần đầu bốn cha con đi với nhau. Hai chị lớn tha hồ chạy đùa vui bên sóng. Thằng nhóc lẫm đẫm í ới gọi. Anh bày con làm nhà cát. Bọn trẻ rất thích trò chơi này. Chúng còn chạy  tìm những vật sóng đùa vào để trang trí chung quanh.
Biển vẫn muôn đời dào dạt sóng. Những con thuyền đang yên bình bồng bềnh buông neo. Vài giờ nữa thuyền sẽ ra khơi để ngày mai hy vọng chở về đầy ắp cá. Tiếng cười vui bọn trẻ trong veo bên sóng khi nhặt được một khóm rong tươi óng mới dạt vào  như biển vừa sinh ra.
Bất giác Khoa mỉm cười, hít thật căng lồng ngực vạm vỡ và bật thốt, ngày mai…

(Nguồn: Văn nghệ số 30/2012)
(Van VN.net
)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét